tin tức-sự kiện

Cấm xe máy được không?

Sáng 20-4, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM và Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM tổ chức hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP HCM - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo thu hút gần 200 nhà khoa học, chuyên gia giao thông.

“Thủ phạm là xe máy”

Tại hội thảo, thuyết trình của PGS-TS Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TP HCM) khiến nhiều người chú ý. Ông Mai cho rằng xe máy là “thủ phạm” chính gây ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) nên cần hạn chế và sớm loại bỏ phương tiện này khỏi hệ thống giao thông. Ông Mai đưa ra số liệu chứng minh: TP HCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới với tỉ lệ trung bình 910 xe/1.000 dân, trong khi quỹ mặt đường tại TP hiện chỉ khoảng 26 triệu m2. Do đó, để chứa đủ 75%-80% lượng xe máy lưu thông (mỗi xe khi di chuyển chiếm 12 m2), diện tích mặt đường phải nâng lên 91,2 triệu m2, gấp 3,5 lần diện tích hiện hữu. “Khác với ô tô con, xe máy hoạt động rất cá nhân, như “con ngựa sắt chạy rông”. Loại phương tiện này đang gây ra nhiều bất tiện, bất lợi và thiệt hại đối với cộng đồng nên nhất thiết phải hạn chế rồi tiến tới xóa bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống giao thông” - ông Mai nói.


Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM ngày càng nghiêm trọng Ảnh: GIA MINH

Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM ngày càng nghiêm trọng Ảnh: GIA MINH

PGS-TS Phạm Xuân Mai còn thống kê trong nhiều năm gần đây, trung bình mỗi năm, tại TP HCM có 700-800 người chết vì TNGT, trong đó 71% do xe máy gây ra. Xe máy cũng là đối tượng gây ô nhiễm môi trường ở mức cao do tiêu hao nhiên liệu hơn nhiều so với xe buýt và một số phương tiện khác. Chuyên gia này kết luận: “Xe máy không nên và không được xem là một phương tiện giao thông tại Việt Nam bởi sự tồn tại của xe máy và công nghiệp xe máy đi ngược xu hướng phát triển của một đô thi văn minh có hệ thống giao thông bền vững”.

Theo đề xuất của ông Mai, trước mắt, TP HCM cần hạn chế sao cho tỉ lệ tham gia giao thông của xe máy trong dòng giao thông hỗn hợp xuống dưới 40%, sau đó loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống giao thông. Lý giải thêm việc tại sao chỉ hạn chế xe máy mà không phải ô tô cá nhân, ông Mai cho rằng đây là xu hướng chung của các nước phát triển và đang phát triển.

Cần có lộ trình

Đồng tình với PGS-TS Phạm Xuân Mai, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, đề xuất TP sớm xây dựng đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Ông Nam đề nghị TP nên áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khuyến khích người dân giảm sử dụng ô tô cá nhân. Còn đối với xe máy, cần có chủ trương tổng quát về lộ trình hoàn thiện và tiến tới loại bỏ hoàn toàn khỏi giao thông đô thị. “Nếu lấy xe buýt làm giải pháp giao thông công cộng chủ lực thì lộ trình hạn chế xe cá nhân trong vòng 10-15 năm” - ông Nam nhận định.

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn chung quanh đề xuất trên. TS Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - Bộ GTVT, cho rằng hiện nay, giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông thiếu đồng bộ, ngược nhau. Do đó, khó có một giải pháp triệt để mà chỉ có giải pháp phù hợp với tất cả quy hoạch để tối ưu. Bên cạnh đó, phải điều chỉnh lại mạng lưới giao thông, kết nối vận tải hành khách công cộng với các phương tiện khác thì mới hy vọng giải quyết được triệt để về ùn tắc giao thông.

Một số chuyên gia khác cũng góp ý hạn chế bằng biện pháp kinh tế là chính chứ không sử dụng biện pháp hành chính. Trước mắt, áp dụng với xe 2 bánh, sau đó là ô tô hoặc cùng lúc cả 2 loại phương tiện này. Mặt khác, việc hạn chế phương tiện cá nhân hay cấm hẳn xe máy chỉ có thể diễn ra khi phát triển đồng bộ giao thông công cộng.

Sẽ sớm có đề án

Theo Sở GTVT TP HCM, đến giữa tháng 3-2017, TP đang quản lý gần 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 637.000 ô tô và trên 7,3 triệu xe máy; chưa kể phương tiện từ các địa phương khác lưu thông vào TP. Sự gia tăng của lượng xe cá nhân khiến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống GTVT hành khách công cộng, không theo kịp, dẫn đến ùn tắc, TNGT diễn biến phức tạp.

Sở GTVT TP cũng cho biết TP HCM chưa áp dụng chính sách hạn chế sử dụng xe cá nhân nên người dân vẫn lựa chọn xe cá nhân là phương tiện đi lại chính. Tuy nhiên, theo kế hoạch, đến năm 2020, nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, sở sẽ tập trung 6 nhóm giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng và 1 nhóm giải pháp quản lý việc sử dụng phương tiện cá nhân.

Trước đề xuất của giới chuyên gia, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, khẳng định trong tháng 10 tới, sở sẽ phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông tập trung xây dựng chương trình kiểm soát xe cá nhân, xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng để trình UBND TP nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, từng bước giảm phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng. Ông Cường nhấn mạnh việc kiểm soát xe cá nhân và phát triển phương tiện hành khách công công sẽ là một thay đổi lớn của TP trong thời gian tới.

Hội thảo đã nhất trí kiến nghị và đề xuất lên lãnh đạo UBND TP HCM một số nội dung, gồm: Kiên quyết hạn chế sự lưu thông của xe máy theo nhiều nhóm giải pháp như quản lý việc đăng ký mới, ban hành khung giá dịch vụ khi vào trung tâm; hạn chế sự xuất hiện của xe máy tại các khu vực đã có phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; tăng cường năng lực của loại hình vận tải hành khách công cộng bảo đảm kết nối với hệ thống xe buýt, tàu điện ngầm, buýt sông… đáp ứng tối thiểu 60% nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, xây dựng giao thông thông minh, các thành phố vệ tinh, phát triển hệ thống cao tốc, vận tải đa phương thức; thành lập quỹ vận tải hành khách công cộng để quản lý phương tiện cá nhân; ưu tiên vốn, quỹ đất để đầu tư, xây dựng bến bãi cho vận tải hành khách công cộng…

Nhiều người dân chưa đồng tình

Trong ngày 20-4, gần 500 bạn đọc gửi phản hồi về Báo Người Lao Động xung quanh đề xuất cấm xe máy. Trong đó, trên 95% ý kiến không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng trong điều kiện giao thông công cộng như hiện nay, việc cấm xe máy là không thể.

Nhiều người dân sống tại TP HCM khi được khảo sát ý kiến cũng cho rằng vấn đề trên hoàn toàn không phù hợp. Chị Ngô Thị Hạnh, ngụ quận Thủ Đức, nói: “Lượng xe máy nhiều góp phần gây ùn tắc giao thông. Thế nhưng, không đi bằng xe máy thì bằng phương tiện gì khi tàu điện không có, đường sá chật chội, xe buýt ì ạch”.

Ý KIẾN

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế:

Trong 10-15 năm tới phải hạn chế được xe máy

Với việc phát triển cao ốc ở trung tâm TP HCM như hiện nay thì việc phát triển 5-6 tuyến tàu điện ngầm trong tương lai cũng không giải quyết được bài toán kẹt xe nếu không được kết nối với các phương tiện khác. Mặt khác, xe buýt không thể sống chung với xe máy và đừng bao giờ nghĩ đô thị sẽ hiện đại khi cứ phát triển nhà đất và xe máy.

Theo tôi, TP nên thành lập ban nghiên cứu phát triển giao thông công cộng do chủ tịch UBND TP đứng đầu để trong 10-15 năm tới phải hạn chế được xe máy. Ngoài ra, nên đa dạng hóa phát triển xe buýt, nghiên cứu mẫu xe để phù hợp với cơ sở hạ tầng TP.

PGS-TS Phạm Thị Hồng Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP HCM:

Đưa xe máy ra ngoại thành

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông TP HCM đã được quy hoạch từ nhiều năm trước cho một số lượng người dân cố định vào khoảng tầm 20.000 - 30.000 người. Tuy nhiên, việc đô thị hóa nhanh đã làm dân số tăng nhanh, kéo theo đó là sự gia tăng đột biến các phương tiện cá nhân mà cụ thể là xe máy. Do đó, TP cần có những giải pháp thích hợp nhằm hạn chế tình trạng kẹt xe, trong đó tất yếu phải giảm lượng phương tiện lưu thông, nhất là phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, để việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân đạt hiệu quả, nhất thiết phải phát triển giao thông công cộng. Ngoài ra, cần nâng cấp chất lượng phục vụ của các công trình giao thông công cộng, đặc biệt là có chính sách quy định thời hạn kiểm tra định kỳ đối với xe máy và đưa xe máy ra sử dụng ở ngoại thành.

THÀNH ĐỒNG - GIA MINH
Tác giả: nth

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường