Tin tức : (Trường tiểu học Bắc Lý 2)/TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM - PPDH
Lưu ý khi dùng phương pháp tích cực dạy luyện nói cho HS lớp 1
Ngày đăng : 13-08-2016
Phương pháp đóng vai
Phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học trong đó giáo viên tổ chức cho học sinh giải quyết một tình huống của nội dung học tập gắn liền với cuộc sống thực tế bằng cách diễn xuất ngẫu hứng không cần luyện tập kịch bản trước.
Phương pháp đóng vai nhằm giúp học sinh thể hiện tình huống giao tiếp bằng cách đóng vai nhân vật giao tiếp, trau dồi trí tưởng tượng, rèn kỹ năng nói trong hội thoại, biết thể hiện ngữ điệu, cử chỉ, hành động khi vào vai nhân vật. Phương pháp này thường dùng khi dạy các bài nói kiểu tình huống giao tiếp, hoặc trò chuyện, hỏi - đáp về một đề tài.
Nhìn chung, vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy luyện nói sẽ tạo môi trường tự nhiên để rèn luyện kỹ năng nói, học sinh sẽ sáng tạo lời thoại của mình cho đúng với nội dung bài nêu ra và học sinh nói một cách tự nhiên.
Một số chú ý khi sử dụng phương pháp đóng vai:
Nội dung thực hành đóng vai phải vừa tầm với tất cả học sinh, trong đó tăng độ khó với học sinh khá giỏi, giảm độ khó với học sinh yếu để tạo điều kiện cho các em được tham gia đóng vai theo tình huống giao tiếp.
Khi tổ chức đóng vai, cần kết hợp với phương pháp kể chuyện, thảo luận … để tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tham gia. Giáo viên cần lưu ý học sinh chú ý theo dõi, có thái độ đúng đắn và vỗ tay tán thưởng sau khi bạn thể hiện vai diễn.
Ngoài ra, giáo viên cần biến đổi tình huống giao tiếp đã cho để tạo ra các bài tập tình huống giao tiếp mới phù hợp với từng đối tượng học sinh và giúp học sinh tiến hành bài tập từ đó rèn luyện kỹ năng nói cho các em một cách có hiệu quả.
Ví dụ, ở bài “Bác đưa thư”, cô giáo biến đổi tình huống giao tiếp như sau:
“Một bạn trong vai bác đưa thư đến bấm chuông, Minh đi ra”, cô mời một em đóng vai bác đưa thư, một em đóng vai Minh. Như vậy, tình huống biến đổi ở chỗ: không chỉ có lời nói của bé mà còn có cả lời nói của bác đưa thư đáp lại khi được Minh chào hỏi và mời nước. Tình huống này có yêu cầu cao hơn, có nhiều em được tham gia đóng vai hơn.
Sau khi học sinh đóng vai, giáo viên tổ chức cho nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm, khen ngợi những em thể hiện vai diễn tốt.
Phương pháp thảo luận nhóm
Giáo viên có thể bước đầu vận dụng phương pháp dạy học thảo luận nhóm theo mô hình VNEN trong dạy học nội dung luyện nói ở lớp 1.
Đặc trưng phương pháp dạy học hợp tác nhóm là học sinh trước hết phải làm việc các nhân để có chính kiến riêng của mình, sau đó nói với nhau, đưa ra ý kiến của mình và lắng nghe ý kiến của các bạn để hoàn thiện thêm ý kiến của mình …
Do vậy học sinh được tạo nhiều cơ hội hơn để diễn đạt, khám phá ý tưởng, mở rộng suy nghĩ và rèn luyện kĩ năng nói; tự tìm tòi để phải đưa ra được ý kiến của mình, tạo cơ hội để học hỏi từ các bạn, cũng từ đây các em có kĩ năng giao tiếp tốt hơn. Việc học tập trong nhóm tăng cường tính tích cực, chủ động, linh hoạt hơn.
Phương pháp thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học trong đó giáo viên tạo điều kiện cho học sinh học tập theo từng nhóm nhằm luyện tập khả năng giao tiếp bằng cách trao đổi, hợp tác, tranh luận, bàn bạc… với nhau để giải quyết các vấn đề học tập và tìm ra được những tri thức, kỹ năng , kỹ xảo mới cho bản thân.
Qua thảo luận nhóm, ngôn ngữ và năng lực tư duy của học sinh trở nên linh hoạt hơn, đồng thời còn giúp các em luyện tập tính tự giác, tính đoàn kết tập thể, có sự mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp.
Các buổi học thảo luận nhóm bao giờ cũng rất sôi nổi. Những học sinh nhút nhát, ít phát biểu trong lớp sẽ có môi trường tham gia xây dựng bài. Hơn thế nữa, hầu hết các hoạt động nhóm đều mang cơ chế tự sửa lỗi và học sinh học lẫn nhau, theo đó các lỗi sai được giải đáp trong bầu không khí thoải mái.
Khi tổ chức học nhóm giáo viên cũng có cơ hội tận dụng những ý kiến và kinh nghiệm của học sinh. Khi đó học sinh có lợi thế hơn khi làm việc độc lập, các em dễ nghĩ ra cách làm bài tập.
Đồng thời khi học nhóm, mối quan hệ giữa các học sinh được cải thiện, tạo cho lớp học bầu không khí tin cậy. Mọi người ai cũng thích hoạt động giao tiếp xã hội, vì thế việc chia nhóm sẽ tạo một thái độ tích cực hơn với hoạt động giảng dạy.
Có nhiều cách để chia nhóm: nhóm ngẫu nhiên, nhóm cùng trình độ, nhóm cùng sở thích….. giáo viên nên chọn chia nhóm sao cho phù hợp để phần luyện nói diễn ra một cách tự nhiên, sôi nổi và hào hứng đối với các em.
Một số chú ý khi tổ chức dạy học luyện nói theo phương pháp nhóm:
Các đề tài đưa ra thảo luận phải có tác dụng kích thích sự suy nghĩ, gây sự tò mò, chú ý của học sinh. Vì nếu đề tài quá dễ thì học sinh chóng chán, thảo luận không có hiệu quả, còn nếu quá khó học sinh không có ý kiến thì cuộc thảo luận sẽ bế tắc.
Không quá lạm dụng hình thức thảo luận nhóm trong giờ dạy luyện nói vì nếu kéo dài sẽ ít có tác dụng.
Trong lúc thảo luận, giáo viên cần cố gắng cho mọi học sinh đều được bày tỏ quan điểm, ý kiến. Giáo viên nên quan sát để hỗ trợ khi học sinh cần, mặt khác để có biện pháp khích lệ đối với những học sinh quá ít lời.
Lúc ấy giáo viên có thể nhẹ nhàng hỏi: “Nào bây giờ cô muốn nghe ý kiến của các bạn chưa nói” hay: “Bạn nói rồi, bây giờ mời em cho ý kiến?”….
Sau khi thảo luận, các nhóm có thể giao lưu trình bày kết quả của nhóm mình.Trưởng ban học tập sẽ lên điều khiển thảo luận của các nhóm.
Khi có ý kiến phản hồi từ các nhóm, trưởng ban học tập có thể tự giải quyết hoặc nếu kiến thức quá khó thì trưởng ban học tập sẽ tập hợp ý kiến và nhờ sự trợ giúp của giáo viên.
Các em tự giao lưu trao đổi lẫn nhau sẽ làm cho phần luyện nói của các em được tự nhiên hơn. Giáo viên cần chú ý đến câu hỏi có nhiều ý kiến.
Giáo viên nên để học sinh có nhận xét về bài nói của các nhóm, sau đó mới đưa ra đánh giá của mình và có thể khen ngợi ý kiến đóng góp của các em, động viên tinh thần làm việc của các nhóm.
Trò chơi học tập
Trò chơi là hoạt động của con người nhằm mục đích vui chơi, giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Thông qua trò chơi, người chơi còn có thể được rèn luyện thể lực, các giác quan, sự thông minh, nhanh nhạy, sáng tạo, hoạt bát và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi với bạn bè, đồng đội.
Đối với trẻ em thì trò chơi có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt, vì vậy nếu biết kết hợp hợp lý giữa học tập và vui chơi thì sẽ tạo được hiệu quả cao trong học tập, tránh được hiện tượng mệt mỏi, nhàm chán cho học sinh.
Một số chú ý khi sử dụng phương pháp trò chơi trong giờ luyện nói lớp 1:
Nội dung của trò chơi phải gắn liền với nội dung tri thức, kỹ năng cần rèn luyện cho học sinh trong giờ học đó.
Ví dụ: Bài luyện nói: “Nói về sen” (Tiếng Việt 1 tập hai - trang 92) - Giáo viên có thể đưa ra trò chơi “Thi nói về sen” giữa 2 đội chơi, mỗi đội 5 em. Hai đội sẽ gắp thăm giành quyền nói trước, mỗi em nói một câu về sen, hai đội luân phiên nhau nói, câu sau không được trùng câu trước. Đội nào có câu nói lặp lại hoặc dừng trước sẽ thua cuộc.
Mỗi trò chơi đều phải có luật chơi. Trò chơi học tập cần có luật chơi đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện và thời gian chơi ngắn, phù hợp với trình độ của học sinh. Luật cũng cần được phổ biến rõ ràng trước cuộc chơi.
Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng trò chơi quá nhiều trong giờ học, chỉ nên chơi vào ít phút cuối của giờ học, khi xuất hiện yêu cầu củng cố kiến thức, kỹ năng, khi học sinh đã có dấu hiệu mệt mỏi. Lúc đó trò chơi sẽ tạo sự hưng phấn để kết thúc tiết học và tạo thư giãn cho các em bước vào tiết học tiếp theo.
Trò chơi học tập trong giờ luyện nói có thể kết hợp các vận động như: truyền điện, nói và viết lên bảng lớp…
Phương pháp dạy học vấn đáp
Phương pháp vấn đáp (hỏi - đáp) chiếm một vị trí quan trọng ở bậc Tiểu học nói chung và ở lớp 1 nói riêng.
Ở giai đoạn đầu (phần học âm), phương pháp hỏi đáp được dùng nhiều hơn vì lúc này học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm trong kỹ năng nói. Khi ấy các em rất cần sự gợi mở, dẫn dắt dần dần của giáo viên, hướng các em vào việc trình bày một vấn đề nào đó.
Một số điều cần chú ý khi sử dụng phương pháp vấn đáp trong giờ dạy luyện nói ở lớp 1:
Giáo viên cần xác định rõ mục đích, yêu cầu hỏi đáp để đưa ra hệ thống câu hỏi chính và những câu hỏi phụ để gợi mở.
Các câu hỏi cần có mối liên hệ với nhau để trở thành đoạn hội thoại giữa giáo viên và học sinh.
Câu hỏi phải rõ ràng, dễ hiểu, sát trình độ của học sinh. Câu hỏi phải có tác dụng kích thích tính tích cực, độc lập tư duy, phát triển hứng thú nhận thức của học sinh.
Giáo viên cần có thái độ bình tĩnh khi học sinh trả lời chưa đúng hoặc thiếu chính xác, tránh thái độ nôn nóng, vội vàng cắt ngang ý kiến của học sinh khi không thật cần thiết.
Không chỉ chú ý đến kết quả câu trả lời của học sinh mà phải chú ý đến cả cách diễn đạt câu trả lời của các em. Từ đó cần sửa lỗi diễn đạt cho học sinh sao cho chính xác, rõ ràng, hợp logic.
Giáo viên cần biết cách động viên, khuyến khích học sinh trả lời, tập thành thói quen trả lời một cách đầy đủ, đúng ý, sáng tạo, tránh trả lời rập khuôn, máy móc, không đủ ý, đủ câu.
Giáo viên cần tổng kết phần hỏi đáp bằng cách yêu cầu học sinh độc thoại, nói một đoạn ngắn về chủ đề đó (thường là học sinh giỏi) để rèn kỹ năng độc thoại cho các em.
Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề
Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là phương pháp dạy học mà trong đó giáo viên đặt ra những vấn đề của bài học thông qua các tình huống có vấn đề.
Từ đó thu hút được sự quan tâm tìm hiểu của học sinh, đòi hỏi học sinh phải tích cực, chủ động suy nghĩ, giải quyết các vấn đề đặt ra để tìm kiếm cho bản thân những kiến thức mới và cách học tập mới.
Đây không phải là phương pháp dạy học mới nhưng nhìn chung nhiều giáo viên chưa vận dụng thành thạo phương pháp này hoặc hiệu quả sử dụng chưa cao.
Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề nhằm hình thành ở học sinh khả năng tư duy giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng, khả năng hợp tác trong đời sống, đặc biệt trong giao tiếp...
Phương pháp này đòi hỏi học sinh tham gia giải quyết các vấn đề do một hoặc một số tình huống đặt ra. Nhờ đó, học sinh vừa nắm được tri thức, vừa phát triển tư duy sáng tạo và chủ động chiếm lĩnh tri thức mới.
Một số chú ý khi sử dụng phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề:
Tình huống có vấn đề mà giáo viên nêu ra phải phù hợp nội dung bài luyện nói.
Yêu cầu học sinh dựa vào kinh nghiệm sống của mình để tìm thấy tình huống có liên quan đến nội dung bài học. Từ đó học sinh thấy được mối liên quan giữa bài học với thực tế cuộc sống và kích thích sự suy nghĩ của các em.
Sau khi nêu vấn đề, cần gợi ý để học sinh nhớ lại kiến thức đã học có liên quan đến vấn đề, thấy được trình tự giải quyết vấn đề đó.
Các tin khác
- Một số giải pháp thực hiện chương trình đổi mới hình thức Giáo dục Âm nhạc ở độ tuổi Mẫu giáo (23/09/2014)
- Cách học mới cho học sinh tiểu học (23/09/2014)
- Nắm đặc điểm học sinh miền núi để làm tốt công tác giáo dục (23/09/2014)
- Phụ huynh có vai trò quan trọng quyết định kết quả học tập của con (23/09/2014)
- Hướng tới giờ dạy thân thiện (23/09/2014)
- Những thuận lợi và khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Văn (23/09/2014)
- Ví dụ Chủ đề này về “Tỉnh chúng ta”. (09/08/2016)
- DẠY HỌC THEO CHUỖI CÁC BÀI HỌC/CHỦ ĐỀ (09/08/2016)
- Kế hoạch dạy học cho chủ đề ' Tỉnh chúng ta' (09/08/2016)
- Kế hoạch bài học Tiết 1 (09/08/2016)
- MỘT SỐ LỢI ÍCH KHI ÁP DỤNG VNEDU (10/08/2016)
- DẠY HỌC THEO CHUỖI CÁC BÀI HỌC/CHỦ ĐỀ (13/08/2016)
- SO SÁNH DẠY HỌC CÁC BÀI ĐƠN LẺ VÀ DẠY THEO CHUỖI CÁC BÀI HỌC/CHỦ ĐỀ (13/08/2016)
- SO SÁNH 2 MÔ HÌNH SHCM THEO NCBH (13/08/2016)
- Những nguyên tắc quan trọng đảm bảo thành công học hợp tác nhóm (13/08/2016)
- DẠY HỌC TẬP LÀM VĂN TẢ CẢNH LỚP 5 (13/08/2016)
- Hình thức học qua hoạt động trải nghiệm rất đa dạng (15/08/2016)
- Chuyên đề: Cấu tạo số ở lớp 1 (17/08/2016)
- Học số 6,7,8 (17/08/2016)
- Quản lý hoạt động học của trò (17/08/2016)