tin tức-sự kiện

Hơn 16.000 học sinh Hà Nội không muốn thi đại học

Cụ thể, Dân trí đưa tin, đề cập tới vấn đề trên, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội nói, năm học này, lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao so với năm ngoái (tăng 11.000 em). Điều này do học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai, thay vì cố thi bằng được vào đại học.

Theo đó, tính đến 22h ngày 30/4, toàn thành phố Hà Nội có 76.046 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Số lượng thí sinh đăng ký các môn lần lượt là: Toán: 73.959 em; Vật lý: 32.866; Hóa học: 26.215; Sinh học: 9.726; Ngữ văn: 72.325; Lịch sử: 8.954; Địa lý: 38.858; Ngoại ngữ: 66.011.

Thống kê số thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp do cụm thi Sở GD&ĐT chủ trì có 16.390 em. Số lượng các môn là: Toán: 16.381 thí sinh, Vật lý: 620; Hóa học: 714; Sinh học: 1.730; Ngữ văn: 16.164; Lịch sử: 2.868; Địa lý: 14.306; tiếng Anh: 11.935; tiếng Nga: 3; tiếng Nhật: 6.

Hơn 16.000 học sinh Hà Nội không muốn thi đại học - Ảnh 1

Hơn 16.000 học sinh Hà Nội không muốn thi đại học. (Ảnh minh họa)

Theo vị Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội,năm học này, lượng thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao so với năm ngoái (tăng 11.000 em). Điều này do học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai, không cố thi bằng được vào đại học.

Dự kiến, kì thi THPT năm nay, Hà Nội có 27 điểm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Trả lời câu hỏi, liệu cụm thi của Sở GD&ĐT sẽ “dễ thở” hơn cụm thi đại học, ông Chất cho rằng, cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì có 50% giám thị đến từ các trường đại học, cao đẳng nên công tác coi thi luôn đảm bảo sự công bằng.

Trước đó, theo ghi nhận, số học sinh đăng kí dự thi THPT để vào đại học, phần lớn đều chọn thi từ 4-5 môn. Trường THPT Lý Thái Tổ năm nay có 93% học sinh thi 5 môn. Trong đó, số học sinh chọn khối D nhiều nhất. Các khối A và A1 rất ít. Đặc biệt, toàn trường có 5 em thi khối C do các em ngại các môn học thuộc lòng.

Tại Trường THPT Phan Đình Phùng, theo hiệu trưởng nhà trường, năm ngoái có khoảng 10% học sinh chọn thi 5 môn để đảm bảo được chất lượng.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng năm nay, có đến 80% trong tổng số số 152 học sinh đăng kí môn tự chọn là Địa lý. Tiếp đến là số lượng đăng ký môn Vật lý, Hóa học. Toàn trường chỉ có khoảng 10 học sinh đăng ký môn Lịch sử, môn Sinh chỉ có vài em đăng kí dự thi.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, trong số 628 học sinh lớp 12 của trường, có 325 em chọn môn Vật lý, 269 em chọn Địa lý. Môn Lịch sử chỉ có 18 học sinh ĐKDT. Các em có thiên hướng xét tuyển ĐH, CĐ khối A, A1 thường chọn môn Vật lý, Hóa học là môn tự chọn, còn các em có thiên hướng xét tuyển khối D chọn môn Địa lý là môn tự chọn.

VnExpress cho biết, theo lịch thi THPT quốc gia, ngày 30/6 các thí sinh tập trung đến địa điểm thi làm thủ tục, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót. Kỳ thi diễn ra từ ngày 1 đến 4/7 với 8 môn thi. Trong đó, môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.

Quy chế thi THPT quốc gia 2016 phân chia hai loại cụm thi: do đại học chủ trì và Sở Giáo dục chủ trì. Thí sinh thi tại cụm do đại học chủ trì được dùng kết quả thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Riêng thí sinh thi tại các cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì dùng kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cả nước có 70 cụm thi THPT quốc gia do các đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở Giáo dục chủ trì.

Tác giả: NTH

Xem thêm

Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường