Tin tức : Chuyên môn

Một số nội dung cơ bản về giáo dục môi trường.

1. Các thành phần của môi trường.

Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác. (Khoản 2, điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014). Các thành phần của môi trường có mối quan hệ tương hỗ với nhau, một yếu tố bị ảnh hưởng thì các yếu tố khác ảnh hưởng theo.

2. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành. (Khoản 2, điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014). Đối với học sinh hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể như; xây dựng cảnh quan môi trường, nhà trường và lớp học xanh sạch đẹp, vệ sinh trường lớp, trồng và chăm sóc cây hoa, thu gom và xử lý rác thải, tham gia các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường sống...

Hiệp Hòa có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường như; cac trường học có phong trào thi đua xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp, ngày chủ nhật xanh, đường hoa, cấm triệt để hoạt động của lò ghạch thủ công, xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương như; rau cần – Hoàng Lương, Trám đen – Hoàng Vân, Rau ở các xã ven sông Cầu, bưởi diễn – Lương Phong, xây dựng các làng nghề đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường, như nghề mộc ở: Đoan Bái, Mai Đình, Lương Phong, Châu Minh, Xuân Cẩm…. với nhiều kế hoạch văn bản chỉ đạo cụ thể.

3. Các nguyên tắc bảo vệ môi trường

(Trích điều 4. Nguyên tắc bảo vệ môi trường – Luật Bảo vệ môi trường năm 2014)

1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

2. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

3. Bảo vệ môi trường phải dựa trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu chất thải.

4. Bảo vệ môi trường quốc gia gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu; bảo vệ môi trường bảo đảm không phương hại chủ quyền, an ninh quốc gia.

5. Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

6. Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên và ưu tiên phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường.

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường.

8. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

4. Những hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ môi trường.

(Trích điều 7. Những hành vi bị nghiêm cấm – Luật Bảo vệ môi trường năm 2014)

1. Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên.

2. Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.

3. Khai thác, kinh doanh, tiêu thụ các loài thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

4. Vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

5. Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.

6. Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.

7. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

8. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

9. Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức.

10. Nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch; vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.

11. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

12. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.

13. Xâm hại công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường.

14. Hoạt động trái phép, sinh sống ở khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là khu vực cấm do mức độ đặc biệt nguy hiểm về môi trường đối với con người.

15. Che giấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động bảo vệ môi trường, làm sai lệch thông tin dẫn đến gây hậu quả xấu đối với môi trường.

16. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.

 

5. Trách ngiệm của công dân trong bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là các hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoai, phục hồi và cải hiện môi trường; khai thác sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống, sức khỏe, cuộc sống của mọi người và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quy định này ghi nhận quyền và nghĩa vụ về bảo vệ môi trường của công dân, tạo cơ sở hiến định cho việc xác lập quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường vì lợi ích của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau của mọi chủ thể trong xã hội.

Luật bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa quy định trên của Hiến pháp, xác định bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, “là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đính và cá nhân”.

Thông qua những quy định của Luật bảo vệ môi trường, có thể thấy quyền và trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ môi trường bao gồm những nội dung:

- Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học;

- Bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên;

- Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải;

- Phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ôzôn; các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường;

- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường;

- Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.

- Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường;

- Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường;

- Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường;

- Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường….

 

6. Tại sao cần phải giáo dục ý thức học sinh trong việc bảo vệ môi trường.

             Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường là một giải pháp bảo vệ môi trường cho tương lai nhân loại nói để phát triển bền vững.

Hiện nay, cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, đối lập với nó, tình trạng ô nhiễm môi trường lại có những diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ của riêng một vùng nào, mà ở khắp nơi, cả nông thôn, thành thị, miền núi, miền biển, cả các nguồn nước và không khí…. Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo vệ môi trường, ở nước ta, 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% các bãi biển đã bị ô nhiễm, hủy hoại về môi trường; 70% các làng nghề ở nông thôn đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng nước biển xâm nhập vào đất liền; đất trống, đồi núi trọc và sự suy thoái các nguồn gien động thực vật đang có chiều hướng gia tăng là hệ quả của việc hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội.

           Để khắc phục những hậu quả trên phải cần một thời gian dài, liên tục, ngay từ bây giờ và tốn kém nhiều công sức và tiền của. Do đó, bảo vệ môi trường nên bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nhất là cho học sinh, sinh viên. Hiện nay, vấn đề giáo dục ý thức, trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường trong các nhà trường chưa được chú trọng đúng mức, bảo vệ môi trường chưa được xem là một môn học ở các cấp học phổ thông, ngoại trừ một số trường đại học, cao đẳng có môn học chuyên ngành về môi trường. Bộ môn này mới chỉ được lồng ghép trong các môn sinh học, giáo dục công dân, địa lý và một số tiết học ngoại khóa. Một số cuộc thi bảo vệ môi trường đã được tổ chức trong trường học, song nhìn chung, vẫn còn mang nặng tính hình thức. Do vậy, ý thức bảo vệ môi trường vì thế chưa hình thành rõ nét trong tầng lớp học sinh kể cả ở nông thôn hay thành thị….Để công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường mang lại hiệu quả, khi giáo dục bảo vệ môi trường chưa thể là một môn học thì cần giáo dục cho học sinh bắt đầu từ những việc làm, hành động nhỏ nhất như trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trường lớp; tổ chức các diễn đàn về môi trường để học sinh tham gia một cách dân chủ; giáo dục học sinh có ý thức tiết kiệm năng lượng như điện và nước, khuyến khích học sinh có các ý tưởng sáng tạo tái chế rác…

            Cùng với việc lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường trong các bài giảng, giáo viên cần làm gương cho học sinh trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích học sinh tự giám sát việc bảo vệ môi trường của nhau, từ đó nhắc nhở, tuyên dương kịp thời các hành vi, hoạt động thân thiện với môi trường. Nhà trường cũng cần ban hành những quy định cụ thể về việc bảo vệ cảnh quan môi trường lớp học, nhà trường, đường phố, nơi cư trú... đưa ý thức bảo vệ môi trường thành một tiêu chí để đánh giá, xếp loại giáo viên, học sinh…
         Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng, giúp học sinh biết yêu thiên nhiên, hiểu được tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống và hơn nữa biết cách chăm sóc, giữ gìn hành tinh xanh…

ST

Xem thêm...

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online:

Hôm nay:

Tổng lượng truy cập: