Tin tức : Tin tức - Sự kiện / BÀI VIẾT 35 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Bài Số 5

Ngày đăng : 24-10-2017

 

Thầy ơi, em muốn được chào thầy!

 

     Cho đến tận bây giờ khi đã gần 40 tuổi đời và xấp xỉ 20 năm công tác trong ngành giáo dục trong lòng tôi vẫn giữ một niềm day dứt khôn nguôi về người thầy giáo dạy lớp 2 của mình.

     Hôm nay ngồi trước bàn phím máy tính những kỉ niệm xa xưa lại ùa về  trong tâm trí của tôi. Đó là năm 1985 tôi là một cô bé gầy gò, đen đúa với mái tóc xoăn tự nhiên đen sì. Cô giáo dạy tôi lớp 1 là cô Nhung, người cùng làng nhưng khác xóm, còn người dạy tôi lớp 2 tên là Mị, cùng xóm với tôi. Đó là một thầy giáo cao gầy, một bên mắt bị hỏng do chiến tranh. Thầy rất nghiêm khắc với học trò theo kiểu thầy đồ ngày xưa nên khi biết thầy sẽ dạy chúng tôi,mấy anh chị lớp trên bảo  học thầy sợ lắm, đứa nào không học bài là thầy cho ăn roi ngay. Biết được như vậy nên trong lòng tôi vô cùng lo lắng, tôi bảo u xin cho tôi sang lớp khác. U bảo: “ Thầy nghiêm khắc mày mới nên người con ạ. Mày học khác sẽ không học cùng các bạn trong xóm. Cái Thanh, thằng Tuyên chúng có đòi sang lớp khác đâu, chỉ có mình mày lắm chuyện. Ra chỗ khác chơi cho u làm.” Tôi lủi thủi chạy ra góc vườn trèo lên tường cạnh nhà bác chơi trong lòng với bao nỗi u sầu mà không biết nói cùng ai.

      Rồi ngày khai trường cũng đến. Hôm đó thầy yêu cầu chúng tôi ăn mặc sạch sẽ, yêu cầu chúng tôi tập trung hàng nhanh chóng và thẳng lối theo kiểu quân đội . Mấy thằng con trai nghịch ngợm không đứng thẳng hàng bị thầy cho mấy cái vụt sợ đứng im không dám nhúc nhích, mặt tái mét. Lớp tôi được khen là tập trung nhanh và xếp hàng thẳng nhất trường, chúng tôi vinh dự lắm nhưng trong lòng tôi vẫn đầy nỗi lo âu.

       Tuần học đầu tiên bắt đầu. Chúng tôi đi học nhưng chả có đồ dùng học tập đầy đủ, đứa thiếu cái nọ, đứa thiếu cái kia làm cho thầy thực sự vất vả. Thầy chuẩn bị cho trò từng cái bút, quyển vở, quyển sách, cái thước cho học sinh mà mãi sau này tôi mới biết đồng lương nhà giáo lúc bấy giờ vô cùng bèo bọt. Có lẽ thầy sắm cho chúng tôi thì gia đình thầy lại thêm khó khăn vì  thầy cũng chẳng khấm khá hơn  chúng tôi là mấy. Thầy rất quan tâm đến chúng tôi, thầy hỏi han ân cần khi bạn nào ốm hay nghỉ học.  Tôi thấy thầy cũng có gì đáng sợ lắm đâu nếu mình không phạm lỗi. Từ đó nỗi sợ hãi dần nguôi ngoai trong lòng tôi. Tôi thích đến lớp, thích học thầy, thích nghe thầy kể chuyện về thời chiến tranh gian khổ ác liệt- những câu chuyện sinh động, hấp dẫn làm cho chúng tôi vô cùng thích thú. Chúng tôi vô cùng yêu quý thầy.

     Thầy còn được coi là người vận động học sinh đến lớp giỏi nhất trường. Lớp thầy dạy không bao giờ có học sinh nghỉ học giữa chừng. Ngày đó có rất nhiều học sinh nghỉ học . Chúng tôi hay phải nghỉ học ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm. Có bạn phải bỏ học vì suốt ngày bố mẹ bắt ở nhà trông em, nghỉ nhiều quá đến khi đi học không theo kịp các bạn đâm ra chán không muốn đi học nữa. Chị gái thứ hai của tôi phải nghỉ học từ lớp 3 vì phải bế chúng tôi ( nhà tôi rất đông anh chị em). Tôi cũng suýt rơi vào trường hợp như vậy. Chả là dưới tôi còn hai em nữa, một em ít hơn hai tuổi, một em ít hơn sáu tuổi. Đến vụ gặt hết thời kì nghỉ ngày mùa ( ngày ấy cứ đến mùa gặt là chúng tôi được nghỉ  giúp gia đình gặt lúa mấy hôm), u tôi bị ốm, bảo tôi nghỉ thêm mấy hôm để trông em giúp u. Tôi buồn lắm nhưng vẫn phải nghe lời. Tổng cộng tôi nghỉ mất một tuần. U khỏe lại, tôi đi học. Thầy giảng mà tôi chả hiểu gì cả. Thấy các bạn giơ tay ầm ầm trong lòng tôi vô cùng ấm ức vì hằng ngày tôi là đứa học không đến nỗi tồi. Về nhà tôi khóc như mưa, bố tôi bảo không theo được thì nghỉ ở nhà trông em. Thế là hôm sau tôi không đến lớp nữa. Ở nhà suốt ngày chơi đồ hàng với em dưới gốc cây chuối ở góc vườn lại vui đáo để nên tôi quên luôn thầy giáo và các bạn cùng những câu chuyện thời chiến tranh của thầy. Nhưng thầy và các bạn không quên tôi. Ngay hôm sau tôi nghỉ học, thầy vào nhà tôi. Gặp bố tôi, thầy ngồi uống nước chè với bố ở hiền nhà  còn tôi và em vẫn đang bán đồ hàng dưới gốc chuối. Nghe bố kể lại, thầy hỏi tại sao tôi nghỉ học, bố bảo tôi học dốt quá không theo kịp các bạn nên học cũng phí cơm gạo, ở nhà trông em cho bố u đi làm còn ra gạo, ra tiền. Thấy không thuyết phục được người hàng xóm cứng đầu, thầy ngồi một lúc lâu rồi về. Ngày nào thầy cùng các bạn cũng vào nhà tôi sau giờ dạy, lần nào tôi cũng trốn thầy và các bạn. Lần khác thầy gặp u tôi ( mọi lần toàn gặp bố). Thầy bảo : “ Chị có muốn con chị giống chị suốt ngày bám mặt cho đất bám lưng cho trời mà không đủ ăn không?  Cháu không hiểu tôi sẽ kèm thêm . Buổi chiều bảo nó vào nhà tôi. Nó không phải là đứa chậm hiểu ”  U tôi giãi bày : “ Là cái Huyền đầu óc ngu si, chậm chạp không theo kịp các bạn nên có học cũng chả ăn thua. Cho cháu nghỉ sớm giúp được gia đình sớm ngày nào hay ngày ấy. Còn cháu muốn đi tôi sẽ thuyết phục bố cháu cho đi học.”  Sau hôm đó thầy gặp được tôi, tôi nói lí do. Thầy bảo: “ Ngày mai em cứ đi học, thầy sẽ giúp em”. Thế là tôi lại đi học  trong khi u phải thuyết phục bố là tôi sẽ chăm chỉ và theo kịp các bạn. Tôi đã phải mất mấy buổi chiều vào nhà thầy để thầy giảng những bài tôi chưa học. Chẳng mấy chốc tôi theo kịp bạn.

      Tuy nhiên, mấy hôm sau thầy Mị lại thấy tôi không đến lớp. Sau giờ học thầy vào nhà thấy tôi đang chơi với em ở góc vườn. Thầy nói:

  • Thầy thất vọng vì em vô cùng. Em cứ thế này thì cuộc đời sẽ mãi quanh quẩn ở xó vườn mà thôi.
  • Không phải em mải chơi quên học đâu, mà là ….vì…..là vì…..- Tôi ấp úng.
  • Vì sao? – Thầy quát to làm tôi giật cả mình.
  • Vì em không có quần mặc.- Tôi cũng hét lên rồi chạy đi vào trong nhà mặc

kệ thầy giáo đứng đó và em tôi đang lê la nghịch đất ở góc vườn. Thầy ngây người ra một lúc, dường như hiểu ra chuyện thầy lững thững đi về nhà.

     Chiều hôm đó thầy mang cho tôi hai chiếc quần cũ vẫn còn lành lặn và được giặt sạch sẽ, chắc là của con gái thầy. Tôi kể chuyện cho thầy nghe. Tôi chỉ có một cái quần lành lặn duy nhất để đi học. Ngày nào cũng vậy, sáng mặc trưa giặt, hôm sau lại mặc. Hôm đó trời mưa không khô quần, sáng sớm tôi dậy thấy ướt bèn cho lên vung nồi cám hong cho khô, chẳng may bị cháy mất một miếng to. Tôi khóc mãi và nghỉ buổi học hôm đó.

       Năm học lớp 2 của tôi có lẽ sẽ mãi trôi đi trong bình nếu không có sự kiện xảy ra làm tôi day dứt đến tận bây giờ. Vào một buổi học gần cuối năm thầy đang viết bài trên bảng, tôi cố tình cầm bút chì nhọn chọc vào người thằng Thịnh, nó quay lại. Chiếc bút đi sát thái dương suýt vào mắt nó. Tuy chưa vào mắt nhưng ngọn bút chì nhọn cũng làm nó đau điếng. Nó thưa thầy. Thầy quắc mắt nhìn và vụt cho tôi một cái đau điếng vào tay. Thầy nói: “ Nếu hôm nay em chọc vào mắt Thịnh, bị mù mắt, em lấy gì để đền ?” Tôi lí nhí nói lời xin lỗi nhưng trong lòng tức thầy vô cùng vì tôi chưa bao giờ bị ai đánh cả. Tôi  nghĩ : “ Sẽ không bao giờ chào thầy nữa.” Nghĩ thế nào tôi thực hiện thế. Tôi không bao giờ chào thầy nữa dù hằng ngày vẫn gặp thầy thường xuyên ở trường cũng như ở nhà.

       Tôi lớn dần và cũng học cao hơn. Cuộc sống bận rộn làm tôi quên đi kí ức thời học sinh tiểu học ngây ngô thuở nào. Tôi chọn ngành sư phạm và đã trở thành cô giáo. Vào nghề tôi bắt gặp mình trong hình ảnh những học sinh thân yêu. Một lần, ngồi nói chuyện cùng đồng nghiệp, mọi người bình luận về học trò ngày nay không ngoan bằng ngày xưa không biết chào hỏi thầy cô. Tôi cũng tán đồng với ý kiến của đồng nghiệp. Bất chợt tôi nhớ lại thời học sinh tiểu học ngày nào của mình, tôi lại nhớ đến thầy Mị năm xưa và câu chuyện tôi không chào thầy. Tôi thấy mình thật không phải. Tự nhủ  phải gặp thầy để tìm lại lời chào năm nào mà đã bỏ quên suốt mấy chục năm qua, tôi thu xếp công việc về quê. Thật bất ngờ và chua xót tôi nhận được hung tin thầy đã ra đi cách đây một tuần trong niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, đồng nghiệp và làng xóm.  Tôi đến nhà thầy, ngôi nhà nhỏ bé, khiêm nhường nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng trong xóm. Kí ức ngày xưa lại hiện về. Tôi thành kính thắp nén nhang lên bàn thờ. Nhìn ảnh thầy mà nước mắt cứ tuôn rơi, tôi muốn nói với thầy lời xin lỗi và lời cảm ơn muộn mằn. Nếu không có thầy thì tôi đâu được như ngày hôm nay, trở thành cô giáo, một nghề tuy nghèo nhưng được cả xã hội tôn vinh. Thầy đã chắp cánh cho những ước mơ của chúng tôi bay cao, bay xa. Tôi như muốn hét lên: Thầy ơi, em muốn được chào thầy. Ánh mắt thầy như nhìn tôi trìu mến. Có lẽ thầy đã tha thứ cho tôi.

 

Tác giả: Trần Thị Huyền

GV trường Tiểu học Châu Minh- Hiệp Hòa- Bắc Giang

Trần Thị Huyền

Xem thêm...
Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường
Phim khai giảng

Website đơn vị