tin tức-sự kiện

Những câu chuyện kể về BÁC HỒ
Bác có phải là vua đâu

Có một số người có ngôi cao, chức cả, sống trong sự trọng vọng, chiều chuộng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi.
Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng, Bác gạt đi: Bác còn khỏe, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời đã gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:
- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?
Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm thường chỉ có ở khúc sông Hồng đoạn Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:
- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thưởng thức.
Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.
- Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!
Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.
Những anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hàng ngày vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống dắt xe chờ Bác đi qua rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ. Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo:
- Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu có phải là cái đền có biển “hạ mã” ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?
Lão Tử có nói: “Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn”. Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi. Lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay!


Trích "Bác Hồ - con người và phong cách"

Yêu bằng cả tấm lòng

Lần ấy Bác sang thăm nước Cộng Hoà Dân Chú Đức. Các đồng chí ở Bộ Y tế nước bạn mời Bác đi thăm một số bệnh viện, thăm trường Đại Học Y Khoa và cơ sở nghiên cứu khoa học ở Beclin.


Đến một phòng học, các bác sĩ giới thiệu với Hồ Chủ Tịch mô hình một người thuỷ tinh trong suốt, có đầy đủ các bộ phận cơ thể và có thể lấy ra , đặt vào phục vụ cho việc nghiên cứu và giải phẫu.


Khi cầm que chỉ vào trái tim, đồng chí bác sĩ nước bạn nói vui:


- Trái tim này còn chứa đựng được bao nhiêu tình yêu...


Bác cười và nói với các đồng chí người Đức:


- Ở nước tôi, người ta không nói yêu nhau bằng trái tim đâu. Đố đồng chí biết đấy!


Bác sĩ ấy xin chịu.


Cầm lấy que chỉ, Bác từ tốn khoanh một vòng tròn vào bụng người mẫu thuỷ tinh rồi nói :


- Chúng tôi yêu ai là yêu cả bằng tấm lòng này này


Mọi người cười rộ lên...

(Câu chuyện trích trong một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NxbTấm lòng của Bác với Thương binh, liệt sĩ


Ngày 10-3-1946 báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam bộ. Trong thư có đoạn Người viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Tiếp sau đó, trong Thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.

Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 7-11-1946, Người đã đến dự lễ “Mùa đông binh sĩ” do Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.

Trước tình hình ấy, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Có lẽ - trừ những ngày kỷ niệm quốc tế - “Ngày thương binh” là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức.

Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm là ngày thương binh liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.

Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27-7-1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc” Đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.


Năm sau, ngày 27-7-1948, trong một lá thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.

Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.

Từ cái học đến cái ăn

Cuối năm 1945, tôi được gọi đến Phủ Chủ tịch để lái xe riêng cho Bác. Những ngày đầu của Chính phủ, tôi cũng như tất cả nhân viên khác đều làm việc cách mạng mà không lãnh lương. Nhưng tôi lại thấy bao điều hạnh phúc khác trước kia, lái xe thuê cho chủ, có tiền mà vẫn nhục…


Trên xe, Bác hay nói chuyện với mọi người ví von, vui vẻ lắm. Hầu như tối nào Bác cũng xuống sinh hoạt, nói chuyện với cán bộ kể cả “lưu dung” làm việc trong Bắc Bộ phủ. Mỗi khi có địa phương biếu quà, Bác đều chia cho anh em bảo vệ và phục vụ, tính cách như ông bố già trong gia đình, cùng lắm là nhận một phần rất nhỏ về mình. Có lẽ nỗi lo lắng hơn cả đối với các anh em phục vụ Bác là trình độ hiểu biết, tiến bộ của họ. Thấy tôi văn hóa thấp, lại ít xem sách báo, những khi ít việc Bác gọi tôi lên, bảo ngồi bên cạnh phòng Bác làm việc rồi đưa tôi sách báo cho đọc. Thỉnh thoảng Bác lại mở cửa sang kiểm tra.


Một lần, thấy Bác đang tiếp khách ở phòng bên xem chừng còn lâu, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, tôi bèn mở tờ báo để trên bàn, dựa lưng vào ghế, định bụng “làm” một giấc, Bác có vào là tỉnh dậy ngay, vờ cầm lấy báo đọc. Ai ngờ tôi thẳng một giấc ngon lành. Bác vào cũng không biết, ra cũng không hay. Sau đó, khi lên xe rồi, Bác mới nói với tôi:


- Mới đọc chưa hiểu dễ buồn ngủ. Đọc hiểu rồi sẽ ham. Ham đọc rồi sẽ không buồn ngủ.


Bác chỉ nhẹ nhàng có thế mà tôi cứ xót xa, thấm thía mãi…


Trong đợt “Tuần lễ vàng”, “cứu đói”, Bác và các anh đều nhịn ăn vào chiều thứ bảy hàng tuần. Riêng các lái xe, Bác không cho nhịn. Bác nói:


- Các con tì vị của các chú thanh niên đến bữa phải cho nó ăn, không là nó réo lên đấy. Đói không lái được đâu. Các chú phải bảo vệ sinh mệnh các cán bộ của đoàn thể trong lúc cán bộ vô cùng quý giá…


Trích trong “120 mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tác giả: NTH

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường