tin tức-sự kiện

Bộ trưởng Giáo dục: Đề án ngoại ngữ hơn 9.000 tỷ không đạt mục tiêu

Ngày 16/11, lần đầu tiên đăng đàn Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có gần 60 đại biểu chất vấn, 18 đại biểu tranh luận lại. Nội dung chất vấn đa dạng, từ chất lượng nguồn nhân lực, đề án ngoại ngữ, dạy thêm học thêm, trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia hay rất cụ thể như việc điều giáo viên đi tiếp khách ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Đề án ngoại ngữ hiệu quả thấp

Mở màn phiên chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh nhắc lại mục tiêu của đề án dạy học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020 là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh. Vậy xin hỏi đến năm 2020 dự án 9.400 tỷ đồng này có đạt được mục tiêu hay không?

"Tôi trả lời luôn là không", Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn, đồng thời giải thích dạy và học ngoại ngữ là vấn đề rất lớn, có tính chất lâu dài. Đây là nhiệm vụ không chỉ trước kia, bây giờ và sẽ còn phải tiếp tục. Để đạt được mục tiêu như đề án cần thời gian và chi phí rất lớn, không thể "ngày một ngày hai". Ông dẫn chứng Malaysia, hay Singapore khi đạt được trình độ cả nước nói tiếng Anh trung bình mất 38 năm. Nhưng nếu không quyết tâm, không có lộ trình, Việt Nam sẽ khó có thể đạt được mục tiêu và rất lãng phí nguồn lực.

Khi xây dựng đề án, Bộ cố gắng đưa ra lộ trình và quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí, chuẩn bị. "Nhưng với trách nhiệm của Bộ Giáo dục và cá nhân Bộ trưởng, chúng tôi nhận trách nhiệm", ông Nhạ nói và cho biết tới đây sẽ trình Thủ tướng điều chỉnh đề án này.

Đánh giá đề án ngoại ngữ gần 10.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều 5 dự án được mổ xẻ hôm qua, đại biểu Đinh Duy Vượt đặt câu hỏi liệu có "đại lãng phí" khi 4 năm nữa là kết thúc mà đề án mới tập trung vào đầu tư, mua sắm trang thiết bị đắt tiền và lại chưa tương thích, hiệu quả sử dụng thấp. "Bộ trưởng rút ra bài học gì để các dự án tiếp theo không lặp lại", ông Vượt đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nhạ trình bày theo đề án ban đầu năm 2008 tổng đầu tư hơn 9.360 nghìn tỷ, nhưng đến nay mới thực hiện hơn 2 nghìn, của địa phương là một nghìn sáu, rất ít. Bộ sau khi rà soát thấy phải điều chỉnh căn bản cách tiếp cận, số tiền dự kiến tới đây không quá nhiều, cố gắng thu hút xã hội hóa. "Qua đây Bộ và cá nhân tôi rút kinh nghiệm rất sâu sắc, khi xây dựng một đề án phải tính đến điều kiện thực hiện, đặc biệt là về tài chính", ông nói.

Chất lượng giáo dục "tồi tệ hơn những năm 60-70 của thế kỷ trước"

Dẫn ra con số 191.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, trong khi các trường tiếp tục đào tạo mất cân đối giữa cung và cầu, đại biểu Hồ Thị Minh hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để tránh lãng phí về kinh phí và nguồn lực?

"Nhận nhiệm vụ này, tôi rất trăn trở, bởi sứ mạng của các trường đại học là đào tạo ra phải có việc làm. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra đều có việc làm, ngay cả Harvard cũng vậy, cần thời gian để tiếp cận thực tiễn và thực tiễn phải đào tạo mới thích ứng với thị trường lao động", Bộ trưởng Nhạ nói.

Theo ông Nhạ, mỗi năm có khoảng 300.000 sinh viên đại học ra trường. Nếu khoảng 80% có việc làm thì còn 60 nghìn em thất nghiệp, chỉ cần 5 năm là 300 nghìn - con số rất lớn. Tuy nhiên, phân tích kỹ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp rơi vào trường top trên với bề dày kinh nghiệm. Số thất nghiệp chủ yếu học những trường mới thành lập, chưa đảm bảo chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành để làm sao những trường mới mở hay có điều kiện yếu kém thì trở thành phân hiệu, hoặc thành viên của trường đại học lớn. Một giải pháp khác là Bộ yêu cầu tất cả trường báo cáo về số lượng sinh viên tốt nghiệp. Trong mùa tuyển sinh tới, nếu trường nào không báo cáo, hoặc báo cáo không đúng Bộ sẽ hạn chế tuyển sinh.

Dẫn báo cáo năm 2016 của Ngân hàng thế giới về chất lượng nguồn nhân lực ở 12 nước châu Á, trong đó Việt Nam đứng thứ 11, nhân lực yếu về chất lượng, thiếu về năng động, thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm..., đại biểu Lê Minh Chuẩn đặt câu hỏi: "Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết những vấn đề này trong giai đoạn 2017-2020 và sau năm 2020?".

Rất thẳng thắn, đại biểu Phạm Quang Dũng nhận xét chất lượng giáo dục nhiều năm nay "tồi tệ hơn thời năm 60-70 dù qua nhiều lần cải cách". Ông dẫn chứng cử nhân ra trường viết biên bản hội nghị, công văn, giấy mời không nổi, doanh nghiệp phải đào tạo 3-5 năm mới làm được. "Đất nước, ngành giáo dục phải tìm ra căn nguyên, giải quyết tận gốc vấn đề này", ông Dũng kiến nghị.

Bộ trưởng Giáo dục khẳng định chất lượng đào tạo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong và ngoài nhà trường chứ không chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng là bộ được phân công và chịu trách nhiệm chỉ đạo, Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm trong nhiều trường hợp sinh viên ra trường không có việc làm.

"Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm, không trốn tránh gì. Đây là quá trình vừa làm, vừa điều chỉnh, chúng tôi đã nhận thức được và đang điều chỉnh", lần thứ hai Bộ trưởng lên tiếng nhận trách nhiệm.

Nhiều nghi ngại về thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT

Đề cập phương pháp thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ không đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng rằng cách thi này công bằng, tránh gian lận.

Bà Nga cho rằng cách thức thi trắc nghiệm không phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh mà vẫn rơi vào tình trạng "hô hào" nhiều năm qua. Với các môn học tự nhiên, hình thức thi này không tạo thành kỹ năng thực hành cho học sinh, trong khi đã tốn hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn thực hành tại trường học.

"Bộ trưởng cho rằng thi trắc nghiệm có tác dụng đánh giá học sinh công bằng, tránh gian lận, nhưng tôi lại thấy ngược lại", đại biểu tỉnh Hải Dương nói và dẫn chứng nhiều học sinh nói với bà thích thi trắc nghiệm vì chỉ cần một bạn học tốt là có thể giúp cả phòng làm bài. Cách thức là em học tốt sẽ bôi nhiều dầu gió và nếu lựa phương án 1 thì ho một tiếng, phương án 2 thì ho hai tiếng...

"Trong quy chế thì không ai cấm ho, nên một bạn làm được bài thì cả phòng làm được", bà Nga giải thích. Nữ đại biểu vừa dứt lời, cả hội trường xôn xao, nhiều tiếng cười lớn vang lên.

Bộ trưởng Nhạ giải thích mỗi phòng thi trắc nghiệm có 25 học sinh, mỗi em một mã đề riêng, nên khó có chuyện nhắc bài bằng cách ho. Câu hỏi đã có kỹ thuật để chuẩn hóa, chấm bằng máy. Qua kiểm tra thực tế thi trắc nghiệm ở Đại học Quốc gia Hà Nội, học sinh rất hào hứng, tự giác. Thi trắc nghiệm không phải cứng nhắc, yêu cầu nhớ máy móc mà có cả câu hỏi tư duy, phản biện.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho hay, mỗi kỳ thi THPT quốc gia có hàng triệu học sinh tham gia, thời gian thi rất ngắn. Mục tiêu là để kiểm tra trình độ toàn diện, tránh việc thi môn nào học môn đó trong thời gian dài, dẫn tới học tủ, học lệch, kiến thức cơ bản phổ thông yếu.

“Mỗi phương án, đề thi Bộ căn nhắc kỹ vì ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh. Tuy nhiên, không có phương án thi nào tuyệt đối, chỉ có phương án tương đối ổn định phù hợp với sự phát triển đất nước. Không nên đặt vấn đề đưa ra một phương thức đúng mãi trong nhiều năm”, Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh.

>>Đại biểu chất vấn: 'Giáo viên bị điều đi tiếp khách, Bộ trưởng có đau lòng?

Phản hồi ý kiến của đại biểu Phạm Minh Hiền về việc “điều giáo viên đi tiếp khách”, Bộ trưởng Nhạ phân trần, có thể trong phần phát biểu của ông chưa diễn đạt rõ ý, dùng từ “vui vẻ” khiến đại biểu hiểu lầm, mong được thông cảm. “Ý tôi muốn nhấn mạnh, các địa phương điều động giáo viên ảnh hưởng tới thời gian, không đúng mục đích là không được", ông giải thích.

Nêu quan điểm về bình đẳng giới, Bộ trưởng Giáo dục cho rằng đây là ưu tiên lớn trong ngành giáo dục. Hiện 70% giáo viên là nữ, đóng góp tích cực cho ngành, đặc biệt là các thầy cô có nhiều năm công tác ở vùng hải đảo, miền núi. Bộ luôn trân trọng sự đóng góp đó và có nhiều hoạt động biểu dương.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi của đại biểu chưa được Bộ trưởng Giáo dục trả lời, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu ông dừng lại. Chủ tịch Ngân đánh giá, dù Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ, lần đầu đăng đàn nhưng đã nắm chắc vấn đề, lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng thẳng thắn trả lời, nhận rõ trách nhiệm về ngành, cá nhân và làm rõ nhiều vấn đề, hướng đề xuất giải quyết.

Tuy nhiên, theo bà Ngân nhiều phần trả lời của Bộ trưởng còn dài, chưa thỏa mãn nên mới có chuyện đại biểu tranh luận đi, tranh luận lại; số lượng câu hỏi nhiều hơn bộ trưởng khác.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam".

Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng sau 8 năm thực hiện, đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt được, khả năng ngoại ngữ của học sinh nói riêng, người Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nếu chỉ học theo chương trình phổ thông.

Tác giả: NTH

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường