Ngày đăng : 11-11-2015
Trường THCS Phan Châu Trinh, Thăng Bình được thành lập từ năm 1970, đến nay vừa tròn 45 năm. Từng ấy thời gian cho một diện mạo định hình và phát triển; từng ấy thời gian vun đắp, cất giữ trong tâm hồn những mến thương một thời bao thế hệ.
Tự hào mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh - người con ưu tú của quê hương đất Quảng - thầy và trò trong những năm qua đã nỗ lực phấn đấu vươn lên tạo nên một diện mạo mới, khẳng định vị thế nhà trường qua những thành tích rất đáng trân trọng và tự hào.
- Về cơ sở vật chất: Từ trong khuôn viên cũ, năm 2000 được sự tài trợ của liên minh BP Star Oil trường được xây dựng với một dãy phòng học 2 tầng gồm 14 phòng; 2 dãy phòng cấp 4 dùng làm khu hành chính và các phòng chức năng . Rồi những năm sau đó nhà trường đã xây thêm một số phòng làm việc và hội trường để tổ chức các buổi sinh hoạt với sức chứa khoảng vài trăm người. Cổng trường, quần thể tượng đài Phan Châu Trinh, cột cờ, sân chơi, bãi tập, nhà để xe, đường đi nội bộ ghế đá, cây xanh, bồn hoa với đủ các loài cây màu sắc khác nhau hòa quyện tạo thêm cho ngôi trường một nét đẹp đáng yêu.
- Về chất lượng đội ngũ: Hiện nay 100% CB, GV, NV nhà trường đạt chuẩn về trình độ, trong đó hơn 70% đạt trên chuẩn. Hầu hết các thầy cô giáo nhiệt tình công tác, năng lực chuyên môn vững vàng; thực sự yêu trường, yêu lớp. Nhiều thầy cô giáo được công nhận là giáo viên giỏi, CSTĐ các cấp được Bộ GD&ĐT; Sở GD&ĐT; Phòng GD-ĐT; UBND huyện, tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Họ thực sự xứng đáng là những kỹ sư tâm hồn, là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
- Về chất lượng học sinh: Sau mỗi năm học đều có sự tiến bộ rõ nét, số lượng học sinh lưu ban, bỏ học chỉ còn tỉ lệ thấp. Phong trào học sinh giỏi, học sinh năng khiếu được đầu tư đúng hướng nên kết quả luôn giữ vị thứ nhất, nhì, ba cấp huyện . Trong hoạt động ngoài giờ lên lớp thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tổ chức nên đã lôi cuốn sự ham thích của đông đảo học sinh trong trường. Hội thi văn nghệ, hội khỏe Phù Đổng, đố vui để học, tham quan, cắm trại, ngoại khóa,... được tổ chức hằng năm là những hình thức hoạt động rất bổ ích trong việc rèn luyện ý thức học tập và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
- Về hoạt động nhân đạo, từ thiện: Tuy điều kiện kinh tế của đa số giáo viên, học sinh trong nhà trường còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần tương thân, tương trợ, lá lành đùm lá rách nhằm chia sẻ những khó khăn trong cộng đồng, các cuộc vận động có tính chất nhân đạo được đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Sự đóng góp một vài ngày lương của các thầy cô giáo hay những đồng lương trích lại từ các bữa ăn sáng của các em học sinh đã cùng với toàn xã hội tạo nên những nghĩa cử cao đẹp, góp phần làm đẹp thêm truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong năm học 2003-2004 bằng nguồn kinh phí thu được qua việc tổ chức một đêm văn nghệ, nhà trường cùng với địa phương kết hợp hỗ trợ xây dựng một ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho ông Nguyễn Văn Thọ ở tổ 4, thôn An Thành 2, xã Bình An. Việc làm đó ngoài việc giúp cho gia đình họ có được một chỗ ở ổn định đồng thời tạo nên một tình cảm tốt đẹp giữa nhà trường và bà con nhân dân xã nhà.
- Về số lượng học sinh ra trường và hướng phát triển của các em: Nếu tính bình quân mỗi năm số học sinh lớp 9 ra trường là 150 em thì trong những năm qua đã có gần 7.000 học sinh từ ngôi trường này trưởng thành và đi vào cuộc sống. Không thể tập hợp, thống kê một cách đầy đủ và chính xác được trong số ấy có bao nhiêu người đã đạt đến trình độ cao học, đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc bao nhiêu người thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự,... nhưng chắn chắn rằng con số ấy quả là không nhỏ và dù ở đâu và ở bất kỳ cương vị nào, tất cả họ đều dành những tình cảm tốt đẹp nhất về ngôi trường - nơi đã tạo cho họ những bước đi ban đầu.
- Về danh hiệu thi đua nhà trường: Phải nói rằng đây là một thành tích rất đáng tự hào. Từ một trường buổi ban đầu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn đã vươn lên thành trường tiên tiến xuất sắc cấp huyện, cấp tỉnh, dẫn đầu phong trào thi đua khối THCS toàn tỉnh, là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 (2001 - 2010) và giai đoạn 2 (2010 - 2015) của huyện Thăng Bình; cũng là đơn vị được công nhận đạt kiểm định chất lượng ở mức độ 3 đầu tiên của huyện; Công đoàn vững mạnh xuất sắc, liên đội vững mạnh xuất sắc, chi bộ trong sạch vững mạnh nhiều năm liền được cấp tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về phong trào giáo dục và đào tạo; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 2 lần tặng cờ thi đua xuất sắc.
Không sao kể hết những tiến bộ, những thành tích nhà trường trong mấy chục năm qua. Vui mừng và tự hào về những gì đã đạt được song không thể tự mãn khi yêu cầu tổ chức dạy học ngày càng cao. Càng không thể quên đi những đóng góp của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, những người từng có những cống hiến, hy sinh cho vẻ đẹp hôm nay của nhà trường, xin được nêu vài trường hợp tiêu biểu:
Không chỉ có những thầy giáo, cô giáo, những người trực tiếp đứng trên bục giảng mới được tôn vinh, kính trọng mà có cả những người hy sinh thầm lặng, vẫn ngày đêm miệt mài với nhiệm vụ của mình, đó là chị Lê Thị Học - một nhân viên tạp dịch nay đã nghỉ hưu.
Chị có hoàn cảnh khá đặc biệt, có chồng từ trước năm 1975 nhưng do chiến tranh chồng của chị tham gia trong quân đội Sài Gòn rồi mất tích. Sau ngày giải phóng, dù còn rất trẻ nhưng chị vẫn không đi thêm bước nữa, chỉ ở vậy nhận một đứa cháu trai gọi bằng cô ruột để nuôi từ khi cháu còn rất nhỏ. Cháu lại bị bệnh teo cơ nên rất yếu một chân, đi lại khó khăn, phải dùng nạng gỗ. Mặc dù vậy, chị vẫn không hề than vãn, sẵn sàng nuôi cháu ăn học đến hết bậc THPT. Sau khi tốt nghiệp chị đã xin cháu vào làm hợp đồng công tác văn thư của trường. Đến nay cháu đã được xét vào biên chế, đã lập gia đình và có 2 con. Với chị, việc phục vụ trong nhà trường cũng rất bận rộn. Trước đây ngoài công việc nấu nước, quét dọn các phòng làm việc chị còn làm nhiệm vụ cấp dưỡng trong bếp ăn tập thể của nhà trường. Thời ấy, đời sống giáo viên còn khó khăn nhiều do đồng lương quá ít ỏi, bữa ăn nội trú thường ngày rất đơn giản, thậm chí chưa đủ no, làm sao có một bữa ăn ngon. Chị lại phải trồng thêm vài luống rau, cây cà trong khu vực vườn trường để cải thiện bữa ăn. Chị lại rất khéo tay chế biến, các món ăn do chị nấu tuy đơn giản nhưng hương vị rất đặc biệt, ai đã dùng chắc chắn có lời khen. Những lần nhà trường có tổ chức lễ tiệc, chị là người đầu bếp nhận được nhiều lời khen nhất.
Chị thường đến trường từ lúc sáng sớm và về nhà khi trời đã tối hẳn, mọi nhà đã lên đèn. Cần mẫn, chịu khó vốn là đức tính của chị - tất cả thầy cô giáo trong trường quen gọi chị với một cái tên rất thân thương, gần gũi như gia đình: Chị Ba; Các em học sinh cũng vậy, chúng thường gọi: Cô Ba. Và chắc chắn ai đã qua thời học sinh từ ngôi trường này sau năm 1975 không thể không biết cô Ba - người có dáng đi vội vã, bàn chân chưa kịp chạm đất.
15 năm đạt danh hiệu CSTĐ các cấp, 3 lần đạt danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh là sự công nhận đúng mực về một con người hy sinh thầm lặng trong nhà trường. Chị đã nghỉ hưu cách đây 5 năm, song vì yêu trường chị xin làm hợp đồng trở lại. Hiện nay, chị vẫn ngày hai buổi đến trường để làm công việc như xưa - vẫn là sự hy sinh âm thầm và đáng quý. Trong mỗi bài học của học sinh, trong mỗi bài giảng của giáo viên, trong mỗi chủ trương của các cấp quản lý giáo dục được thực hiện đều có sự đóng góp thầm lặng nhưng không thể thiếu được của những người như chị.
Một thầy giáo khác, có thâm niên nghề nghiệp tương đối nhiều và luôn là một tấm gương sáng được đông đảo phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp tin yêu mến mộ đó là thầy giáo Nguyễn Đào Phê - một giáo viên bộ môn Hóa học và là tổ trưởng chuyên môn trong nhà trường. Cuộc đời dạy học của thầy đã trải qua hơn 30 năm, từng công tác tại 3 trường THCS trong huyện nhưng thời gian lâu nhất vẫn là trường THCS Phan Châu Trinh - và bất cứ ở đâu, thầy cũng để lại trong lòng phụ huynh, học sinh những ấn tượng rất tốt đẹp.
Với lòng yêu nghề, mến trẻ trong công tác chuyên môn thầy luôn học hỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm nên giảng dạy rất hiệu quả. Qua từng bài giảng, với những thí nghiệm hóa học nhờ cách bố trí và các thao tác thực hành hợp lý thầy đã tạo cho học sinh niềm đam mê môn học. Chính vì lẽ đó, khi tuyển chọn đội học sinh giỏi môn Hóa của trường có rất nhiều học sinh đăng ký ôn tập và dự thi; số lượng học sinh tham gia nhiều hơn hẳn các môn khác như Toán, Vật lý, Tiếng anh,... Đội học sinh giỏi Hóa của trường tham gia các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh thường đạt giải cao. Nhiều học sinh vì yêu mến, kính trọng thầy nên đã chọn môn Hóa là hướng đi chính để phát triển trong tương lai. Thực tế đến nay có không ít học sinh của thầy là thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư chuyên ngành hóa học. Đạt 9 lần danh hiệu CSTĐ cơ sở, 3 lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh là kết quả công nhận khả năng và sự cống hiến của thầy trong thời gian qua. Thầy được chọn là giáo viên cốt cán của huyện tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa. Uy tín của thầy ngày càng vang xa nên một số học sinh thuộc các xã lân cận như Bình Trung, Bình Nam, Bình Quế tìm đến nhờ thầy bồi dưỡng, giúp đỡ. Những năm trước đây khi ngành giáo dục còn cho phép dạy thêm, thầy đã mở lớp dạy tại nhà. Số lượng học sinh đăng ký học rất đông, nhất là học sinh lớp 8, lớp 9. Một số phụ huynh ở thành phố Tam Kỳ còn mời thầy đến nhà để làm gia sư cho con em họ khi thi vào trường chuyên, lớp chọn. Tốn công, tốn sức rất nhiều nhưng đôi khi gặp những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn thầy vẫn vui vẻ và tận tình dạy bảo mà không đòi hỏi một sự đáp trả, thù lao nào.
Mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy là thế, nhưng thầy vẫn dành thời gian để quan tâm đến các con của mình. Thật hạnh phúc khi cả 3 người con của thầy, sau khi học ở trường THPT chuyên đều vào đại học thuộc chuyên ngành Hóa học. Đứa con đầu lòng nay đã tốt nghiệp đại học và ra trường, làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh; hai con còn lại đang theo học ngành y và dược, tương lai không xa sẽ là Bác sĩ, Dược sĩ phục vụ cho xã hội.
Đến nay tuổi thầy cũng khá cao, lại mang trong người nhiều căn bệnh nên sức khỏe trông kém hẳn. Mặc dù đã được chữa trị rất tích cực nhưng khả năng phục hồi còn chậm, việc đi lại cũng khó khăn hơn. Vì vậy, hiện nhà trường chỉ bố trí thầy dạy ít tiết và kiêm nhiệm công tác giám thị. Nhiều học sinh tỏ ra tiếc nuối khi không được thầy dạy môn Hóa học và một số học sinh cũng chia sẻ như vậy.
Thầy giáo Trần Văn Tấn - hiện là hiệu trưởng nhà trường - một con người tự tin, năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước chức trách của mình. Thầy luôn xem ngôi trường như là ngôi nhà thứ hai của mình nên lúc nào thầy cũng suy nghĩ, tìm tòi những biện pháp, phương pháp tốt nhất để xây dựng nhà trường phát triển một cách bền vững. Nhận nhiệm vụ hiệu trưởng trường THCS Phan Châu Trinh từ năm học 2001- 2002, khi cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều thiếu thốn nhưng nhận thấy xu thế xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ các trường phải hướng đến. Nghĩ là làm, thầy đã cất công đi tìm hiểu từ các trường bạn trong tỉnh rồi sau đó cho hội đồng liên tịch nhà trường cùng tham quan học tập, rút kinh nghiệm. Từ việc củng cố, sắp xếp lại các loại hồ sơ công văn lưu trữ đến việc xác lập các hồ sơ cần thiết khác, việc xây dựng các phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy học, cách tổ chức điều hành sinh hoạt của các ban ngành đoàn thể và tổ chuyên môn trong nhà trường đều được kiểm tra rà soát một cách kỹ lưỡng dựa theo những tiêu chí, tiêu chuẩn Bộ GD&ĐT đã quy định. Thầy đã động viên, khuyến khích mọi thành viên trong HĐSP đều chung tay vào cuộc. Nhờ vậy trường THCS Phan Châu Trinh là trường THCS đầu tiên của huyện Thăng Bình được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 vào năm 2003. Rồi kể từ đó, nề nếp hoạt động và CSVC nhà trường được hoàn thiện dần.
Tháng 08/2007, Phòng GD&ĐT huyện Thăng Bình lại điều động thầy đến nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng một trường khác trong huyện - trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Bình Quế. Tại nơi đây cũng vậy, với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong nhà trường, chỉ trong vòng 6 năm (2007-2013) thầy đã cùng với HĐSP nơi ấy tạo cho nhà trường có thêm diện mạo mới, đầy khởi sắc.
Với ước muốn trở lại trường THCS Phan Châu Trinh công tác thêm một thời gian trước khi nghỉ hưu, để có điều kiện cống hiến thêm cho nhà trường và địa phương nên Phòng GD&ĐT huyện Thăng Bình đã đồng ý chuyển thầy về làm hiệu trưởng trường THCS Phan Châu Trinh trở lại từ năm học 2013-2014 đến nay. Dù biết rằng thời gian công tác còn lại không nhiều nhưng thầy vẫn dốc toàn tâm, toàn lực để xây dựng nhà trường theo hướng phát triển mới. Ngoài việc dành kinh phí để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, quang cảnh nhà trường thường xuyên được củng cố. Con đường từ quốc lộ 1A vào cổng trường hiện đang được mở rộng và tráng bê tông là sự nỗ lực rất lớn của thầy trong công tác vận động xã hội hóa giáo dục từ một phần kinh phí do CMHS đóng góp, phần còn lại là sự ủng hộ của các “mạnh thường quân”. Thầy đã vào tận thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ tìm gặp các cựu học sinh, cựu giáo viên của nhà trường hiện nay thành đạt và là những doanh nhân làm ăn kinh tế giỏi để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Nhờ vậy, đến nay con đường ấy đã hoàn thành giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn. Chắc chắn trong một vài năm nữa con đường sẽ đẹp thêm khi hàng cây cảnh trồng giữa các lối đi lớn dần.
Về công tác chuyên môn, thầy luôn nhắc nhở các tổ trưởng và giáo viên chú ý tập trung đầu tư theo hướng chỉ đạo mới của các cấp quản lý giáo dục, phải thực sự đổi mới phương pháp dạy và học, cách đánh giá kiểm tra, thi cử nhằm mục đích nâng dần chất lượng đại trà, giảm bớt tỉ lệ học sinh yếu, học sinh lưu ban trong từng năm học. Bên cạnh đó cần chú ý đầu tư các phong trào mũi nhọn như học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, giáo viên giỏi để nhà trường luôn xứng đáng là địa chỉ đáng tin cậy của phụ huynh và học sinh.
Một việc làm hết sức đơn giản nhưng lại rất có ý nghĩa mà ai cũng nhận ra từ thầy trong công tác động viên, khuyến khích học sinh giỏi: Một phong bì làm quà cùng với lời tâm sự “Bí quyết làm bài thi từng môn dành cho các sĩ tử” thầy tặng cho học sinh trước lúc lên đường dự thi ở tỉnh được phụ huynh và học sinh vô cùng cảm kích.
Đối với công việc, phê bình góp ý thẳng thắn để tiến bộ đó là phong cách làm việc của thầy: không vị nể, xuê xoa, không để nội bộ gây chia rẽ làm mất đoàn kết là mục tiêu hướng đến để nhà trường luôn giữ vững. Và thực tế thầy đã làm được điều ấy: 18 năm liên tục đạt danh hiệu CSTĐ cơ sở và 2 lần đạt danh hiệu CSTĐ cấp tỉnh là một minh chứng cho sự cống hiến, lòng nhiệt tình và khả năng công tác của thầy trong thời gian qua.
Chỉ còn khoảng 2 năm nữa thầy sẽ nghỉ hưu. Thường với người khác thì hoạt động mang tính cầm chừng nhưng với thầy thì lại khác “Còn một ngày công tác ở trường thì còn phải làm việc hết mình. Chỉ khi nào mình hết khả năng hoặc thực sự nghỉ hưu thì mới dừng hoạt động” - đó là lời tâm sự chân tình mà thầy đã thổ lộ cùng anh em đồng nghiệp.
Trường THCS Phan Châu Trinh là thế đó - 45 năm với bao đổi thay song bóng dáng ngôi trường vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn những ai từng gắn bó. Một ngôi trường mến yêu trong đó có những con người rất đáng để chúng ta trân trọng. Bề dày truyền thống của ngôi trường cùng với sự gắn kết nghĩa tình của các thế hệ trong 45 năm qua sẽ là những kinh nghiệm quý báu, là niềm tự hào chính đáng cho những thế hệ kế tiếp có đủ bản lĩnh và tự tin để tiến lên theo sự phát triển của xã hội.