Giới thiệu
Hoàng Vân là
một miền quê thuần nông, nhưng có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu nước.
Hoàng Vân còn là quê hương mà các trường học danh tiếng đặt địa điểm sơ tán
thời chiến tranh như : trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh) ; trường cấp 2 Hiệp Hòa ;
trường đại học Bách Khoa, Viện Luyện Kim... nên phần nào cũng có những tác động
tốt đẹp đến truyền thống hiếu học của nhân dân địa phương. Sự nghiệp GDTH của
Hoàng Vân có từ thời kì trước và sau những năm đất nước giành độc lập, nhưng
trong thời gian khó khăn đó chỉ là những nhóm nhỏ, lớp lẻ, GV do những người có
văn hoá được học từ nơi khác chạy tản cư xây dựng lớp học tại đình hoặc chùa ở
các làng trong xã ... Những năm sau năm 1950 có hình thành trường, khi đó là
trường chung của tổng Hoàng Vân. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ mới có trường
cấp 1 của 2 xã gọi là trường cấp 1 Hoàng Tiến.
Đến khoảng năm 1959-1960 trường được tách ra để mỗi xã
có một trường cấp 1 lúc đó có tên là Cấp 1 Quyết Tiến ... Sau này khi xã đổi
tên thì trường có tên là cấp 1 Hoàng Vân và địa điểm trường chính ở đồi Đống Mú
hiện nay (Đồi Đống Mú là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hiệp
Hoà). Trong thời kì này có các thầy Tẩn, thầy Sung, Thây Thê, Thầy Am làm hiệu
trưởng. Trong thời kì này trường lớp toàn là tranh tre vách nứa và học nhờ các
thôn.
Năm học 1966 - 1967 chiến tranh phá hoại miền Bắc của
đế quốc Mĩ, trường sơ tán về ba địa điểm: thôn Vân Xuyên, thôn Lạc Yên, thôn
Vạn Thạch, thôn Liễu Ngạn, những năm này thày và trò đội mũ rơm đến lớp. Điều
kiện đi lại để lên lớp giảng dạy là hết sức khó khăn nhưng công tác dạy và học
vẫn được duy trì bình thường. Năm học 1970 – 1971 một số lớp sơ tán chuyển về
trung tâm trường học vẫn là những lớp
học tranh tre nhưng công tác dạy học có điều kiện tốt hơn.
Những năm học 1976 – 1990 đất nước hoàn toàn thống
nhất theo chủ trương cải cách giáo dục của Chính Phủ, trường nhập với trường
cấp II thành trường phổ thông cơ sở do thầy Ngô Quốc Toản làm hiệu trưởng, thầy
Chu Quang Am, thầy Nguyễn Văn Tám làm phó hiệu trưởng trường cấp I, thầy Dương
Văn Hương, cô Nguyễn Thị Hải, thầy Nguyễn Tiến Miện, thầy Nguyễn Xuân Miễn,
thầy Chu Quang Hiển, cô Nguyễn Thị Đưa lần lượt làm phó hiệu trưởng trường cấp
II. Những năm này đất nước hòa bình, cơ sở vật chất cũng được thay thế dần tranh,
tre, nứa, lá bằng phòng học cấp 4. Riêng một số lớp cấp1 vẫn học ở khu lẻ.
Từ năm học 1990 – 1991 theo chủ trương của Chính phủ
trường lại tách ra từ trường phổ thông cơ sở Hoàng Vân và lấy tên là trường TH
Hoàng Vân cho đến nay. Những năm học này trường có từ 17 lớp đến 25 lớp với số
học sinh dao động từ 450 đến 700 em. Khi mới tách trường rất khó khăn về CSVC,
phải học chung với cấp II, và học nhờ ở Đình, chùa, nhà kho của các thôn. Cho
đến năm 1992-1994 ông Ngô Xuân Nguyên nguyên giám đốc sở GD đã xin nguồn ngân
sách nhà nước cho xây dựng được 8 phòng học kiên cố và 2 phòng chờ thì trường
không chung CSVC với cấp 2 nữa. Lúc đó khuôn viên nhà trường chưa bằng phẳng,
không tường bao, không có cổng trường theo quy định ... Trường đã được sự quan
tâm của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ của phụ huynh và sự cố giắng của BGH... Từ
năm 1996 đến năm 2000 trường đã tiếp tục xây dựng thêm nhà văn phòng, phòng
hiệu trưởng, phòng thư viện, phòng đồ dùng, phòng nghệ thuật, trường đã cho san
đất lấy mặt bằng xây tường bao, lát các lối đi trên sân, làm cổng, biển trường,
trồng cây lấy bóng mát, sắm thêm bàn ghế HS, GV...
