TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

tin tức-sự kiện

Kinh nghiệm giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập tại các trường học

Kinh nghiệm giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập tại các trường học

Lâu nay, các trường học đã có nhiều phương pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành nhân cách cho các học sinh. Đối với các trường có trẻ khuyết tật cùng học hòa nhập, đòi hỏi nhà trường và giáo viên cần có nhiều phương pháp trong việc rèn luyện, giáo dục các em. Từ những kinh nghiệm của mình, Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh đã và đang giúp các trẻ khuyết tật có môi trường học tập thân thiện, gần gũi.
                                                                 Cô giáo Hoa Hạ đang nắn nót từng nét chữ cho bé Hạnh

Đến lớp 1B, Trường Tiểu học Kim Đồng, nếu để ý, chúng ta sẽ nhận thấy trên bảng, cô giáo viết riêng những từ đơn giản để cho học sinh khuyết tật có thể dễ dàng đọc và viết. Bên cạnh đó, cô còn luôn gần gũi, giúp đỡ các em nắn nót từng nét chữ.

Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hoa Hạ cho biết: dạy các học sinh lớp 1 đã khó, đằng này chúng tôi kèm thêm những trẻ khuyết tật, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Lúc đầu đến trường, bé Hạnh rất nhút nhát, không muốn gần ai cả, học và đọc rất vất vả. Nhưng bằng phương pháp sư phạm của mình, tôi đã động viên, thường xuyên gần em, chỉ bày từng chuyện nhỏ nhất đến việc học các chữ và các số. Bây giờ, thì em đã mạnh dạn hơn trước, tôi vui vì các bạn trong lớp rất quý Hạnh.

Nhờ đó, từ một trẻ bị thiểu năng trí tuệ, giờ đây bé Hạnh đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Anh Nguyễn Định, khóm Vinh Quang, thị trấn Hồ Xá (bố em Hạnh) chia sẻ: được sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường, cô giáo chủ nhiệm, cô tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ cháu, cháu ngoan, nếu không cho đi học thì trí tuệ hạn chế phát triển. Năm vào lớp 1 cô tận tình giúp đỡ cháu, cháu tiếp thu phần nhỏ nhận thức trên lớp. Giờ cháu viết được chữ, đánh vần 2 từ trở lên, đó là điều gia đình phấn khởi nhất.

Tuy nhiên, để các giáo viên dạy tốt trẻ hòa nhập, nhà trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ, từ việc chọn giáo viên, đến bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho các giáo viên. Năm học 2014 – 2015 này là năm đầu tiên, trường đón nhận 2 học sinh khuyết tật học hòa nhập. Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Đức Bài, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, huyện Vĩnh Linh cho biết: trước hết, ngoài chọn giáo viên tận tâm tận tụy, có nhiều yếu tố mềm hóa, nhẹ nhàng, nhà trường còn tăng thêm mối quan hệ giữa giáo viên và nhà trường, các học sinh khuyết tật. Giáo viên phải có số điện thoại thường xuyên liên lạc với gia đình nắm bắt tình hình học sinh khuyết tật để các em có cơ hội gần gũi với cô giáo, tạo cho các em hòa nhập tiến bộ hơn

Trên thực tế, tại Quảng Trị có rất ít trường tiếp nhận học sinh bị khuyết tật học hòa nhập. Tuy nhiên, với những phương pháp của nhà trường, trách nhiệm và sự tận tâm, tận tụy của các giáo viên, các học sinh khuyết tật sẽ tiến bộ hơn. Và hơn hết, gia đình cần là chỗ dựa vững chắc, môi trường tốt để rèn luyện giúp các em sẽ sớm được hòa nhập cùng cộng đồng xã hội. 

Tác giả bài viết: Nguyên Bảo – Thanh Châu

(Theo http://quangtritv.vn/index.php/vi/news/KINH-TE-XA-HOI/Kinh-nghiem-giao-duc-tre-khuyet-tat-hoa-nhap-tai-cac-truong-hoc-1233/ )

Tác giả: Nguyên Bảo – Thanh Châu

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT