Tin tức/(Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh)/Lịch sử địa phương/
Hành trình từ trấn Vĩnh Thanh đến Huyện Vĩnh Thạnh

HÀNH TRÌNH TỪ TRẤN VĨNH THANH ĐẾN HUYỆN VĨNH THẠNH

                                                                       

Ths.Nguyễn Ngọc Phúc Cán bộ phòng GDĐT huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ           

Sau khi đánh bại triều Tây Sơn, thống nhất Đàng trong và Đàng ngoài. Gia Long bắt tay vào công cuộc củng cố và xây dựng đất nước. Theo đó, ông cho đổi tên một số đơn vị hành chính. Năm 1805, Dinh Long Hồ được đổi là Vĩnh Trấn (Trấn Vĩnh). Năm 1808, trấn Vĩnh được đổi là trấn Vĩnh Thanh. Trấn Vĩnh Thanh là một khu vực rộng lớn, ăn từ biên giới Việt-Campuchia đến biển.

Đến đời Minh Mạng đất Nam Bộ cũ (phủ Gia Định) được chia ra làm 6 tỉnh, bỏ tên gọi Trấn. Trấn Vĩnh Thanh từ đó được chia làm 2 tỉnh, tỉnh An Giang và tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh An Giang  quản lý khu vực rộng gồm Sa Đéc, Sóc Trăng, luôn cửa biển sông Hậu.

Thực dân Pháp đến, cuối thế kỷ XIX, chúng chia An Giang cũ thành nhiều tỉnh mới: tỉnh Châu Đốc, tỉnh Long Xuyên, tỉnh Sa Đéc, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1909, tên Thốt Nốt chính thức được đặt thành tên quận, quận Thốt Nốt có 2 tổng trực thuộc là tổng Định Mỹ và tổng An Phú. Đến năm 1917 Thốt Nốt thuộc tỉnh Long Xuyên. (huyện Vĩnh Thạnh ngày nay là một bộ phận của quận Thốt Nốt).

Năm 1957, theo Nghị định số 134/ND ngày 24/4/1957 của chính quyền Sài Gòn, quận Thốt Nốt thuộc An Giang chỉ có tổng Định Mỹ. Đơn vị hành chính này được chính quyền Sài Gòn sử dụng cho đến khi sụp đổ (1975).

Tuy nhiên, đối với chính quyền cách mạng thì việc chia đơn vị hành chính ở huyện Thốt Nốt khác hơn: “Sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ đã sắp xếp lại hệ thống bộ máy hành chính của các tỉnh trong cả nước. Năm 1948, tỉnh An Giang được chia làm 2 tỉnh, Long Châu Tiền và Long Châu Hậu (Quận Thốt Nốt thuộc Long Châu Hậu). Năm 1949, nhận thấy diện tích Long Châu Hậu dài hơn 80 km, đường liên lạc từ Thốt Nốt đến Tịnh Biên khá xa, phải đi dọc qua 3 tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá và Hà Tiên. Công việc hành chánh cũng như quân sự khó điều động kịp thời, trong khi diện tích Cần Thơ bị thu hẹp khi giao 2 quận Trà Ôn và Cầu Kè cho Vĩnh Long. Vì thế Ủy ban kháng chiến hành chánh Long Châu Hậu đề nghị và được Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ chấp thuận với sự đồng ý của Ủy ban kháng chiến Cần Thơ. Ngày 7 tháng 2 năm 1949, Thốt Nốt giao về Cần Thơ (trừ lại xã Thạnh Quới).

Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ thì Thốt Nốt thuộc Long Xuyên. Năm 1963, Thốt Nốt thuộc về Cần Thơ cho đến nay”.(1) Theo Nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 2 tháng 1 năm2004 của Chính phủ, thành lập huyện Vĩnh Thạnh.

Xét trong phạm vi không gian hiện nay thì huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đa phần thuộc địa phận của 2 xã Thạnh Quới và Vĩnh Trinh xưa.

Xã Vĩnh Trinh , dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đến đầu Pháp thuộc vẫn thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Sau đó, thuộc hạt Thanh tra Tuy Biên và “Từ ngày 5 tháng 01 năm 1876 gọi là làng, thuộc hạt Tham biện Long Xuyên. Từ ngày 01 tháng 01 năm 1900 thuộc tỉnh Long Xuyên. Từ năm 1917, thuộc quận Châu Thành cùng tỉnh. Từ sau năm 1956, gọi là xã thuộc tỉnh An Giang. Ngày 25 tháng 6 năm 1964, thuộc quận Thốt Nốt cùng tỉnh. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thuộc huyện Thốt Nốt tỉnh Hậu Giang. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, cũng thuộc huyện Thốt Nốt nhưng tỉnh Cần Thơ, do chia tách Hậu Giang và Cần Thơ. Từ ngày 02 tháng 01 năm 2004 thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ”. (2)

Xã Thạnh Quới, như đã trình bày, là một xã rộng lớn nằm giáp ranh với tỉnh An Giang và Kiên Giang. “Thạnh Quới xưa thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên từ 16 tháng 10 năm 1917 do tách từ làng Thạnh Hòa Trung Nhì. Sau năm 1956, là xã thuộc tỉnh An Giang. Ngày 4 tháng 3 năm 1958 xã Thạnh Quới tách đất lập xã Thạnh An.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thạnh Quới thuộc huyện Thốt Nốt tỉnh Hậu Giang và thuộc tỉnh Cần Thơ năm 1991 do chia tỉnh Hậu Giang.”(3). Đến Ngày 26 tháng 3 năm 1983 tách đất lập xã Thạnh Lộc; ngày 4 tháng 8 năm 2000 thị trấn Thạnh An được thành lập trên cơ sở tách ra từ 2 xã Thạnh An và Thạnh Thắng; ngày 19 tháng 4 năm 2002 Thạnh Quới tách đất lập xã Thạnh Mỹ;

Năm 2009, do nhu cầu chia tách sáp nhập đơn vị hành chính một số huyện thuộc Thành phố Cần Thơ. Huyện Vĩnh Thạnh chia cho huyện Cờ Đỏ 2 xã (Trung Hưng, Thạnh Phú,). Đồng thời lập thêm 2 xã mới là xã Thạnh Lợi và xã Vĩnh Bình. Hiện nay huyện Vĩnh Thạnh gồm 2 thị trấn: Thạnh An và Vĩnh Thạnh, 9 xã: Vĩnh Trinh, Thạnh Quới, Thạnh An, Thạnh Lộc, Thạnh Mỹ, Thạnh Thắng, Thạnh Tiến, Thạnh Lợi, Vĩnh Bình.

Như vậy, trải qua gần 200 năm với những thay đổi đơn vị hành chính qua các thời kỳ từ một trấn Vĩnh Thanh hoang sơ, dân cư thưa thớt đến huyện Vĩnh Thạnh đang trên con đường phát triển mạnh mẽ. Tên gọi Vĩnh Thạnh mang ý nghĩa hết sức đặc biệt, với mong muốn rằng một huyện non trẻ nhưng muôn đời sẽ hưng thịnh.

 


(1) Lịch sử Đảng bộ huyện Thốt Nốt từ 1925 đến 2003.

(2) Nguyễn Đình Tư (2008), Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, NXB Chính trị Quốc gia.

(3) Sơn Nam (2003), Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang, NXB Trẻ.

Ngày 24/07/2013 - 14:12:26
Tác giả: Ths. Nguyễn Ngọc Phúc -*-
Tác giả: Ths: Nguyễn Ngọc phúc