TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

tin tức-sự kiện

Đan Phượng: Điểm sáng của thủ đô trong xây dựng Nông thôn mới.

Đan Phượng: Điểm sáng của thủ đô trong xây dựng Nông thôn mới.

Cách đây 5 năm, khi chương trình xây dựng NTM của toàn thành phố còn nằm trên giấy, lãnh đạo Huyện Đan Phượng đã trăn trở để xây dựng địa phương phải phát triển bền vững bằng chính hạ tầng ở đây. Về mặt địa lý, Đan Phương là cầu nối lý tưởng từ trung tâm thủ đô đến nhiều địa phương bạn. Chính vì vậy, nếu có hạ tầng tốt, đây sẽ là điểm “trung chuyển” không chỉ hàng hóa vào nội đô mà còn là nơi giao thoa văn hóa của các địa phương lân cận với Hà Nội.

Để tạo phong trào xây dựng NTM trong toàn huyện, lãnh đạo huyện đã chọn xã Song Phượng để xây dựng điểm.
 
Hiếm có địa phường nào quy hoạch và thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn với hệ thống đường giao thông, cụm công nghiệp làng nghề, công viên, khu sinh thái, trường học... bài bản và quy củ như Đan Phượng. Giờ đây, những con đường mới rộng thênh thang chạy từ trung tâm huyện về các xã Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Liên Hà, qua các cụm công nghiệp làng nghề như phản chiếu hình ảnh của một vùng ven đô ngày càng hiện đại.
 
Cách làm của Đan Phượng khá mạnh dạn, trong khi chờ cơ chế từ TP, Đan Phượng đã ứng tiền hoặc vận động DN ứng trước vật tư (cát, sỏi, xi măng) cho nhân dân tiến hành làm đường giao thông nông thôn. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự chung tay góp sức của nhân dân, Đan Phượng đã cơ bản hoàn thành bê tông hóa 100% đường giao thông nông thôn. Nhờ có giao thông, hạ tầng phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho các xã trên địa bàn phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, đáp ứng tiêu chí NTM.
 
Từ điểm sáng xã Song Phượng, lãnh đạo huyện đã tạo sự lan tỏa phong trào và cho kết quả hết sức tích cực. Kết thúc năm 2014, Đan Phượng đã có 13/15 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 86,67%, vươn lên dẫn đầu toàn TP về kết quả xây dựng NTM. Nhờ kết quả này, Đan Phượng cũng là huyện đầu tiên của Thủ đô đủ điều kiện làm hồ sơ xét duyệt huyện NTM.  

Quyết tâm đồng bộ
 
Việc xây dựng xã điểm Song Phượng đáp ứng đầu đủ 19 tiêu chí về NTM khá vất vả, nhưng sau khi xây dựng được mô hình thì tập thể lãnh đạo huyện đã chung tay triển khai mô hình này xuống nhiều xã khác.
Việc triển khai này đòi hỏi sự đồng bộ không chỉ về nhận thức mà cả về cách thức thực hiện cũng như cân bằng kinh phí. Kinh phí xây dựng NTM vô cùng quan trọng khi Đan Phượng xác định trọng tâm là cải tạo hạ tầng toàn huyện.
 
Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện cũng gặp nhiều khó khăn như sản xuất manh mún, phân tán, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng để lại những khó khăn trong việc giải quyết ô nhiễm làng nghề, tiêu thoát nước trong khu dân cư, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau thu hồi đất...
 
Nhìn lại quá trình xây dựng NTM của huyện, ông Nguyễn Tất Thắng cho biết, muốn làm tốt xây dựng NTM, công tác tư tưởng phải đi trước một bước. Theo đó, bắt tay vào xây dựng NTM, huyện đã xác định đây là chương trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn suốt nhiệm kỳ 2010 – 2015 và những năm tiếp theo. Bởi vậy, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được huyện quan tâm tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
 
Bên cạnh đó, xây dựng NTM phải có phương pháp và cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, không triển khai dàn trải, khuôn mẫu. Phương châm được Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng quán triệt là xác định ở từng xã, từng tiêu chí, nhóm tiêu chí nào thực hiện trước để vừa giải quyết nhu cầu bức xúc của nhân dân, vừa tạo ra động lực để thực hiện các tiêu chí tiếp theo phù hợp với khả năng huy động vốn của địa phương.
 
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng còn phân công lãnh đạo xuống từng xã, thôn để theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các xã và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
 
Nhìn lại quyết tâm cải tạo hạ tầng của huyện, những con số ấn tượng trong hơn 4 năm qua cho thấy nỗ lực của nhân dân và lãnh đạo huyện dã được đền đáp xứng đáng.
 
Cho đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 6 tuyến đường liên xã dài 12,8km với mặt cắt từ 13 – 20m, 22km đường trục thôn và trên 130km đường ngõ xóm. Tổng kinh phí xây dựng đường giao thông lên tới hơn 457 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 130 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học trên địa bàn huyện cũng được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn huyện có 38/48 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỷ lệ đạt chuẩn ở cấp tiểu học đạt 100%.Huyện còn xây dựng, cải tạo được 105 nhà văn hóa xã, thôn, cụm dân cư, tạo nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân. Ngoài ra, Đan Phượng tập trung phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, cụm công nghiệp, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 6 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với trên 500 DN vừa và nhỏ, thu hút khoảng 6.200 lao động...
 
Công sức của tập thể những con người xây dựng cho chính quê hương mình giàu đẹp đã được đền đáp, vinh danh với Quyết định số 1810/QĐ-TTg ngày 23/10/2015 chính thức công nhận huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới - huyện đầu tiên của Hà Nội đạt danh hiệu này. Đây vừa là món quà có ý nghĩa ngay trước thềm Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, vừa là sự kiện quan trọng tạo nguồn động lực mạnh mẽ cho Thủ đô tiếp tục vươn lên khẳng định vị trí dẫn đầu về phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhật Minh
(Trích dẫn nguồn tin của: http://banthiduakhenthuongtw.gov.vn/tabid/74/Entry/3712/Default.aspx)
Tác giả: Nhật Minh

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT