Tin tức : Giáo dục Tiểu học

Chuyên viên vụ Tiểu học khuyên gì về thực hiện Thông tư 30?

Ngày đăng : 04-06-2015

          Việc đánh giá thường xuyên hàng ngày bằng điểm số trước đây đã gây áp lực nặng nề cho học sinh và cha mẹ học sinh, là một trong những nguyên nhân chính làm nảy sinh tình trạng học trước chương trình, học thêm tràn lan.

          Cách đánh giá thường xuyên bằng điểm số trước đây mới chỉ chú trọng đến việc “đo lường” kết quả học tập, việc nắm kiến thức bằng cách cho điểm, chưa chú ý đến năng lực và phẩm chất học sinh, chưa thực sự quan tâm đến các biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời học sinh vượt qua những khó khăn để học tập, rèn luyện tốt hơn nên chưa thực sự góp phần tạo hứng thú, động viên tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh.

          Ngày 28/8/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 30/2014). Những điểm mới chính trong nội dung Thông tư 30/2014 là:

          Hướng dẫn cách thức đánh giá và nội dung toàn diện của hoạt động đánh giá trong quá trình học, cuối học kì, cuối năm học (không chỉ là chấm bài kiểm tra như trước); trong đó rất coi trọng việc quan sát, theo dõi, trao đổi, nhận xét, động viên kịp thời những tiến bộ, hướng dẫn kịp thời hoạt động học tập, rèn luyện của từng học sinh, không so sánh giữa các học sinh.

          Hướng dẫn đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh qua các biểu hiện cụ thể (trong các thông tư trước đây không có hướng dẫn này).

          Hướng dẫn việc khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ học sinh và tự đánh giá, nhận xét, góp ý bạn của học sinh, thay vì trước đây chỉ có giáo viên đánh giá học sinh.

          Không cho điểm khi đánh giá trong quá trình học nhưng có chấm điểm, nhận xét đối với bài kiểm tra cuối học kì, cuối năm học. Đặc biệt, có hướng dẫn cách ra câu hỏi, bài tập phân hoá bằng độ khó, trình độ hoạt động tư duy theo quan điểm đánh giá hiện đại.

          Để khắc phục tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp’’, một mặt Thông tư 30/2014 hướng dẫn việc chấp nhận tiến độ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ khác nhau vì khả năng của các học sinh không giống nhau; mặt khác, hướng dẫn việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục, kết quả học tập của học sinh từ giáo viên dạy lớp dưới cho giáo viên nhận học sinh để dạy lớp trên, từ giáo viên lớp 5 cho giáo viên lớp 6.

          Thông tư 30/2014 nhằm thực hiện một số định hướng về đánh giá học sinh tiểu học nói riêng, học sinh phổ thông nói chung trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ là: “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học”; 

          Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo”, “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kì, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và xã hội”;

          Trong Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW là: “Đổi mới hình thức, PP thi, kiểm tra và ĐG kết quả GD theo hướng ĐG năng lực người học; kết hợp ĐG cả quá trình với ĐG cuối kì học, cuối năm học theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển”; trong Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 về Kế hoạch hành động của ngành giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 29-NQ/TW là: “Đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng GDĐT đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Triển khai đổi mới PP kiểm tra, thi, ĐG người học ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn GD, ĐT nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các cấp học và trình độ đào tạo”.

          Đánh giá học sinh tiểu học nêu trong Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành theo Thông tư số 30/2014 là “những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học”.

Ba nội dung đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014

          Một là: Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

          Hai là: Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh: Tự phục vụ, tự quản; Giao tiếp, hợp tác; Tự học và giải quyết vấn đề.

          Ba là: Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh: Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; Tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; Trung thực, kỉ luật, đoàn kết; Yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước.

Cách thức đánh giá học sinh tiểu học gồm:

          - Đánh giá thường xuyên (cả ba nội dung đánh giá) trong quá trình học hàng ngày: Nhận xét bằng lời hoặc viết, không dùng điểm số.

          - Đánh giá định kì cuối học kì I, cuối năm học đối với các môn học Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc bằng bài kiểm tra định kì bằng bài kiểm tra định kì (có nhận xét, sửa lỗi và cho điểm).

          - Tổng hợp đánh giá vào cuối học kì I, cuối năm học.

          Đánh giá thường xuyên quá trình học tập môn Toán của học sinh được thực hiện theo tiến trình dạy học các bài học ở trên lớp và cả quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng ở nhà trường, gia đình.

 

          Trong các giờ học Toán,  giáo viên sử dụng các kĩ thuật quan sát, theo dõi; trao đổi, phỏng vấn; kiểm tra nhanh (phiếu, vở); nhận xét (lời, viết) để đánh giá thường xuyên...

          Hàng tuần, giáo viên lưu ý những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; những điều cần đặc biệt lưu ý để giúp học sinh học tốt môn Toán.

          Hàng tháng, giáo viên ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập môn Toán trong tháng; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn Toán  trong tháng.

          Vào cuối học kì I, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập để tổng hợp đánh giá quá trình học tập môn Toán, những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; năng khiếu, hứng thú về môn Toán, xếp loại từng học sinh đối với môn Toán: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành.

          Tham gia đánh giá thường xuyên hoạt động học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập môn Toán theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học gồm: giáo viên, học sinh (tự đánh giá và nhận xét, góp ý bạn qua hoạt động của nhóm, lớp); khuyến khích sự tham gia đánh giá của cha mẹ học sinh.

          Trong quá trình dạy học môn Toán, để đánh giá thường xuyên, căn cứ vào đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học, giáo viên tiến hành một số việc như sau:

          - Quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm học sinh theo tiến trình dạy học;

          - Nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; mức độ hiểu biết và năng lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kĩ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của học sinh;

          - Quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh; áp dụng biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn trong giờ học Toán.

          Sau đây là ví dụ minh họa về đánh giá thường xuyên khi dạy học môn Toán ở lớp 1 trong dạy học một bài, sau  một tuần, một tháng:

Bài Các số 1, 2, 3 (SGK Toán 1 trang 11)

          Trước hết, GV cần xác định bài Các số 1, 2, 3 có nội dung là: số lượng các nhóm đồ vật có 1, 2, 3 đồ vật; đọc, viết các chữ số 1, 2, 3; đếm 1, 2, 3 và đọc theo thứ tự ngược lại 3, 2, 1; thứ tự của các số 1, 2, 3.

a) Giáo viên đánh giá:

Giáo viên giao nhiệm vụ cho HS quan sát hình vẽ trong SGK, nêu số lượng con chim, bạn nhỏ, con mèo, bông hoa, chấm tròn, con tính…;  HS nêu số lượng con chim, bạn nhỏ, con mèo, bông hoa, chấm tròn, con tính…; GV nghe, quan sát học sinh nêu, chỉnh sửa cho HS cách nói phù hợp, ví dụ:

+ Nếu HS chỉ nói “một con chim”, GV chỉnh sửa  là: “em hãy nói có một con chim”, “có hai con mèo”, “có ba bông hoa”; ...

+ GV có thể động viên: đúng rồi, em giỏi lắm, cô khen em; em nói đúng rồi, cả lớp khen bạn nào;

+ GV chỉnh sửa: em nói là có một con chim (chứ không phải là có môộc con chim”)…

- HS đếm: 1 ô vuông, 2 ô vuông, 3 ô vuông; đọc các số tương ứng ở dưới: 1, 2, 3, 3, 2, 1; đếm 1, 2; 2, 1; 1, 2, 3; 3, 2, 1; GV có thể nhận xét:

+ Em đọc đúng, rõ ràng, cô khen em;

+ Bạn A đọc to, rõ, đúng, cả lớp cùng khen bạn nào;

+ Em có thể đọc lại được không; em đọc là “một” (chứ không phải là “môộc”)…

- GV nêu yêu cầu làm bài tập 1, hướng dẫn HS viết các số 1, 2, 3 theo mẫu; quan sát HS viết, nhận xét, giúp đỡ và hướng dẫn:

+ Em viết số 2 chưa đẹp, em nên viết số 2 như sau: viết dấu hỏi ở trên và dấu ngã ở dưới; em viết số 3 rất đẹp;

+ Em viết lại số 3 nhé: nửa trên bé hơn nửa dưới thì số 3 sẽ đẹp hơn;

+ Cô cầm tay giúp em viết số 3 cho đẹp nhé…

- GV nêu yêu cầu làm bài tập 2, quan sát HS làm bài, có thể có nhận xét:

+ Em quan sát lại xem có mấy con vịt? (nếu em đó nói số con vịt chưa đúng);

+ Em viết các số rất đẹp;

+ Cô thấy các em viết số đồ vật vào ô trống rất đúng, cô khen cả lớp;

+ Cô cho cả lớp xem một số bài các bạn viết số đúng và rất đẹp…

- GV nêu yêu cầu làm bài tập 3, quan sát HS làm bài, nhận xét:

+ Em vẽ chấm tròn to hơn như chấm tròn bên cạnh sẽ đẹp hơn;

+ Em vẽ đúng và đẹp đấy…

Trong quá trình theo dõi HS làm bài, GV quan sát vở HS và đánh dấu “đ” bằng mực đỏ vào những bài HS làm đúng cùng với lời khen. GV có thể nhận xét: Hôm nay cô thấy các em làm bài tốt, cô khen cả lớp, vẫn còn một số bạn viết số chưa đẹp, viết bài chưa được sạch, giờ sau các em cố gắng hơn... GV có thể viết nhận xét vào một số vở: em viết số (1, 2, 3) rất đẹp; em cần viết số 2 đẹp hơn; em tập viết lại số 3 cho đúng (vì em đó viết ngược); em cần giữ vở sạch hơn, em cần làm bài nhanh hơn…

b) Học sinh tự đánh giá và tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn:

- Học sinh tự đánh giá ngay trong quá trình hoặc sau khi thực hiện từng nhiệm vụ học tập, báo cáo kết quả với giáo viên:

+ Bạn nào viết xong bài 1 (làm xong bài 3) thì giơ tay (giơ bút, ngồi khoanh tay, giơ thẻ…);

+ Ở bài tập 2, bạn H ghi số 2 (bóng bay), 3 (đồng hồ), 1 (con rùa), 3 (con vịt), 2 (chiếc thuyền), những bạn nào có kết quả giống như bài làm của bạn H thì giơ tay.

- Học sinh tham gia nhận xét, góp ý bạn, nhóm bạn ngay trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập; thảo luận, hướng dẫn, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ:

+ Bạn làm bài đúng rồi;

+ Bạn đọc số đúng, rõ ràng;

+ Bạn đọc số (1) còn ngọng, bạn đọc lại nhé: “Một”.

+ Bạn viết số rất đẹp;

+ Bạn viết số 3 bị ngược; bạn viết số 3 như thế này này.

+ Bạn còn giữ vở chưa sạch.

c) Cha mẹ học sinh tham gia đánh giá

- Cha mẹ học sinh được khuyến khích phối hợp với giáo viên và nhà trường động viên, giúp đỡ học sinh học tập, ôn tập: trao đổi, chia sẻ về hoàn cảnh gia đình; điều kiện sinh hoạt, học tập; tính cách học sinh; trao đổi về bài học ở nhà với cha mẹ, cách động viên các cháu học tập ôn bài ở nhà (nhà mình có mấy người? nhà mình có mấy con bò?)…

- Được giáo viên hướng dẫn cách thức quan sát, động viên các hoạt động của học sinh hoặc cùng học sinh tham gia các hoạt động: quan sát HS học tập, hướng dẫn con đọc số đúng, làm bài, giữ vở sạch, hỏi hôm nay con học bài gì? con làm bài như thế nào? …

- Trao đổi với GV các nhận xét, đánh giá HS bằng các hình thức phù hợp, thuận tiện (lời nói, viết thư): Cháu rất hay nói chuyện với bố mẹ về học toán ở lớp cô ạ; Cháu A vẫn đọc số còn ngọng cô giáo ạ; em thấy cháu viết số 3 chưa được đẹp cô ạ; cháu C hay viết ngược số, làm thế nào để sửa được ạ cô giáo?

Môn Toán tuần 2 lớp 1 có thể có bốn bài: Luyện tập (Toán 1, trang 10), Các số 1, 2, 3 (Toán 1, trang 11), Luyện tập (Toán 1, trang 13), Các số 1, 2, 3, 4, 5 (Toán 1, trang 14) với mức độ yêu cầu cần đạt là:

- HS nhận biết được các hình (vuông, tròn, tam giác), có thể ghép được thành hình mới.

-  HS nhận biết được số lượng các nhóm đồ vật có 1 đến 5 đồ vật; đọc viết được các chữ số từ 1 đến 5; biết đếm từ 1 đến 5 ngược lại; biết thứ tự của các số từ 1 đến 5.

Cuối tuần 2, giáo viên lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa đạt mức độ yêu cầu cần dạt đối với bốn bài học Toán trong tuần, giúp đỡ kịp thời để học sinh đạt mực độ yêu cầu cần đạt:

GV có thể nhận xét: em A còn đọc ngọng (đã hướng dẫn cách đọc đúng); em B còn viết bẩn, hay tẩy xoá (đã nhận xét vào bài); em C viết số 2 chưa đẹp (đã cầm tay sửa, luyện viết thêm số 2 vào bảng con); số 3 còn viết ngược (... ); số 5 còn viết ngược (...  ); số 6 còn viết ngược (... )…

Sau một tháng đầu năm học, chẳng hạn hết tháng 9, GV ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn Toán trong bốn tuần 1, 2, 3, 4; dự kiến và áp dụng biện pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập môn Toán trong tháng 9:

(Em A) Hoàn thành nội dung học tập môn Toán;

(Em B) Hoàn thành tốt;

(Em C) còn đọc ngọng “một” thành “môộc”;

(em D) Còn nói  ngọng  “năm” thành “lăm”;

(em H) Hướng dẫn, luyện phát âm đúng;

Trao đổi (với cha mẹ em K) về cách phát âm đúng;

(em L) Chưa phân biệt rõ “bé hơn” và “lớn hơn”;

(em M) Lưu ý số nhỏ ở đầu “nhọn” của dấu >;

(em N) dấu = viết chưa ngay ngắn;

(em P) Số 3 (số 5) còn viết ngược…

Đánh giá quá trình học tập Toán của HS trong từng giờ học, thông qua nhận xét của GV và tự nhận xét của HS, có thể giúp tất cả HS thấy được sự tiến bộ, hạn chế của mình, sự cố gắng như thế nào để vượt qua những thiếu sót đó, để đạt được mục tiêu học tập và có thêm hứng thú học tập môn Toán; giúp cho mỗi HS đều có cơ hội tham gia vào quá trình học tập, quá trình đánh giá; giáo viên có nhiều cơ hội để đánh giá các năng lực, phẩm chất cho HS; góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Tài liệu tham khảo:

          1. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

          2. Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ban hành theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ.

          3. Kế hoạch hành động của ngành giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ 29-NQ/TW ban hành theo Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT ngày 25/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

          4. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

          5. Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

          6. Một vài suy nghĩ về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng môn Toán ở Tiểu học, Hoàng Mai Lê, Tạp chí Giáo dục Tiểu học số 7, 2014.

          7. Toán 1, Đỗ Đình Hoan (chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục, 2006.

                                                                                                

Hoàng Mai Lê - Chuyên viên Vụ tiểu học

Xem thêm...
Van bản mới nhất