tin tức-sự kiện

Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ giảm chỉ tiêu ngành sư phạm

TTXVN đưa tin, đây là một trong những nội dung quan trọng trong công văn vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo tại địa phương.

Không chỉ với ngành sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các tỉnh chỉ đạo các cơ sở đào tạo trực thuộc thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực. Giáo dục thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả, đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ giảm chỉ tiêu ngành sư phạm  - Ảnh 1

Bộ GD&ĐT quyết định giảm chỉ tiêu đào tạo đối với ngành sư phạm mầm non và phổ thông năm 2017. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ, việc xác định chỉ tiêu căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của các trường, theo quy định tại Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các cơ sở đào tạo trực thuộc địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Báo VOV cho biết, trước đó, tại Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay được tổ chức tại Hà Nộị đã đưa ra con số thất nghiệp từ nay đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên đối với cấp Tiểu học, 12.200 đối với cấp THCS và 16.900 đối với THPT). Điều này có nghĩa là họ sẽ khó có cơ hội làm nghề dạy học.

Một thực tế cho thấy, gần 20 năm trước, các trường học trên cả nước thiếu trầm trọng số lượng và chất lượng giáo viên. Có những mùa tuyển sinh giáo viên trình độ Tiểu học sư phạm, TP HCM đã phải lấy điểm trúng tuyển 6,5/20 cho thí sinh khu vực nội thành và 3,5/20 cho thí sinh ngoại thành, chỉ có chưa tới 20% số bài thi đạt tổng điểm 10/20.

Lễ tốt nghiệp của sinh viên sư phạm. (Ảnh: VOV)

Đứng trước cơn khủng hoảng đó, thực hiện “Chương trình quốc gia xây dựng đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm 1995 - 2000”, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định miễn học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm.

Năm 1996-1997 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của ngành sư phạm, khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế miễn học phí cho học sinh đăng ký vào ngành này. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ.

Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, thí sinh để vào được khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, điểm chuẩn vào ngành sư phạm không được cao như vậy và đang có xu hướng giảm dần. Cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đã khiến cho nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không chọn nghề dạy học.

Trong khi đó, nhiều địa phương còn chưa đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo sinh viên sư phạm đáp ứng nhu cầu của xã hội, dự báo về cung-cầu nguồn nhân lực không “gặp nhau” cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm thất nghiệp hoặc chuyển sang làm các công việc khác.

Tác giả: NTH

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường