Ngày: 10/04/2015
GD&TĐ - Cô Vũ Thị Tố Hoa - Giáo
viên Trường Tiểu học số 2 Pa Vệ Sử (Mường Tè, Lai Châu) - chia sẻ những biện
pháp nhằm giảm dần số lượng học sinh yếu môn Toán, trong môi trường giáo dục
hầu hết là học sinh dân tộc thiểu số.
Phản hồi tích cực
Sự thân thiện của giáo viên là điều kiện cần để những biện pháp
đạt hiệu quả cao. Thông qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười… giáo viên tạo sự
gần gũi, cảm giác an toàn nơi học sinh để các em bày tỏ những khó khăn trong
học tập, trong cuộc sống của bản thân mình.
Giáo viên luôn tạo cho bầu không khí lớp học thoải mái, nhẹ
nhàng, không đánh mắng hoặc dùng lời thiếu tôn trọng với các em, đừng để cho
học sinh cảm thấy sợ giáo viên mà hãy làm cho học sinh thương yêu và tôn trọng
mình.
Bên cạnh đó, giáo viên nên có những phản hồi tích cực, thay chê
bai bằng khen ngợi, tìm những việc hoàn thành dù nhỏ để động viên, hoặc có thể
dùng các phiếu thưởng có in lời khen phù hợp với từng việc làm của học sinh
như: “Bông hoa điểm tốt”, “Biết giúp đỡ người khác”, “ Thái độ nhiệt tình và
tích cực”…
Phân loại đối tượng học sinh
Giáo viên cần xem xét, phân loại học sinh để lựa chọn biện pháp
phù hợp. Một số vấn thường gặp ở học sinh là: Sức khoẻ kém, khả năng tiếp thu
bài kém, lười học, thiếu tự tin, nhút nhát, vốn từ tiếng Việt hạn chế…
Trong quá trình thiết kế bài học, giáo viên cần cân nhắc các mục
tiêu đề ra nhằm tạo điều kiện cho học sinh yếu được củng cố và luyện tập phù
hợp.
Ví dụ, khi học bài Bảng chia 3 (Toán lớp 2 ), các học sinh yếu
chỉ cần nắm mục tiêu thứ nhất: Học sthuộc bảng chia 3 và biết vận dụng bảng
chia 3 để tính nhẩm đúng là đạt yêu cầu.
Trong dạy học, cần phân hóa đối tượng học tập trong từng hoạt
động, dành cho đối tượng này những câu hỏi dễ, bài tập đơn giản để tạo điều
kiện cho các em được tham gia trình bày trước lớp, từng bước giúp các em tìm
được vị trí của mình trong tập thể. Yêu cầu luyện tập của một tiết là 4 bài
tập, các em này có thể hoàn thành 1, 2 hoặc 3 bài tùy theo khả năng.
Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu khi
các biện pháp giúp đỡ trên lớp chưa mang lại hiệu quả cao. Có thể tổ chức phụ
đạo từ 1 - 2 buổi/tuần.
Tuy nhiên, việc tổ chức phụ đạo phải kết hợp với hình thức vui
chơi, hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm lôi cuốn các em đến lớp đều đặn và tránh
sự quá tải, nặng nề.
Giáo dục ý thức học tập
Trong mỗi tiết dạy giáo viên nên liên hệ nhiều kiến thức vào
thực tế để học sinh thấy được ứng dụng và tầm quan trọng của môn học trong thực
tiễn. Từ đây, các em sẽ ham thích và say mê khám phá tìm tòi trong việc chiếm
lĩnh tri thức.
Bên cạnh đó, giáo viên phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và nề
nếp sinh hoạt của học sinh, khuyên nhủ các em về thái độ học tập, tổ chức các
trò chơi có lồng ghép việc giáo dục ý thức học tập, làm học sinh thấy tầm quan
trọng của việc học. Đồng thời, phối hợp với gia đình giáo dục ý thức học tập
của học sinh.
Kèm cặp học sinh yếu
Ngay từ đầu năm, giáo viên phải khảo sát chất lượng để biết số
lượng học sinh yếu là bao nhiêu để có kế hoạch phụ đạo.
Với đối tượng học sinh hổng kiến thức, không thể nào bù đắp ngay
được trong một thời gian ngắn, giáo viên phải đặt quyết tâm trong suốt cả năm
học, đặc biệt là học kì I để giúp nhóm học sinh loại này lấp dần các lỗ hổng
kiến thức.
Với những học sinh này phải có thêm thời gian học dưới sự hướng
dẫn lại tỉ mỉ những kiến thức cơ bản, trọng tâm theo một hệ thống riêng và yếu
tố dẫn đến thành công là nắm chắc, luyện kĩ.
Trong các buổi học trên lớp thường được kiểm tra, rà soát và
củng cố các kiến thức, chấm bài song song trong tiết luyện tập, thường xuyên
khích lệ động viên mỗi khi các em được điểm cao hơn.
Với học sinh không chú ý nghe giảng, mỗi khi làm bài kiểm tra
tại lớp thường cẩu thả, không có ý thức kiểm tra lại bài làm; cô giáo nhắc nhở
thì xem lại qua loa cho xong chuyện; bài tập và bài học ở nhà không chuẩn bị
chu đáo trước khi đến lớp: Cần có sự kết hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm quản
lý việc học ở nhà và việc kiểm tra nhắc nhở thường xuyên ở lớp để từng bước đưa
các em vào nền nếp học tập.
Với học sinh thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm: Giáo viên bố
trí thời gian kèm cặp, lấp dần lỗ hổng kiến thức, hình thành dần phương pháp
học toán cho các em. Đồng thời, luôn khích lệ động viên để các em không bị mặc
cảm, tự ti mà tự tin vào bản thân mình để từ đó vươn lên trong học tập.
Với các em này, cô giáo phải hết lòng thương yêu, giúp đỡ, là
chỗ dựa tinh thần và tình cảm của các em.
Riêng những học sinh phát triển thể chất bình thường nhưng năng
lực tư duy yếu, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian kèm cặp các em mới đạt
được mức trung bình.
Vậy, đối với những học sinh không biết tính, giáo viên cần:
Hướng dẫn để các em hiểu, cộng có nghĩa là thêm vào, trừ là bớt đi. Khi thực
hiện các phép tính cộng, trừ, giáo viên nên sử dụng nhiều hình ảnh trực quan
cho các em cầm, nắm, sờ vào và thực hành đếm. Được thực hành nhiều lần, dần dần
các em sẽ nhớ và biết cách tính.
Đối với những học sinh không thuộc bảng nhân, chia, giáo viên
gọi lên kiểm tra thường xuyên vào sinh hoạt 15 phút đầu giờ. Giáo viên có thể
lấy nhiều ví dụ minh họa trong cuộc sống, tạo thành các tình huống liên quan
đến các phép tính nhân, chia cho học sinh thực hiện.
Học sinh năng lực tính yếu, giáo viên cần: Chú trọng giúp các em
thành thạo 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia mức độ đơn giản.
Khi giải toán, giáo viên có thể yêu cầu các bạn khá, giỏi phân
tích đề bài, tóm tắt và trình bày bài giải. Sau đó, ra một bài tập tương tự và
yêu cầu các em học yếu làm lại, giáo viên theo dõi, sửa sai (nếu có) kịp thời.
Giáo viên khuyến khích học sinh tự rèn vào vở bài tập đối với
các dạng bài thường sai, xem trước bài mới; lập danh sách các lỗi sai để làm rõ
nguyên nhân gây ra những khó khăn trong tính toán của học sinh; kiểm tra việc
rèn luyện của học sinh qua vở bài tập để có hướng khắc phục và động viên kịp
thời.