Ngày: 08/04/2017
(GDVN) - Cuộc thi mang lại nhiều tác động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường phổ thông, tạo nên một sân chơi trí tuệ, lành mạnh.
Tấn TàiNgày 5/4, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã đạt ba giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 7 giải khuyến khích tại cuộc thi giải toán trên trên máy tính cầm tay cấp quốc gia khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm học 2016-2017.
Đà Nẵng là địa phương đạt kết quả tốt nhất trong cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Báo Giáo dục thời đại |
Trước đó, ngày 30/3, cuộc thi đã khai mạc tại Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Thi Violympic trên mạng, như cái máy luyện "gà nòi" |
Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 215 học sinh đến từ 9 tỉnh, thành gồm: Bình Định, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Cuộc thi diễn ra với hai phần là phần thi cá nhân và đồng đội. Trong phần thi cá nhân, mỗi môn thi có 5 bài, các thí sinh có 90 phút để giải.
Kết quả sẽ được xét điểm từ cao xuống thấp. Phần thi đồng đội sôi nổi với sự tập hợp của 6 thành viên, đề thi có 6 bài trong đó có 3 bài dành cho môn Toán, các bài còn lại dành cho Vật lí, Hóa học, Sinh học.
Thí sinh có 10 phút làm bài cho mỗi bài thi. Giải thưởng là cờ lưu niệm và quà tặng của nhà tài trợ.
Ngoài ra, giải cá nhân xuất sắc sẽ được xét cho thí sinh đạt giải nhất môn thi và là thành viên của đội đạt giải nhất, nhì, ba trong phần thi đồng đội với phần thưởng từ nhà tài trợ.
Tại cuộc thi các thí sinh các thí sinh sẽ thể hiện kỹ năng tư duy nhanh, khả năng phối hợp giữa lý thuyết với mô hình bài toán thực tiễn và đặc biệt là kỹ năng bấm máy chính xác.
Đây là lần thứ 17, cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia được tổ chức.
Hoạt động thường niên này đã đem lại nhiều tác động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường phổ thông. Tạo nên một sân chơi trí tuệ, lành mạnh, kích thích được tính chủ động trong học tập của học sinh.
Đây cũng là cơ hội để các thí sinh có những trải nghiệm thú vị qua việc rèn luyện, cọ xát kỹ năng sử dụng máy tính cầm tay, mở rộng quan hệ bạn bè.
Đồng thời là cơ hội giao lưu mang tính giáo dục, thân thiện, giúp các em thêm tự tin và bản lĩnh để hội nhập với môi trường giáo dục ở các bậc học cao hơn. Cuộc thi được đánh giá là sân chơi bổ ích, là nơi chắp cánh cho các tài năng trẻ Việt Nam.
Tấn Tài (http://giaoduc.net.vn)