Ngày: 01/09/2014
Còn nhớ, tháng 7-1926, Bác đã có ý định gửi một số gương mặt thiếu nhi tiêu biểu của nước ta sang đào tạo ở Liên Xô (cũ). Trong một bức thư gửi Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin, Người đã quan tâm đến một vấn đề rất nhỏ, Người hỏi các bạn Liên Xô rằng "Đến tháng nào thì ở Mátxcơva bắt đầu rét ?". Chỉ vì lý do là thiếu nhi nước ta đã quen với khí hậu khô nóng. Quả thật, tấm lòng đó của Bác đối với tuổi thơ đã gây những xúc động đặc biệt cho mọi người.
Những năm tháng trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong hoàn cảnh "vận nước gian nan", Người đã đau lòng trước cảnh "Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài...". Và mong muốn lớn của Bác lúc bấy giờ là "Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng" … Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Người cũng có rất nhiều bài viết, ý kiến dưới rất nhiều hình thức đề cập đến tuổi thơ Việt Nam.
Trên báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1-6-1950 đã đăng bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày 1-6. Bức thư với lời lẽ âu yếm, giản dị, dễ đọc, dễ nhớ, dễ thuộc đã thể hiện được sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đối với tuổi thơ. Mở đầu bức thư, Người viết : "Các cháu yêu quý! Ngày 1- 6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô...". Và Người đã vạch rõ: "Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ". Người còn nêu ra những dẫn chứng cụ thể: "Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến". Đặc biệt, chúng ta vô cùng cảm động trước tình cảm, lời hứa và trách nhiệm của Người dành cho thiếu nhi: "Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...".
Một năm sau, vào ngày 29-5-1951, trên báo Cứu Quốc số 1828, Bác lại có "Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi". Cũng lời lẽ trìu mến, đầm ấm, thiết tha như năm nào, Bác đã gửi lời thân ái đến toàn thể nhi đồng cả nước. Bác nhắc đến ngày 1-5, Ngày của những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh. Còn ngày 1-6 "là Ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...". Hình thức đấu tranh của các cháu nhi đồng mà Người đưa ra rất cụ thể, thiết thực. Đó là, các cháu cần phải "Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh". Bác còn có lời khuyên nhủ chí tình: "Các cháu phải đoàn kết, thương yêu nhau" và là đoàn kết, thương yêu giữa nhi đồng trong nước với nhau, cũng như bạn bè thiếu nhi trên thế giới. Bác gọi "Đó là tinh thần quốc tế". Mà đã có tinh thần quốc tế thì khi lớn lên, thế giới sẽ không có áp bức, không có chiến tranh, không có xung đột mà chỉ có tình thân ái, giúp đỡ, giữ gìn và hưởng thụ hạnh phúc, hòa bình và dân chủ. Chao ôi, tình của Bác thật dạt dào cao cả, ý của Bác thì vô cùng sâu sắc, nhìn xa, thấy rộng. Cho đến bây giờ, những lời căn dặn, khuyên nhủ, dạy bảo của Bác năm nào cho đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi và giá trị thiết thực của nó.
Năm 1952, Bác không có thư cho Ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhưng lại có thư Trung thu gửi các cháu thiếu nhi. Vẫn tình cảm vô cùng dạt dào nồng thắm ấm tình người, Bác thổ lộ tâm tình: "Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh"; Bác căn dặn các cháu : "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình", để mãi mãi xứng đáng "Cháu Bác Hồ Chí Minh". Năm 1953, trên báo Nhân Dân số 115, từ ngày 1 đến 5-6-1953, Bác gửi đăng bức "Thư gửi nhi đồng trong nước và ngoài nước nhân ngày 1-6". Lần này, Bác lại thể hiện tình thân ái, ân cần, trìu mến và thân thương nhất không chỉ đối với các cháu nhi đồng trong nước mà cả với "nhi đồng các nước bạn và nhi đồng thế giới". Bác còn đặc biệt "gửi lời khen ngợi các cháu trong vùng bị tạm chiếm đã hăng hái tham gia kháng chiến".
Ngày 7-5-1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Đất nước còn bộn bề khó khăn và công việc, Bác và Trung ương vẫn chưa về tiếp quản thủ đô, nhưng Bác vẫn không quên gửi bức thư ngắn cho các cháu nhi đồng toàn quốc nhân ngày 1-6. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bác vẫn căn dặn các cháu phải ngoan ngoãn, chú ý rèn luyện cả về nhân cách và thể lực để trở thành công dân có sức khoẻ và tiến bộ. Năm 1955, nhân ngày 1- 6, Bác liên tiếp có hai bài viết, một gửi cho các cháu và cán bộ các trường miền Nam (Theo tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh); một đăng trên báo Nhân Dân số 445, ra ngày 1-6-1955. Lần này, Bác lại vẫn nhắc đến vấn đề đoàn kết. Và trong hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ, Bác nhấn mạnh rằng: "Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé... giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác... giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ". Bác nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải "yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...". Không những thế, Bác còn căn dặn các cô, các chú cán bộ "phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình" để chăm nom, bồi dưỡng các cháu - những người chủ tương lai của nước nhà". Bác nhấn mạnh rằng: "Ngày 1-6 nhắc nhủ người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn thanh niên) nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng", "Yêu quí các em" là phải lấy "tinh thần dân chủ mới mà giáo dục các em "5 điều yêu": Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu quí của công", và nuôi dạy các em phát triển sức khỏe, trí óc, "thành trẻ em có "4 tính tốt": hoạt bát, mạnh dạn, chất phác, thật thà"... và có "tư cách của con người mới: Không sợ khó, không sợ khổ, bạo dạn, bền gan". Bác nhấn mạnh rằng: "8, 9 năm qua, chúng ta kiên quyết kháng chiến; hiện nay chúng ta kiên quyết đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước - cũng nhằm mục đích xây dựng cho con cháu chúng ta một đời sống sung sướng, vui tươi, thái bình, hạnh phúc. Đồng thời chúng ta phải khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành công dân có tài, có đức", xứng đáng là người chủ của nước nhà.
Ba tháng trước lúc Người đi xa, cũng nhân dịp ngày 1-6, Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng" (báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1-6-1969). Bác khẳng định: "Nói chung trẻ con ta rất tốt", Bác nhắc đến các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam, Bắc thi đua làm nghìn việc tốt như thế nào, thành tích ra sao. Tuy nhiên, "vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn". Nói thế là Bác muốn nhắc đến vai trò và trách nhiệm của người lớn đối với các em. Người luôn cho rằng: "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...". Bác kêu gọi mọi người: "Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt". Chuẩn bị cho ngày đi gặp các cụ Các Mác, Lênin, trong Di chúc của mình, Người lại nói: "...Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Ôi, lời Bác, tình Bác đã, đang và sẽ là hành trang cho bao thế hệ trẻ bước vào đời và đang vĩnh hằng cùng năm tháng...
St: Quang Sính