Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ngày 12/8 do Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại 6 điểm cầu: Hà Nội - Thái Nguyên - Nghệ An - Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Không để các cháu phải khổ sở vì khai giảng
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong phát biểu mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra tại Hội nghị là thay đổi cách tổ chức khai giảng năm học mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bác Hồ đã dạy dù khó khăn đến đâu vẫn phải thi đua dạy tốt, học tốt. Bây giờ ngành giáo dục có tổ chức phong trào gì thì suy cho cùng cũng phải dạy tốt, học tốt. Phải khơi dậy tinh thần này thành chủ đạo trong hệ thống giáo dục và phải thực sự vì học sinh.
Ông Đam lấy ví dụ sinh động ngay từ bản thân mình là từ nhiều năm nay tôi đã đi dự khai giảng nhưng có một điều tôi thấy, ngày giờ khai giảng của các trường lại phải phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh, nhất là các cháu tiểu học phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng. Tôi đến dự khai giảng và nhà trường yêu cầu phát biểu nhưng phần lớn các cháu có để ý tôi phát biểu gì đâu.
Chính vì lý do này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành giáo dục nên kiên định chọn 1 ngày khai giảng. Cả nước chỉ khai giảng trong 1 ngày, (sáng mùng 5 hoặc sáng mùng 4) và khai giảng đúng nghi lễ cần thiết là chào cờ. Nếu được, cả nước cùng làm một buổi, cùng một giờ, cùng một thời khắc, cùng hát quốc ca, cùng chào cờ, cùng đọc thư Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn còn phần sau là để ngày hội cho thầy cô giáo và các cháu. Chúng ta làm thực sự vì học sinh. Chúng ta xem lại những lễ khai giảng trước vì các cháu hay vì người lớn. Những việc rất cụ thể này cần phải làm.
“Tôi đề nghị chúng ta làm vì các cháu, nhất định không để các cháu nhỏ đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu, như vậy rất nhiêu khê, rất khổ sở và phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng, trong khi đó các cháu không hiểu gì cả” – Phó Thủ tướng Đam nói.
Kiên cố hóa trường học phải cần tới hơn 50.000 tỷ
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất tán đồng với Báo cáo Tổng kết năm học 2014-2015, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Ông Đam cho hay, mặc dù chúng ta chưa hài lòng một số điểm nhưng nói một cách thẳng thắn, công tâm rằng, từ các Sở lên cấp Bộ và dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng đến đội ngũ giáo viên, kể cả gia đình học sinh chúng ta đã chung tay và đã có kết quả rất đáng mừng trong năm học vừa qua.
Trong báo cáo của mình, Bộ GD-ĐT đã đưa ra những hạn chế trong năm học vừa qua như công tác đổi mới căn bản và toàn diện đòi hỏi tư duy, nhận thức mới và hành động cụ thể từ các cấp quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên toàn ngành thì mới làm được; Công tác quản lí ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực GV trong việc đổi mới đánh giá HS.
Nội dung chương trình môn Đạo đức, Giáo dục công dân, giáo dục chính trị hiện nay còn nặng về lý thuyết; giáo viên các bộ môn chưa chú trọng tích hợp, lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống... Kinh phí hỗ trợ triển khai Đề án từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp. Công tác lập kế hoạch, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án của một số địa phương, đơn vị còn chậm, chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, ban ngành...
Về vấn đề cơ sở vật chất trường học thiếu thốn hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề này, vai trò cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan trọng, còn ở TƯ đã có chương trình kiên cố hóa trường học, đã phát hành trái phiếu Chính phủ. Mặc dù, chúng ta có đề án 36.000 tỷ thực hiện kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên, đã chi vượt cả số đó nhưng vẫn chưa làm hết. Nếu hoàn thành hết nhà công vụ cho giáo viên và chương trìnhtrường học kiên cố hóa kể cả mầm non trong thời điểm hiện nay ở vùng sâu vùng xa là rất khó. Nếu làm đúng như đề án 2 năm trước trình lên Chính phủ thì phải cần trên 50.000 tỷ nữa. Đây là mong muốn của ngành giáo dục, nhưng ngành cũng cần tính tới khả năng đáp ứng và nhu cầu của xã hội.
Phó Thủ tướng Đam cho rằng, phía Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình bây giờ cần làm sát hơn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch để tìm phương án. Mặc dù không đảm bảo được nguồn tài chính lớn như vậy trong 5 năm tới nhưng cần tìm phương án khả thi để làm. Tinh thần tìm chỗ khó nhất để ưu tiên làm trước.
Chưa lường hết khó khăn của kỳ thi THPT quốc gia
Đối với kỳ thi THPT quốc gia, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong kỳ thi vừa qua, giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp thấp, trong đó một tỉ lệ lớn bị điểm liệt. Điều đó chứng tỏ chất lượng giáo dục thực sự có vấn đề, mà như các chuyên gia giáo dục thì những học viên này phải lưu ban từ những năm học trước.
Dư luận cũng quan tâm và bức xúc về xét tuyển. Thực ra vấn đề này đã nêu ra nhưng Bộ khẳng định đã lường được và yên tâm. Nhưng thực tế cho thấy Bộ chưa lường được hết, và chưa thể yên tâm. Điều này có thể hiểu được vì là việc mới.
Phó Thủ tướng Đam đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục lắng nghe, trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng chịu vất vả, điều chỉnh nếu cần thiết để tất cả vì thí sinh. Mục tiêu lớn nhất là không có thí sinh điểm cao trượt ĐH.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Sau khi nghe chỉ đạo của Phó Thủ tướng và tham luận của các đại biểu dự hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhắc nhở cán bộ quản lý, giáo viên tự hào, tự tin với những kết quả đạt được nhưng không nên “ngủ quên” mà cần tiếp tục tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm để phát huy thành tích, hạn chế thiếu sót.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc cần có cách nhìn mới, tư duy mới trước các hiện thực mới đang thay đổi một cách căn bản.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ - Ban - Ngành, địa phương đã sát cánh cùng Bộ Giáo dục trong thời gian qua để triển khai và thực hiện thành công Nghị quyết 29, phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Hồng Hạnh – Nguyễn Hùng (ghi)