Những năm học từ 1990 mới tách đến 2002 do ông Dương
Văn Hương làm hiệu trưởng đã chỉ đạo chung các hoạt động của trường với lòng
nhiệt tình, trách nhiệm. Đội ngũ CBGV-HS của trường cùng cố gắng đã đưa trường
từ xếp loại TB đến khá rồi đến tiên tiến, tiên tiến xuất sắc cấp huyện. Chất
lượng học sinh đại trà và mũi nhọn được nâng dần lên... Đến tháng 5/2000 trường
TH Hoàng Vân được công nhận là trường chuẩn quốc gia.
Từ năm được công nhận chuẩn, trường vẫn tiếp tục
tham mưu với ĐU, UBND, HĐND xã và kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh HS và sự hỗ
trợ kinh phí của nhà nước để tăng cường CSVC nhà trường. Từ năm học 2002-2003
đến 2013 trường do cô Nguyễn Thị Oanh làm HT và cô Lại, Cô Hiền, thầy Ngô Tuấn
Dũng làm HP. Trong những năm học 2001-2002 đến năm 2010-2011 trường có rất
nhiều cố gắng, nhưng có năm do hoàn cảnh khác nhau, trường đạt 6 năm tiên tiến
cấp huyện. Cho đến năm 2012-2013 cơ sở vật chất của trường đã khá hoàn thiện.
Phòng học: có 14 phòng kiên cố 5 phòng cấp 4; có phòng chức năng: 9 phòng tạm
đủ; Trường có nhà để xe cho GV, HS; có khu vệ sinh bán tự hoại cho HS, GV;
trường có sân chơi, bãi tập đảm bảo.
Tháng 8/2012 cô Lê Kim Oanh về làm Hiệu phó, tháng 11/2013 cô La Thị Hường về làm hiệu trưởng,
khuôn viên trường được cải tạo để tiến tới đạt xanh-sạch- đẹp. Chất lượng GDHS
được nâng dần. Chất lượng đội ngũ cũng được nâng lên. Trường đạt tiên tiến cấp
huyện và được xếp thứ 7/35 trường trong huyện.
Đặc biệt
trường đang tham gia dự án dạy học theo mô hình trường Tiểu học mới VNEN và
bước đầu gặt hái được kết quả đáng kể.
Tóm lại : Trong quá trình phát triển,
nhiều lần nhập - tách, từ năm thành lập, cơ sở vật chất nhà trường từ tranh,
tre, nứa, lá, rơm, rạ, nhà cấp 4 đến nay cơ sở vật chất nhà trường đã khang
trang, đầy đủ điều kiện để thầy và trò nhà trường tham gia giảng dạy và học
tập, cộng nhiều năm trường đạt trường
tiên tiến cấp huyện . Đó là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng,
chính quyền địa phương các cấp và nhân dân ủng hộ và truyền thống hiếu học của
nhân dân địa phương, sự tận tụy của các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý qua
các thời kỳ tích tụ lại để có ngày hôm nay. Tiếp bước truyền thống của các thế
hệ đi trước, ngày nay thầy và trò nhà trường đã và đang phấn đấu xây dựng
trường ngày càng phát triển xứng đáng với truyền thống của Hoàng Vân – quê
hương cách mạng, anh hùng.
Kính thưa các vị đọc giả và các anh cựu học sinh, vì
rất nhiều lý do khác nhau nên việc sưu tầm, biên soạn truyền thống của nhà
trường còn rất nhiều khiếm khuyết. Trường rất mong được sự góp ý chân tình của
quý vị để lịch sử của trường TH Hoàng Vân ngày càng hoàn thiện hơn.
Hiệu trưởng