Hơn 100 cán bộ quản lý các phòng GD&ĐT, các trường THPT, trường THCS trọng điểm chất lượng cao và cán bộ chuyên trách công tác thanh tra cấp THCS đã về dự Hội nghị. Dự và chỉ đạo hội nghị còn có đồng chí Trần Tuấn Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, đồng chí Ngô Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. Hội nghị được tổ chức trong 01 ngày, tập trung vào việc đánh giá, phân tích sâu, rõ hơn những kết quả đạt được trong năm học 2014-2015, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, bàn các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục từng mặt để việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 đạt kết quả cao hơn, bền vững hơn.
Toàn cảnh hội nghị.
Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Nam - Phó Giám đốc Sở đã định hướng nội dung trao đổi, thảo luận như: rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học, giáo dục dân tộc năm học 2015-2016; với mỗi nhiệm vụ trọng tâm của năm học, cần dự kiến được những khó khăn, vướng mắc trong triển khai để từ đó tìm ra những giải pháp hợp lý; xác định việc tham gia nhiệt tình, nghiêm túc các kỳ thi, hội thi là sân chơi bổ ích cho học sinh. Tại hội nghị, đồng chí Phó Giám đốc Sở cũng đề nghị các đại biểu tập trung chia sẻ, tìm những giải pháp trong công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Sở, trong báo cáo đề dẫn, đồng chí Bạch Đăng Khoa - Trưởng phòng GDTrH&GDDT, đồng chí Nguyễn Tiến Quang - Chánh Thanh tra Sở và đồng chí Định Trọng Cường - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã phân tích sâu sát những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015. Từ đó, lãnh đạo các phòng, ban Sở đã tập trung triển khai những nhiệm vụ chính như: thực hiện tốt việc xây dựng và triển khai kế hoạch của nhà trường, tránh hình thức, sơ sài; thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn; nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo liên quan đến dạy học tự chọn và linh hoạt trong dạy tự chọn; khai thác hiệu quả website truonghocketnoi.edu.vn; tập trung nâng hạng trường, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm chất lượng cao; triển khai nghiêm túc mô hình trường học mới Việt Nam; tích cực tham gia các kỳ thi, hội thi; thực hiện nghiêm công tác pháp chế, công tác Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục...
Đ/c Trần Tuấn Nam- Phó GĐ Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, dân chủ. Trong phần thảo luận các đại biểu đã thẳng thắn nêu ra những tồn tại về chất lượng giáo dục của đơn vị trong các năm học trước, những vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học 2015-2016 như: chất lượng đầu vào của các nhà trường, công tác xã hội hóa giáo dục, chất lượng đội ngũ trong dạy tiếng Anh. Từ không khí dân chủ, cởi mở, đã có rất nhiều ý kiến chia sẻ những giải pháp hữu hiệu để nâng chất lượng giáo dục, nâng hạng trường, khắc phục những khó khăn về kinh phí cũng như cách thức tổ chức mô hình trường học mới Việt Nam...
Căn cứ nội dung trao đổi, thảo luận của các thành viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tập trung vào các nội dung trọng tâm, cụ thể như sau:
- Về mô hình trường học mới lớp 6 cấp THCS, đã có những tín hiệu khả quan từ phía học sinh nhưng vấn đề nảy sinh những khó khăn lại bắt nguồn nhiều từ phía giáo viên do mới tiếp cận mô hình. Vì vậy, cần tích cực bồi dưỡng giáo viên thông qua hình thức tự học, giao lưu, sinh hoạt chuyên môn trong trường và giữa các trường có chung mô hình. Việc tổ chức các hoạt động dạy học không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ quản lý và giáo viên được phân công dạy tại các lớp thí điểm mà là nhiệm vụ chung của toàn trường. Cần chỉ đạo tất cả cán bộ, giáo viên vào cuộc để cùng hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên được phân công trực tiếp thực hiện giảng dạy mô hình trường học mới. Đề cao vai trò, tâm huyết người Hiệu trưởng nhà trường trong việc tuyên truyền, tổ chức, thực hiện để triển khai thành công mô hình trường học mới. Các phòng GD&ĐT, các trường THPT cần làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ quản lí, giáo viên nhận thức được rằng, đây không chỉ là mô hình thí điểm ở một số trường mà là bước chuẩn bị quan trọng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa những năm tới đây.
- Về các trường trọng điểm chất lượng cao, cần phải quan niệm và xác định rõ, ngoài chức năng phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa, nhà trường còn là nơi phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phát triển giáo dục toàn diện; đồng thời, nhà trường còn có chức năng bồi dưỡng giáo viên cho toàn huyện, là đơn vị “điểm” mang tính tiên phong về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, là nòng cốt trong thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và công tác nghiên cứu khoa học; là mô hình để triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.
- Trong tổ chức dạy học tiếng Anh, các đơn vị cần căn cứ vào tình hình đội ngũ để sắp xếp linh hoạt trên cơ sở giáo viên hiện có. Triển khai Chương trình mới nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, không chạy theo thành tích. Có phương án điều chuyển giáo viên có năng lực chuyên môn, đạt chuẩn KNLNN tham gia giảng dạy tại những trường dạy Chương trình mới ở các trường dạy học thí điểm. Trong dạy học, phải chú trọng đều cả bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), không được coi nhẹ bất cứ kỹ năng nào. Tuy nhiên, các nhà trường căn cứ vào đặc điểm tình hình học sinh để xác định mức độ phù hợp của từng kỹ năng. Khuyến khích các nhà trường mời chuyên gia, tình nguyện viên nước ngoài, tạo môi trường nói tiếng Anh tốt nhất trong điều kiện có thể.
- Để thực hiện thành công việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, cần nhìn chương trình mỗi môn học trong tính tổng thể giữa các khối lớp và trong tính liên môn giữa các môn học; chú ý đến mọi đối tượng học sinh, cốt tạo điều kiện cho mọi học sinh được học và học được; đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, phô trương. Chú ý nâng cao chất lượng các kỳ thi bằng việc phân luồng, bồi dưỡng sát đối tượng. Để đảm bảo phát triển bền vững chất lượng giáo dục, không nên tập trung quá nhiều vào những giải pháp tình thế như tìm điểm cộng, điểm ưu tiên cho học sinh.
- Ngoài những kỳ thi bắt buộc như thi tuyển chọn học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia, thi Khoa học - Kỹ thuật, thi THPT quốc gia, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tham gia các kỳ thi, hội thi khác và coi đây là sân chơi bổ ích cho học sinh.
Các đại biểu tập trung tham dự hội nghị.
- Song song với giáo dục văn hóa, cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống. Ngoài công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội, các thầy giáo, cô giáo cần tạo môi trường sư phạm thân thiện với học sinh, biết lắng nghe, đồng cảm với học sinh; hạn chế sử dụng các từ ngữ mang tính mệnh lệnh một cách cứng nhắc, dễ tạo bức xúc trong học sinh; linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý kỷ luật học sinh khi cần thiết và phải kết hợp hài hòa giữa xử lý kỷ luật với tuyên truyền, thuyết phục. Tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, không để xảy ra hiện tượng học sinh đánh nhau, bạo lực học đường.
- Về công tác xã hội hóa giáo dục, cần nghiên cứu kỹ và vận dụng hợp lý những quy định về tài chính để quản lý tốt kinh phí xã hội hóa.
- Tiếp tục quản lý, thực hiện tốt công tác pháp chế, thực hiện tiếp dân và giải quyết khiếu kiện đúng quy trình, triệt để, không gây bức xúc dư luận. Tăng cường công tác Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đổi mới công tác quản lí giáo dục.
Năm học 2015-2016, là năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức. Hội nghị triển khai nhiệm vụ và nâng cao chất lượng Giáo dục trung học, Giáo dục dân tộc là tâm huyết của cán bộ, giáo viên trong toàn ngành, mong muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục theo hướng tích cực.
Phòng GDTrH&GDDT