)- Được làm từ các vật liệu đơn giản, rẻ tiền, mô hình bình lọc khí biogas của em Nguyễn Thị Phượng và Trần Thị Ngọc Ánh, lớp 9A, Trường THCS Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã góp phần đáng kể vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mô hình bình lọc khí biogas của em Nguyễn Thị Phượng và Trần Thị Ngọc Ánh |
Một lần giúp mẹ đun nước từ hệ thống biogas, Phượng nhận thấy mùi rất khó chịu. Qua tìm hiểu em được biết: Thành phần của hỗn hợp khí biogas chủ yếu gồm các khí: Metan, Cacbonic, Nitơ, Oxi, Hiđrosunfua, Sunfurơ, Amoniac... trong đó khí Metan chiếm khoảng 70%, còn lại là các khí khác.
Chính các khí này gây nên hiện tượng mùi hôi thối, khi cháy ngọn lửa không được xanh, nhiệt tỏa ra thấp, đồng thời làm hỏng các vật dụng bằng kim loại như bếp, xoong nồi và gây ô nhiễm môi trường không khí.
Em Phượng chia sẻ: "Mặc dù hệ thống biogas đã có bộ phận lọc khí nhưng sau một thời gian sử dụng (từ 4-6 tháng) sẽ phải thay thế, gây tốn kém và phiền hà cho người sử dụng do các nguyên liệu khó mua và đắt tiền. Vì vậy, chúng em mạnh dạn thiết kế sản phẩm bình lọc với mục đích bảo vệ môi trường, tạo sự an toàn, tiết kiệm". Trong quá trình thực hiện, các em còn nhận được sự tư vấn, giúp đỡ của thày Tạ Văn Mùi, giáo viên dạy Hóa của nhà trường.
Vật liệu làm bình gồm: Thùng sơn, chậu nhựa, ống nhựa dẫn khí, khóa, van nhựa, áp kế và những nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền ở địa phương như xơ dừa, bã mía, than hoạt tính, lưới sắt đã qua sử dụng... Bình lọc đơn giản, có thể mắc nối tiếp với nhiều bình, tùy mức độ lượng khí cần lọc; hạn chế tối đa những khí độc hại gây ô nhiễm môi trường có trong khí biogas.
Về nguyên lý hoạt động, khí biogas được dẫn vào bình thứ nhất đựng nước vôi trong qua đường có van khóa khí. Tại bình đựng nước vôi trong, khí Cacbonic được loại bỏ triệt để. Một số khí khác như Hiđrosunfua, Sunfurơ, Lưu huỳnh trioxit, Amoniac... sẽ bị giữ lại. Sau đó, khí sẽ đi lên bình thứ hai, tại đây khí Hiđrosunfua tiếp tục được loại bỏ bằng phản ứng với các tấm lưới sắt.
Các tấm lưới được bố trí đan xen với các lớp nguyên liệu khác như than hoạt tính, xơ dừa, bã mía... Các nguyên liệu này có tác dụng làm khô khí bay ra, khí còn lại (chủ yếu là khí Metan) đi ra ngoài qua ống dẫn khí thứ 2... Như vậy, khí đi qua bình lọc sẽ loại bỏ các khí độc hại, gây mùi khó chịu.
Tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XII năm 2016, mô hình này đoạt giải C. Hiện nay, mô hình được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đông Lỗ áp dụng.