Tin tức : Trao đổi KN - PPDH

Một vài kinh nghiệm đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30

Một vài kinh nghiệm đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30

Thưa thầy cô và các bạn.
Sau một năm thực hiện đánh giá học sinh tiểu học bằng thông tư 30 , tieuhocvn.info có một số chú ý để thực hiện đúng tinh thần của thông tư như sau:
1. Học tập , nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc thông tư 30
- Ngay sau khi thông tư 30/2014 của Bộ GD&ĐT được ban hành, PGD đã chỉ đạo giáo viên tập trung vào các nội dung sau:
+ Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

+ Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của HS: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề.

+  Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của HS: Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

2. Linh hoạt khi nhận xét

Trong quá trình thực hiện đánh giá HS Tiểu học theo Thông tư 30, chúng tôi nhận thấy:  Giáo viên (GV) đã vận dụng một cách linh hoạt, bằng "lời nói" hoặc là “viết ” để đánh giá HS thường xuyên. GV biết dựa vào mục tiêu, nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của HS với yêu cầu của hoạt động, với chuẩn kiến thức, kỹ năng; xem xét cả đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được HS, làm cho các em hứng thú học tập, đồng thời tư vấn, hướng dẫn, giúp các em biết được những hạn chế và biết tự khắc phục.

Việc viết nhận xét cũng được vận dụng linh hoạt: Viết vào vở hoặc phiếu học tập, hoặc bài kiểm tra của HS sao cho thuận tiện; GV phối hợp với HS và phụ huynh cùng đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến sự tiến bộ của HS.

Viết vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục thay thế sổ ghi điểm trước đây và cũng được coi như sổ nhật ký về đánh giá HS. Sổ này chỉ dành cho GV ghi nhận xét, theo dõi giúp đỡ HS.

Thông tư 30 quy định, yêu cầu HS nào cũng được quan tâm đánh giá, GV không được “quên” em nào. Tuy nhiên, GV chỉ cần ghi những điểm nổi bật hoặc những điều cần thiết về HS để theo dõi và có biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời (đối với HS chưa hoàn thành GV giúp HS tự hoàn thành hoặc những HS hoàn thành tốt, GV giúp HS phát huy, có hứng thú học tập hơn). Không bắt buộc GV phải ghi nhận xét tất cả HS hằng tháng. Do vậy, GV  không còn thấy việc ghi nhận xét nặng nề, quá tải. Đương nhiên, GV sẽ mất thêm thời gian hơn so với trước đây, vì trước đây dù đã có  quy định GV vừa phải cho điểm vừa phải nhận xét, nhưng do nhiều GV chưa làm hết trách nhiệm, chỉ quen cho điểm. Theo cách đánh giá của Thông tư 30, một GV dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, sổ này có thể để tại lớp học hoặc tại trường hoặc mang về nhà, tùy theo điều kiện cụ thể chứ không yêu cầu mỗi GV phải có nhiều cuốn sổ.

Với quan điểm đó, Nhà trường chúng tôi đã thiết kế một cuốn sổ theo dõi chất lượng dùng chung để tại lớp học, miễn sao đạt mục đích yêu cầu của sổ theo dõi chất lượng giáo dục theo tinh thần của Thông tư 30.

3. Chú ý đến Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh

Đánh giá vì sự tiến bộ của HSlà mục tiêu chúng tôi tâm đắc nhất trong quá trình thực hiện thông tư 30. Theo đó,GV coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập của HS, biết được HS đạt kết quả bằng cách nào, vận dụng kết quả đó như thế nào, GV tư vấn, giúp đỡ để HS hoàn thành nội dung học tập và có phương pháp học tốt hơn; hướng dẫn HS biết tự rút kinh nghiệm và nhận xét, góp ý cho bạn, khuyến khích cha mẹ tham gia đánh giá HS, từ đó giúp HS phát huy được khả năng của bản thân; giúp HS tự tin, thích học, say mê tìm tòi sáng tạo trong quá trình học để phát triển năng lực, phẩm chất của chính HS.

4. Chú trọng sử dụng câu nhận xét xác đáng nhiều hơn so với câu nhận xét xác thực

Chất lượng giáo dục chỉ có được nếu HS tự tin, thích học, say mê tìm tòi sáng tạo trong quá trình học, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất của chính HS. Với cùng một kết quả học tập nhưng các HS khác nhau lại cần sự cố gắng khác nhau, nếu chỉ nhận xét về kết quả đạt được bằng chữ “đúng” hoặc “sai”thì HS sẽ khó nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì. . Vì vậy, GV chúng tôi đã dựa vào mục tiêu, nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của học HS với chuẩn kiến thức, kĩ năng; xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lí, hoàn cảnh… của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được HS, làm cho các em hứng thú học tập; đồng thời tư vấn, hướng dẫn các em phát hiện được những hạn chế và biết tự mình khắc phục.

