tin tức-sự kiện

Hưởng ứng cuộc thi Bác hồ với bắc giang

Bài dự thi Bác Hồ với Bắc Giang

Người dự thi: Nguyễn Thị Hoài

Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Lương Phong số 2

Câu 1: Bạn hãy cho biết, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao nhiêu lần về thăm Bắc Giang? Bối cảnh lịch sử, ý nghĩa những lần Người về thăm?

* Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Giang rất vinh dự được đón Bác về thăm tỉnh nhà 6 lần.

* Bối cảnh lịch sử những lần Người về thăm:

1- Lần thứ nhất: Tháng 5 năm 1946

Trong lúc quân dân các địa phương tỉnh Bắc Giang đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất, luyện tập quân sự và sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thị xã Phủ Lạng Thương. Trước khi lên đường sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm thị xã Phủ Lạng Thương (Thành phố Bắc Giang ngày nay), thăm Giáo xứ Đạo Ngạn (xã Quang Châu, huyện Việt Yên).

Tại sân vận động Phủ Lạng Thương - nay là sân vận động thành phố Bắc Giang, Bác nói chuyện thân mật với đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể cứu quốc... kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất chống đói, phát triển kinh tế, diệt dốt, sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Sau đó Bác thăm đơn vị Vệ quốc đoàn, Bệnh viện tỉnh, thăm giáo dân và các tu sĩ nhà nhờ Đạo Ngạn (Việt Yên).

2- Lần thứ hai: Tháng 01 năm 1955

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ được ít lâu, cầu Phủ Lạng Thương được chúng ta lật xuồng lòng sông để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Khi bóng quân xâm lược không còn trên miền Bắc, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, cầu Phủ Lạng Thương lại được dựng lên, nối liền mạch máu giao thông từ Mục Nam Quan đến thủ đô Hà Nội thân yêu.

Vào dịp sắp khánh thành, nhân dân Bắc Giang và cán bộ, công nhân đội cầu vui mừng được đón Bác đến thăm. Bác đã đi trên những nhịp cầu còn đang dang dở, thân mật hỏi thăm mọi người.

Bác Hồ trong lần về thăm Bắc Giang năm 1955(Trên cầu Sông Thương)

Sau đó trong thư gửi dân công đã góp phần hoàn thành đường sắt Hà Nội- Mục Nam Quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và đánh giá rất cao công lao của đồng bào: "Có được những thành tích ấy là nhờ sức sáng tạo cố gắng của cán bộ, công nhân niền Nam và miền Bắc, thanh niên xung phong và đồng bào các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang...".

3- Lần thứ ba: Ngày 08 tháng 02 năm 1955

Sau hai đợt cải cách ruộng đất thắng lợi, một số cán bộ cải cách tỏ ra thỏa mãn rồi sinh ra tư tưởng ngại khó, ngại khổ, sợ ba cùng với nông dân. Một số cán bộ khác phạm khuyết điểm trầm trọng trong vận dụng, thi hành đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn. Đoàn cải cách ruộng đất Thái Nguyên- Bắc Giang tổ chức tổng kết cải cách ruộng đất đợt II ở xã Trung Nghĩa (nay thuộc thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm), huyện Hiệp Hòa. Thôn Cẩm Xuyên được Đảng và Chính phủ chọn làm nơi tập huấn cho cán bộ cải cách ruộng đất của Liên khu Việt Bắc từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt hai của đoàn Thái Nguyên - Bắc Giang.

Bài nói có ba phần. Phần thứ nhất, Người "nói kỹ về những khuyết điểm, để giúp các cô các chú sửa chữa". Người nhận xét: "Có một số cán bộ nghĩ rằng công tác phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất không vẻ vang, thế là sai lầm to. Vì sai lầm ấy mà sợ khổ sợ khó, không thực hiện được ba cùng". Người đã chỉ ra những khuyết điểm nhưtự kiêu tự mãn, bao biện, quan liêu, mệnh lệnh, rồi đi đến khi thì "tả", khi thì "hữu".

Phần thứ hai có nội dung: "Trong hội nghị này, các cô các chú phải làm gì?". Người chỉ ra: phảithật thà, thành khẩn tự phê bình; phảinâng cao tinh thần kỷ luật; phải cótổ chức; phải cótinh thầntiến lên mãi...

Phần thứ ba, Người nói vềnhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo. Lãnh đạo quan trọng nhất làlãnh đạo tư tưởng; rồi lãnh đạotập thể; phảinâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật...

Cuối bài, Người nhấn mạnh các cô các chú phải:

- Quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm Bác nêu lên.

- Phải giữ vững kỷ luật, nâng cao tính tổ chức.

- Phải cố gắng thi đua, ba cùng với quần chúng.

- Phải theo đường lối quần chúng, làm đúng chỉ thị của cấp trên, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị tổng kết công tác cải cách ruộng đất đợt ba của đoàn Bắc Giang.

Bác Hồ về thăm nhân dân xã Trung Nghĩa - Hiệp Hoà - Bắc Giang

Đặc biệt nhất, ngày 8/2/1955(tức ngày 16 tháng Giêng Ất Mùi) vinh dự cho hội nghị và quê hương Hiệp Hòa, Hồ Chủ Tịch với trách nhiệm và tình cảm cao nhất với cuộc cải cách ruộng đất đã về làm việc với Ban Cán sự Đoàn ủy Đoàn cải cách tại đình Cẩm Xuyên; thăm khu hậu cần tại nghè Cẩm Xuyên; nói chuyện thân mật tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt II ở khu hội trường soi Vải xứ Đồng Nương thôn Cẩm Xuyên; sau đó Người đi thăm một số hộ nông dân ở thôn Cẩm Xuyên.

4- Lần thứ tư: Tháng 4 năm 1961

Miền Bắc đang bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965). Trong không khí náo nức xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở khắp nơi, ngày 06 tháng 4 năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tỉnh Bắc Giang. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Khai là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Bác đến thăm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở cơ quan Tỉnh ủy, nghe đồng chí Trần Trung, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo chương trình làm việc, mời Bác đến gặp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tại sân vận động thị xã Bắc Giang. Đứng trên khán đài A cũ, Bác đã ân cần hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích trong những năm kháng chiến chống Pháp, những tiến bộ của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, nhấn mạnh những nhiệm vụ quan trọng, hạn chế của tỉnh cần khắc phục.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân thị xã Bắc Giang

Để phát huy giá trị to lớn của di tích, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về tình cảm của Bác dành cho mảnh đất, con người Bắc Giang, thành phố Bắc Giang đã từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo khu di tích. Khán đài A mới được xây dựng giáp đường Xương Giang; còn khán đài A cũ được đổi thành khán đài B (giáp đường Nguyễn Thị Lưu). Trong năm 2010, thành phố đầu tư kinh phí sưu tầm những hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của Bác Hồ với nhân dân Bắc Giang, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh dự kiến đưa phòng trưng bày đi vào sử dụng trong dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/05/2010). Đây cũng sẽ là một trong những điểm đến của du khách mỗi khi về thành phố Bắc Giang. Và tương lai không xa, di tích lịch sử khán đài B sân vận động thành phố Bắc Giang sẽ là chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh như nhiều chi nhánh bảo tàng khác ở các tỉnh trong cả nước.
Trong những ngày tháng năm này, toàn Đảng toàn dân ra sức thi đua: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lập thành tích thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2010), nhớ về những lần Bác về thăm Bắc Giang thật biết mấy tự hào.

Sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời Bác đi thăm hợp tác xã toàn xã Tân An, huyện Yên Dũng. Tại cuộc mít tinh, Người khen ngợi những thành tích Tân An đã đạt được, chỉ giáo, nhắc nhở những nhược điểm, thiếu sót để Tân An phấn đấu khắc phục, đưa hợp tác xã tiến bộ hơn nữa.

Người đã về thăm, nói chuyện với nhân dân Xã Tân An, huyện Yên Dũng, đi thăm làng chiến đấu Long Trì. Năm 2007, chính quyền và nhân dân Tân An đã xây dựng Khu nhà lưu niệm Bác Hồ, trong đó có tấm bia khắc lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm xã. Lời căn dặn của Bác được người dân Tân An luôn nhớ mãi, Bác căn dặn người dân Tân An luôn phải thực hiện "3 cao": “Đoàn kết cao, năng suất sản xuất cao và đời sống nhân dân cao”. Lời căn dặn của Bác được nhân dân Tân An thực hiện tốt, trong những năm đổi mới, Tân An đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề và dịch vụ, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng nâng cao. Trong sản xuất nông nghiệp, hầu hết diện tích canh tác của xã nay đều trồng lúa lai, lúa cao sản, lúa thơm có giá trị kinh tế cao kết hợp với thâm canh rau màu, cho giá trị thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi lợn, gà, bò cũng phát triển rộng rãi. Năng suất lúa thường đứng đầu huyện và giá trị chăn nuôi chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm của xã. Là trung tâm 8 xã vùng Đông Bắc huyện, lại có tỉnh lộ 299 chạy qua, xã phát triển đa dạng ngành nghề và dịch vụ, tập trung dọc theo con đường giao thông này và khuyến khích, tạo điều kiện xuất khẩu lao động. Hiện ngành nghề, dịch vụ và xuất khẩu lao động chiếm gần 50% trong cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của xã. Giáo dục của xã thường ở tốp 3 địa phương đứng đầu toàn huyện; tất cả các làng, khu phố đều là làng văn hoá cấp huyện, làng văn hoá cấp tỉnh.

5- Lần thứ năm: Tháng 10 năm 1963

Do yêu cầu mới của cuộc cách mạng và sự nghiệp phát triển kinh tế, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được Quốc hội quyết định sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc. Vào dịp Đại hội Đảng bộ toàn tỉnh lần thứ nhất, ngày 17 tháng 10 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội về thăm nhân dân trong tỉnh, dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Người nói: “Ngày nay, hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũ phải tuyệt đối tránhđịa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh nàybị nhậpvào tỉnh kia. Sự thật là hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp… Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Đồng thời do nhận thức nhất trí về tình hình và nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân mà tăng cường đoàn kết nhất trí…”.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khí thế thi đua phấn khởi, Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm tình hình mọi mặt công tác, những ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị từ năm 1961 đến giữa năm 1963.

Đại hội đề ra phương hướng phấn đấu của hai năm 1964- 1965 là:

“Ra sức phấn đấu để củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chú trọng củng cố phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp,… đẩy mạnh các ngành sản xuất kinh tế, trung tâm là nông nghiệp,… phấn đấu thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc để làm cơ sở cho công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trong tỉnh,… hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đối với Nhà nước,… tích cực đẩy mạnh công tác củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác phòng gian, bảo mật, bảo đảm trật tự an ninh trong nhân dân”5).

Đối với sản xuất nông nghiệp, Đại hội xác định rõ phương hướng: Lấy thâm canh tăng năng suất làm chủ yếu, đồng thời thực hiện khai hoang… Đảm bảo sản xuất nông nghiệp, phát triển cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa cây lương thực và cây công nghiệp, giữa lúa và hoa màu.

Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 25 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Ngày 26-10-1963, Ban Chấp hành Đảng bộ họp phiên đầu tiên bầu Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ và Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ. Hội nghị bầu đồng chí Trần Trung làm Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Ly và đồng chí Phương Minh Nam làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có 7 đồng chí; Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ có 4 uỷ viên.

Cùng với việc hợp nhất tỉnh Hà Bắc, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I được tổ chức thành công tốt đẹp đã đánh dấu một mốc son lịch sử, tạo ra khả năng to lớn thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của tỉnh ngày càng phát triển.

Vào ngày 17-10-1963, Bác về thăm tỉnh Hà Bắc. Cũng tại khán đài A cũ, sân vận động Bắc Giang, Bác đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bác nói lần này về thăm và nói chuyện với đồng bào ở đây thấy có sự biến đổi quan trọng, tốt đẹp khi hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã hợp thành một tỉnh to lớn hơn, người đông hơn, sức mạnh hơn, của nhiều hơn.

6- Lần thứ sáu: Tháng 2 năm 1967

Ngày 9 tháng 2 năm 1967 (ngày 1 Tết Đinh Mùi), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Bắc vui mừng phấn khởi được Bác đến thăm, chúc tết.

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc tết đồng bào tỉnh Hà Bắc ( Bắc Giang, Xuân Đinh Mùi, 9-2-1967)

Phần đầu bài nói chuyện, Bác phân tích những thuận lợi của tỉnh Hà Bắc như có các đoàn thể đông, có truyền thống cách mạng, có nhiều ưu điểm trong sản xuất, chiến đấu. Sau đó Bác nêu ra các khuyết điểm, phân tích làm rõ các khuyết điểm và động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện.

Bác Hồ về thăm Hà Bắc (Bắc Giang) tháng 02/1967

Sự quan tâm của Bác đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Bắc không chỉ qua các lần chỉ giáo trực tiếp khi Người về thăm mà Người còn thường xuyên theo dõi, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cũng như các phong trào thi đua yêu nước của các tập thể, cá nhân thông qua các bài báo, gương người tốt, việc tốt. Người đã kịp thời khen ngợi, biểu dương, tặng thưởng ảnh, huy hiệu của Người đến các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.

* Ý nghĩa những lần Người về thăm:

- Những lần Bác về thăm Bắc Giang thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt của Bác dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang, như một lần về thăm tỉnh Bác nói: "Nói tóm lại: Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công việc để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn".

- Người biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Bắc Giang trên các lĩnh vực; chỉ ra những khó khăn, hạn chế, khuyết điểm của Bắc Giang cần phải khắc phục; đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ để xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Giang.

- Mỗi lần Bác về thăm mở ra một chặng đường lịch sử mới, tỉnh Bắc Giang thêm một bước phát triển, cán bộ, nhân dân thêm nhiều tiến bộ.

Câu 2: Trong một dịp về thăm tỉnh, Bác huấn thị "... Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thực sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ. Làm cách mạng thì phải có đúng, có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên". Bạn hãy cho biết câu nói trên của Bác nói ở đâu? Vào thời gian nào? Ý nghĩa của câu nói đó và liên hệ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay?

Trong một dịp về thăm tỉnh, Bác huấn thị "...Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thực sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ. Làm cách mạng thì phải có đúng, có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên".

*Câu nói trên Bác nói tạiĐại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc, ngày 17 tháng 10 năm 1963. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

TOÀN VĂN BÀI NÓI TẠI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH HÀ BẮC

NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 1963

Các đồng chí,

Bác thay mặt Trung ương thân ái chào mừng Đại hội và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc đang hết lòng giúp chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Một số vấn đề, Bác đã nói trong cuộc mít tinh. Ở đây, Bác chỉ góp thêm mấy ý kiến để các đồng chí thảo luận.

Tỉnh ta có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự. Đồng thời tỉnh ta có hơn 1 triệu dân. Có 153.000 mẫu tây ruộng. Có nhiều của cải thiên thiên như gỗ, mỏ than, mỏ đồng, v.v... Đồng bào tỉnh ta lao động cần cù và có truyền thống anh dũng trong những năm tháng cách mạng và kháng chiến.

Thế là Hà Bắc người đông, đất rộng, của nhiều, có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh.

Các đồng chí đều biết rằng: Năm 1945, Đảng ta chỉ có non 5.000 đảng viên mà đã lãnh đạo cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1946, lúc đầu Đảng ta chỉ có gần 2 vạn đồng chí mà đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi. Có thành tích vĩ đại đó là vì Đảng ta đoàn kết nhất trí, nhân dân ta đoàn kết nhất trí.

Hiện nay tỉnh ta có hơn 23.000 đảng viên và 34.000 đoàn viên thanh niên lao động. Đó là một lực lượng khá to và khá mạnh, một lực lượng nhiều gấp mấy lực lượng cả của Đảng trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám và bắt đầu kháng chiến.

Trong thời kỳ vừa qua, Đảng bộ và đoàn thanh niên Hà Bắc đã có cố gắng và có thành tích. Những thành tích ấy đã nêu rõ trong báo cáo chính trị trước Đại hội, Bác không kể lại nữa mà chỉ nói rằng thành tích đáng lẽ nhiều hơn và to hơn nếu đảng viên và cán bộ thực hiện những điều sau đây:

Đoàn kết nhất trí: Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Đảng ta là một Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác- Lênin. Tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết, cao hơn hết.

Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng phải đều đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho. Ví dụ: Trong cái đồng hồ có nhiều máy móc khác nhau, nhưng tất cả các bộ phận đều phải ăn khớp với nhau, thì đồng hồ mới chạy tốt. Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thực sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sữa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ. Làm cách mạng thì có đúng có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên.

Giữa đảng viên và cán bộ với nhau, phải kiên quyết bỏ hết thành kiến. Thành kiến là một thói xấu, có hại. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng.

Ngày nay, hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũ phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh này bị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Đồng thời do nhận thức nhất trí về tình hình và nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân mà tăng cường đoàn kết, nhất trí- đó là điều chính.

Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu như xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau. Bệnh cá nhân còn dẫn đến tệ bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì đâm ra tiêu cực bi quan.

Phải khắc phục những khuyết điểm, sai lầm, như cảnh giác cách mạng kém, không tích cực thực hiện đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, không ra sức bồi dưỡng lực lượng bần nông và trung nông lớp dưới, không chấp hành thật đúng các chính sách của Đảng v.v...

Công việc ngày càng nhiều và càng phức tạp. Xã hội ngày càng tiến lên. Vì vậy trình độ của đảng viên và cán bộ cũng phải tiến bộ lên mới làm trọn được nhiệm vụ. Cho nên đảng viên và cán bộ phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa và chuyên môn.

Tỉnh ủy cũng phải ra sức chăm sóc đến cơ sở đảng, phải củng cố chi bộ cho thật tốt, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Hiện nay có 40 chi bộ đạt tiêu chuẩn "4 tốt". Bác thay mặt Trung ương khen 40 chi bộ ấy và khuyên tất cả các chi bộ khác phải học tập những chi bộ tốt ấy.

Ở Hà Bắc trong 100 người dân mới chỉ có độ hơn 2 đảng viên. Như thế là ít. Cần phải xem công tác củng cố và phát triển đảng là một công tác quan trọng và thường xuyên. Và phải nắm vững phương châm phát triển đảng là trọng chất hơn lượng.

Trong số 23.000 đảng viên chỉ có 1.780 đồng chí gái. Như vậy là quá ít. Cần phải lựa chọn và kết nạp thêm đảng viên phụ nữ và đảng viên các dân tộc miền núi.

Đoàn Thanh niên Lao động công tác khá. Các cấp đảng ủy cần phải lãnh đạo chặt chẽ và ra sức giúp đỡ Đoàn phát triển cho tốt.

Đảng ủy từ tỉnh đến xã phải thật sự phụ trách làm ba cuộc vận động cho tốt.

Nói tóm lại: Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công việc để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

* Ý nghĩa của câu nói:

- Về tinh thần đoàn kết trong Đảng.

- Thực hiện dân chủ trong Đảng.

- Thực sự nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình.

* Liên hệ với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay:

a/ Việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW của Bộ Chính trị:

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo, dần trở thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

Toàn cảnh hội nghị

Qua đó đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận:

- Việc học tập, tuyên truyền chuyên đề và nghiên cứu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên được thực hiện nghiêm túc, bằng nhiều hình thức. Một số đơn vị đã có hình thức triển khai học tập các chuyên đề một cách sáng tạo, hiệu quả như: Thành ủy Bắc Giang, Huyện ủy Tân Yên, Yên Dũng đã tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập chuyên đề cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đồng thời tập huấn cách thức triển khai cho các chi bộ cơ sở; Huyện ủy Lạng Giang, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Quân sự tỉnh chủ động phân chia các nội dung của chuyên đề theo các tháng trong năm để chỉ đạo thống nhất việc học tập trong các chi bộ, đảng bộ trực thuộc.

- Việc rà soát, bổ sung, xây dựng các chuẩn mực đạo đức rèn luyện theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo tiến hành phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị, sát hợp với chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Các chuẩn mực hướng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tinh thần yêu nước; sống có lý tưởng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng pháp luật, kỷ cương; suốt đời phấn đấu, rèn luyện, học tập... Đến hết tháng 3/2012, có 100% các tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã rà soát, bổ sung và xây dựng xong chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Nhiều địa phương, đơn vị đã làm tốt việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã chỉ đạo tổ chức trao đổi, thảo luận trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị về các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, liên hệ với tình hình thực tế của địa phương, như thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; trong quan hệ với nhân dân... Một số đơn vị như: Huyện ủy Lạng Giang, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Đảng ủy Công ty Đạm và Hóa chất Hà Bắc, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh... đã chỉ đạo các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc in các chuẩn mực đạo đức thành khổ lớn, treo trang trọng tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị. Ban Thường vụ Đảng ủy Các cơ quan tỉnh đã xây dựng và phát động phong trào thi đua làm theo tấm gương đạo đức của Bác với chủ đề: Xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên: Gương mẫu, dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng.

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 03-QĐ/TU về việc nêu gương của các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã và đang xây dựng quy định về nêu gương của lãnh đạo cơ quan, đơn vị mình, đồng thời chỉ đạo cấp dưới cụ thể hoá thành các tiêu chuẩn nêu gương phù hợp.

- Tích cực chỉ đạo việc đăng ký những việc cụ thể "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Năm 2012, số việc đăng ký làm theo của cá nhân và tập thể trong Đảng bộ tỉnh là 102.037 việc. Nội dung các việc đăng ký được tập thể và cá nhân thực hiện nghiêm túc, bước đầu có những chuyển biến tích cực góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã lựa chọn 01 đến 02 vấn đề bức xúc, nổi cộm để giải quyết, bước đầu thực hiện có kết quả, từng bước củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến tháng 4/2012, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc lựa chọn được 22 vấn đề, vụ việc; các cơ quan, đơn vị, các xã, phường, thị trấn đã lựa chọn trên 1.400 vấn đề, vụ việc để tập trung giải quyết, đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó nhiều vấn đề có ý nghĩa lớn đối với đời sống xã hội được lựa chọn tiêu biểu như: Huyện ủy Việt Yên đăng ký"Giải quyết vụ việc một số người dân Thôn Đầu, xã Tự Lạn cản trở thi công xây dựng nhà máy sản xuất gạch của công ty TNHH xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng Vĩnh Cửu"; Huyện ủy Yên Dũng đăng ký"Ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong";Huyện uỷ Lục Ngạn lựa chọn vấn đề "Di dân tái định cư trường bắn Quốc gia TB1"và vấn đề"Khai thác vàng sa khoáng trái phép";Huyện uỷ Lục Nam lựa chọn vấn đề "Quản lý tài chính ở thôn, bản";Huyện uỷ Hiệp Hoà lựa chọn vấn đề "Quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo NĐ84/NĐ-CPGiải quyết vấn đề môi trường";Huyện uỷ Sơn Động lựa chọn"Chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ xoá nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn huyện theo Quyết định 167/2008, Quyết định 67/2010 của Thủ tướng Chính phủ,việcđơn thư khiếu nại liên quan đến việc tranh chấp đất đai và hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt của một số hộ dân khu vực chợ trung tâm huyện"…

- Công tác giáo dục về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc; giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được quan tâm. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân thanh, thiếu niên tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được xã hội ghi nhận. Công tác kiểm tra, giám sát việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện nghiêm túc từ tỉnh xuống cơ sở.

Tuy nhiên,Việc xây dựng kế hoạch ở một số đơn vị còn chung chung, dập khuôn theo cấp trên, có biểu hiện hình thức, chưa sáng tạo. Hoạt động của bộ phận giúp việc cấp ủy cơ sở chưa thực sự hiệu quả, chưa tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác.Việc bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức ở một số cơ quan, đơn vị còn có sự nhầm lẫn giữa chuẩn mực đạo đức với các quy định khác mang tính chất pháp quy, bắt buộc phải thực hiện. Các chuẩn mực thường dài, khó nhớ, khó kiểm tra, giám sát. Việc đăng ký "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của một số tập thể, cá nhân còn hình thức, không sát chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác.Cá biệt, có cán bộ, đảng viên sau khi đăng ký chưa thực hiện nghiêm túc và thường xuyên.Ở một số địa phương, đơn vị, việc đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mới dừng lại ở mức độ phổ biến các nội dung về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà chưa thực sự đi sâu thảo luận, chỉ ra những việc cụ thể để "làm theo" Bác. Công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức.Công tác kiểm tra, đôn đốc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số chi, đảng bộ cơ sở chưa thường xuyên liên tục. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống; tính tiền phong, gương mẫu chưa được phát huy; việc làm theo Bác chuyển biến chậm; còn biểu hiện chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi...

b/ Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI)“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảnghiện nay”:

Đã có 100% các cấp uỷ, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành việc triển khai nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) theo đúng kế hoạch đề ra.


Câu 3:Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tỉnh Hà Bắc, Bác Hồ từng căn dặn: “Tỉnh ta có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự... Có nhiều của cải thiên nhiên như gỗ, mỏ than, mỏ đồng, v.v... Đồng bào tỉnh ta lao động cần cù và có truyền thống anh dũng trong những năm tháng cách mạng và kháng chiến. Thế là Hà Bắc người đông, đất rộng, của nhiều, có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh”.Bạn hãy cho biết câu nói trên của Bác nói ở đâu? Vào thời gian nào? Ý nghĩa của câu nói đó?

Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tỉnh Hà Bắc, Bác Hồ từng căn dặn: “Tỉnh ta có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự... Có nhiều của cải thiên nhiên như gỗ, mỏ than, mỏ đồng, v.v... Đồng bào tỉnh ta lao động cần cù và có truyền thống anh dũng trong những năm tháng cách mạng và kháng chiến. Thế là Hà Bắc người đông, đất rộng, của nhiều, có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh”.

* Câu nói trên của Bác tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc, ngày 17 tháng 10 năm 1963.Đây là Đại hội đầu tiên sau khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

* Ý nghĩa của câu nói (phân tích và liên hệ với thực tiễn hiện nay):

- Tỉnh ta có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, chính trị và quân sự và có nhiều tài nguyên thiên nhiên.

- Đồng bào lao động cần cù.

- Truyền thống anh dũng trong những năm tháng cách mạng và kháng chiến.

- Người đông, rất rộng, của nhiều, có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh. Nếu tỉnh ta biết phát huy sức mạnh đoàn kết, nhất trí "Nói tóm lại: Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công việc để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn".

Câu 4: Thực hiện lời huấn thị của Bác, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đạt được những thành tựu gì, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới? Bạn sẽ làm gì để góp phần xây dựng Bắc Giang trở thành một tỉnh giàu mạnh?

Thực hiện lời huấn thị của Bác trong những thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và đạt được nhiều thành tựu:

(Phân tích những thành tựu về kinh tế- xã hội, văn hóa, an ninh- quốc phòng, xây dựng Đảng trong từng thời kỳ: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ; trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc; trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt gần đây trong chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới)

- Bước vào thời kỳ hoà bình, đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp nối truyền thống thi đua yêu nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang tích cực thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, như: "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Chung tay xây dựng nông thôn mới"…, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị. Đặc biệt trong những năm gần đây:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011- 2013 đạt 9,2%, trong đó: công nghiệp- xây dựng tăng 14,9%; dịch vụ tăng 8,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.080 USD, tăng 430 USD so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá, 100% số xã trên địa bàn tỉnh lập xong quy hoạch.

+ Lĩnh vực văn hóa- xã hội có những chuyển biến tiến bộ. Toàn tỉnh có 842 cơ sở giáo dục và đào tạo với gần 370 nghìn học sinh. Tất cả các huyện, thành phố và 222/230 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2013, số lượng trường chuẩn quốc gia đạt 71,5%, tăng 13,2% so với năm 2010. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đến năm 2013 đạt 50,9%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,61% năm 2010 xuống còn 10,5% năm 2013. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực.

+ Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tích cực phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

+ Về nhiệm vụ xây dựng Đảng: Các cấp ủy, tổ chức đảng đã có sự đổi mới về lề lối làm việc, tác động tích cực đến nâng cao nhận thức và tạo được phong trào học tập tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống đối với mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ. Từ năm 2011 đến nay, đã kết nạp được 8.037 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong Đảng bộ lên trên 7,2 vạn đảng viên. Năm 2013, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh đạt 73,3% (tăng 2,6% so với năm 2012); không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 11,2% (tăng 0,8% so với năm 2012); đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ 74,2% (tăng 1,5%).

+ Về xây dựng chính quyền: Các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền các cấp theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác chỉ đạo điều hành của UBND các cấp đã sâu sát, cụ thể, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Đến năm 2013, có 18/19 sở, ban ngành cấp tỉnh, 10/10 huyện, thành phố, 230/230 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình một cửa; 9/10 huyện, thành phố thực hiện mô hình một cửa điện tử hiện đại; 94/230 xã, phường, thị trấn triển khai và thực hiện một cửa liên thông.

+ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở; tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên, đoàn viên tăng. Tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương...

+ Tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, sống hòa thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; tổ chức các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới: Ngày 14-7-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 145- NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đến năm 2020. Với sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 145- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận: đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 02 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí (xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang và xã Song Mai, thành phố Bắc Giang), chiếm 1%; 25 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm 12,4%; 88 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm 43,6%; 85 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chiếm 42,1%; 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm 1,5%...

Câu 5:Bạn hãy viết về một tấm gương người tốt, việc tốt hoặc một tập thể tiêu biểu ở địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang mà bạn biết trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?(Số lượng không quá 1.500 từ).

Gương sáng Đỗ Thị Phương - Người phụ nữ với công việc thu gom rác thải

Hiện nay ở nhiều nơi, trên các trục đường chính, tại các khu vực trung tâm xã, trường học, khu công nghiệp và chợ…, tình trạng rác thải sinh hoạt vứt xả tràn lan, không được thu gom kịp thời khá phổ biến. Công tác quy hoạch, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, nơi dân cư thưa thớt nói riêng còn nhiều bất cập, vì chưa đủ nhân lực, kinh phí để triển khai thực hiện đồng bộ, cũng như ý thức của người dân về vấn đề này chưa cao. Song ở Việt Yên có một phụ nữ ở thôn Trại Dược, Nghĩa Trung đã gần chục năm nay đã tự nguyện làm công tác thu gom rác thải, góp phần làm trong sạch môi trường nông thôn và chống ô nhiễm môi trường cho hơn 300 cháu học sinh Trường Mầm non Nghĩa Trung số 2. Đó là chị Đỗ Thị Phương, năm nay đã ở tuổi 50.

Giản dị, nhanh nhẹn là ấn tượng ban đầu khi chúng tôi tiếp xúc với chị Đỗ Thị Phương, tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường thôn Trại Dược, xã Nghĩa trung, huyện Việt Yên. Là người xuất thân từ nông thôn, chị Phương đã gắn bó với công tác VSMT đã gần10 năm. Trong từng ngõ xóm và mỗi đoạn kênh mương nơi đây, đều in dấu bước chân của chị. Chị đã tham gia làm công việc mà bấy lâu nay, việc thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn vẫn được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chỗ nào có đất trống là người dân mang đến đổ, phổ biến nhất là tình trạng xả rác thải bên bờ kênh, ven ruộng, ao hồ, thậm chí đổ ra ven đường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người và mất mỹ quan thôn, xóm.

Năm 2004, là hội viên chi hội phụ nữ thôn Trại Dược, chị đã là người đầu tiên tự nguyện làm công việc thu gom rác thải ở thôn và dọc tuyến kênh mương tưới chạy qua địa bàn và Trường Mầm non Nghĩa Trung số 2. Lúc đầu với công việc của mình, chị gặp không ít khó khăn về phương tiện thu gom, xử lý rác thải và lời nói khen chê của mọi người, đặc biệt là gia đình với công việc chị làm. Song chính những khó khăn trong quá trình thực hiện công việc, đã biến chị người con gái nông thôn ở Trại Dược trở nên nổi tiếng bởi nhiều sáng kiến trong công tác thu gom rác thải. Chị nhớ lại và kể:Khó khăn chị không ngại, nhưng thấy công sức bỏ ra nhiều mà chưa khắc phục được ô nhiễn môi trường nên rất băn khoăn…”.Ấy là chị nói đến công việc mỗi khi lượng rác thải theo dòng mương tưới trôi về, chị phải dùng dụng cụ thô sơ để xử lý một số rác thải dưới nước, sau đó vớt lên bờ phơi chờ khô để đốt. Do khối lượng nhiều, thu gom không kịp, rác thải dồn về làm kín lòng mương. Trong đầu chị đãnung nấu ý định tìm ra cách gì đó để khắc phục tình trạng này.

“Cái khó” đã “ló cái khôn”. Khi kênh mương dẫn nước về kèm theo rác thải tổng hợp, Chị Phương đã dùng phương pháp ngăn chắn ngăn rác thải trong lòng mương ra nhiều cung đoạn; phân loại và xử lý thô chủng loại rác thải dưới nước, sau vớt lên chờ khô và đốt. Những loại rác thải không thể xử lý tại chỗ và rác thải trong thôn, Chị phương chuyển đến vị trí tập trung để xã đưa xe về chở đến nơi quy định. Cứ như vậy sau 4 năm liên tục, mặc dù không có phụ cấp, chị vẫn như “con ong chăm chỉ” với công việc thu gom rác thải. Được sự thông cảm, chia sẻ và tôn trọng của mọi người ở địa phương, nhất là gia đình, chị ngày càng đam mê với công việc và tự tin tìm tòi cách thức thực hiện công việc của mình có kết quả hơn.

Từ năm 2007 đến nay, do khối lượng công việc nhiều, chị đã vận động thêm một số chị em phụ nữ trong chi hội cùng tham gia và thành lập tổ VSMT. Do có bề dày thời gian và kinh nghiệm trong công việc, nên ở vị trí tổ trưởng, chị đã thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các thành viên. Vì thế, chị đã động viên được chị em nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Với đặc thù công việc, ở thời điểm mọi người nghỉ ngơi, cùng sum vầy bên gia đình, thì cũng là lúc những người trong tổ VSMT lại bắt tay vào công việc. Có lẽ đối với những người làm công tác VSMT như chị Phương và chị em trong tổ, thì niềm tự hào lớn nhất là khi đã đem lại không khí trong lành cho bà con trong khu vực và hơn 300 học sinh Trường Mầm non Nghĩa Trung số 2 mỗi tháng thu gom 5-7 m3 rác thải.

Chị Phương cho biết: “Năm 2004, Công ty Thủy nông Sông Cầu xây dựng con mương tưới dài gần 5 km, chạy dài từ Điếm Tổng Tân Yên đến Yên Sơn Nghĩa Trung. Con mương tưới này phục vụ cho các thôn Nghĩa Xuân, Nghĩa Hạ, Ổi 1, Ổi 2, Trại Dược, Trại Đồng và Yên Sơn Nghĩa Trung. Mỗi khi con mương dẫn nước tưới về thì kéo theo một lượng rác thải tổng hợp như: rác thải sinh hoạt, rác thải của bệnh viện, rác thải là gia súc gia cầm chết… làm ô nhiễm môi trường cho nhân dân khu vực, đặc biệt là Trường Mầm non Nghĩa Trung số 2. Trước tình hình này, chị đã tự nguyện thu gom rác thải để giảm ô nhiễm môi trường. Do một mình làm không hết việc, năm 2007 xã chỉ đạo thành lập tổ vệ sinh môi trường cho thôn, Chị đã vận động được 5 chị cùng tham gia. Sau khi tổ VSMT hoạt động, không được sự quan tâm của cấp trên, các chị xa kênh 7 xin nghỉ, đến nay chỉ còn 3 chị thường xuyên hoạt động.Công việc làm hàng ngày của các chị là thu gom rác thải, phân loại xử lý bằng cách đốt. Các chị chỉ xử lý được rác thải thô sơ, còn các loại khác để chờ xã cho xe về chở đi. Các chị đề nghị các cơ quan của tỉnh, huyện, xã thường xuyên quan tâm cho xe về chở rác thải, nếu không lại để ô nhiễm môi trường cho nhân dân, nhất là các cháu Trường Mầm non Nghĩa Trung số 2; Giúp các chị thêm phương tiện thu gom rác thải và vật dụng bảo hiểm cá nhân để phòng tránh các bệnh lây nhiễm do quá trình làm việc gây ra, hỗ trợ thêm phụ cấp và kinh phí để tổ vệ sinh môi trường hoạt động”.

Trưởng thôn Trại Dược Đỗ Viết Tư cho biết: “Không phải tự nhiên người dân Nghĩa Trung đặt cho chị Phương cái tên trìu mến “Con ong chăm chỉ”, mà bởi vì gần 10 năm, chị đã chứng minh được qua thực tế kết quả công việc mình làm. Đó là lòng nhiệt tình, hăng say, chịu khó, với thái độ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao…”

Tấm gương của chị Phương đã có sức lan tỏa ở địa phương. Chị không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ VSMT, mà còn đảm việc nhà. Chị đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công việc đang làm, góp phần để môi trường của nhân dân trong khu vực và Trường Mầm non Nghĩa Trung số 2 ngày càng thêm xanh, sạch và đẹp hơn. Chị Đỗ Thị Phương đã được các cấp, các ngành tặng nhiều phần thưởng, trong đó có Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Việt Yên.

Tác giả: NTH

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường