Tin tức : Chuyên môn

Thực trạng môi trường ở nước ta hiện nay.

Thực trạng môi trường ở nước ta hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đang giành được những thành tựu hết sức to lớn. Nền kinh tế phát triển nhanh, ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng hiện đại. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên đi kèm với sự phát triển kinh tế là nguy cơ về ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và sức khỏe nhân dân. Bảo vệ môi trường để hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Đảng đề ra.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, Nghị quyết 2997 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (12-1972) đã quyết định thành lập UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc) và lấy ngày 5-6 hàng năm là Ngày môi trường thế giới. Từ khi thành lập đến nay, UNEP đã hoạt động tích cực, cùng với cộng đồng quốc tế đạt được nhiều thỏa thuận hết sức quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường. Có thể kể tới như: Công ước đa dạng sinh học (5-1993) có mục tiêu chính là nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành phần của đa dạng sinh học và chia sẻ công bằng, hợp lý những lợi ích thu được từ việc sử dụng tài nguyên sinh học; Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (11-1994) có mục tiêu ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu; Nghị định thư Kyoto (9-2002) buộc các nước tham gia phải cam kết đạt được các mục tiêu về thải khí nhà kính được xác định cụ thể cho từng nước; hay Công ước Viên về bảo vệ tầng ô zôn (1994);... Nhìn chung các văn bản quốc tế đó đều khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và yêu cầu các nước tham gia có trách nhiệm hơn trong hoạt động bảo vệ môi trường. Việt Nam đã tham gia ký kết hầu hết các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ môi trường, Tiêu biểu như: Công ước đa dạng sinh học; Công ước di sản; Công ước Ramsar; các Công ước MARPOL, SOLAS, COLREG... Đặc biệt ngày 23-6-1994, Việt Nam đã tham gia ký Công ước Luật biển 1982.

Nước luôn tuân thủ những quy định quốc tế về vấn đề môi trường và nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, Nhà nước đã hai lần ban hành Luật Bảo vệ môi trường vào năm 2005 và 2014 cùng với một số Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như Nghị định 179/2013/NĐ-CP, Nghị định 18/2015/NĐ-CP... Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam (năm 2005) đã dành bốn điều quy định về Bảo vệ môi trường biển (từ điều 55 đến 58). Cụ thể hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ngày 6-3-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NÐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo...

Hội nghị Trung ương 4 khóa X (2-2007) ra Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển... làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển”([1]1).

Nhờ đó, trong thời kỳ đổi mới, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả quan trọng, như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đánh giá: “Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi và xử lý vi phạm được chú trọng. Việc quản lý, sử dụng đất đai, nguồn nước, khoáng sản chặt chẽ và hiệu quả hơn. Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, định giá tài nguyên có bước tiến bộ; khai thác, sử dụng phù hợp hơn theo cơ chế thị trường và được giám sát chặt chẽ hơn...Đây là những kết quả thiết thực, đáng khích lệ trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang đặc biệt nghiêm trọng hiện nay.

Về hạn chế, yếu kém, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều mặt còn hạn chế; pháp luật, chính sách thiếu đồng bộ; thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm (...). Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi còn nghiêm trọng, nhất là tại một số làng nghề, lưu vực sông; xử lý vi phạm môi trường chưa nghiêm. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa cao. Nhiều hệ sinh thái tự nhiên, nhất là hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, thảm thực vật biển giảm cả về diện tích và chất lượng. Công tác bảo vệ rừng còn bất cập, tình trạng chặt phá và cháy rừng còn xảy ra. Nhiều loài sinh vật, nguồn gen quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Việc khắc phục hậu quả về ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại còn nhiều khó khăn... Sử dụng năng lượng tái tạo (điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời,...) còn ít”(3[1]). Đây là hạn chế, yếu kém cần nhanh chóng khắc phục.

Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân gây ra thiên tai, dịch bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo. Theo thống kê của Bộ Y tế (năm 2014), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người mắc mới do tử vong do ung thư cao trên  thế giới (với khoảng 200 nghìn người mắc mới và hơn 70 nghìn người tử vong mỗi năm). Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp như sốt phát ban, cảm cúm, viêm não, viêm gan... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và sức khỏe con người.

Biến đổi khí hậu gây ra tình trạng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, “Chất lượng dự báo, nguồn lực và năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập úng ở một số thành phố lớn chậm được khắc phục. Sạt lở ven biển, ven sông và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là những hạn chế, bất cập đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, đặc biệt là vấn đề ngập úng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khi mùa mưa đến.

Môi trường nước ta đang bị ô nhiễm nặng, trong đó ô nhiễm nhất phải kể tới ô nhiễm không khí và nguồn nước. Hà Nội có tới 237ngày/năm chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại. Hà Nội bị liệt vào một trong mười thành phố ô nhiễm không khí cao nhất thế giới (theo Báo điện tử Tiền Phong, ngày 4-3-2016). Một số sông, hồ trên địa bàn Thủ đô bị ô nhiễm nặng, như sông Nhuệ và sông Tô Lịch, đã trở thành những dòng sông chết.

Trong những năm qua, tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức và sử dụng chưa hợp lý gây lãng phí lớn, Đảng ta chỉ rõ phải “Khai thác, sử dụng khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô... Khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước...”, không vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại môi trường, lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy tình trạng khai thác và sử dụng tài nguyên ở nước ta còn nhiều bất cập.

ST

Xem thêm...

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online:

Hôm nay:

Tổng lượng truy cập: