Ngày: 17/11/2014
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Ảnh: Minh Giảng |
Thậm chí có lớp 100% học sinh không đạt học lực từ trung bình trở lên.
Một phụ huynh có con học lớp 10C10 phản ảnh con anh vốn có học lực trung bình khá ở bậc THCS, nhưng sau một năm học tại trường chỉ đạt học lực yếu. Phụ huynh này cho biết bên cạnh chương trình chính khóa cũng cho con đi học bồi dưỡng văn hóa tại trường, không hiểu sao kết quả lại thấp như thế. Không chỉ vậy, theo phụ huynh này, lớp có 35 học sinh thì chỉ hai học sinh được lên lớp thẳng, số còn lại học lực yếu đang chờ thi lại hoặc kém phải ở lại lớp.
100% học sinh yếu, kém
"Với những học sinh yếu trường có tổ chức bồi dưỡng văn hóa nhưng nhiều em đi học cho có, bỏ học trong khi giáo viên chủ nhiệm nhiều lần mời phụ huynh đến họp để phối hợp giải quyết thì họ không đi" Ông Văn Đức Lo (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ) |
Không chỉ lớp 10C10, kết quả học tập lớp 10C11 còn đáng báo động hơn. 100% học sinh lớp 10C11 đều có học lực yếu, kém, phải thi lại hoặc lưu ban. Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết quả học tập toàn khối 10 năm học 2013-2014 như sau: 7,4% học sinh đạt học lực giỏi, 16,8% khá, 58,5% trung bình và 17,3 yếu, kém. Một phụ huynh cho biết cả lớp yếu kém như vậy nên không biết chất lượng giáo dục của trường thế nào. Chỉ có một cách lý giải cho trường hợp này là trường không quan tâm đến học sinh, chưa có những giải pháp cần thiết để cải thiện chất lượng giáo dục, bỏ mặc học sinh muốn học thế nào thì học.
Lý giải về kết quả này, ông Văn Đức Lo - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ - cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Ông Lo cho biết do trường nằm ở vùng sâu, vùng xa nên điểm đầu vào (xét tuyển, không thi tuyển) rất thấp, nhiều học sinh có học lực và hạnh kiểm bậc THCS chỉ ở mức trung bình. Hơn nữa, phần lớn phụ huynh ở đây là người nhập cư, họ bận rộn mưu sinh nên chưa thật sự quan tâm đến học tập của con em mình. Trường mời họp phụ huynh để thông báo kết quả học tập cũng như bàn giải pháp hỗ trợ, họ cũng không đi. Không ít phụ huynh có tư tưởng khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường.
Bên cạnh đó, việc đa số học sinh yếu kém rơi vào hai lớp 10C10 và 10C11 có nguyên nhân từ sự sắp xếp lớp của trường. “Chúng tôi xếp lớp học sinh khối 10 dựa vào kết quả xét tuyển. Học sinh lớp 10C10 và 10C11 là những học sinh có kết quả đầu vào thấp nhất trường, hai lớp 10C12 và 10C13 dành cho học sinh lưu ban. Chúng tôi không trộn chung học sinh mà xếp theo kết quả xét tuyển như vậy để có giải pháp giảng dạy phù hợp hơn với các em. Ngay cả những học sinh ở lại lớp chúng tôi cũng xếp các em vào những lớp riêng để có phương pháp giảng dạy và kèm cặp sâu sát hơn” - ông Lo nói thêm. Theo ông Lo, dù là học sinh lớp nào trường cũng giáo dục và đánh giá công bằng, nhưng do sắp xếp như vậy nên kết quả học tập của học sinh các lớp rất chênh lệch.
Phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh
Có ý kiến cho rằng trường đánh giá học sinh quá khắt khe, ông Lo cho biết với những môn kiểm tra từ hai tiết trở lên hay thi học kỳ, trường đều trộn học sinh và chia phòng thi như thi tốt nghiệp để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh cũng như đánh giá khách quan nhất kiến thức của các em. Đề thi không đánh đố học sinh, chỉ ở mức kiểm tra kiến thức cơ bản. Các em lên lớp phải đảm bảo kiến thức tối thiểu. Chính vì điều này mà kết quả tốt nghiệp THPT của trường đạt gần 100% và hơn 60% học sinh đậu ĐH, CĐ từ nguyện vọng 1. Có ý kiến cho rằng sau học kỳ 1, kết quả học tập thấp nhưng trường vẫn không có giải pháp nào để cải thiện? Trả lời câu hỏi này, ông Lo cho biết sau khi kết thúc học kỳ 1, trường có tổ chức tăng tiết, bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ nhưng học sinh làm biếng đi học, trường mời phụ huynh nhưng họ không đến.
Không phải là năm đầu tiên kết quả học sinh khối 10 thấp như vậy. Thống kê cho thấy kết quả này không khác mấy so với kết quả năm học 2012-2013 toàn trường có đến hơn 50 học sinh lớp 10 phải ở lại lớp. Bàn về giải pháp cho thực trạng này, sáng 25-5 ban giám hiệu nhà trường đã họp với phụ huynh hai lớp 10C10 và 10C11.
Ông Lo cho biết trường đã giải thích cho họ biết vì sao có kết quả như vậy và đề nghị phối hợp chặt chẽ hơn trong hè để bồi dưỡng cho các em thi lại năm học này, cũng như phối hợp thực hiện, có giải pháp và giám sát chặt chẽ hơn việc học của các em trong các năm học tới. Phụ huynh cũng thừa nhận kết quả học tập trên có nguyên nhân từ đầu vào và cam kết phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.
Đây là cách mà trường đã thực hiện trong năm học vừa qua đối với học sinh lưu ban năm học trước. Phối hợp với gia đình chặt chẽ hơn, có phương pháp giáo dục sâu sát, kèm cặp nên kết quả khả quan hơn rất nhiều. Theo đó, trong số 25 học sinh của lớp 10C12 (một trong hai lớp dành riêng cho học sinh lưu ban), có hai học sinh đạt học lực tiên tiến, 18 học sinh xếp loại trung bình được lên lớp thẳng, bốn học sinh yếu phải thi lại và một học sinh xếp học lực kém.
Không gây áp lực thành tích cho các trường Ông Phạm Văn Hùng - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết việc xếp lớp theo trình độ học sinh tùy vào quyết định của hiệu trưởng. Hiệu trưởng xếp lớp như vậy để có phương pháp giáo dục, chăm sóc hiệu quả. Tuy nhiên có nơi làm hiệu quả, có nơi không hiệu quả do đối tượng học sinh khác nhau. Nếu nhà trường và phụ huynh cảm thấy việc xếp lớp như vậy hiệu quả, học sinh có tiến bộ thì phát huy, nếu không thì phụ huynh có thể kiến nghị để hiệu trưởng xem xét lại. Việc đánh giá đúng thực lực của học sinh là cần thiết, sở không gây áp lực thành tích cho các trường. |
19 - 09 - 2014
Training quản trị Cổng thông tin mới19 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 3 tháng 9 năm 201423 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 4 tháng 9 năm 201423 - 09 - 2014
Lễ trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ K23