Ngày đăng : 18-06-2015
Sở GDĐT Quảng Nam đã triệu tập các đồng chí trong Ban Giám đốc, Trưởng phó các phòng ban trực thuộc, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh, Hiệu trưởng các trường THPT chuyên của tỉnh, và mời Chủ tịch Công đoàn ngành tham dự. Ở các huyện, thành phố do Huyện, Thành ủy triệu tập có Trưởng phòng GDĐT các huyện thành phố tham dự.
Tại Hội nghị, Tiến si Vũ ngọc Hoàng đã tập trung phân tích hai vấn đề cốt lõi trong đổi mới giáo dục và đào tạo đó là: chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang giáo dục hình thành nhân cách và phát triển năng lực người học.Việc này liên quan trực tiếp, chặt chẽ tới việc xây dựng các chương trình đào tạo. Khi đó, sẽ thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Giáo viên cùng với Tổ bộ môn là người lựa chọn bộ sách để giảng dạy trong số những bộ sách đã được hội đồng thẩm định khoa học cấp quốc gia xác nhận là đạt yêu cầu.Việc thi cử chủ yếu là để kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra việc ghi nhớ của người học.
Vấn đề cốt lõi thứ hai Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng tập trung phân tích đó là việc xây dựng nền giáo dục mở. Ngày nay, thế giới biến đổi với tốc độ rất nhanh. Để sống và làm việc trong môi trường biến đổi rất nhanh đó đòi hỏi phải bổ sung kiến thức liên tục, phát triển năng lực thường xuyên, suốt đời. Do vậy, yêu cầu khách quan phải tổ chức một nền giáo dục mở. Nền giáo dục 'mở', thuận tiện cho việc học tập suốt đời, với khái niệm không gian trường lớp 'mở' và sự học không có điểm dừng; với chương trình giáo dục luôn phát triển và nội dung 'mở', có phần 'cứng' bắt buộc có giới hạn và phần 'mềm' tự chọn ngày một mở rộng hơn; với thời gian học có thể ngắn hơn (nếu giỏi) hoặc dài hơn (nếu kém), có thể học liên tục và có thể học gián đoạn từng phần theo học phần, tín chỉ tùy theo hoàn cảnh mỗi người; với việc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ sở đào tạo và cấp bậc học một cách thuận tiện, liên thông; với cơ chế thoáng mở đầu vào (tuyển sinh) và quản lý chặt chẽ chất lượng ở đầu ra; với cơ chế và phương pháp dân chủ đối với người học, không áp đặt một chiều, dân chủ với giảng viên và tự chủ đối với cơ sở đào tạo; với sự đa dạng hoá các loại hình và phương thức đào tạo có chính quy và không chính quy, có tập trung, tại chức, có trực tiếp và từ xa, giáo dục thường xuyên và đào tạo liên tục; với sự đa dạng hoá về hình thức sở hữu (công lập, tư thục, dân lập).
Hội nghị báo cáo chuyên đề Nghị quyết 29/TW lần này là dịp để đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành giáo dục tỉnh được quán triệt sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi của việc Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở lý luận vững chắc, giúp cho cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh nhà quản lý, tổ chức thực hiện việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ở địa phương trong những năm đến đạt kết quả tốt nhất./.