Thứ hai, 20/05/2024 22:47:14
Giảng mẫu, dự giờ, thi giáo viên giỏi hay diễn kịch?

Ngày: 18/12/2014

Trao đổi với PV Infonet, bà Hương cho rằng, giáo viên tiểu học hiện nay đang quá tải. Một trong những lí do khiến họ quá tải nằm ở các tiết giảng mẫu, các buổi dự giờ, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, các kì thi của học sinh và đủ thứ giấy tờ sổ sách. Trong khi chung quy lại, những hoạt động đó lại được sử dụng để đánh giá giáo viên.
 
Như diễn kịch?
 
Bàn về những tiết giảng mẫu hay các kì thi giáo viên dạy giỏi, bà Hương cho biết: "Tôi đã từng dự một tiết dạy như thế. Hỏi học sinh thì các em bảo là cô đã giảng bài này rồi và dặn học sẵn cái này cái kia. Thậm chí hoạt động nhóm, học sinh còn chuẩn bị trước cả đáp án trả lời viết lên bảng rất đẹp. Chỉ làm bộ là hoạt động nhóm trong 1 phút, sau đó là học sinh giơ bảng chuẩn bị câu trả lời sẵn lên.
 
Thực chất đó là các tiết mà giáo viên đã chuẩn bị từ vài tuần, họ tập đi tập lại với học sinh. Khi dạy tiết đó, họ trình diễn như một tiết mục văn nghệ hoặc diễn kịch. Học sinh được chỉ định trước sẽ trả lời các câu hỏi mà nhiều khi học thuộc câu trả lời rồi đọc ra, chứ không phải để kiểm tra hay gợi ý để học sinh suy nghĩ như tiết học bình thường. Những người tham dự cũng đánh giá dựa trên các ý kiến chủ quan khi mà họ đứng vị trí của người lớn để quan sát”
 
Theo bà Hương, đây đang là điều bất cập lớn bởi khi mà các em học đi học lại tiết học đó thì tiết học đó hoàn toàn vô giá trị với học sinh.
 
 
TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) 
 
Đáng lo ngại hơn, khi học sinh sẽ học theo việc trình diễn đối phó, từ đó manh nha tính cách dối trá, thiếu thực chất, nặng hình thức trong học tập.
 
Và tất nhiên, chỉ học sinh giỏi được đứng lên trả lời và cũng tất nhiên trả lời hoàn toàn chính xác. Điều này khiến việc dạy học trở nên không thực chất.  “Giáo dục bắt đầu từ điểm sai và đi đến điểm đúng thì sẽ khiến bài học hấp dẫn và dễ ghi nhớ hơn. 
 
Tuy nhiên, trong các tiết giảng mẫu hoặc có người dự giờ, mọi điều đều được khẳng định một cách rất chính xác. Học sinh sẽ hiểu rằng: đã phát biểu là phải đúng, phải chính xác. Và còn khiến cho trẻ em cảm thấy ngượng ngùng khi phát biểu vì tâm lý sợ sai, ngày càng mất dần sự tự tin cần thiết”, bà Hương nói.
 
Giáo viên hoang mang
 
Không chỉ gây áp lực lên giáo viên, mà theo bà Hương những điều này còn gây khó khăn cho đội ngũ đánh giá giáo viên và những tiết học đó, thậm chí là “lệch” so với mục đích cần đạt được. 
 
Bà Hương lấy ví dụ, những cán bộ ngồi tham dự sẽ đánh giá dựa trên ý kiến chủ quan của chính họ với tư cách là những người truyền đạt kiến thức chứ không phải là ý kiến của học sinh (những người tiếp nhận kiến thức). Vì thế, việc đánh giá sẽ sai lệch, không phù hợp với nhu cầu của học sinh.
 
Ngoài ra, những cán bộ ngồi tham dự để đánh giá sẽ đặt suy nghĩ chủ quan lên tiết dạy và sẽ đánh giá theo những yêu cầu chủ quan đó khiến cho người giáo viên bị lúng túng, hoang mang. Sự đánh giá đó khiến cho giáo viên sẽ bị buộc phải dạy theo 1 chuẩn nào đó mà không có sự sáng tạo cho phù hợp với điều kiện và đặc điểm của học sinh. 
 
Đánh giá học sinh bằng tư cách của người thầy thì sẽ không thể cảm nhận được ngọn lửa cảm hứng ấy vì sự khác biệt tâm sinh lý lứa tuổi. Vì vậy, theo bà Hương, việc đánh giá này không chính xác.
 
Đề xuất thay đổi cách đánh giá giáo viên
 
Từ đó, theo bà Hương hơn bao giờ hết cần có sự thay đổi trong cách đánh giá giáo viên. Cụ thể, bà Hương đề xuất phương án, những nhà thanh tra giáo dục sẽ kiểm tra trình độ của một số học sinh bất kì trong lớp, so sánh với kết quả học tập của chính các em lưu trong sổ học bạ từ các năm trước, hoặc học kì trước. Rồi dựa vào đó, các nhà thanh tra có thể nhận định để có cái nhìn bao quát, đánh giá giáo viên trực tiếp giảng dạy.
 
Ngoài ra, theo bà Hương các thanh tra cũng có thể đánh giá giáo viên dựa trên các phiếu điều tra học sinh về mức độ yêu thích môn học, mức độ hứng thú, cảm giác của học sinh khi dự các tiết học của giáo viên đó và cảm nhận của chính các em về người giáo viên phụ trách.
 
“Từ kết quả của hai điều tra trên, người thanh tra hoàn toàn có thể đánh giá giáo viên một cách chính xác và công tâm hơn. Những công việc nặng tính hình thức sẽ bị buộc phải cắt giảm và triệt tiêu để phục vụ cho việc giảng dạy. Nếu cách đánh giá này được thực hiện thì tôi dám khẳng định là những tiêu cực của giáo dục tiểu học sẽ được giảm đi đáng kể ”, bà Hương nhấn mạnh.
Sưu tầm
Tin liên quan