Ngày: 29/11/2015
Trong cuộc họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 20/8, Bộ GD&ĐT trình bày Dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, trong đó đề xuất xác định lại số năm học của mỗi cấp. Phương án được quan tâm nhất là tăng THCS lên 5 năm, giảm THPT xuống còn 2 năm.
Là người tham gia phiên họp, PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, có rất nhiều ý kiến bàn luận về đề xuất này. Nếu Bộ Giáo dục áp dụng phương án 10 năm cho giáo dục cơ bản ở bậc THCS nghĩa là tăng thêm một năm với khoảng một triệu học sinh, chưa kể giáo viên. Điều này sẽ kéo theo vấn đề cơ sở vật chất, phải tăng thêm khoảng 30.000 phòng học mới cho học sinh. Trong khi đó, bậc THPT lại “rỗng ruột” khi rút từ 3 triệu xuống còn 2 triệu học sinh.
"Điều này trước mắt là bất khả thi vì sẽ khó khắc phục được. Khá nhiều thành viên hội đồng cùng ý kiến với tôi khi đề xuất xem xét lại việc giảm tải chương trình với những kiến thức không cần thiết để gói gọn 9 năm THCS cho giáo dục cơ bản. Với THPT ta cần triển khai phân luồng chính. Tôi đề xuất 2 năm với học sinh xác định sẽ học tiếp lên đại học và 3 năm với học sinh học nghề", PGS Nhĩ nói.
Với khối học nghề các em vừa phải học kiến thức THPT, vừa học nghề và sẽ có các chương trình liên thông từ trung học nghề lên CĐ, ĐH nghề. Học sinh có khả năng và định hướng vào đại học nghiên cứu hay ứng dụng thì có thể chỉ cần 2 năm học THPT.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng Bộ Giáo dục đang đi đúng hướng, tức là giải quyết vấn đề hệ thống giáo dục trước, từ đó mới có cơ sở để đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tuy nhiên, lẽ ra Bộ phải làm việc này sớm hơn, vì hiện nay đề án chương trình, sách giáo khoa cũng sắp phải trình Quốc hội. Cùng một lúc làm song song hai việc thì không ổn.
Bên cạnh đó, giáo dục cơ bản 9 hay 10 năm không giải quyết được việc phân luồng, vấn đề quan trọng nhất. Nếu thực hiện 5 năm THCS, Luật Giáo dục cũng phải sửa đổi. Nếu thay đổi là có ích thì theo GS Thuyết "sửa cũng không vấn đề gì, nhưng ý tưởng này chưa phù hợp, không đem lại giá trị cần thiết".
"Nhiều nước hiện nay xác định thời gian học tiểu học là 6 năm, chứ không phải 5 năm. Ở Đức thì sau 6 năm tiểu học, người ta phân luồng học sinh vào 3 loại trường trung học khác nhau: Trường 6 năm dành cho học sinh giỏi, học xong là vào đại học. Trường 5 năm dành cho học sinh khá, học xong vào cao đẳng kỹ thuật. Trường 4 năm dành cho những học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ đi học nghề. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình giáo dục các nước để học tập cho phù hợp, chứ chuyển giáo dục cơ bản từ 9 thành 10 năm, chẳng biết giống ai", GS Thuyết góp ý.
Thầy Đào Tuấn Đạt, phụ trách chuyên môn THPT Anhxtanh nhận xét, Bộ dự kiến tăng lên 5 năm học THCS nhưng chưa nêu được lý do khoa học và thực tiễn thuyết phục. Lý do bớt một năm học cấp 3 để có phòng cho việc dạy tự chọn khá khôi hài. Không ai tưởng tượng được sự liên quan giữa việc nâng cao chất lượng giáo dục, hay thay đổi hệ thống với việc thay đổi chức năng phòng học.
Xét về giáo dục trung cấp và dạy nghề, theo thầy Đạt, hiện nay giáo dục cơ bản kéo dài 9 năm, đủ để các em chuyển qua học trung cấp và học nghề. Nếu các em ở lại thì mất thêm một năm không cần thiết.
Về chuyên môn, thầy Đạt cho rằng cần có giai đoạn chuyển tiếp trước khi lên học hai năm tự chọn. Năm học này là cực kỳ quan trọng vì lý do chuyên môn và cũng để học sinh chọn đúng môn chuẩn bị vào đại học. Hiện nay hướng nghiệp rất kém, dự báo cũng kém nên học sinh đa phần không định hướng được hoặc định hướng sai cho đam mê và sở thích của mình.
"Nếu không có giai đoạn chuyển tiếp sẽ vô cùng tai hại ở trường đại học, nơi sẽ hình thành nghề nghiệp gắn bó với cuộc đời các em. Hơn thế nữa còn gây hậu quả không nhỏ cho xã hội và sự phát triển đất nước bởi đang trong xu thế chuyên môn hóa nghề nghiệp cao", thầy Đạt nói.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết, dự thảo tờ trình đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa có nêu vấn đề này, nhưng chưa công khai vì còn cần thời gian hoàn chỉnh và thông qua Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo vào ngày 28/8 tới, trước khi trình Quốc hội.
"Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, dự thảo này sẽ được công khai lấy ý kiến rộng rãi", lãnh đạo này cho biết.
Hoàng Thuỳ