Ngày: 22/02/2018
CÂU CHUYỆN: "CÔ HỌC TRÒ ĐÁNG THƯƠNG"
Từ xa xưa người thầy như người lái đò chở khách sang sông. Mỗi một chuyến đò để lại với người làm nghề giáo những kỉ niệm vui buồn. Bản thân tôi đã có hơn 7 năm công tác trong nghành giáo dục và được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp. Khoảng thời gian đó chưa phải là nhiều nhưng đối với tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm vui buồn. Đặc biệt là một kỉ niệm mà tôi sẽ không bao giờ được phép quên là hình ảnh cô học trò nhỏ bé Nguyễn Hoàng Vân Anh. Kỉ niệm này đã được tôi viết lên một câu chuyện có tựa đề: " Cô học trò đáng thương".
Năm học 2016- 2017 tôi được phân công chủ nhiệm lớp 2B. Cũng như mọi năm tôi rất tự tin về công tác chủ nhiệm của mình. Sau khi nhận lớp tôi đã tìm hiểu rất kỹ về hoàn cảnh gia đình của từng em học sinh đồng thời theo dõi quá trình học tập của các em . Thời gian trôi thật nhanh, học kỳ 1 kết thúc lớp tôi không có gì đặc biệt. Sang đến học kỳ 2. Tôi vẫn nhớ như in, buổi sáng mùa đông thời tiết hôm đó se se lạnh. Cũng như thường lệ tôi đến trước giờ vào lớp 15 phút. Vừa bước chân vào cửa lớp thì tôi nghe được tiến gọi của đồng chí hiệu phó: Thương ơi! Cháu lên phòng chú có chút việc cần trao đổi.Tôi đáp: Vâng ạ!
Tôi đi thật nhanh xem có việc gì quan trọng. Lên đến văn phòng chú bảo: Cháu à! Bắt đầu từ học kì này lớp cháu nhận thêm một học sinh được chuyển từ Hà Nội về nhé!
Từ lúc đó, trong lòng tôi biết bao câu hỏi xoay quanh. Không biết em đó như thế nào? có ngoan không? học có giỏi không? Trong lòng tôi rất háo hức và muốn được gặp em.Tiết học đầu tiên kết thúc, cô trò đang mải mê vào bài giảng bỗng có tiếng từ cửa lớp:
Chào cô giáo! Tôi là bà của cháu Vân Anh được nhà trường phân công cháu vào lớp của cô. Gia đình trăm sự nhờ cô dạy dỗ, bảo ban cháu.
Để lại ấn tượng trong tôi là một cô bé dễ thương, ngoan ngoãn nhưng có vẻ nhút nhát.
Trong các buổi học sau đó tôi đã để tâm tới em nhiều hơn. Tôi luôn gọi Vân Anh lên bảng để kiểm tra và hướng dẫn em làm bài. Dạo đầu em còn nhanh nhẹn, rồi một tuần, hai tuần, ba tuần trôi qua em chẳng những không tiến bộ mà ngày càng học kém hơn, tác phong thì chậm chạp, trí nhớ lại càng kém dần. Rồi một hôm tôi gọi em lên bảng làm bài, em đứng ngây người ra, chẳng nói chẳng rằng. Tôi động viên thế nào em cũng không trả lời câu hỏi của tôi. Thái độ của em khiến tôi cảm thấy nóng lên. Tôi không giữ được bình tĩnh nữa. Tôi quát em : " Cô hỏi em có nghe thấy gì không? Thế tại sao em không trả lời? Dù đúng hay sai em cũng phải trả lời cô chứ! Em vẫn cứ lặng im. Lúc này tôi giận lắm. Không khí lớp trở nên căng thẳng hơn. Các em ngồi im sợ hãi. Còn tôi , tôi thấy mình bị xúc phạm. Kết thúc buổi học, tôi đã ngồi lại lớp học suy nghĩ về những hành động của mình. Tôi chợt nhớ ra là lúc đó chưa hỏi lí do vì sao em lại như vậy mà vội trách mắng em.
Buổi chiều, khi đến lớp nhìn thấy khoảng trống ở chỗ em ngồi tôi hơi hốt hoảng nhưng rồi tôi bình tĩnh lại. Tôi có hỏi thăm một số em gần nhà Vân Anh nhưng các em đều không biết lí do.Các em chỉ nói lại với tôi là từ khi chuyển về em không chơi với bất cứ bạn nào trong lớp, không nói chuyện với ai mà giờ ra chơi cũng chỉ ngồi một mình không bao giờ ra ngoài.Nghe được vậy, tự nhiên trong tôi không còn cảm giác tức giận như hôm trước nữa.Tan học, tôi đã tìm đến nhà em. Vừa đến cổng, thì tôi gặp bà nội của em. Tôi hỏi bà vì sao hôm nay Vân Anh không đến lớp ? Bà nói : Đi học buổi trưa về nó bảo : Con không muốn học ở đây nữa đâu bà. Tôi hỏi lí do và động viên thế nào nó cũng không đi nữa. Tôi cũng định ra gặp cô giáo để hỏi xem có chuyện gì. Tôi kể sơ qua về tình hình của em dạo này cho bà nghe và đã được nghe bà kể lại tất cả sự việc xảy ra với em. Thì ra ngày trước em được ở cùng với bố mẹ ở Hà Nội nhưng vì bố mẹ bất hòa, thua lỗ rất nhiều tiền của nên đã li hôn. Gần một năm suốt ngày chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, có lúc thì đánh nhau trước mặt em. Không chỉ vậy, hàng ngày còn có rất nhiều người đến đòi nợ, không đòi được họ đập phá nhà cửa, lấy hết tài sản có giá trị mang đi. Có những lúc bố mẹ chạy hết, còn mình em ở nhà. Em sợ quá chỉ biết khóc thét lên. Nhưng dù có gọi khản cổ thì không ai có thể giúp được em. Sau một thời gian, mẹ bỏ đi và có người khác, bố không có công ăn việc làm nay đây mai đó . Em tự phải lo cho sinh hoạt của mình, ba tháng liền em không được ăn cơm bố mua một đống đồ khô cho em ăn. Kinh tế sa sút không nuôi được con nên gửi về quê cho ông bà chăm sóc.
