Tin tức : Tin tức - Sự kiện / BÀI VIẾT 35 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

NGƯỜI THẦY THẬT GIẢN DỊ

Ngày đăng : 24-10-2017

NGƯỜI THẦY THẬT GIẢN DỊ

Hôm nay, khi nhà đoàn trường phát động cuộc thi viết chào mừng 35 năm ngày nhà giáo Việt Nam năm 2017, người đầu tiên trong đầu tôi nghĩ đến là thầy- thầy Nguyễn Năng Tâm, nguyên Trưởng khoa khoa Giáo dục Tiểu học, giảng viên cao cấp khoa Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngôi trường tôi đã gắn bó suốt 4 năm thanh xuân đẹp đẽ của mình trước khi trở thành cô giáo “làng” của hôm nay.

Tôi vào đại học năm 2012, khi đó thầy dạy chúng tôi môn Toán cao cấp. Ấn tượng đầu tiên khi tôi thấy thầy đó là thầy rất già, già hơn nhiều so với cái tuổi của thầy khi đó, mái tóc bạc lom lem, quần áo giản dị, cái cặp to bự, cái dáng lom khom đôi khi như muốn trùng xuống bởi cái cặp to uỳnh đầy hành trang của một ngày kia, đôi mắt nheo lúc nào cũng nheo nheo nom thật già nua, nụ cười hiền như cha sứ trong nhà thờ Yên Mỹ vậy. Sinh viên mà, giảng viên nào dễ thì chúng tôi thích, chúng tôi quý, nhưng ở thầy, thầy với chúng tôi không chỉ là người giảng dạy, truyền đạt những kiến thức khô cằn trên lớp với những con số “cằn cỗi” khó nhai nữa. Những bài học của thầy đó là những câu chuyện đời tư của thầy, của sinh viên, những chia sẻ về cuộc sống, những bài học làm dâu, làm mẹ, làm con,… những câu nói, những sẻ chia để sau này chúng tôi ra trường, những cô giáo tương lai không chỉ làm “thầy” mà còn làm con dâu, làm mẹ chồng, hiểu hơn về cuộc sống. Những câu nói hay những mẩu chuyện ấy cứ ám ảnh theo tôi suốt 4 năm đại học và cho đến tận giờ.

Tôi nhớ nhất một câu nói của thầy khi ấy mà sau này khi gặp khó khăn hoặc thấy áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống tôi đều nghĩ đến để “nhẫn” đó là lần khoa chúng tôi rất nhiều bạn phải thi và học lại môn Thể dục (khi ở Đại học thì Thể dục là một cực hình đối với sinh viên chúng tôi) đến lớp chúng tôi gặp thầy giống như gặp cha, gặp người để “trút giận” vậy. Chúng tôi than phiền, kêu ca và năn nỉ thầy ơi thầy “cứu” bọn con với, chúng con không ra được trường mất,… thầy cười hiền và bảo “Các bạn ạ nếu như cuộc sống ai làm khó mình thì phải nhớ đến câu nói Trước khi làm mẹ chồng thì phải làm nàng dâu đã”. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn thuần đó là lời an ủi và động viên khi đó, nhưng rồi, đúng thật người ta nói, cuộc sống có quá nhiều điều bon chen và chật vật, khó khăn luôn bao chùm và luôn trực chờ, chẳng thiếu gì ngoài kia người khác ép bạn làm những việc mà bạn không muốn, chẳng thiếu gì những chuyện mà chính bạn cũng không ngờ tới, không muốn nó xảy ra mà nó vẫn cứ ùn ùn kéo đến, buộc ta phải bước qua. Khi đến trường còn là học sinh, sinh viên chẳng thiếu gì những lúc chúng ta thấy thầy cô “khó khăn” với mình quá, thầy cô nghiêm khắc với mình quá, hay khi đi đến cơ quan chẳng thiếu gì những lúc chúng ta chán nản vì cấp trên, áp lực vì lãnh đạo trong công việc, chúng ta chưa hài lòng vì lãnh đạo, vì cấp trên hoặc ngay chính cuộc sống thường ngày của tôi, hay cuộc sống làm dâu hiện tại của tôi thôi, cũng có những việc tôi không muốn như vậy mà cớ sao tôi phải làm, cũng có những việc tôi thấy như thế này mới đúng, như vậy chưa được. Đã có những lúc tôi mệt mỏi vì công việc, vì chức danh “cô giáo làng” của mình hoặc những khó khăn, mệt mỏi trong cuộc sống, tôi lại nhớ lại, ngẫm lại câu nói ấy của thầy – “Muốn làm mẹ chồng phải làm nàng dâu trước”, tôi lại bình tĩnh, lại nhẫn nại, lại suy nghĩ và trách vấn về những việc mình đã làm, đang làm, những việc đang xảy ra với mình để “nhẫn” và để “ngẫm”, để “làm” tiếp. Đó là một trong những câu nói tôi ấn tượng nhất và nhớ nhất ở thầy cùng vô vàn những câu chuyện về cuộc sống mà tôi học được ở thầy để cho đến giờ khi cuộc sống của một “cô giáo làng” tôi vẫn luôn nhớ đến để có thể làm tốt hơn vai trò của mình trong cả công việc cũng như cuộc sống của mình.

Có những câu chuyện mà có lẽ chỉ có thể bắt gặp ở thầy,  khi đó Thầy là Trưởng khoa của khoa tôi, nếu như người khác có đủ đầy ô tô đưa đón mỗi buổi lên giảng đường hay khi ra về, thì thầy vẫn thế, vẫn cặm cụi hơn 40km từ Hà Nội lên Xuân Hòa trên 3 chuyến xe bus đường dài, bóng “già” của thầy cứ thế mà quen thuộc trên chuyến xe số 10, 58, 08 mà biết bao thế hệ sinh viên chúng tôi như đã “nhẫn mặt” thầy. Thầy giản dị quá đỗi, thương sinh viên chúng tôi quá đỗi. Ánh mắt thầy chất chứa biết bao những nỗi niềm, biết bao những trăn trở về lớp lớp học trò của mình để rồi những nếp nhăn cứ đua nhau hiện trên khuôn mặt cằn cỗi của thầy, để rồi người ta thấy cả tuổi xuân của thầy cứ cặm cụi mãi với những dự án để phát triển trường, phát triển khoa mà quên đi tuổi xuân của mình đang dần qua đi, hạnh phúc riêng tư vì thế mà lỡ làng và muộn màng hơn bè bạn. Để rồi, khi con gái học lớp mấy thầy cũng chưa cả kịp quan tâm khi chỉ biết tới “con người”, chỉ biết lo xem sinh viên của mình dạo này chúng nó đứa nào còn chưa đủ cơm ăn, đứa nào còn chưa đủ áo mặc, đứa nào còn gặp khó khăn gì, những nỗi niềm cho những sinh viên xa nhà nơi Xuân Hòa chật hẹp.

Có lần, tôi nhớ, hôm đó là ngày 20- 11, có tiết của thầy, tôi đi đến giảng đường, gặp bạn lớp trưởng thuê hoa để tặng thầy, tôi ngớ người tự hỏi vì sao không phải là mua hoa tặng thầy mà lại là thuê? Vào trong lớp khi tặng hoa thầy tôi mới hiểu, thầy không nhận mà tặng lại cả lớp. Thầy luôn làm như vậy với tất cả các lứa sinh viên nên ai cũng “quen” như vậy rồi. Hay những dịp lễ tết thầy đều dấu tên và tặng quà cho các bạn sinh viên nghèo trong khoa, trong trường, những tình cảm ấy đối với lũ sinh viên xa nhà chúng tôi nó thật ấm áp và thiêng liêng biết bao.

Muôn vàn những việc làm của thầy, tấm lòng cao cả của thầy được bao lớp sinh viên ghi nhận, không chỉ vậy thầy còn là người thầy, người cha, người đồng nghiệp đáng ngưỡng mộ trong mắt bạn bè đồng nghiệp trong khoa và trong trường, chúng tôi nghe về thầy trong sự tôn trọng và biết ơn của bao thầy cô khác, điều đó càng làm cho tôi thêm “thần tượng” thầy.

Tấm lòng của thầy đẹp như cái tên của thầy vậy -  Năng Tâm. Những bài học và những sẻ chia của thầy là hành trang theo tôi suốt 4 năm học đại học và cho đến tận giờ. Để rồi khi những khó khăn, những áp lực của công việc, những bộn bề của cuộc sống đè lên vai tôi lại nhớ về những mẩu chuyện ngắn, những lời dặn thầy đã dặn chúng tôi, để tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn để không bị những giông tố của cuộc đời gục ngã.

Và chính thầy cũng là người đã chắp đôi cánh cho ước mơ làm “thầy” của tôi bay cao hơn trong suốt những tháng năm trên giảng đường đại học với cuộc sống xa gia đình, xa quê hương. Để ngày hôm nay đây, khi ước mơ ấy đã trở thành hiện thực, trở thành cô giáo của những học sinh thân yêu, được đứng trên bục giảng tôi thầm cảm ơn thầy, thầm cảm ơn những bài học làm người của thầy trong những tháng năm đó.

Lại một mùa khai giảng nữa tới, tóc thầy có lẽ đã nhuốm thêm bao sợi bạc, màu áo thầy thêm phai, bụi phấn dính đầy trên đôi tay sương gió ấy, thầy có lẽ lại già thêm nhiều, những nếp nhăn sẽ trùng xuống nhiều hơn những ngày chúng con còn theo học trên đó. Thầy có khỏe không? Thầy có còn ho nhiều nữa không? Đôi mắt nhăn của thầy dạo này có bị mờ hơn không? Thầy ơi, khi con cũng được làm thầy con mới phần nào hiểu được sự vĩ đại của thầy trong suốt hơn nửa cuộc đời mà thầy dành cho các lớp sinh viên chúng con, nó đong đầy như và lớn lao biết bao. Con mới hiểu ngoài làm người truyền tri thức Thầy còn làm Cha, làm Ông nội, làm bạn của bọn con nữa. Con xin gửi ngàn lời chúc yêu thương, lời cảm ơn và chi ân sâu sắc tới thầy- một người con luôn ngưỡng mộ và biết ơn. Con sẽ cố gắng làm theo những lời dặn và những bài học của thầy để sống sao cho đúng chữ “người”.

Tác giả: Ngọ Thị Huyền

Trường Tiểu học Châu Minh- Hiệp Hòa- Bắc Giang

 

NGƯỜI THẦY THẬT GIẢN DỊ Hôm nay, khi nhà đoàn trường phát động cuộc thi viết chào mừng 35 năm ngày nhà giáo Việt Nam năm 2017, người đầu tiên trong đầu tôi nghĩ đến là thầy- thầy Nguyễn Năng Tâm, nguyên Trưởng khoa khoa Giáo dục Tiểu học, giảng viên cao c

Xem thêm...
Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường
Phim khai giảng

Website đơn vị