TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG LƯƠNG

tin tức-sự kiện

Giáo dục kiểu Singapore

Giáo dục kiểu Singapore

Năm 2004, Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra thêm một định hướng mới cho nền giáo dục Singapore: “Phải dạy ít hơn để học sinh học được nhiều hơn”

Theo nhận định của giáo sư Calestous Juma, chuyên gia về phát triển bền vững Trường ĐH Harvard Kennedy School, cải cách giáo dục như thế nào để bắt kịp thời đại là một trong những bài học đắt giá nhất mà các nước đang phát triển (còn gọi là thế giới thứ ba) có thể học hỏi ở Singapore.

Phục vụ kinh tế hướng ngoại

Khi giành được độc lập năm 1965, Singapore là một đảo quốc nghèo, nhỏ bé (chừng 700 km2), rất ít tài nguyên thiên nhiên, thiếu nước ngọt, dân số tăng trưởng nhanh, nhà cửa xập xệ, nguy cơ xung đột sắc tộc và tôn giáo khá cao giữa người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Lúc đó không có giáo dục cưỡng bách, rất ít trường trung học và đại học và lao động có tay nghề khan hiếm.

Bức tranh của ngày hôm nay là một sự lột xác thần kỳ. Chỉ trong vòng 20 năm, Singapore nhảy vọt thành một nước phát triển công nghiệp hiện đại, một trung tâm thương mại, tài chính và vận chuyển hàng hóa tầm cỡ thế giới.

Khi ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng năm 1959, thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 400 USD. Hiện nay là 60.000 USD! Thành tựu này phần lớn nhờ Singapore có một hệ thống giáo dục khá riêng biệt, liên tục được xếp hạng rất cao trong danh sách các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới trong 10 năm qua. Theo báo cáo The Learning Curve 2014 của Công ty Giáo dục Pearson, hệ thống giáo dục Singapore đứng hạng 3 ở châu Á, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mục tiêu của hệ thống giáo dục Singapore chủ yếu là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, qua đó tạo ra sức cạnh tranh cao. Tầm nhìn này được ông Lý phát triển ngay từ đầu nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Đó cũng là một trong những bí quyết thành công của Singapore mà ông Lý thường nhấn mạnh.

Để tạo chỗ đứng vững chắc về mặt kinh tế, theo ông Lý, cần có 3 yếu tố:Làm chủ (tìm kiếm cơ hội và tính toán kỹ rủi ro), đổi mới (luôn có sản phẩm mới và tạo giá trị gia tăng) và quản lý (mở thị trường mới và các kênh phân phối). Có thể nói, ngay từ đầu ông Lý đã kiên trì xây dựng một nền giáo dục mang tính định hướng rất rõ: Phục vụ kinh tế hướng ngoại.

Ông Lý cũng có một số ý kiến gây tranh cãi, như cho rằng không có sự khác biệt giữa kiến thức uyên bác và khả năng làm chủ doanh nghiệp. “Các học giả đồng thời cũng phải là nhà phát minh, nhà cải cách, nhà đầu tư mạo hiểm và chủ doanh nghiệp. Họ phải đưa sản phẩm mới, dịch vụ mới ra thị trường nhằm nâng cao mức sống người dân ở khắp nơi” - ông lập luận. Xa hơn nữa, để nhấn mạnh tính ưu việt của chất lượng nguồn nhân lực, ông Lý khẳng định: “Dân số học chứ không phải dân chủ sẽ là yếu tố then chốt cho an ninh thế kỷ XXI”.

Dạy ít để học nhiều

Giáo dục Singapore đi từ thấp lên cao theo 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ cụ thể. Trong giai đoạn đầu (1959-1978), mục tiêu của ngành giáo dục là đào tạo “công dân hữu ích, người tốt”. Trong giai đoạn 2 (1979-1996),Singapore tiến hành cải cách giáo dục, dùng sách giáo khoa chất lượng cao, đa dạng hóa bậc phổ thông trung học hướng tới đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, sinh viên kỹ thuật và khoa học. Giai đoạn này đã mang lại nhiều kết quả khả quan: học sinh bỏ lớp giảm còn 6%, số học sinh thi đậu chứng chỉ “O Level” tiếng Anh (điều kiện để đăng ký vào các trường bách khoa học lấy bằng chuyên ngành điện, điện tử, xây dựng, cơ khí, quản trị kinh doanh…) đạt 90% năm 1984 và năm 1995, sinh viên Singapore luôn ở tốp đầu các kỳ thi toán và khoa học thế giới.

Từ năm 1997 đến nay, giáo dục Singapore chuyển hướng mạnh, nhắm tới sáng tạo, đổi mới và nghiên cứu. Hơn 1 triệu nhà khoa học, kỹ thuật và quản lý cao cấp người nước ngoài được mời đến giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học và viện nghiên cứu Singapore.

Cũng trong giai đoạn này, Singapore thực thi tầm nhìn chiến lược “Thinking School, Learning Nation” (Nhà trường tư duy, Quốc gia học tập) như một định hướng đổi mới giáo dục. Vế đầu có nghĩa là nhà trường trở thành nơi phát huy tư duy sáng tạo, say mê học tập cả đời và hun đúc tinh thần phục vụ đất nước. Trong vế thứ hai, học tập trở thành văn hóa quốc gia, óc sáng tạo và đổi mới ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội. Khi triển khai tầm nhìn mới này đầu năm 1997, Thủ tướng Goh Chok Tong tin rằng “sư thịnh vượng của Singapore trong thế kỷ XXI tùy thuộc vào khả năng học tập của toàn dân”.

Năm 2004, trong bài diễn văn chào mừng Quốc khánh Singapore, thủ tướng Lý Hiển Long còn đưa ra thêm một định hướng mới cho nền giáo dục Singapore: “Phải dạy ít hơn để học sinh học được nhiều hơn”. Để đạt hiệu quả cao, Singapore dành 1/5 GDP đầu tư vào giáo dục. Con số này hiện nay vẫn được duy trì.

Có thể học hỏi được gì ở nền giáo dục Singapore thiên về thực hành hơn kiến thức chung chung? Theo giáo sư Yuma, đây là một thách thức lớn đối với đa số các nước đang phát triển - vốn có hệ thống giáo dục không phản ánh yêu cầu của doanh nghiệp trong thời đại mới.

NGUYỄN CAO
(Theo http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/giao-duc-kieu-singapore-2015032422205329.htm )
Tác giả: NGUYỄN CAO

Xem thêm

HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG MÚA THEO PHONG CÁCH ẤN ĐỘ
BÀN TAY NĂN BỘT KHỐI 4
HS TRƯỜNG TH HOÀNG LƯƠNG VUI VĂN NGHỆ
TIẾT DẠY BÀN TAY NĂN BỘT
SINH HOẠT KHỐI 4 CHUYEN ĐỀ TIẾNG VIỆT