Thứ ba, 19/11/2024 20:21:31
Vấn vương với nghiệp “trồng người”

Ngày: 22/09/2015

Cô Minh và các lớp “xóa mù”

Hình ảnh cô giáo dáng người nhỏ gầy, nhanh nhẹn mỗi ngày trên chiếc xe đạp đi khắp buôn gọi trẻ em, người lớn ra lớp, tham gia xóa mù chữ từ lâu khá quen thuộc với bà con dân tộc buôn B’Lú (tổ dân phố 5, thị trấn Madagui, Đạ Huoai, Lâm Đồng); mặc dù hiện nay, cô giáo Nguyễn Thị Minh đã nghỉ hưu.

Cô Minh cho biết: Năm 1989 do điều kiện cuộc sống, gia đình cô rời quê cũ - tỉnh Hà Nam vào huyện Đạ Huoai lập nghiệp. Vốn là nhà giáo, nên khi vào lập nghiệp trên quê mới, cô giáo Minh tiếp tục theo nghiệp “gõ đầu trẻ”. 

Cô Minh kể lại: Khi ấy, buôn B’Lú của người đồng bào DTTS gốc bản địa còn nhiều khó khăn. Từ trung tâm thị trấn đi vào buôn đường sá lầy lội, suối sâu cách trở, nhất là vào mùa mưa. Do kinh tế khó khăn, nhận thức thấp nên hầu hết trẻ em không tới trường, người lớn đều mù chữ…

Thực hiện chủ trương xóa mù chữ, phổ cập GDTH của ngành GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng và huyện Đạ Huoai, cô Nguyễn Thị Minh được cử vào buôn này để mở lớp xóa mù cho trẻ em và nhân dân. 

Cô Minh chia sẻ: “Trong suốt 6 năm dạy học ở đây, gần như đêm nào tôi cũng một mình lội suối vào buôn để dạy học. Có đêm trời mưa to, nước suối dâng cao phải ở lại…”. 

Buôn B’Lú có vài chục nóc nhà, không có trường, không có lớp; nhà ở của bà con dân tộc rất tạm bợ tranh tre và dột nát; đời sống của người dân rất nghèo, tăm tối. 

Để tự khắc phục khó khăn, những ngày đầu vào buôn mở lớp, cô Minh vận động học trò cùng lên rừng chặt cây, cắt lá mang về dựng tạm căn nhà làm nơi học tập cho học trò.

Đã có “trường” nhưng học sinh ngại con chữ, “ngại” học... Vậy là cô giáo lại leo đồi, lội suối đến từng nhà vận động trẻ em, người lớn mù chữ ra lớp. 

Công việc này không hề đơn giản nếu không có kinh nghiệm, tấm lòng và nếu không được nhân dân kính trọng, tin yêu... Cả buôn không có điện thắp sáng, cô giáo Minh tự trang bị cho mình chiếc đèn bão, còn học sinh mỗi người khi đến lớp mang theo một chiếc đèn dầu. Cả lớp bắt đầu đánh vần, vật lộn với từng con chữ dưới ánh nến, ánh đèn chập chờn mỗi đêm…

Cũng như các lớp “xóa mù” khác, học sinh lớp xóa mù của cô Minh đủ mọi lứa tuổi, người lớn, trẻ em, nhiều gia đình cha mẹ, con cái cùng học chung lớp. 

Cô giáo dạy xóa mù ở một buôn DTTS nghèo nên đôi lúc cô giáo Minh chợt thấy… tủi thân. Ngày 20/11 hàng năm, ít người nhớ, không được tặng hoa; trái lại, cô tự bỏ tiền mua mì gói, thực phẩm và đi xin thêm lương thực, vật dụng… mang vào cho học trò đỡ đói khi vào mùa giáp hạt; bởi có nhiều học trò vì đói đã bỏ học để đi kiếm cái ăn…

Chật vật suốt những năm tháng ở lớp “xóa mù” giữa buôn sâu nhập nhòa, tăm tối; và, rồi niềm vui vỡ òa! Một ngày giữa năm 1997, lớp học “xóa mù” buôn B’Lú tốt nghiệp. 

Người lớn đã biết đọc, biết viết, trẻ em được công nhận trình độ tiểu học, ra thị trấn tiếp tục học lên. Còn cô “Minh xóa mù” bùi ngùi lên đường nhận nhiệm vụ mới…

Với những thành tích ở lớp “xóa mù” buôn B’Lú, đầu năm học mới 1997 - 1998, cô giáo Nguyễn Thị Minh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (trường mới vừa xây dựng cũng ở một xã nghèo của huyện Đạ Huoai). 

Những tưởng đã hết nợ duyên với công tác “xóa mù”; nào ngờ, khi về trường mới vừa làm công tác quản lý, cô giáo Minh vừa cùng các giáo viên ở đây tiếp tục… xóa mù! 

Cô Minh tiếp tục đi vận động nhân dân, trẻ em ra lớp; vận động đóng góp sách vở, ghế bàn… cho trường học mới; lặng lẽ với công tác xóa mù ở ngôi trường này mãi đến năm 2006 được nghỉ hưu!

Vẫn chưa hết… “nợ”

26 năm lập nghiệp ở Lâm Đồng, cô giáo Nguyễn Thị Minh có 17 năm gắn bó với các lớp xóa mù chữ cho trẻ em và đồng bào DTTS huyện Đạ Huoai - coi như “trả nợ” nghiệp “chèo đò” và “trả nghĩa” ân tình quê mới! 

Khi về nghỉ hưu và đảm nhận vai trò Trưởng ban Mặt trận tổ dân phố, cô Minh tưởng rằng mình thực sự hết duyên nợ với nghề cũ. Song, với niềm yêu mến của bà con nhân dân và sự tín nhiệm của đồng nghiệp đã khiến nhà giáo này tiếp tục gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Cô Minh được các đồng nghiệp đã nghỉ hưu bầu làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Đạ Huoai.

Vừa làm Trưởng ban Mặt trận, vừa tham gia trong Hội Cựu giáo chức, cô Minh có điều kiện thuận lợi trong việc gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn trong đời sống của bà con nhân dân; từ đó động viên, chia sẻ, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia phát triển giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa… trong nhân dân khá thuận lợi, hiệu quả. 

Vào các dịp nghỉ hè, biết học sinh nông thôn thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình, ham chơi, không chú tâm sách vở, cô Minh đã trở lại buôn cũ (buôn B’Lú) mở lớp ôn tập hè cho học sinh… 

Trước mỗi năm học mới, cô đến các cơ quan, doanh nghiệp, các hộ gia đình khá hơn quyên góp quần áo, sách, vở tặng cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc.

Ông Lê Hữu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Madagui - cho biết: “Cô Minh nhiệt tình lắm, việc gì trong buôn, trong khu dân cư cô đều nắm rất chắc, cô là người có uy tín với nhân dân, nếu cần vận động bà con việc gì, cứ gọi cô…”.

Hạnh phúc lớn nhất của người thầy giáo là nhìn thấy các thế hệ học sinh do mình dạy dỗ thành đạt, thành danh. Các lớp “xóa mù” của cô giáo Minh năm xưa cũng đã có nhiều người trở thành cán bộ. 

Song, giúp cho trẻ em nghèo, người đồng bào DTTS biết được “cái chữ”, thoát khỏi lạc hậu, tối tăm trong cuộc sống hiện nay, theo chúng tôi có ý nghĩa rất nhân văn và có giá trị lớn lao gấp trăm ngàn lần…

abc
Tin liên quan