Thứ ba, 19/11/2024 20:20:28
TIẾNG VIỆT LỚP 1- CGD- KHÓ KHĂN- GIẢI PHÁP

Ngày: 27/11/2015

Khi nói tới đức tính chăm chỉ cần mẫn, chúng ta thường nhắc tới những chú ong. Hàng ngày chúng miệt mài rong ruổi khắp miền để tìm hoa, hút nhụy mang lại mật ngọt cho đời. Những người thầy giáo trong các nhà trường cũng như vậy. Đặc biệt với các cô giáo, thầy giáo Tiểu học đang giảng dạy lớp 1, người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà cao tầng, cũng hàng ngày, hàng giờ dành hết tâm huyết cho đàn con thân yêu của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói các thầy cô được phân công giảng dạy, chủ nhiệm lớp 1 tại trường Tiểu học Đoan Bái số 1 Hiệp Hòa - Bắc Giang. đang khắc phục khó khăn, cố gắng, nhiệt tình, trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ, một nhiệm vụ đổi mới.


       Năm học 2015 - 2016, Trường Tiểu học Đoan Bái số 1 - Hiệp Hòa - Bắc Giang, một trong 15 đơn vị của phòng GD&ĐT Hiệp Hòa thực hiện giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục ( CGD). Theo GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chia sẻ: Mục tiêu của dạy môn Tiếng Việt lớp 1 – CGD là giúp các em học sinh đọc thông, viết thạo, học đâu chắc đấy, nắm chắc luật chính tả, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt. Đồng thời giúp các em phát triển tư duy và biết cách làm việc trí óc, phát huy năng lực tối ưu của mỗi cá nhân học sinh. Việc dạy Tiếng Việt 1 - CGD là giúp học sinh chiếm lĩnh được tri thức ngữ âm cơ bản và hình thành các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tương ứng. Lần đầu tiên, học sinh biết tiếng là một khối âm thanh toàn vẹn như một “khối liền” được tách ra từ lời nói. Tiếp đó, bằng phát âm, các em biết phân biệt tiếng giống nhau và tiếng khác nhau; biết tiếng được phân tích thành các bộ phận cấu thành như phần đầu, phần vần, thanh. Trên cơ sở đó, giúp các em biết đánh vần một tiếng theo cơ chế phân đôi. Qua phát âm, các em phân biệt được phụ âm, nguyên âm. Khi nắm được bản chất mỗi âm, các em dùng ký hiệu để ghi lại.


          Với mục tiêu như vậy, cách thức để giúp học sinh đạt được, các thầy cô đang áp dụng dạy theo quy trình 04 việc: Chiếm lĩnh ngữ âm; học viết chữ ghi âm; đọc; viết chính tả và tiến hành theo 04 bước: Nhận diện ngữ âm; tập viết; đọc và luật chính tả.


          Bước đầu thực hiện có những thuận lợi: Giáo viên không phải soạn bài nên có thời gian nghiên cứu thiết kế bài giảng có sẵn của sách công nghệ giáo dục. Giáo viên chỉ cần thực hiện đúng, đủ quy trình trong sách thiết kế. Tài liệu thiết kế chi tiết cho các dạng bài, các mẫu của từng tiết dạy. Việc chuẩn bị đồ dùng dạy học của giáo viên ít hơn, cũng đơn giản, nhẹ nhàng hơn, đa số các thao tác đều có sẵn trong thiết kế bài giảng. Nhưng gặp không ít những khó khăn vì cả nội dung, phương pháp hoàn toàn mới, khác với nội dung, phương pháp mà các thầy cô áp dụng trước đây. Khi đọc kết hợp các động tác khác nhau, có thể nói là những động tác " Múa" của cả cô và trò. Trong tiết dạy, giáo viên phải nói, làm việc khá nhiều; tiết học kéo dài vì nội dung mới, nhiều kể cả đọc kể cả viết. Những tuần đầu, giáo viên loay hoay cả buổi vì môn tiếng Việt, thậm chí còn chưa xong 4 việc. Mặt khác phần lớn giáo viên dạy lớp 1 đều tuổi cao, trình độ hạn chế nên tiếp cận chương trình CGD khó khăn. 


          Để đạt được những mục tiêu đó nhà trường đã tuyên truyền, động viên các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy lớp 1 và bản thân mỗi thầy cô đã và đang rất tích cực, nhiệt tình trong công việc của mình, hầu hết thời gian ở trường là dành cho học sinh, thường xuyên đi sớm về muộn; các thầy cô không có thời gian rảnh, thậm chí không có thời ra chơi. Các cô cũng tự nguyện tăng một đến hai buổi chiều/ tuần để hướng dẫn cho học sinh tiếp cận nhanh hơn, nắm chắc hơn kiến thức, kỹ năng. Một mặt, các cô tự đầu tư thiết bị âm thanh "Microphone" để hỗ trợ khi giảng bài. Bên cạnh đó, nhà trường đề ra những giải pháp thiết thực để khắc phục khó khăn:


          - Tuyên truyền cho cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận về việc dạy học theo tài liệu TV1- CGD. Giúp phụ huynh cách hướng dẫn con tự học ở nhà theo đúng mục tiêu đề ra (Tổ chức buổi họp riêng với phụ huynh học sinh ( PHHS) lớp 1 để tuyên truyền và hướng dẫn PHHS biết cách để dạy con khi ở nhà; nhà trường khuyến khích PHHS tới trường để dự giờ các tiết dạy của giáo viên)


          -  BGH cũng đã trao đổi và thống nhất các quan điểm giáo dục các em ở nhà của PHHS như: Các  bậc phụ huynh nên khuyến khích con tự học, nên khen con thường xuyên, kiên nhẫn, biết đợi và biết lắng nghe những điều các con nói. Phụ huynh cũng nên kiểm soát việc học của con bằng cách đặt câu hỏi., không nên dạy con học trước hay chê con khi con chưa làm được. Đặc biệt không nên nóng giận, áp đặt suy nghĩ của mình cho trẻ và tạo áp lực về điểm số, thành tích đối với các em.


          - Tổ chức dạy chuyên đề cho tất cả CBGV nhà trường cùng dự, nắm được phương pháp, cách thức tổ chức để thực hiện quy trình 4 việc.


          - Tham gia đầy đủ, có chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn cụm trường do phòng GD&ĐT, sở GD&TT tổ chức.


          - Hướng dẫn GV lớp 1 truy cập, tìm hiểu  những thông tin từ các đơn vị bạn đã thực hiện chương trình này; chủ động xin ý kiến chỉ đạo của phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT để kịp thời khắc phục những khó khăn.


          - Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo, thực hiện đề ra những giải pháp khắc phục hạn chế.


          Bằng những nỗ lực và những biện pháp thiết thực, đến nay ( tuần 14 của năm học), đã giảm bớt những khó khăn, các thầy cô đã nắm chắc và thực hiện thành thạo các khâu bước, quy trình dạy; các việc được hoạt động khá linh hoạt. Các em học sinh đã quen, thực hiện theo đúng các ký hiệu, các động tác, tiếp thu bài tốt: Đọc, đánh vần, phân tích hay viết. Hi vọng với những gì đang cố gắng của nhà trường, của các thầy cô với tinh thần kỷ cương - tinh thương và trách nhiệm, sẽ có  hướng đi đúng, tích cực trong việc dạy Tiếng Việt cho học sinh theo chương trình CGD với chất lượng cao nhất.

 

 

NVH
Tin liên quan