Tin tức/(Trường THCS Đông Lỗ)/Khuyến học - Gương sáng/
HỌC HỎI LÀ MỘT VIỆC TIẾP TỤC SUỐT ĐỜI

Hồ Chủ Tịch, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người là ánh đuốc sáng soi đường trong đêm tối, là niềm tin vững trãi chốn lao tù, là khát vọng, là lương tri của loài người tiến bộ, người còn là một tấm gương tự học và học tập suốt đời. Người đã để lại nhiều câu nói nổi tiếng có giá trị như những lời răn dạy cho con cháu đời sau. Có lẽ không ai là không biết câu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. 

Image result for bác hồ chí minh

Bác Hồ nêu lên nhiệm vụ cho mọi người là phải "học hỏi". Vậy "học hỏi" là gì? Học hỏi là một cách nói của cha ông ta trước kia để chỉ một khái niệm gần giống như hiện nay chúng ta thường nói là "học tập" hay "học hành". Có điều là dùng từ đó, Bác muốn nhấn mạnh đến một thái độ cần lưu ý. Trong việc học, đó là thái độ thực sự cầu thị, thái độ ham muốn tìm hiểu. Như vậy là "học" phải gắn liền với "hỏi". Có hỏi thì mới giải đáp được những gì mà mỗi người chúng ta đã học nhưng chưa biết đầy đủ. "Hỏi" sẽ làm cho "học" hoàn chỉnh hơn, trọn vẹn hơn.

Tại sao học hỏi là một việc phải "tiếp tục suốt đời"?

Việc học hỏi là một việc phải được tiến hành không ngừng, không nghỉ, không giới hạn, liên tục, mãi mãi trong suốt cuộc đời của mỗi con người bởi vì sự hiểu biết của mỗi người, dù tài giỏi đến đâu, vẫn có bị hạn chế so với kiến thức sách vở mênh mông, vô hạn của nhân loại. Thực tiễn đời sống thì muôn hình muôn vẻ, thiên nhiên, vũ trụ thì vô tận, đời người lại hữu hạn, làm sao có thể hiểu biết, có thể khám phá được hết? Khoa học ngày nay cũng đã phát triển tới một trình độ rất cao, một phạm vi rất rộng với một tốc độ rất lớn. Nếu chúng ta dừng lại không "tiếp tục" học hỏi thì vốn hiểu biết của mỗi người sẽ nhanh chóng trở thành thấp kém lạc hậu so với trình độ của thời đại cách mạng khoa học và kĩ thuật. Hơn nữa, sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đang phát triển ngày càng cao, đặt ra nhiều vấn đề mới và khó khăn. Nó đòi hỏi mỗi người phải luôn luôn đổi mới, do đó mà mỗi người chúng ta phải có những hiểu biết và năng lực mới phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, dân tộc. Bác Hồ nhấn mạnh rằng chúng ta phải học hỏi "suốt đời" nghĩa là không được hạn định việc học hỏi ở một thời gian nhất định của một đời người. Việc học hỏi phải được tiếp tục thường xuyên cho đến khi con người nhắm mắt xuôi tay.

Dân tộc ta và nhân loại đã có biết bao tấm gương về việc suốt đời học hỏi. Những tấm gương của Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Hải Thượng Lãn Ông...là những tấm gương sáng cống hiến cả cuộc đời dùi mài kinh sử, tìm hiểu cuộc sống nhân dân, nghiên cứu thiên nhiên và con người, xem xét lịch sử xã hội... Bác Hồ cũng là một tấm gương sáng về việc suốt đời học hỏi. Bác đã khắc phục mọi khó khăn để học hỏi tất cả những gì cần thiết cho sự nghiệp cách mạng, từ lí luận trong sách đến kinh nghiệm ngoài đời. Những ngày làm công nhân trên tàu lênh đênh mặt biển, đêm đến Bác vẫn lên boong tàu lấy ánh sáng trăng hắt vào đáy xoong, lòng chảo để học, những ngày xúc than vất vả ở thành phố Luân Đôn, Bác vẫn dành dụm tiền để theo học lớp tiếng Anh, đến những ngày cuối cùng của đời mình, Bác vẫn chăm đọc sách báo, theo dõi tin tức.

Đối với chúng ta là những học sinh đang rèn luyện phấn đấu để trở thành người lao động kiểu mới, người chủ tương lai của đất nước thì việc học hỏi hiện nay và mãi mãi về sau tất nhiên là một nhu cầu, một đòi hỏi không thể thiếu được trong cuộc sống.

Chúng ta là học sinh, kiến thức mà chúng ta tích lũy được trước hết là những kiến thức cơ bản của nhà trường. Đó là những gì mà các thầy cô dạy chúng ta hàng ngày. Đúng như câu tục ngữ xưa đã nói: "Không thầy đố mày làm nên". Đó còn là những kiến thức phong phú mà chúng ta tích lũy được từ sách vở, như Lê-nin từng nói: "Không có sách vở thì không có tri thức". Đó cũng là những điều mà ta thu lượm được trong việc học hỏi lẫn nhau, vốn tri thức này cũng rất phong phú. "Học thầy không tày học bạn" là như vậy. Cái vốn kiến thức mênh mông vô tận mà chúng ta đã tích lũy được, chính là những tri thức chúng ta học hỏi được từ mọi người, từ thực tiễn cuộc sống. Câu tục ngữ: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" chính là được đúc kết từ đó. Nhân dân và cuộc sống của nhân dân chính là người thầy vĩ đại nhất để ta học hỏi và cũng là nơi ta kiểm nghiệm và nâng cao hơn nữa cốn hiểu biết của mình.

Bác Hồ bảo chúng ta phải học hỏi suốt đời. Như vậy là Bác Hồ đòi hỏi chúng ta phải có một tinh thần phấn đấu kiên trì bền bỉ trong học tập. Mà muốn có được tinh thần phấn đấu đó, trước hết chúng ta phải xác định mục đích học tập của mình để làm cho đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, chứ không phải để riêng mình "vinh thân". Cũng cần xác định cho mình một thái độ học tập đúng. Phải khiêm tốn và chịu khó học hỏi, học tập cũng là một mặt trận. Từ đó phải vận dụng phương pháp học tập đúng. Phải tự mình suy nghĩ, phân tích, chứng minh, kiểm tra những điều đã học hỏi được, không chấp nhận một cách thụ động, nhồi nhét và nhất là phải biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. "Học phải đi đôi với hành" Bác cũng đã dạy như vậy.

Nhiệm vụ cách mạng trọng đại của đất nước chúng ta lúc này là phải nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và phồn vinh. Muốn vậy phải xây dựng cơ sở vật chất và kĩ thuật hiện đại, phải có một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kĩ thuật cao để tăng năng suất lao động. Nếu không tiếp tục học hỏi thì chúng ta sẽ nhanh chóng bị thụt lùi lại phía sau, nhanh chóng bị đào thải. Do đó, đối với chúng ta theo lời dạy của Bác, nhiệm vụ học hỏi và tiếp tục học hỏi suốt đời càng trở nên vô cùng cấp thiết. Đó là nhiệm vụ của mỗi người công dân, đó là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của mỗi người học sinh chúng ta.

Tác giả: NGỌ VĂN AN

Xem thêm

Văn bản mới

VŨ KHÚC SÂN TRƯỜNG
TIẾT MỤC VĂN NGHỆ: CỐ GIÁO EM LÀ HOA Ê BAN
KỶ NIỆM 9A NIÊN KHÓA 2014-2018
  • Thông báo
  • Ba công khai
Website Đơn vị