Nghe được câu chuyện của em. Tôi thương em quá! Tôi đã vào nói chuyện và động viên em để em tiếp tục đến trường. Hôm sau, em đã trở lại đi học bình thường nhưng nét mặt thì vẫn buồn, nhưng ánh mắt của em nhìn tôi như muốn nói điều gì. Cảm nhận được tình cảm đó, tan học chờ các em về tôi đã đến gần em và hỏi:
Em có ổn không? Cô có thể giúp gì được cho em?
Cô ơi! Em nhớ bố mẹ! Em muốn về Hà Nội học cơ. Ở đây các bạn không chơi với em. Các bạn xa lánh em.
Nghe được những câu nói đó, lòng tôi quặn đau, trái tim như có ai bóp nghẹt vậy. Tôi phải làm gì để giúp em đây? Bao nhiêu câu hỏi dằn vặt trong tôi. Vì tôi biết không có tổn thương nào hơn với một đứa trẻ là phải xa bố mẹ, không được sự chăm sóc từ người mẹ của mình.
Không chỉ vậy, tôi còn biết được trước khi về trường em đã được đưa đi khám kiểm tra sức khỏe và bác sĩ kết luận. Cháu bị trầm cảm và bước đầu của bệnh tự kỷ. Nghe vậy , tôi càng thương em nhiều hơn. Biết được hoàn cảnh của em tôi đã nói chuyện với một số giáo viên trong trường trực tiếp dạy em và động viên các em học sinh trong lớp hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của em. Từ những buổi học sau, tôi quan tâm em hơn nữa. Tôi động viên em vào các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao của lớp để em có cơ hội gần gũi các bạn. Ngày nào tôi cũng giành thời gian để hỏi han, động viên em. Tôi chủ động xin số điện thoại của mẹ em và nói chuyện với tư cách hai người phụ nữ. Khuyên mẹ em hày giành thời gian quan tâm con để con được như xưa, được cảm nhận tình yêu thương và điều đó chỉ có tình mẫu tử mới giúp được em lấy lại tiếng cười, sự hồn nhiên ngây thơ mà đáng nhẽ ra em được như vậy.
Hồi trống báo hết giờ. Em từ trong lớp chạy ra vẻ mặt vui mừng, rạng ngời. Quay lại em gọi tôi: Cô ơi! Hôm nay mẹ con về. Hai mẹ con ôm nhau qua bao ngày xa cách. Tôi nhìn vậy, nước mắt cứ trào ra. Thương em vô cùng. Đã rất lâu rồi, hôm nay nụ cười mới rạng trên khuôn mặt em.Và từ ngày đó mỗi tuần mẹ đều về thăm em một lần.Em vui lắm.
Tôi hỏi: Nếu có một điều ước. Em sẽ ước gì? Em nói: Em ước em được ra Hà Nội sống cùng bố mẹ và đi học cùng các bạn ngày xưa. Nhưng cô ơi! Nếu vậy em sẽ nhớ cô nhiều lắm! Tôi rưng rưng....
Bằng tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm của tôi và các đồng nghiệp, tình cảm của các em trong lớp. Trong thời gian ngắn, tâm lý của em đã dần ổn định hơn, hòa đồng cùng các bạn hơn. Trong giờ học em chú ý nghe giảng, tích cực ghi bài có tiến bộ rất nhiều trong học tập. Em tự tin tham gia các hoạt động ở lớp tổ chức, em nói rất nhiều không còn buồn như trước. Thấy vậy tôi rất vui và cảm thấy bớt có lỗi với em. Băng sự cố gắng của bản thân cuối năm em đã được nhà trường trao một phần thưởng đặc biệt để động viên em , giúp em có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành tích cao nhất trong học tập.
Câu chuyện tưởng như rất bình thường nhưng với tôi đó thực sự là một bài học lớn nó đánh thức trong tôi trách nhiệm, lương tâm của một người giáo viên chủ nhiệm khiến tôi không bao giờ được phép chủ quan với những công việc mình đang làm và điều quan trọng đối với người giáo viên là tìm hiểu điều kiện hoàn cảnh của hoc sinh để động viên và chia sẻ đối với các em nhiều hơn nữa.
Kính thưa toàn thể hội thi chắc hẳn trong mỗi thầy cô giáo ngồi đây ai cũng làm công tác chủ nhiệm đều có những kỉ niệm vui buồn với học trò của mình. Bài học từ câu chuyện này giúp tôi nhận ra được rất nhiều điều. Công việc của một người giáo viên chủ nhiệm quả thật không dễ nó đòi hỏi mỗi chúng ta phải linh hoạt và sáng tạo.
Qua câu chuyện tôi muốn nhắn gửi tới các bạn đồng nghiệp một thông điệp: Hãy yêu thương, bao dung độ lượng, gần gũi và chia sẻ với các em .Hơn ai hết những người đang cầm lái những chuyến đò chở đầy tri thức luôn cần lắm một tình thương. Vì tình thương ấy sẽ thắp nên những ngọn lửa yêu thương để các em có một tuổi thơ hồn nhiên trong sáng và hạnh phúc.
(Hình ảnh cô học trò của tôi)