tin tức-sự kiện

Thông tư 30 và tâm thư của giáo viên tiểu học gửi Bộ trưởng

hững ngày đầu học kỳ 2, các giáo viên tiểu học cả nước, nhiều người phải thức trắng đêm để điền sổ sách, nhận xét học sinh, tổng kết học kỳ 1. Trong lúc này, Infonet nhận được tâm thư của một giáo viên tiểu học, đề nghị giấu tên, gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nỗi khổ những ngày này.

HS tiểu học. Ảnh Zing.vn

Báo điện tử Infonet xin đăng lại bức tâm thư này, với hy vọng chuyển tải những trăn trở của giáo viên cả nước tới Tổng tư lệnh Ngành giáo dục.

Kính gửi ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo!

Lá thư này tôi muốn viết cho ngài từ cách đây 1 tháng, khi trường tôi bắt tay vào làm các loại hồ sơ cuối học kì I, nhưng tới giờ này tôi vừa làm xong được một số loại sổ sách cơ bản nên tôi mới có thể viết được thư này.

Thưa ngài, tôi là một giáo viên dạy Tiểu học bình thường như hàng ngàn giáo viên khác. Khi nghe tin sắp ra thông tư 30, tôi cũng mong đợi nó sẽ giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, mặc dù giáo viên chúng tôi nghe qua về đổi chấm điểm sang nhận xét thì ai cũng đoán được học trò sẽ không chăm học như trước. Kèm theo việc không giao bài tập về nhà nữa thì học trò được vui chơi nhưng lại quên việc học. Biết sẽ như vậy, nhưng chúng tôi vẫn hi vọng sự đổi mới này không gây áp lực cho giáo viên và học sinh.

Thông tư chính thức đưa về, tôi đọc mãi cũng chưa hiểu tận tường là sẽ làm như thế nào. Rồi cấp trên đi tập huấn về truyền tải cho chúng tôi: Thay chấm điểm bằng nhận xét vở học sinh, mỗi tiết chấm và nhận xét khoảng 10 cuốn tập.

Chúng tôi cũng làm như vậy, nhưng sau 1-2 tuần thì phát hiện học trò lười học hẳn. Chỉ những em học tốt, chăm chỉ mới làm bài đầy đủ, còn những em làm bài chậm, lười học thì để ý cô chấm vở tổ khác là lập tức giấu vở, khi chấm đến tổ mình mới làm bài.

Thế là tự chúng tôi phải nghĩ ra cách để học sinh chăm học hơn: Nói với học trò là cô thu vở cả lớp để kiểm tra, nhận xét. Nói vậy thì học trò mới làm bài đầy đủ và nộp lên.

Nhưng làm sao chúng tôi nhận xét được hết vở 50 học sinh/1 tiết? Mỗi tiết cố gắng lắm tôi cũng chỉ nhận xét được 15-20 cuốn tập. Một buổi có 3- 4 môn khác nhau, mỗi môn nhận xét 20 vở đã thành 70-80 cuốn. Mỗi cuốn đọc bài và ghi nhận xét nhanh cũng mất 3 phút. Ngài tính xem sẽ mất bao lâu?

Mà không phải là nhận xét vào cuối tiết đó đâu ạ, học sinh Tiểu học làm bài rất chậm, nên chúng tôi nhận xét vào giờ ra chơi, không kịp thì để đến giờ ngủ trưa, giờ tan trường, có cô phải ôm vở về nhà nhận xét. Vì không ghi nhận xét vào vở thì e rằng phụ huynh và nhà trường kiểm tra vở học sinh sẽ nói: giáo viên không chấm tập vở học sinh.

Nếu ngài thử dạy một tiết trong 35-40 phút cho học sinh Tiểu học, ngài sẽ biết một giáo viên với lớp học 50 học sinh thì giảng bài mất bao nhiêu thời gian, quan tâm học sinh yếu được bao nhiêu thời gian. Vậy thì nhận xét vở được bao nhiêu thời gian?

Chưa kể có những bài dài và khó, giáo viên phải giảng bài nhiều và kĩ nên có khi mất đến gần 2 tiết học sinh mới hoàn thành được bài. Một tiết giảng mẫu không hề giống một tiết thực giảng, vì học sinh đông và nhiều đối tượng (có em quậy phá, mất trật tự, có em chậm chạp cả ngày chỉ chép bài được 1 môn).

Nhưng giáo viên chúng tôi vẫn cố gắng chấm và nhận xét vở đều đặn để học sinh chăm học hơn. Mặc dù phụ huynh chẳng mấy ai mở vở con ra để đọc những lời nhận xét của giáo viên, học sinh cũng không hào hứng đọc những nhận xét của cô.

Rồi sổ sách mới theo TT30 được đưa về với màu sắc rất đặc trưng của Tiểu học: xanh, đỏ, tím, vàng. Nhìn sinh động vậy nhưng khi làm thì thật chẳng hứng thú gì. Chúng tôi lại miệt mài ghi chép sổ Theo dõi, nhận xét học sinh. Phải quay lại viết từ tháng 8 đến tháng 12, nhận xét cho đủ 5 tháng/1 học sinh.

Thời gian trên lớp lo dạy và ôn tập cho các em chuẩn bị kiểm tra học kỳ I, giáo viên ôm sổ theo mọi lúc để có thể nhận xét cho đủ và kịp, chủ yếu là mang về nhà làm đêm.

Với giáo viên bộ môn, thời gian không nhiều mà số học sinh phải nhận xét lại quá tải nên giáo viên bộ môn đi dạy ôm sổ theo suốt ngày. Thử hỏi, như vậy còn tâm trí đâu để giảng bài, giáo viên lo chép sổ sách còn không kịp.

Cô giáo dạy hát nhạc trường tôi rất chăm chỉ ôm đàn lên đàn cho lớp hát, nhưng khi sổ nhận xét nhiều, cô đành ôm sổ theo. Nhìn các thầy cô bộ môn còn vất vả hơn cả giáo viên chủ nhiệm với gần 20 lớp và khoảng gần 700-800 học sinh.

Tôi hỏi các cô có nhớ tên học sinh không? Nhận xét có đúng không? Cô nào cũng bảo: Chỉ nhớ được mấy em giỏi và mấy em yếu thôi chứ làm sao nhớ được cả lớp ạ. Nhận xét thì sao chép cho nhanh chứ ai mà nghĩ được. Chép không suy nghĩ còn không kịp nộp nữa là ngồi nghĩ rồi viết.

Tôi thấy đúng là như vậy, chép không kịp thì ai suy nghĩ nữa. Vì chép xong sổ này còn lo sổ khác. Giáo viên chủ nhiệm thì viết sổ Theo dõi nhận xét, xong lại chuyển sang sổ Học bạ (làm mới như lớp 1). Rồi lại sổ Chủ nhiệm, sổ Bàn giao học sinh, sổ Rèn luyện đội viên.

Ngoài ra, chúng tôi còn nhiều sổ khác nữa: sổ họp Hội đồng, Họp chuyên môn, Họp công đoàn. Sổ Bồi dưỡng thường xuyên, Sổ tích lũy kinh nghiệm, Sổ dự giờ rút kinh nghiệm, Sổ nghị quyết (Tổ khối),Sổ rèn chữ ... Sổ nào cũng ghi với chép...Thật mệt mỏi.

Ngài có thể vi hành nhưng đừng đóng vai trò là thanh tra Bộ, vì như vậy thì ở đâu cũng nói sẽ làm được và làm tốt rồi ca ngợi Thông tư 30 tiến bộ. Ngài hãy làm sao để có thể nhìn thấy những việc mà một giáo viên tiểu học đang phải làm một cách đầy đủ nhất, không bị che giấu.

Ngài có thể thử làm giáo viên tiểu học trong một tháng, hay một tuần thôi cũng đủ rồi. Hồ sơ mỗi nơi một khác, nhưng chủ yếu là tăng sổ sách chứ không nhẹ hơn chút nào. Có nơi thêm sổ nhật kí, có nơi vừa chép sổ vừa nhập máy... Và người vất vả là giáo viên, người thiệt thòi là học sinh.

Chất lượng sẽ thế nào nếu thời gian của học sinh bị đánh cắp. Không phải giáo viên kêu ca vì lười biếng mà vì quá tải thực sự và không mang lại lợi ích gì cho học sinh cả.

Tôi viết thư này tới ngài cũng mong sao các cấp lãnh đạo, đặc biệt là cấp Bộ sẽ xem xét và chỉ đạo sao cho giáo viên chúng tôi giảm áp lực sổ sách và học sinh Tiểu học có lợi nhất.

Tôi nghĩ chất lượng giáo dục không tỷ lệ thuận với số lượng sổ sách và ghi chép của giáo viên.

Cũng có thể ngài chẳng đọc lá thư này, nhưng tôi vẫn hi vọng một ngày không xa sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của ngành Giáo dục nói chung, Giáo dục Tiểu học nói riêng. Khi đó tôi và các đồng nghiệp sẽ vui mừng và rất cảm ơn lãnh đạo Bộ Giáo dục ạ!

Cuối thư, xin kính chúc ngài mạnh khỏe, sáng suốt để đưa nền giáo dục nước nhà tiến bộ !


Kí tên: Người lái đò

Tác giả: NTH

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường