Ngày: 12/12/2014
ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI Ở VIỆT NAM (VNEN)
Thực hiện công văn số 639/PGD&ĐT ngày 09/12/2014 về việc đánh giá thực hiện trường học mới ở Việt Nam (VNEN). Trường TH Đoan Bái 1 đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình trường học mới ở tại trường mình như sau:
Năm học 2014-2015, trường Tiểu học Đoan Bái 1 là 1 trong 9 trường được PGD&ĐT Hiệp Hòa chọn nhân rộng thí điểm mô hình trường Tiểu học mới theo mô hình VNEN. Mô hình này được trường bố trí ở khối 3 với 145 em học sinh.. Nội dung nhân rộng là môn Toán. Trong quá trình thực dạy theo mô hình thí điểm có những ưu điểm, hạn chế sau:
1. Ưu điểm:
Mô hình VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân HS; chuyển việc truyền thụ của GV thành việc hướng dẫn HS tự học. Lớp học do HS tự quản và được tổ chức theo các hình thức, như: Làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu. Học sinh được học trong môi trường học tập thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với bạn bè, với thầy cô, được sự giúp đỡ của bạn học trong lớp, trong nhóm và thầy cô, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi các em. học sinh khá giỏi được phát huy, học sinh còn hạn chế, yếu kém được học sinh của nhóm và giáo viên giúp đỡ kịp thời ngay tại lớp.
Tài liệu, sách, vở cho dạy và học được thiết kế, biên soạn rất phù hợp để học sinh có thể tự đọc, tự tìm hiểu tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên và tổ chức học tập của nhóm.
Học tập theo mô hình VNEN giúp học sinh phát huy tích cực tính tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin, hứng thú trong học tập. Đây là phương pháp dạy học mới, giúp các em phát huy tốt các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá lẫn nhau trong giờ học. Cách thức tổ chức lớp học được bố trí ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh” do các em bầu ra và đảm nhiệm, đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập.
2- Hạn chế:
Theo đánh giá của các GV để có thể thực hiện được đầy đủ các yêu cầu của phương pháp tổ chức lớp học VNEN là điều không dễ. Thực hiện mô hình này, GV vất vả hơn trước rất nhiều. Lớp học bố trí theo nhóm, HS được tự do, thảo luận làm việc nhóm nên việc quản lý, giữ trật tự trong lớp học rất khó giám sát bao quát hết các nhóm. Trong hoạt động tương tác giữa các HS, chỉ những em mạnh dạn mới hay giơ tay phát biểu, một số HS không tham gia thảo luận, thụ động và ỷ lại. Hơn nữa, theo yêu cầu, HS phải chuẩn bị bài trước ở nhà dưới sự hỗ trợ của phụ huynh thì việc thảo luận trên lớp mới mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng hỗ trợ HS làm việc này. Một số GV cũng rất lo lắng khi chuyển sang dạy phương pháp này, một phần vì chưa có kinh nghiệm, phần khác vì đồ dùng chưa có nên GV phải tự làm đồ dùng học tập cho HS.
3- Bài học kinh nghiệm:
Nhà trường phải làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh và nhân dân, đặc biệt là cha mẹ học sinh có con học Dự án mô hình trường học mới VNEN, nắm được cơ bản cách thức tổ chức giảng dạy và học tập theo mô hình này. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các tiêu chuẩn như: đánh giá hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và hoạt động theo môn học; đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực chung của học sinh như: tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; đánh giá sự hình thành, phát triển các phẩm chất của học sinh. GVCN lớp phải là người tâm huyết thật sự.
Các bậc cha mẹ học sinh cần quan tâm đến điều kiện học tập tại lớp của con em mình, thường xuyên chia sẻ cùng con em mình trong học tập, vui chơi, trong cuộc sống.
4- Đề xuất, kiến nghị với cấp trên:
Các trường được nhân rộng, được đầu tư về kinh phí để trang trí lớp học, sách vở, đồ dùng dạy và học được cấp đến học sinh, giáo viên.
PGD tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tham gia tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, cách thức tổ chức lớp học theo mô hình, cách đánh giá kết quả học sinh theo tổ nhóm chuyên môn, theo từng trường và theo cụm trường, tăng cường dự giờ thăm lớp, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau để áp dụng phương pháp dạy học mới đạt kết quả cao.
PHÓ HIỆU TRƯỞNG
Nguyễn Thị Dần