Ai cũng biết ca khúc “Tiến quân ca“ của nhạc sĩ văn Cao được chọn làm Quốc ca của nước ta gần 70 năm qua. Ai cũng biết hầu hết công dân Việt Nam trừ các em bé chưa biết nói, còn đều thuộc và hát Quốc ca. Quốc ca như linh hồn của dân tộc. Chỗ nào thiêng liêng nhất, cao cả nhất, trang trọng nhất thì Quốc ca cất lên. Mỗi khi ta cất tiếng “ Đoàn quân Việt nam đi . . . “lòng ta rạo rực biết bao, hạnh phúc và tự hào biết bao bởi dân tộc tộc này, non sông đất nước này có được như hôm nay phải đổi bằng bao máu xương chiến sĩ đồng bào. “Tiến Quân ca“, nói như nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, và cả gia đình của cố Nhạc sĩ văn Cao thì không còn của riêng nhạc sĩ Văn Cao nữa. Nó đã trở thành “Quốc hồn, quốc túy“ của dân tộc Việt nam.
Chúng tôi biết rằng Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc nhiều năm qua đã có những hoạt động hết sức tích cực, đem lại không ít quyền lợi cho các nhạc sĩ. Nhiều nhạc sĩ cầm tiền tác quyền rưng rưng xúc động biết ơn trung tâm lắm lắm. Nhưng với cách Trung tâm đòi thu phí tiền tác quyền của bài “Tiến Quân ca“ người dân cũng như nhiều nhạc sĩ cảm thấy không hài lòng, thậm chí có người bất bình.
Trên Facebook có người còn bình luận “ hết cách để thu, hết chỗ để thu rồi hay sao “. Bài báo trên Thanh niên online cũng sao chụp bức thư ngỏ được hiến tặng bài Tiến Quân ca cho Đảng, Nhà nước và nhân dân của cụ bà Nghiêm Thúy Băng, phu nhân của cố nhạc sĩ Văn Cao. Trong tâm sự với báo giới cụ Băng nói: “Đúng tâm nguyện của ông nhà tôi là Quốc ca không của riêng ông nên tôi xin hiến tặng Nhà nước, Quốc hội. Đây không đơn thuần là một ca khúc âm nhạc nên gia đình chúng tôi không thể trao tặng Bộ VH-TT-DL mà chúng tôi muốn trao tặng cho Quốc hội. Vì Quốc hội đã là cơ quan chính thức chọn Tiến quân ca thành Quốc ca VN năm 1946”. Vậy thì hà cớ gì Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lại đòi thu phí tác quền bài hát.
Đấy là nói về lý còn về tình thì hoàn toàn không thuận. Người Việt Nam chúng ta có câu “Trăm cái lý không bằng một lý cái tình“. Quốc ca, một bài hát do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác nhưng đã được tôn vinh trở thành Quốc hồn của đất nước của dân tộc. Cả dân tộc lúc trang nghiêm nhất, nghiêm cẩn, xúc động cất cao bài ca. Hàng triệu người dân tôn vinh một tác phẩm vậy mà Trung tâm coi như một ca khúc bình thường đi hát hàng ngày để thu tác quyền.
Lại nữa, giả sử Trung tâm có đi thu chăng nữa thì ngoài học sinh sinh viên mà Trung tâm nói miễn cho thì các lực lượng vũ trang, các cơ quan Đảng nhà nước v v.. . hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều cất cao bài hát Quốc ca thì Trung tâm cũng đến gõ cửa xin tiền chăng.
Chúng tôi hiểu rằng luật là luật, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng Trung tâm chỉ thu tiền các ca khúc hát kinh doanh chứ một ca khúc hát vì “Hồn thiêng dân tộc, vì nguyên khí núi sông“ thì không thể và không nên thu. Thu như thế, muốn như thế, đòi hỏi như thế người dân dễ hiểu nhầm Trung tâm lắm. Cái được sẽ rất nhỏ, cái mất sẽ rất lớn và cái mất lớn nhất là mất đi sự linh thiêng bất tử của một ca khúc!
Khi những dòng viết này đến hồi kết thì tôi đọc được trên bảo tuổi trẻ online Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói đại ý rằng chỉ thu tiền khi bài hát “Tiến quân ca“ được hát lên với mục đích kinh doanh. Tôi cho rằng đây là cách đối phó với dư luận chứ ông cũng như nhiều người hiểu rằng không mấy khi, hãn hữu lắm lắm các ca sĩ nghệ sĩ mới chọn Quốc ca để hát kinh doan. Tôi cho rằng cách trả lời này để “ vớt vát thể diện “ chứ thực ra Trung tâm cũng muốn “nắn gân“ dư luận, nếu dư luận đồng tình, tác quyền của “Tiến Quân Ca“ không hề nhỏ. Còn nếu không phải vậy thì Trung tâm muốn làm mọi người cười vui!
HN ngày 20/8/2015