TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

tin tức-sự kiện

CHIA SẺ VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC 'BÀN TAY NẶN BỘT'

CHIA SẺ VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC "BÀN TAY NẶN BỘT"

"Bàn tay nặn bột" là mô hình giáo dục tương đối mới mẻ trên thế giới, có tên tiếng Anh là "Hands on", còn tiếng Pháp là "La main à la pâte", đều có nghĩa là "bắt tay vào hành động". Chương trình tập trung phát triển khả năng nhận thức của trẻ em một cách khoa học nhất, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề. Trí óc trẻ thơ luôn cảm thấy tò mò trước những hiện tượng mới mẻ của cuộc sống xung quanh, bởi vậy các em luôn sẵn sàng bật ra những câu hỏi "tại sao”.

Phương pháp dạy học "Bàn tay nặn bột" sẽ dẫn dắt học sinh đi từ chưa biết đến biết. Giáo viên sẽ cho học sinh tiếp xúc với hiện tượng, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành nghiên cứu qua thực nghiệm. Nhờ đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ, và điều này sẽ góp phần không nhỏ trong sự hình thành tác phong và phương pháp làm việc của các em khi trưởng thành.. Phương pháp “Bàn tay nặn bột” luôn coi học sinh là trung tâm của quá trình nhận thức, chính các em là người tìm ra câu trả lời và lĩnh hội kiến thức dưới sự giúp đỡ của giáo viên.

Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là phương pháp dạy hình thành kiến thức cho học sinh bằng các thí nghiệm, thông qua cách học sinh chia nhóm để tự làm, tự trao đổi, nghiên cứu, quan sát để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề trong cuộc sống, người GV chỉ đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, trong quá trình bắt tay vào làm quen với phương pháp mới này, thầy và trò đều phải nỗ lực nhiều hơn. Dạy phương pháp này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có tầm hiểu biết rộng, có sự chuẩn bị công phu cho mỗi giờ học từ dụng cụ thí nghiệm, trang thiết bị học tập đến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình học sinh làm thí nghiệm. Bởi khi bắt tay vào làm thí nghiệm, khi thấy có bất cứ hiện tượng gì xảy ra, các em đều đặt ngay câu hỏi “tại sao”. Điều này đòi hỏi giáo viên phải vững kiến thức để cùng các em giải đáp các thắc mắc, lý giải các hiện tượng một cách khoa học.

Trên thực tế, phương pháp “Bàn tay nặn bột” không hoàn toàn là mới đối với các giáo viên. Về cơ bản, đây là phương pháp tổng hợp của các phương pháp dạy học trước đây mà giáo viên đã từng tiếp xúc như: phương pháp giảng dạy giải quyết vấn đề, phương pháp dạy học tích cực...Trong phương pháp này, yêu cầu đặt ra đối với giáo viên là tạo tình huống để học sinh phát hiện ra vấn đề trong bài học, từ đó để các em tự đưa ra các tình huống giải quyết vấn đề để đi đến kết quả, giúp tạo lập cho học sinh thói quen làm việc như các nhà khoa học và niềm say mê sáng tạo phát hiện, giải quyết vấn đề. Mục tiêu này rất quan trọng bởi trong cuộc sống các em gặp phải rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Do vậy giáo viên phải là người hướng dẫn cho học sinh kĩ năng tự mình phát hiện và giải quyết vấn đề ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tác giả: NGUYỄN HƯNG

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT