Hà Đình sinh năm Nhâm Dần 1842, nguyên tên là Nguyễn Công Nghệ, sau cải là Nguyễn Thuật, xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình, tự là Hiếu Sinh (hay Hiếu Sinh học). Hà Đình Nguyễn Thuật, một vị quan đại thần lãnh chức Thượng Thư đủ 6 bộ, trải 8 triều vua từ Tự Đức đến Duy Tân, từng ba lần lãnh trọng trách triều đình đi sứ và công cán ở Trung Quốc, từng làm Tổng đốc Thanh Hóa. Bên cạnh tài năng, đức độ không chỉ thể hiện ở phương diện chính trị của một vị đại thần, cụ Hà Đình Nguyễn Thuật còn là một sử gia, nhà ngoại giao, nhà giáo dục mẫu mực, nhà thơ, nhà văn lớn. Riêng với quê hương Hà Lam - Thăng Bình, cụ Hà Đình Nguyễn Thuật luôn để tâm vun bồi cảnh trí, khuyến dương thiện tục, quyên góp tài lực. Nhiều công trình có giá trị lịch sử văn hóa như Văn Thánh huyện Lễ Dương, Đình, Miếu, Nghĩa tự Hà Lam, cầu Hà Kiều… đến nay vẫn còn lưu dấu tích của một vị quan thanh liêm và đức độ.
PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế: Quê hương Quảng Nam, Thăng Bình và Hà Lam đã sản sinh ra nhiều dòng họ nổi tiếng. Có thể nói gia đình, dòng họ Nguyễn Thuật với cụ Nguyễn Đạo và các con Nguyễn Tạo, Nguyễn Thuật, Nguyễn Duật; cháu Nguyễn Chức... là một gia đình tiêu biểu như thế. Điều đó là do sự tài bồi bởi nguồn mạch phong thổ của quê hương và truyền thống của tổ tiên. Không chỉ là cuộc đời cụ Hà Đình mà có thể nói cả gia thế cụ Nguyễn Thuật là 'ngôi sao trên bầu trời tỏa sáng cho đến khi tan vào vô tận mà dư quang vẫn còn lấp lánh trong hồn thiêng sông núi soi sáng cho lớp hậu bối'.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học: Qua những tư liệu lịch sử của Quốc Sử quán triều Nguyễn, có thể nói rằng con người và sự nghiệp của Hà Đình Nguyễn Thuật là cả một quá trình đèn sách thi cử tới khi làm quan trải qua các triều vua nhà Nguyễn, kinh qua nhiều chức vụ trong lục bộ (bộ Lễ, bộ Binh, bộ Lại, bộ Hộ, bộ Công, bộ Hình), giữ nhiều chức vụ quan trọng, cao cấp: Phó tổng tài Quốc sử quán, Tuyên úy xử trí đại thần Tả trực kỳ, Cơ mật viện đại thần gia hàm Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật viện đại thần, Kinh diên giảng quan... Hà Đình Nguyễn Thuật là con người tài năng, đức độ. Sinh thời khi làm quan ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương Quảng Nam như sắp xếp lại đơn vị hành chính, cứu tế cứu đói, miễn thuế khi quê hương gặp hạn hán, khơi đào, bồi lấp những con sông... chúng tôi thấy rằng cần phải ghi nhận, vinh danh những đóng góp của ông đối với quê hương Quảng Nam và lịch sử dân tộc hồi cuối thế kỷ XIX...
TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Khoa Lịch sử, Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ và Tri thức Bản địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Nguyễn Thuật là một tài năng lớn, một vị quan lớn triều Nguyễn. Từ năm 1868, sau khi đỗ Phó bảng, chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình đến lúc về hưu năm 1901. Sinh ra, lớn lên và làm việc vào thời điểm bước ngoặc của lịch sử dân tộc với nhiều biến cố lớn, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thuật gắn liền với những biến cố lớn đó. Suốt 30 năm làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, trải qua các chức vụ quan trọng, ở cương vị nào Nguyễn Thuật cũng làm tròn trọng trách. Ông vừa là một nhà chính trị mẫu mực, nặng lòng với nước, với dân; vừa là một nhà ngoại giao tài ba và vừa là một nhà văn hóa lớn. Ông không những được các vua trọng vì tài, nể vì đức, giao những việc quốc gia đại sự mà còn được nhân dân Quảng Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trọng vọng vì tính thanh liêm, yêu thương và gần gũi dân, xứng danh là bậc 'dân chi phụ mẫu'.
TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Mặc dù cũng như nhiều nhà ngoại giao khác ở nữa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Thuật không thể thoát ra khỏi số phận chung của vương triều Nguyễn, song những nỗ lực ngoại giao của ông cùng với nhiều đóng
góp to lớn trên các phương diện khác đã thể hiện đậm nét bản lĩnh, cốt cách của một bậc Đại Nho, Đại Chí, Đại Dũng. Những nỗ lực ấy đã bước đầu góp phần khơi thông đường dẫn nối Việt Nam với bạn bè khu vực, đưa văn hóa Việt Nam truyền nhập vào nước bạn, tôn cao hình ảnh dân tộc và con người đất Việt. Sự cao khiết của tâm hồn và sự tinh thông uyên bác của trí tuệ ở nhà ngoại giao Nguyễn Thuật sẽ mãi là tấm gương sáng soi đường cho các thế hệ ngoại giao Việt Nam về sau.
PGS.TS Phạm Quốc Sử - Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Thủ đô, Hà Nội: Nguyễn Thuật là danh thần triều Nguyễn. Ông không xuất hiện vào buổi Bình Minh, mà lại ở vào buổi suy tàn của triều đại này. Cũng bởi thế, vai trò của ông là rất lớn. Nhờ có những người như ông, một triều đại huy hoàng, có công thống nhất đất nước, mở rộng cương vực lãnh thổ, khai hoang lấn biển, thiết lập cơ đồ lâu dài... mà trong buổi suy vong không bị đổ vỡ hoàn toàn, vẫn còn giữ được cái cốt cách, hào quang của một thời, để rồi tồn tại thêm vài thập niên của thế kỷ sau. Trong lịch sử, triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng. Dù phải chịu trách nhiệm về thảm họa mất nước ở nửa cuối thế kỷ XIX, song đây cũng là một trong những triều đại có công lớn, hội tụ và tỏa sáng toàn bộ những giá trị truyền thống của dân tộc vốn được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong số những nhân vật có công với triều đại này, đồng thời có công với đất nước, có Nguyễn Thuật. Ông không chỉ là ông quan có tiết tháo, mà còn là vị học giả uyên bác. Do phải chịu chung số phận với triều đại đã để mất nước, những người như ông dễ phải chịu oan sai nếu sự phán xét của đời sau thiếu công tâm, sáng suốt.
ThS. Nguyễn Thị Quế - Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa: Hà Đình Nguyễn Thuật là vị đại thần từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, trong đó có thời gian là Tuần phủ, Tổng đốc Thanh Hóa. Trong quá trình làm việc ở đây, ông đã thực hiện rất nhiều chính sách mang lợi ích cho dân, đặc biệt là quan tâm đến việc học. Ông là người hâm nóng, tiếp lửa tinh thần học tập của các sĩ tử xứ Thanh, là người cổ súy phong trào học tập, rèn đức luyện tài lập công danh xứng đáng là trang nam tử với tư tưởng: Tu, tề, bình, trị. Không chỉ vậy, các thắng tích xứ Thanh cũng in dấu chân Hà Đình với những bài viết mang tư tưởng tiến bộ. Điều này thể hiện tấm lòng của ông với đất cũng như người Thanh Hóa và ngược lại. Qua đây chúng ta nhận thấy danh sĩ Hà Đình là người hết lòng vì giang sơn xã tắc, là người vừa biết yêu, vừa biết trân trọng cái đẹp. Thấp thoáng trong con người có tâm hồn cao đẹp ấy, phẩm chất của nhà Nho tài tử và nhà Nho hành đạo đang hòa quyện vào nhau để ngàn năm, hậu thế nhắc mãi cái tên kính yêu Hà Đình Nguyễn Thuật! Bia đá Trường Thi, bút tích ở động Kim Sơn... sẽ nhắn nhủ tới mỗi người dân Thanh Hóa biết trân trọng, tự hào lịch sử, văn hóa quê nhà vì đó là tài sản mà một danh nho xứ Quảng đã dành tặng cho con người xứ Thanh bằng cả tâm huyết của mình...
Những đánh giá xác tín về cuộc đời, sự nghiệp vì dân, vì nước cùng những đóng góp của Hà Đình Nguyễn Thuật cho nền văn hóa, văn học và giáo dục của dân tộc được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trình bày tại hội thảo đã khẳng định: Hà Đình Nguyễn Thuật là một trong những nhà văn hóa lớn của Quảng Nam và của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX; góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của vùng đất và con người Thăng Bình, Quảng Nam, nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Đình Nguyễn Thuật, tạo động lực tinh thần trong công cuộc xây dựng quê hương theo nội dung N
ghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: N.Đ
Chủ trì Hội thảo. Ảnh: N.Đ
Ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.Đ
(Nguồn: Huỳnh Định - Cổng TTĐT huyện Thăng Bình - http://thangbinh.gov.vn)