Ngày đăng : 17-08-2018
Việc nhận xét, đánh giá HS trong quá trình dạy học có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, giúp HS thấy được điểm mạnh, điểm yếu cũng như những sai sót cần khắc phục. Tác động của nó vừa có ý nghĩa tích cực thúc đẩy sự tiến bộ của HS qua những lời khen ngợi nhưng lại vừa có tác động tiêu cực nếu làm cho HS sợ hãi, tự ti, xấu hổ hoặc bị tổn thương bởi những lời nhận xét, phê bình quá nặng nề của GV.
1. Một số ví dụ điển hình trong việc ghi lời nhận xét ở tiểu học
Bên cạnh những lời phê, lời nhận xét mang tính góp ý, sửa lỗi và động viên, khích lệ HS, còn có rất nhiều lời phê của GV chỉ như một lời khuyên hoặc yêu cầu HS, VD khi cho HS làm bài tập đặt câu với từ “Liên tiếp”, HS đó viết: “Một đoàn tàu lửa chạy qua, cứ liên tiếp liên tiếp liên tiếp liên tiếp liên tiếp liên tiếp liên tiếp liên tiếp chạy”. GV nhận xét: "Làm ơn dừng lại dùm Thầy nào!" mà không chỉ cho HS thấy cái sai, cái chưa được trong câu.
Hoặc khi HS đặt câu với từ “giàu có”, có em viết: “Giàu có là phải khoe”. GV ghi nhận xét: “Đừng thế, đừng làm giống trong phim truyền hình nhé.”
Có những lời nhận xét của GV chỉ mang ý nghĩa như một câu hỏi. Điển hình như ví dụ dưới đây:
- Trong một bài kiểm tra yêu cầu HS đặt câu với từ “Vừa”. Có HS viết: “Mẹ con vừa béo vừa gầy lại vừa cao vừa lùn.”
- Giáo viên nhận xét: "Mẹ con bị biến dạng rồi sao!?"
Có những lời nhận xét của thầy giáo mang tính hài hước xen lẫn cảm xúc nhưng không chỉ rõ cái sai của chúng mà chỉ gợi cho HS phải suy ngẫm. Đề bài ra là: “Viết nhật kí của em trong một ngày”. Có HS viết “Ngày 30 tháng 2 – Thứ 2 – Trời nắng. Hôm nay cả ngày, con không thấy mặt trời đâu, thiệt là chán. Ba con có mua về hai con cá vàng, bỏ trong vại nước nhưng bị chết đuối một con. Con đau lòng lắm”. Bài kiểm tra này được nhận xét như sau: “Thầy cũng đau lòng quá, có lẽ thầy đã quá già nên không biết tháng 2 có 30 ngày, trời nắng không cần đến mặt trời và cá có thể chết đuối.!”.
Lại có những nhận xét kèm theo cả lời hứa của cô giáo. Điển hình là trong bài kiểm tra với yêu cầu miêu tả cô giáo của mình, một học sinh đã viết: “Cô của em tên là Cẩm. Sở thích của Cô là dạy Học trò nghiêm túc. Cô thích nhất món thịt bò khô- thịt bò nướng và Cô thích thời trang. Con không thích cái kiểu Cô bắt con ở lại. Chán quá!”. Bài viết này đã được cô giáo nhận xét: “Cô đồng ý với đoạn văn của con. Nhưng con viết đúng chính tả, chữ sạch đẹp, viết nhanh thì cô sẽ không bắt con nữa. Cô hứa!". Điều đáng chú ý trong nhận xét này chính là những lời hứa của cô.
Chưa xét tới tính mô phạm và chuẩn mực của những lời nhận xét trên đây, nếu chỉ đứng ở góc độ tâm lý lứa tuổi thì ở một khía cạnh nào đó những lời nhận xét của thầy cô gần gũi, thân thiện với HS nhỏ tuổi, không xúc phạm hoặc làm tổn thương trẻ em và gây được tiếng cười bởi sự hài hước, dí dỏm. Tuy nhiên, với HS tiểu học rất cần những nhận xét mang tính chỉ dẫn cụ thể giúp HS sửa chữa những sai sót cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Một tiết dạy tại Hội thi giáo viên dạy giỏi huyện Thăng Bình
2. Những yêu cầu đặt ra đối với giáo viên trong việc nhận xét, đánh giá HS
Mỗi lời nhận xét, đánh giá của GV như là việc đặt vết tích của thầy cô vào sự phát triển của HS. Lời nhận xét tốt có khả năng tác động đến tâm hồn, tình cảm, ý chí và động lực học tập của HS rất mạnh mẽ. Lời nhận xét, đánh giá không tốt, thiếu chuẩn mực sư phạm sẽ để lại trong tâm trí HS những tổn thương vô cùng tệ hại. Vì vậy khi nhận xét, đánh giá HS cần rất thận trọng và phải nắm vững những yêu cầu về mặt sư phạm. Gần đây khi thực hiện Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét đã đưa ra những yêu cầu chung về cách ghi nhận xét. Tuy nhiên vẫn là chưa đủ đối với GV khi phải thực hiện công việc này và rất nhiều GV còn lúng túng, thiếu kỹ năng cơ bản để nhận xét bằng lời hay ghi trên bài kiểm tra của HS.
Để giúp GV có được những kỹ năng cần thiết khi nhận xét, đánh giá, tôi xin đưa ra một số yêu cầu sau:
+ Nhận xét phải cụ thể, chính xác, chỉ rõ những sai sót, khiếm khuyết, hạn chế về mặt kiến thức, kỹ năng và đưa ra biện pháp, hướng khắc phục cho HS ở trong từng bài, từng trường hợp cụ thể để giúp HS sửa lỗi; tránh nhận xét một cách chung chung như: có tiến bộ, cần cố gắng phát huy, tương đối tốt, tạm được hoặc bài làm quá kém, quá tệ hại, lạc đề, không chịu học bài…vv..
+ Cho điểm kém cùng những lời nhận xét có tính chê bai, trách móc, phê phán, chỉ trích… sẽ làm tổn thương và thui chột sự tự tin của HS. Hãy cố gắng phát hiện những điểm mạnh và khơi dậy, khích lệ sự tiến bộ trong mỗi em học sinh. Điều đó sẽ giúp HS đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.
+ Thẳng thắn chỉ ra những lỗi sai sót, yếu kém, sai lầm của HS, nhưng không quá nặng nề một cách phũ phàng và phải nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em và hãy giúp các em nhận ra, phát triển chúng thêm.
+Nếu phải cân nhắc giữa lời chê và khen học sinh thì GV hãy chọn những từ phù hợp, nhẹ nhàng . Cần chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở HS và cho các em hy vọng. Tuy nhiên không nên lạm dụng quá nhiều lời khen hoặc khen một cách quá mức: “em quá tuyệt vời”; “không có gì tuyệt vời hơn như em”; “Em quá xuất sắc” … Những lời khen quá mức sẽ tạo ra những HS quá tự tin và không giúp HS nhận thức đúng khả năng của mình.
+ Hài hước, dí dỏm trong các lời nhận xét HS là điều cần và có ý nghĩa trong dạy học đối với mỗi thầy cô giáo.
+ Tránh so sánh giữa HS này với HS khác hoặc dùng các từ ngữ mang ẩn ý (nói kháy, nói bóng gió xa xôi…) và không dùng những từ “Mong em thông cảm”; “cô hứa” trong lời nhận xét…
+ Tuyệt đối tránh những lời nhận xét cụt lủn, lạnh lùng như: Tạm được, bình thường, ...
+ Mọi lời nhận xét, đánh giá đều dựa trên quan điểm vì sự tiến bộ của HS.
3. Kết luận
Việc nhận xét, đánh giá của GV bằng lời có tác động nhiều mặt đến động cơ, thái độ, kết quả học tập của HS. Nó không chỉ thể hiện quan điểm, thái độ nhìn nhận của GV đối với HS mà còn thể hiện rõ trách nhiệm, lương tâm và tình cảm của người thầy đối với trò. Mỗi lời nhận xét của GV là vết tích ghi dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức học trò. Người GV có truyền được động lực và ham muốn học tập cho HS hay không là chính bởi những nhận xét mang tính nâng đỡ, dìu dắt của GV.