VD: Có 2 HS A (là HS có hoàn cảnh khó khăn, hay phải nghỉ học do sức khỏe yếu, lực học còn hạn chế ) và HS B (gia đình có điều kiện tốt, là HS nổi trội  của lớp) làm bài kiểm tra cùng được 7 điểm thì GV cần có nhận xét, đánh giá khác nhau:

- Đối với HS A được GV nhận xét “có cố gắng, cần phát huy và được các bạn trong lớp ghi nhận vì sự tiến bộ so với tuần trước, tháng trước” từ đó khích lệ được HS A, làm cho em tự tin, thích học, say mê và hứng thú học tập hơn;

- Đối với HS B thì GV phải tìm hiểu nguyên nhân và có thể thể hiện sự băn khoăn vì điểm 7 là thấp hơn so với khả năng và điều kiện học tập của HS B, điểm 7 cho thấy HS B chưa có tiến bộ so với trước để giúp HS B biết tự xem lại mình để tự khắc phục và tiến bộ.

5. Kết hợp đánh giá của GV, HS và cha mẹ HS

Việc GV nhận xét những tiến bộ, hướng dẫn để HS thành công, động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập góp phần bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn. Chính sự thành công trong học tập mang lại niềm vui, hứng thú cho HS, giúp các em thích học và học tốt hơn.

GV hướng dẫn HS biết tự đánh giá và nhận xét, góp ý cho bạn. Thông qua việc nhận xét, góp ý cho bạn, HS sẽ tự rút ra bài học cho bản thân.

 HS tự đánh giá ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục khác, báo cáo kết quả với giáo viên;

HS tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập môn học, hoạt động giáo dục; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ.

 Thời gian HS ở nhà nhiều hơn ở trường, các thành viên khác trong gia đình có mối quan hệ gắn bó, tình cảm, am hiểu lẫn nhau nên  GV chúng tôi khuyến khích cha mẹ tham gia nhận xét, hướng dẫn, giúp đỡ con em mình, để bổ sung hoặc theo sát sự tiến bộ, hoặc chậm tiến của con em họ. Phụ huynh sẽ xem nhận xét của GV trong vở để biết con mình học hành ra sao, từ đó có biện pháp phối hợp với GV dạy bảo cho con mình. Kết hợp giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội là một trong những phương châm giáo dục cơ bản.

6. Không so sánh HS này với HS khác

 GV trường chúng tôi xác định điểm mới cơ bản về đánh giá HS Tiểu học theo Thông tư 30là đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của HS, giúp HS phát huy nội lực, tiềm năng của mình. Mỗi HS có điều kiện, hoàn cảnh, tâm sinh lý,… khác nhau nên khả năng tiếp thu, mức độ tiến bộ và kết quả học tập trong từng giai đoạn của mỗi HS rất khác nhau. Có chuẩn mực chung nhưng cũng cần phải có những hi vọng, yêu cầu riêng cho từng từng HS. Do vậy, không so sánh HS này với học HS khác, không tạo áp lực cho HS, GV và cha mẹ HS, là việc làm rất nhân văn.

7. Đánh giá học sinh là đánh giá quá trình

Đánh giá quá trình học tậpgồm đánh giá thường xuyên trong quá trình học hàng ngày (chỉ nhận xét, không dùng điểm số) và đánh giá định kì cuối học kì I và cuối năm học (dùng cả điểm số và nhận xét).

Đánh giá quá trình giáo viên đã quan tâm toàn diện các hoạt động học tập và sinh hoạt, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo yêu cầu về kiến thức, kĩ năng của từng môn học và hoạt động giáo dục, vận dụng kiến thức, kĩ năng, qua đó hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của HS theo chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.

 * Những HS và nhóm HS nào chưa hoàn thành chương trình học tập ở lớp học, GV giúp đỡ kịp thời để HS và nhóm HS biết cách hoàn thành; GV khen ngợi và động viên HS, chia sẻ kết quả hoạt động của các em. Với nhóm HS này, GV thường xuyên gợi mở vấn đề và giao việc, chia việc thành những nhiệm vụ học tập khác nhau cho từng HS hoặc nhóm HS phù hợp với khả năng của từng HS/nhóm HS và tăng dần khối lượng, mức độ phức tạp. Trong mỗi nhiệm vụ đó, GV quan sát, theo dõi, và có thể thực hành với HS/ nhóm HS và có sự hỗ trợ khi cần thiết.

Đối với HS chưa hoàn thành chương trình lớp học, GV lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng HS; đánh giá bổ sung để xét việc hoàn thành chương trình lớp học.

 * Đối với những HS đã được GV trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ mà vẫn chưa đạt ít nhất một trong các điều kiện:

 - Đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: Hoàn thành;

- Đánh giá định kì cuối năm học các môn học theo quy định: đạt điểm 5 (năm) trở lên;

- Mức độ hình thành và phát triển năng lực: Đạt;

- Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất: Đạt;

Tùy theo mức độ chưa hoàn thành ở các môn học, hoạt động giáo dục, bài kiểm tra định kì, mức độ hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất, giáo viên lập danh sách báo cáo Hiệu trưởng xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp;

Thông qua hoạt động nghiệm thu, bàn giao chất lượng HS giữa các GV do Hiệu trưởng chỉ đạo và thông qua hồ sơ của HS mà GV lớp trước bàn giao cho GV lớp sau, sẽ có nhận xét như em này được lên lớp nhưng còn yếu ở điểm này, điểm kia. Thậm chí với Mô hình trường học mới là nơi chấp nhận một lớp có HS nhiều trình độ (lớp ghép) thì sẽ có thể lên lớp nhưng vẫn còn “nợ” một phần của lớp trước, được lên lớp nhưng phải học bù. Hoặc cho HS ở lại lớp, hoàn thành nốt phần thiếu rồi lại cho lên, không bắt phải học lại cả năm học.

8. Để phụ huynh biết được chất lượng học tập của con em

Thực tế, ngoài giáo dục của nhà trường, HS thường xuyên được gia đình giáo dục về tất cả các mặt mà không hề chấm điểm. Có nhiều cách để phụ huynh có thể nắm được chất lượng học tập của con mình. Chẳng hạn như có thể hàng ngày trao đổi, hỏi con hôm nay con học được những gì ở lớp; hoặc xem vở, phiếu học tập, các bài làm, lời nhận xét của GV…; hoặc hỏi trực tiếp GV về khả năng học tập của con mình… Hoặc phụ huynh giúp đỡ các em thông qua các hoạt động ứng dụng cũng phần nào nắm được năng lực học tập của con em mình.

9. Đánh giá bằng điểm số kèm theo lời nhận xét các bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học

Giáo viên, cha mẹ HS và nhiều người khác đã giúp đỡ, nhận xét HS trong suốt học kỳ, trong năm học. Ai cũng hy vọng rằng mình đã làm đúng cách, có tác dụng tốt, giúp HS tiến bộ và đạt được kết quả học tập như mong muốn. Điểm số bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm giúp chúng ta xác minh được những điều hi vọng ấy. Điểm số đó để xác nhận kết quả học tập của HS, không nhằm xếp thứ hạng các em trong lớp.

Nếu điểm số đó có biểu hiện bất thường so  với những nhận xét, đánh giá thường xuyên HS thì cần phải xem xét lại. GV phải phân tích, tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả làm bài của HS, ví dụ gia đình HS có việc đột xuất, hôm đó em bị ốm…,  Trong trường hợp này, GV cần  cho HS làm thêm bài kiểm tra khác để khẳng định lại nhận xét, đánh giá về HS.


Sau một năm thực hiện việc đánh giá học sinh theo TT30 , tieuhocvn.info  đã  đã hiểu đúng  mục tiêu và nguyên tắc đánh giá HS  Đó là đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của HS,  thì công việc này không quá phức tạp như nhiều GV tưởng. Về nhận xét, có thể chia ra 2 loại: “Nhận xét động”, là GV nhận xét ngay trong tiết học, trong ngày học (có thể bằng lời, đánh dấu, viết vào vở) để HS biết lỗi và sửa lỗi; “Nhận xét tĩnh” là GV ghi lại nhận xét trong tuần, trong tháng vào sổ theo yêu cầu, mục đích của từng loại sổ.

Nhận xét gì, nhận xét như thế nào, cách thức ra sao, tất cả là do GV quyết định, miễn sao giúp HS học tốt hơn, tiến bộ hơn, chứ không phải làm vì phụ huynh học sinh hay vì quản lý, mà cố gắng nhận xét cho hay, trình bày cho đẹp mang tính đối phó. Do đó, vấn đề phân cấp, trao quyền cho nhà trường, cho GV,  phải được tăng cường, làm sao khuyến khích các nhà trường và từng GV phát huy mọi khả năng, sáng tạo của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục.

mtl

Xem thêm...

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online:

Hôm nay:

Tổng lượng truy cập: