Tin tức : Lịch sử phát triển

SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC THĂNG BÌNH - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Ngày đăng : 01-06-2015

          Thấu suốt quan điểm của Đảng, đầu tư cho phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, huyện Thăng Bình luôn đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt chủ trương ấy nên sự nghiệp giáo dục & đào tạo huyện nhà đã có sự phát triển vượt bậc, đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 

         Thăng Bình là vùng đất học, trải qua bao thế hệ, nhân dân Thăng Bình phải kiên trì đấu tranh với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn bạo của kẻ thù để tồn tại và phát triển; nhiều người con của quê hương Thăng Bình vượt qua gian lao thử thách theo học và đạt được trình độ cao, đã đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp dựng xây quê hương, đất nước. Từ sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, nhân dân Thăng Bình được sống trong cảnh thanh bình, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Phát huy truyền thống anh hùng và hiếu học, trong 40 năm qua, dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp; sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Thăng Bình đã phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
         Năm học đầu tiên (1975 - 1976), toàn huyện chỉ có 20 cơ sở trường cấp 1; 10 trường cấp 2, 01 trường phổ thông cấp 2 - 3 được xây dựng tạm bợ trong thời chiến tranh với khoảng 550 lớp học, 19.000 học sinh, gần 2.000 học viên bổ túc văn hoá và khoảng 850 thầy, cô giáo. Cơ sở vật chất có trên 300 phòng học (mới tiếp quản) và một số phòng học làm mới bằng tranh tre, nứa lá.
         Quá trình giảng dạy phổ thông, bổ túc văn hoá trong điều kiện sau chiến tranh đòi hỏi phải kiên trì, phấn đấu vượt qua muôn ngàn khó khăn, thách thức: cơ sở hạ tầng phục vụ cho giáo dục lạc hậu, trường không ra trường, lớp không ra lớp; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các cấp học hẫng hụt và đời sống của nhân dân còn nghèo khó trăm bề. Để khắc phục tình trạng này, một mặt, huyện tiếp nhận giáo viên chi viện từ các tỉnh ở miền Bắc tăng cường, mặt khác gấp rút tuyển chọn con em của nhân dân trong huyện có đủ chuẩn văn hóa gửi đi đào tạo sư phạm cấp tốc tại các trường sư phạm tập trung của Bộ giáo dục, sau một thời gian trở về tham gia công tác giảng dạy tại địa phương. Với những nỗ lực phấn đấu, cuối năm 1977 huyện Thăng Bình được Bộ Giáo dục tặng Cờ và công nhận là đơn vị hoàn thành công tác xoá mù chữ cho nhân dân. Từ năm 1978 trở đi, nhiều lớp học hàm thụ được tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Đến năm 1990, về cơ bản đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
          Do yêu cầu của xã hội, trong những năm từ 1978 đến 1985, các loại hình trường lớp đa dạng hơn, đó là: các trường mẫu giáo, nhà trẻ từng bước được hình thành, trường cấp 1 và cấp 2 được sáp nhập thành trường phổ thông cơ sở. Đến năm học 1985 – 1986, toàn huyện có 20 nhà trẻ, 21 trường mẫu giáo, 36 trường phổ thông cơ sở và 01 trường THPT với 1.109 lớp và 38.623 học sinh. Lúc này, tổng số giáo viên toàn huyện có 1.519 người. Tuy cơ sở vật chất trường học còn nhiều thiếu thốn, nhiều phòng học bằng tranh tre, phải học 3 ca nhưng bình quân cứ 4 người dân có 01 người đi học.
          Trong thời gian từ năm học 1987 - 1988 đến năm học 1999 - 2000, các loại hình trường lớp có một số thay đổi về bậc học, cấp học; hình thành trường Tiểu học, Trung học cơ sở theo địa bàn xã, chỉ còn một nhà trẻ trung tâm ở thị trấn Hà Lam nhập với mẫu giáo thành trường Mầm non Hương Sen.
           Công tác phổ cập giáo dục Tiểu học được triển khai thực hiện tốt. Huyện Thăng Bình là đơn vị hoàn thành công tác phổ cập giáo dục Tiểu học và xóa mù chữ vào năm 1993; là một trong những huyện, thị được công nhận phổ cập Tiểu học và xoá mù chữ sớm nhất của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ. Phải nói rằng từ năm học 1990 - 1991 trở lại đây, ngành Giáo dục Thăng Bình đã có nhiều tiến bộ trong công tác dạy và học ở các nhà trường nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu và mong đợi; cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, còn chắp vá, thiếu phòng học, phòng phục vụ học tập, phòng làm việc,... ở các trường.
          Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự nghiệp Giáo dục & Đào tạo. Riêng ở huyện, hệ thống mạng lưới trường học phát triển đáp ứng được nhu cầu cho trẻ đến trường. Đến thời điểm năm học 2014 - 2015, toàn huyện có 81 trường học (25 trường Mẫu giáo, Mầm non, 30 trường Tiểu học, 21 trường THCS, 05 trường THPT), 01 trung tâm giáo dục thường xuyên (tăng 50 trường so với năm học 1975 - 1976) với 1225 lớp/35577 học sinh; trong đó, Mẫu giáo, Mầm non: 193 lớp/5063 học sinh, Tiểu học: 538 lớp/12.450 học sinh, Trung học cơ sở: 320 lớp/10.845 học sinh; THPTcó 5 trường với 174 lớp/7219 học sinh. Ngoài ra còn có 1 Trường Trung cấp cảnh sát giao thông của Bộ Công an đóng trên địa bàn; 100% xã, thị trấn đã có trung tâm học tập cộng đồng đã và đang phát huy tác dụng.
          Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên toàn ngành giáo dục đến thời điểm này có 2.579 người. Trong đó, có 24 thạc sĩ, 933 giáo viên trình độ đại học, 874 giáo viên trình độ cao đẳng và 223 giáo viên trình độ trung cấp. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được nâng lên; 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 70,9% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn. Toàn huyện hiện có 1.127 phòng học và có 251 phòng phục vụ học tập. So với năm học 1975 - 1976 số lớp tăng 2,2 lần, số học sinh tăng 1,7 lần, số cán bộ, giáo viên tăng hơn 3 lần, số phòng học tăng 4 lần. Nhìn chung, mạng lưới trường lớp ngày càng tăng, phát triển cân đối giữa các cấp học; cơ sở vật chất trường lớp từng bước được kiên cố hóa, trang thiết bị dạy và học thường xuyên được bổ sung, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao.
          Thành tích nổi bật trong 10 năm gần đây là việc huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (năm 2014, trước 01 năm so với kế hoạch), giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục THCS. Đến nay toàn ngành đã có 41 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 55,4% (trong đó, cấp giáo dục mầm non có 13 trường, đạt tỷ lệ 56,5%; cấp giáo dục tiểu học có 14 trường, đạt tỷ lệ 46,6%; cấp giáo dục THCS có 14 trường, đạt tỷ lệ 66,6%). Đặc biệt từ năm 2010 đến nay đã xây dựng được 27 trường đạt chuẩn (số lượng trường đạt chuẩn tăng gấp đôi so với năm 2000 đến 2009). Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh giỏi các cấp học hằng năm đều tăng. Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm, đầu tư đồng bộ về mọi mặt, không chỉ bám sát các chương trình mục tiêu chung của ngành mà còn được sự nỗ lực quan tâm đầu tư của chính quyền các địa phương và bản thân mỗi nhà trường.
        Thầy Đỗ Rô - Nguyên Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện kể lại: Tôi đã đi dạy từ những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc và làm công tác quản lý giáo dục đến khi nghỉ hưu. Những năm đầu sau ngày giải phóng, ngành giáo dục huyện nhà cũng như các địa phương khác trong tỉnh còn khó khăn, cơ sở trường học tạm bợ và khó khăn lắm. Bây giờ thấy đổi mới nhiều, trường học được xây dựng khang trang hơn, số lượng giáo viên và học sinh tăng nhanh và cùng với đó thì chất lượng dạy và học được nâng lên và đạt nhiều thành tích đáng tự hào…Tôi rất mừng và hy vọng giáo dục huyện nhà sẽ ngày càng phát triển tốt hơn.
         Để có được một thế hệ con người Việt Nam mới đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp đổi mới, cần có sự kế thừa, phát triển, phát huy những giá trị của nền văn hoá truyền thống; đồng thời tiếp thu những giá trị của nền giáo dục hiện đại, trong đó vai trò quyết định là đội ngũ thầy, cô giáo - những “kỹ sư tâm hồn”, những người “lái đò” tận tụy đưa hết “chuyến đò này” đến “chuyến đò khác” cập bến tri thức của nhân loại. Thấu hiểu được trọng trách của mình, các thầy giáo, cô giáo luôn tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi năm học, toàn ngành có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng vào giảng dạy. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, nhằm tạo môi trường học tập thoải mái để khuyến khích các em tiếp thu tri thức, tìm tòi, sáng tạo trong học tập. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt đã diễn ra sôi nổi, theo chủ đề của từng tháng, từng năm học, tạo bước chuyển biến tích cực đối với chất lượng giáo viên và học sinh. Hằng năm có hàng trăm giáo viên đạt chiến sỹ thi đua các cấp, hàng chục giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cấp huyện. Tổng kết năm học 2013 - 2014, bậc học mầm non số học sinh đạt giáo dục toàn diện chiếm trên 97,8% ; bậc Tiểu học chất lượng học sinh tiên tiến đạt 30,7%, học sinh giỏi đạt 48,5% ; bậc THCS tỷ lệ học sinh tiên tiến đạt 33,1%, học sinh giỏi đạt 27,8%, bậc THPT tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt ..%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng có nhiều tiến bộ, bậc Tiểu học đã có 27 giải cấp huyện, 02 học sinh đạt giải cấp tỉnh, bậc THCS học sinh giỏi cấp huyện có ... giải, cấp tỉnh ... giải, bậc THPT học sinh giỏi cấp tỉnh có ... giải, cấp quốc gia ... giải, ngoài ra học sinh còn đạt được nhiều giải trong các cuộc thi khác. Những năm qua, đã có biết bao gương mặt của các tập thể, cá nhân, các thế hệ thầy trò ngành giáo dục như những tấm gương tiêu biểu cho mỗi giai đoạn. Không thể kể hết những gương mặt học sinh của bao thế hệ đã từng làm rạng danh cho sự nghiệp giáo dục của huyện nhà với những thành tích đáng tự hào qua các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tuyển sinh vào đại học, …
         Có thể nói, trong 40 năm qua ngành giáo dục huyện Thăng Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy mô giáo dục phát triển, đội ngũ giáo viên tiếp tục được chuẩn hoá nâng cao về chất lượng, đủ về số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường củng cố. Công tác xã hội hoá giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường năm sau cao hơn năm trước, chất lượng dạy và học cũng từng bước được nâng lên. Đây là những thành tích to lớn của ngành giáo dục trong đó có sự đóng góp tích cực của toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên và học sinh trên địa bàn. Trong đó nổi lên các trường có thành tích xuất sắc và luôn dẫn đầu về công tác giáo dục, được các cấp lãnh đạo từ huyện đến Trung ương khen tặng là trường Mầm non Hương Sen, Mẫu giáo xã Bình Lãnh; Tiểu học Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Chí Thanh; THCS Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, trường THPT Tiểu La....
          Đồng chí Phan Văn Tuyển - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện cho biết: Những năm qua, ngành Giáo dục Thăng Bình đã có nhiều nỗ lực cố gắng và đã đạt được những kết quả đáng mừng. Có được thành quả này là nhờ chỉ đạo và quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối kết hợp của các ban ngành đoàn thể và các địa phương. Phát huy những thành quả đã đạt được, ngành tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra; trong thời gian tới đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả chương trình đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tốt phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập Trung học cơ sở; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với cuộc cuộc vận “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Hai tốt” để có sức lan tỏa sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ nhà giáo về nhận thức và hành động.
        Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành giáo dục huyện Thăng Bình đã Bộ Giáo dục & Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Thăng Bình tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, Trường THCS Phan Châu Trinh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, UBND Tỉnh tặng cờ Thi đua Xuất sắc dẫn đầu khối thi đua THCS; Trường THCS Lê Quý Đôn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, UBND Tỉnh tặng cờ Thi đua; Tiểu học Kim Đồng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; Tiểu học Võ Thị Sáu được Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng Bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; THCS Trần Quý Cáp được Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng Bằng khen; Mầm non Hương Sen được Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng Bằng khen, .....
        Bốn mươi năm - một chặng đường đã đi qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thăng Bình có dịp nhìn lại. Với truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp mạnh mẽ của các ban ngành, đoàn thể địa phương, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng trong tương lai không xa, ngành giáo dục và đào tạo Thăng Bình sẽ tiếp tục khẳng định mình đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu 'Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người' để đáp ứng nhu cầu của thời kỳ mới đặt ra và sự tin cậy của nhân dân Thăng Bình đối với sự nghiệp trồng người./.
                                                              Ngô Tấn Giáo - CV TCCB

Ngô Tấn Giáo

Xem thêm...
Van bản mới nhất