Thứ ba, 23/07/2024 13:19:56
Quy tắc ứng xử văn hóa của học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa

Ngày: 16/03/2017

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TP. CẦN THƠ                             CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG THPT TRẦN ĐẠI NGHĨA                                                     Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
          Số: 13/QĐ-TĐN                                                                               Cần Thơ, ngày 13  tháng 3  năm 2017

             
QUYẾT ĐỊNH
Về việc Ban hành quy tắc ứng xử văn hóa của
học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa

HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TRẦN ĐẠI NGHĨA

Căn cứ Điều lệ trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Quy định về đạo đức nhà giáo;
Căn cứ Công văn 190/SGDĐT-CTTT ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học;
Xét đề nghị của BCH Công đoàn và BCH Đoàn trường THPT Trần Đại Nghĩa,
QUYẾT ĐỊNH:
     Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy tắc ứng xử của học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa từ năm học 2016-2017.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Tất cả học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.


   Nơi nhận: 
    - Như điều 2;                         
    - Lưu: VT.    HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)


Trịnh Nguyễn Thi Bằng

 
QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA HỌC SINH
TRƯỜNG THPT TRẦN ĐẠI NGHĨA  (Ban hành kèm theo Quyết định số 13/QĐ-TĐN ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa )
  
CHƯƠNG I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
- Quy tắc này quy định các chuẩn mực ứng xử  văn hoá trong học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa từ năm học 2016 - 2017.
- Quy tắc ứng xử văn hoá này được áp dụng trong thời gian  học sinh đang học tập tại trường và sinh hoạt ngoài xã hội.
Điều 2. Mục đích.
1. Quy định các chuẩn mực xử sự khi học tập, rèn luyện, thực hiện các mối quan hệ xã hội; biết những việc phải làm hoặc không được làm; đảm bảo đúng trách nhiệm của học sinh.
2. Góp phần lành mạnh hóa môi trường giáo dục và đào tạo.
3. Nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh trong thời gian học tập và rèn luyện tại trường, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
4. Là căn cứ để đánh giá quá trình rèn luyện đạo đức cho học sinh.
Điều 3. Các hành vi học sinh không được làm.
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh.
3. Làm việc khác; sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, giải trí trong giờ học (trừ trường hợp được sự đồng ý của giáo viên); hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục.
4. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
5. Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.
Điều 4. Quy tắc ứng xử của học sinh bao gồm:
1. Quy tắc ứng xử đối với bản thân;
2. Quy tắc ứng xử đối với thầy cô giáo, nhân viên nhà trường;
3. Quy tắc ứng xử đối với anh chị lớp trên và bạn bè;
4. Quy tắc ứng xử trong lớp học;
5. Quy tắc ứng xử đối với khách đến liên hệ công tác;
6. Quy tắc ứng xử đối với gia đình;
7. Quy tắc ứng xử đối với mọi người nơi cư trú (xóm, làng);
8. Quy tắc ứng xử ở trong sinh hoạt, nơi công cộng, tham gia mạng xã hội;
9. Quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH NHỮNG QUY TẮC ỨNG XỬ CỤ THỂ
Điều 5. Ứng xử đối với bản thân.
1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy của nhà trường;
2. Tích cực, trung thực học tập, kiểm tra, thi cử.
3. Không ngừng tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức;
4. Chủ động, nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khoá, phong trào.
5. Đồng phục: Thực hiện nghiêm túc đồng phục theo qui định của nhà trường.
6. Đi, đứng với tư thế chững chạc, không gây tiếng động lớn.
7. Ăn nói khiêm nhường, từ tốn, không nói to, gây ồn ào.
8. Đến trường, ra về đúng giờ.
9. Không tự ý kinh doanh đồ ăn, thức uống hoặc các loại hàng hóa trong nhà trường.
10. Không làm mất an ninh trật tự trước cổng trường.
Điều 6. Ứng xử đối với thầy cô giáo, nhân viên nhà trường (gọi chung là thầy cô).
1. Hết lòng yêu thương, tôn trọng thầy cô.
2. Chủ động chào hỏi khi gặp thầy cô trong và ngoài nhà trường. Không lẩn tránh hoặc tỏ thái độ dửng dưng.
3. Xưng hô đúng mực, lịch sự: gọi “thầy cô” xưng “con”, “em”. Đối với nhân viên nhà trường có thể gọi “cô”, “chú” xưng “con”;
4. Khi giao tiếp luôn giữ lễ, không vì quá gần gũi mà có những cử chỉ, lời nói vượt quá mối quan hệ thầy trò. Thông tin trao đổi phải ngắn gọn, đúng sự thật;
5. Khi có những hành động, lời nói không phù hợp với chuẩn mực đạo đức phải chủ động, chân thành nhận lỗi.
6. Không đặt điều, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của thầy cô.
7. Luôn vâng lời dạy bảo, tuân theo sự hướng dẫn của thầy cô.
8. Khi vụ việc giải quyết không thoả đáng hay bản thân chưa hiểu rõ vấn đề thì học sinh đến gặp thầy cô lễ phép trình bày không nên vội vàng báo phụ huynh đến trường, làm ảnh hưởng mối quan hệ tốt đẹp giữa gia đình và nhà trường.
9. Khi thầy cô vào hay rời lớp, phải đứng dậy trong tư thế nghiêm trang để chào.
Điều 7. Ứng xử đối với anh chị lớp trên và bạn bè.
1. Xưng hô thân mật, cởi mở, trong sáng: Gọi “bạn”, gọi tên xưng “tôi”. Với HS lớp trên thì gọi “Anh, Chị” xưng “Em”. Không gọi, xưng hô bằng những từ dành để gọi những người tôn kính như ông, bà, cha, mẹ..., không gọi tên bạn gắn với tên cha, mẹ, ông, bà...hoặc những đặc điểm cá nhân.
2. Luôn ôn hoà, nhã nhặn, đoàn kết, tương thân tương trợ khi có bất hoà hãy dùng lời nói để giải quyết, không dùng hành vi bạo lực.
3. Khi có chuyện bất bình thì đến trình bày với giám thị, thầy cô để giải quyết, không tự ý gọi bạn bè, anh chị đến gây sự làm ảnh hưởng nền nếp của nhà trường.
4. Cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong học tập, rèn luyện.
5. Tích cực xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa HS từng lớp và toàn trường. Tránh sự đố kị, đặt điều nói xấu nhau, chia bè kéo cánh, lập băng nhóm gây hiềm khích trong tập thể.
6. Không tạo điều kiện, không bao che những hành vi vi phạm quy đinh, quy chế, pháp luật.
7. Không kỳ thị, phân biệt tôn giáo, dân tộc, thành phần gia đình.
8. Không xa lánh, coi thường người bị bệnh, tàn tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Điều 8. Ứng xử trong lớp học.
1. Vào học phải đúng giờ, khi ngồi học phải đảm bảo tư thế, tác phong nghiêm túc, trật tự, tôn trọng thầy giáo, cô giáo và bạn cùng lớp.
2. Không làm các cử chỉ như: viết vẽ bậy lên bàn, ghế, tường, bảng, cửa, lên sách vở;
3. Trong tiết học, không phát ngôn tuỳ tiện; không nhai kẹo hoặc ăn quà vặt; không sử dụng thiết bị di động khi chưa được sự đồng ý của thầy cô.
4. Không mang đồ ăn, thức uống vào lớp học làm mất vệ sinh và ảnh hưởng người khác.
5. Khi cần mượn, trả đồ dùng học tập: Đảm bảo thái độ nghiêm túc, lời nói nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến giờ học.
6. Khi kết thúc giờ học: gấp sách vở cẩn thận, đảm bảo trật tự, không xô đẩy bàn ghế, giữ vệ sinh chung. Tắt đèn, quạt, đóng khóa các chốt cửa cẩn thận trước khi rời khỏi phòng học.
7. Khi bản thân bị ốm đau đột xuất phải kín đáo, tế nhị, hạn chế làm ảnh hưởng đến mọi người; đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân và tránh làm lây lan bệnh cho người khác.
Điều 9. Ứng xử đối với khách đến liên hệ công tác.
1. Lễ phép chào hỏi khi gặp mặt. Chỉ dẫn nơi khách cần liên hệ với thái độ niềm nở, trân trọng.
2. Khi khách vào thăm lớp hay liên hệ với thầy cô, hãy đứng nghiêm trang chào.
3. Trong khi thầy cô trao đổi với khách ở ngoài lớp, phải ngồi im lặng trong lớp chờ thầy cô vào.
Điều 10. Ứng xử đối với gia đình.
1. Xưng hô đảm bảo sự kính trọng, lễ phép, nhẹ nhàng, rõ ràng.
2. Đi thưa, về trình.
3. Thông tin đầy đủ, kịp thời cho người thân về lịch học, kết quả học tập và hoạt động giáo dục của nhà trường.
4. Trong quan hệ với người thân trong gia đình: Bảo đảm trật tự thứ bậc, thương yêu, quan tâm, chăm sóc, nhường nhịn, chia sẻ với mọi người trong gia đình.
5. Trong công việc gia đình:  Làm việc chăm chỉ, hợp tác, có trách nhiệm, không cãi cọ, so bì..
6. Góp phần tuyên truyền, thuyết phục, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều 11. Ứng xử đối với mọi người nơi cư trú (xóm, làng).
1. Trong giao tiếp phải kính trọng, lễ phép. Cư xử đúng mức với mọi người. Tương trợ, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, sống có tình nghĩa với hàng xóm, láng giềng.
2. Trong sinh hoạt đảm bảo tôn trọng sự yên tĩnh chung, không gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh chung.
Điều 12. Ứng xử trong sinh hoạt, nơi công cộng, khi tham gia mạng xã hội.
1. Ứng xử khi tham gia sinh hoạt chung phải đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, không hò hét, réo gọi nhau ầm ỹ, không xô đẩy, chen lấn, trêu ghẹo; không xúm lại nói chuyện riêng; không khạc nhổ, không hút thuốc lá, vứt rác bừa bãi; không đi, đứng, trèo, ngồi trên lan can, bàn học, cây xanh…
2. Ứng xử khi có mặt trong khu vực công cộng như đường phố, nhà ga, bến xe, rạp hát... đảm bảo cử chỉ, hành động lịch thiệp, không ngó nghiêng, chỉ trỏ, bình phẩm xấu người khác; nói lời xin lỗi khi làm phiền hoặc có lỗi và cảm ơn khi được giúp đỡ, phục vụ.
3. Chủ động giúp đỡ, nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật khi lên, xuống các phương tiện giao thông hoặc khi qua đường.
4. Chủ động, tình nguyện giúp đỡ người bị nạn.
5. Ứng xử khi đến các cơ quan, công sở để giao dịch, liên hệ công việc đảm bảo thái độ lễ phép, lịch sự, thẳng thắn; không gây mất trật tự.
6. Khi thực hiện các hoạt động trên Internet phải tuân thủ pháp luật. Không đưa thông tin gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo, vùng miền…Không gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
7. Không được sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ; không được xúc phạm, làm nhục, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác… 
8. Không dùng những lời lẽ thô tục để nhận xét, bình phẩm. 

CHƯƠNG III
QUY ĐỊNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
Điều 13. Điện năng.
1. Khi ra khỏi phòng thì phải tắt quạt, đèn chiếu sáng. Các đèn trong phòng chỉ được bật khi đang học tập, sinh hoạt;
2. Mở hết các cửa sổ và cửa phòng làm việc để lấy ánh sáng, thông gió tự nhiên khi làm việc, nếu ánh sáng tự nhiên đã đủ để làm việc thì không mở đèn; tắt bớt đèn tại những vị trí không cần thiết;
3. Các thiết bị sử dụng điện năng phải được kiểm tra, tắt nguồn sau khi hết nhu cầu sử dụng hoặc hết giờ học;
4. Không sử dụng thiết bị điện phục vụ cho nhu cầu cá nhân tại nhà trường;
5. Khi phát hiện các thiết bị điện bị hỏng hóc, chập mạch phải kịp thời ngắt điện và báo khẩn cấp cho nhân viên bảo vệ hoặc BGH.
Điều 14. Nước sinh hoạt, nước uống.
1. Tắt vòi nước ngay sau khi sử dụng. Sau khi tắt, phải kiểm tra rò rỉ của van (khoá);
2. Khi phát hiện vòi nước, đường truyền dẫn rò rỉ phải tìm cách khắc phục và báo ngay cho bảo vệ, BGH.
3. Không sử dụng nước máy để tưới cây.
4. Tuyệt đối không sử dụng nước uống để rửa ly, tách. Chỉ rót đủ lượng nước uống.
Điều 15: Cơ sở vật chất.
1. Giữ gìn vệ sinh và bảo vệ tài sản của trường gồm: Phòng học, bàn ghế, thiết bị điện nước, máy móc, dụng cụ học tập và sinh hoạt, cây cối, công trình vệ sinh ...
2. Không tự ý đóng đinh, không dán các thứ lên bảng, lên tường, không leo trèo lên lan can cầu thang, lan can hành lang, bậu cửa sổ, tường, mái nhà, cây cối trong trường.
3. Không chạy nhảy lên bàn ghế.
4. Không bẻ cành, ngắt hoa, hái quả, phá hoại cây xanh.
5. Bỏ rác đúng nơi quy định.
Điều 16. Tổ chức phong trào, lễ hội, hội nghị.
- Thực hiện tốt quy định về tiết kiệm chi tiêu tổ chức phong trào, lễ hội; hạn chế tình trạng phô trương, hình thức, không rõ nội dung gây lãng phí.

CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm của học sinh.
1. Nghiên cứu, nắm vững nội dung được qui định trong quy tắc này và có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ;
2. Vận động học sinh trong lớp, học sinh toàn trường thực hiện đúng các quy tắc; kịp thời nhắc nhở, động viên, giúp đỡ nhau khắc phục những vi phạm.
Điều 18. Trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, Đoàn TNCS HCM trường.
1. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm vững, hướng dẫn và triển khai thực hiện Quy tắc này đến từng học sinh;
2. Niêm yết, công khai Quy tắc bảng thông báo, tại từng lớp học;
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này của mỗi thành viên trong trường;
4. Góp ý, phê bình, chấn chỉnh, xử lí các vi phạm hoặc đề nghị xử lý vi phạm với  cá nhân, tổ chức thẩm quyền.
5. Giáo viên chủ nhiệm, giám thị, Đoàn TNCS HCM chịu trách nhiệm trực tiếp với Lãnh đạo nhà trường trong việc triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc này.
Điều 19. Tổ chức thực hiện.
- Tất cả học sinh của Trường THPT Trần Đại Nghĩa có trách nhiệm thực hiện tốt những quy tắc này. Thực hiện tốt sẽ được khen thưởng, vi phạm các quy tắc này sẽ bị xử lí theo quy định.
Điều 20. Hiệu lực thi hành.
- Quy tắc này được áp dụng từ năm học 2016-2017 và được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
 
                              HIỆU TRƯỞNG
                     (Đã ký)


        Trịnh Nguyễn Thi Bằng

 
 

 

thpttrandainghia
Tin liên quan