Thứ năm, 02/05/2024 14:17:34
Hiệp Hòa vùng quê cách mạng

Ngày: 05/12/2014

Cùng với Ngày hội lớn của toàn tỉnh Bắc Giang, nhân dân huyện Hiệp Hòa vinh dự được đón nhận Quyết định của Chính phủ công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là An toàn khu II (ATK II), ghi nhận sự đóng góp to lớn của cán bộ và nhân dân nơi đây cho cách mạng.

Tượng đài truyền thống huyện Hiệp Hòa
Tượng đài truyền thống huyện Hiệp Hòa. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang

Tháng 8/1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã về xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để gây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, đồng chí đã tuyên truyền, giác ngộ một số gia đình nông dân và nhiều thanh niên yêu nước đi theo cách mạng.

Ngày 16/2/1940, chi bộ Đảng cộng sản ở Hoàng Vân được thành lập do đồng chí Lê Hoàng - Xứ ủy viên Bắc Kỳ làm Bí thư. Sự kiện này là một mốc son trên chặng đường đi lên của phong trào cách mạng ở Hiệp Hòa.

Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương đã quyết định thành lập ATK II tại khu vực giáp ranh giữa huyện Hiệp Hòa với huyện Phổ Yên và Phú Bình (Thái Nguyên). ATK II Hiệp Hòa đã trở thành địa bàn quan trọng để Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự.

Trong những năm trước Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang nói chung, Đảng bộ và nhân dân huyện Hiệp Hòa nói riêng, đặc biệt là 16 xã nằm trong ATKII đã có những đóng góp to lớn đối với hoạt động của Trung ương.

Góp phần nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cán bộ cấp cao của Đảng

Từ những năm 1938 - 1945, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Ngô Thế Sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, Nguyễn Trọng Tỉnh, Nguyễn Thị Thuận, Lê Thanh Nghị… về đây tuyên truyền cách mạng, gây dựng phong trào cách mạng, thường xuyên hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại đây và ở những nơi khác rất thuận lợi, được nhân dân che chở và bảo vệ an toàn. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, nguyên Trưởng Ban công tác đội ATK II khẳng định: “… Chưa có trường hợp nào do nhân dân ở đây làm lộ bí mật, chưa có trường hợp nào do người dân ở đây đầu thú khai báo. Nhân dân ở đây rất tốt, đồng bào ở đây đã hy sinh tất cả để bảo vệ cách mạng

Di tích lịch sử nhà cụ Nguyễn Văn Chế, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân - nơi Trung ương Đảng khai mạc lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ một số tỉnh thuộc Bắc Kỳ. 19/11/1941
Di tích lịch sử nhà cụ Nguyễn Văn Chế, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân - nơi Trung ương Đảng khai mạc lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ một số tỉnh thuộc Bắc Kỳ. 19/11/1941. Ảnh: Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang

Nơi đóng trụ sở của các cơ quan của Trung ương

Với địa thế hiểm yếu và do có cơ sở, phong trào cách mạng vững chắc, ATK II thuộc huyện Hiệp Hòa đã trở thành địa bàn quan trọng để Trung ương, Xứ ủy, và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các tỉnh.

Ngay cuối năm 1940, Trung ương đã mở hai lớp huấn luyện quân sự đầu tiên tại Hoàng Vân. Cuối năm 1942, Trung ương đã mở lớp huấn luyện chính trị tại xóm Đá, Vân Xuyên, tổng Hoàng Vân do đồng chí Trường Chinh trực tiếp giảng bài. Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1945, trên địa bàn Hiệp Hòa đã có nhiều lớp huấn luyện quân sự, chính trị quân sự, nhiều cuộc họp phổ biến, quán triệt chỉ thị, nghị quyết do các đồng chí Ngô Thế Sơn, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Quang Đạo, Chu Đốc, Nguyễn Thanh Bình, Hồ Công Dự, Nguyễn Văn Luống… được Trung ương cử về phụ trách và trực tiếp huấn luyện.

Tháng 8/1944, tại địa bàn ATK II, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã tổ chức Hội nghị quân sự quyết định những vấn đề cấp bách quan trọng. Sau Hội nghị Trung ương mở rộng (9/3/1945), Trung ương cử đồng chí Lê Thanh Nghị về địa bàn này để chỉ đạo cao trào kháng Nhật, cứu nước. Đồng chí đã tổ chức các Hội nghị phổ biến bản chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” cho cán bộ địa phương trong địa bàn ATK II và trong toàn bộ phân khu A của Chiến Khu II.

Ngày 12/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị cùng đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh đã phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tại Xuân Biều mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh Bắc Giang. Từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư chủ trì. Đây là Hội nghị đặc biệt quan trọng trong tiến trình Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa ra chủ trương thúc đẩy hoạt động vũ trang, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước.

ATK II còn là Cơ quan làm việc của các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ; Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ; cơ quan ấn loát, biên tập báo (cơ quan in báo “Quyết thắng”, báo “Phục quốc”, các lớp huấn luyện, hội họp… do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Thái, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Trọng Tỉnh… huấn luyện, chủ trì.

Những chiến công được ghi nhận

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành chính quyền và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân huyện Hiệp Hòa, trong đó có 4 xã trong vùng ATK II là: Hoàng Vân, Hoàng An, Xuân Cẩm và Hòa Sơn cũng được phong tặng danh hiệu cao quý đó. Chỉ tính riêng 16 xã thuộc vùng ATK II đã có 4047 Huân, Huy chương các loại; 106 gia đình có công; 32 Mẹ Việt Nam anh hùng và 1.495 hộ liệt sỹ; có 4 di tích và 3 gia đình được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử ATK II (QĐ số 2754/QĐ-BVH, ngày 15/10/1994). Việc công nhận Hiệp Hòa là An toàn khu II một lần nữa khẳng định: trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành chính quyền, nhân dân Hiệp Hòa đã đóng góp một phần quan trọng cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ngô Văn Trụ (Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang)

Ngô Văn Trụ (Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang)
Tin liên quan