Tin tức : Công Đoàn

Câu hỏi và đáp án thi giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh năm học 2014-2015

CÂU HỎI VỀ TÌNH HUỐNG SƯ PHẠM:

1.Tình huống 1:

Một học sinh lớp bạn được cả lớp bầu làm chủ tịch HĐTQ nhưng phụ huynh của em đó lại đến đề nghị với bạn là để em  nghỉ vì họ sợ làm chủ tịch HĐTQ sẽ ảnh hưởng đến học tập của con. Bạn sẽ giải quyết thế nào ? 

Trao đổi, giải thích với phụ huynh: đó là điều rất đáng mừng vì con họ có sự tin tưởng, mến phục của các bạn trong lớp mà không phải HS nào cũng có được. Mặt khác khi làm CT HĐTQ, con họ sẽ được thúc đẩy khả năng sáng tạo quản lý, trách nhiệm đối với bản thân và tập thể. Với những học sinh giỏi các em càng thêm trưởng thành, với học sinh học khá, trung bình... các em thêm cố gắng, tiến bộ để xứng đáng hơn với cương vị mình đảm nhiệm. Làm CT HĐTQ góp phần cải thiện hành vi, giáo dục kỹ năng sống, giao tiếp cho các em ngay từ cấp tiểu học. Thực tế cho thấy nhiều học sinh bướng bỉnh, chưa ngoan cũng đã trở nên ngoan ngoãn và học giỏi hơn khi được làm cán bộ lớp.

 2.Tình huống 2:

Cô Hiền chủ nhiệm lớp 5A. Lớp của cô hầu hết đều rất ngoan và lễ phép. Tuy nhiên, cũng có một số các em nam nghịch ngợm, lười học, hay bị cô giáo phê bình. Nhiều lần, khi gặp những em học sinh này trong sân trường, cô Lan nhận thấy học sinh của mình thường lảng tránh, giả vờ nhìn đi chỗ khác để không phải chào cô. Nếu là cô Hiền, bạn sẽ làm như thế nào? Tại sao bạn lại làm như vậy ?

Trả lời:  

          Ngày nay, nước ta đã thoải mái hơn về tư tưởng, không còn gò bó đến mức thầy giáo nói gì, học sinh cũng phải cho đó là đúng “đã là thấy giáo thì sao có thể nói sai được”. Đó là những quan niệm quá cứng nhắc vì thầy cô giáo cũng là những con người bình thường, cũng có những lúc phạm sai lầm.

Tuy vậy nhân dân ta luôn giữ gìn truyền thống “tôn sư trọng đạo”, các trường đều có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mỗi em học sinh đi học, trước khi học kiến thức để mở mang sự hiểu biết, các em cần học lễ nghĩa, học cách để làm người. Thầy cô giáo là người trực tiếp dạy dỗ các em, cùng gia đình dìu dắt các em nên người. Chính vì vậy, thế hệ trước thường nhắc nhở thế hệ sau: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Thầy cô thường được ví dụ như cha mẹ, học sinh sao có thể gặp thầy cô mà lờ đi như không quen biết, không chào hỏi được?

Là giáo viên, bạn cũng không thể lờ đi như không có gì xảy ra. Đây không chỉ là vấn đề nhỏ nhặt, coi đó chỉ là một câu chào, mình cũng không cần, bỏ qua cho xong được. Đó còn là vấn đề về đạo đức, lễ nghĩa. Bạn là giáo viên, không chỉ phải dạy kiến thức cho các em mà còn phải dạy cách cư xử, giao tiếp, uốn nắn học sinh thành những con người đạo đứa tốt, có văn hoá, có trình độ. Vì coi nhẹ vấn đề này mà nhiều giáo viên lại cảm thấy rất bình thường khi học sinh không chào mình, hậu quả là ngày càng nhiều học sinh quên mất rằng chào thầy cô giáo là một quy tắc ứng xử tối thiểu trong giao tiếp. Cũng có học sinh khi thấy thầy cô giáo thì vẫn chạy huỳnh huỵch, nhai nhóp nhép, chào lấy lệ mà chẳng thèm nhìn xem thầy cô giáo phản ứng ra sao, có nghe thấy mình chào không.

Bạn hãy nhân dịp nào đó trong buổi học, khéo léo kể một câu chuyện tương tự để nhắc nhở, giáo dục chung cả lớp. Hãy nhắc cho các em hiểu đó là một việc nên làm, một việc thể hiện văn hoá, đạo đức của con người các em, và cũng là biểu hiện tình cảm của các em với thầy cô giáo. Bạn cũng nên nói với học sinh: ”Nếu cô gặp học sinh của mình ngoài đường mà các em không chào cô thì cô sẽ buồn lắm vì cô nghĩ điều đó là do mình đáng ghét và dữ dằn nên học sinh mới sợ và lẩn tránh không muốn gặp mình”. Câu nói đùa mà thật như vậy sẽ có thể nhắc nhở học sinh chú ý, quan tâm hơn đến thầy cô giáo. Những học sinh nghịch ngợm, hay bị mắng thường lảng tránh không chào giáo viên cũng có thể do ngượng ngùng, xấu hổ, mặc cảm hoặc sợ hãi. Bạn cũng nên gần gũi hơn với những em này, nhẹ nhàng khuyên bảo các em chứ không nên quá gay gắt mỗi khi phê bình hay trách phạt. Khi đã yêu quý thầy cô giáo, có lẽ không có học sinh nào lại phải giả vờ như không trông thấy hoặc lảng tránh thầy cô giáo chỉ bởi vì… ngại phải chào.

3.Tình huống 3:

Là một giáo viên mới ra trường, tình cờ bạn nghe được hai học sinh đi trước đang nói chuyện và có ý chê bai bài giảng của bạn kém hấp dẫn, chẳng hiểu gì cả. Trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì ?

Trả lời:  

          Là một giáo viên trẻ mới về trường, bạn luôn có tâm lý lo lắng, “nghe ngóng” xem có ai bàn tán gì về cách dạy của mình không? Phương pháp truyền đạt của mình đã thực sự phù hợp chưa?... Vì vậy khi nghe lời phàn nàn dù không trực tiếp và chưa chắc đã chính xác này cũng làm bạn giật mình. Bạn sẽ “hành động” ngay lập tức bằng cách đi vượt lên trên và ra tín hiệu cho chúng biết là bạn đã nghe thấy, và “liệu hồn” mà chấm dứt ngay. Điều đó cũng cần thiết để ngăn chặn việc nói năng về giáo viên không đúng chỗ, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi. Biết đâu khi bạn đi qua rồi chúng còn bàn tán nhiệt tình hơn thì sao!

Hay bạn sẽ bỏ qua vì cho rằng đó chỉ là những câu chuyện thường ngày, chẳng có gì lạ của học sinh, không đáng phải bận tâm. Nếu nghĩ như vậy e rằng bạn đã quá chủ quan. Vì biết đâu những lời nói đó lại phản ánh đúng sự thật, một sự nhận xét rất cần thiết để bạn tiến bộ mà không bao giờ bạn có thể nghe một cách trực tiếp.

Vì thế hãy thận trọng và bình tĩnh hơn, cố gắng lắng nghe hết những điều mà hai học sinh đó đang “trò chuyện” về mình (mặc dù phải nói thẳng rằng “nghe trộm” câu chuyện của người khác là việc làm hơi xấu, bạn không nên vận dụng nó một cách thường xuyên). Sau đó bạn chắt lọc thông tin và xem lại cách dạy của mình xem có gì chưa ổn và tìm cách khắc phục. Nhưng điều này đòi hỏi sự điềm tĩnh, biết lắng nghe và thấu hiểu học sinh mà không phải giáo viên nào cũng có được. Thái độ luôn sẵn sàng tiếp thu để thay đổi rất cần thiết cho những giáo viên trẻ muốn cải thiện khả năng giảng dạy của mình.

Và trong buổi học hôm sau chắc chắn bạn phải dành ra một khoảng thời gian để thẩm định lại thông tin. Bạn có thể bắt đầu vấn đề một cách nhẹ nhàng cởi mở: “Như các em biết cô là một giáo viên trẻ, mới ra trường nên kinh nghiệm nghề nghiệp còn rất non nớt. Chính vì vậy cách giảng bài của cô chắc chắn sẽ còn những chỗ chưa sâu sắc, chưa phù hợp. Trước hết cô mong các em hiểu và thông cảm cho cô. Nhưng điều cô mong muốn hơn đó là các em sẽ góp ý, giúp đỡ cô để cô có thể thay đổi. Nếu các em không cho cô biết thì trước hết người thiệt thòi sẽ là các em. Các em hoàn toàn có quyền phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của mình vì mục đích xây dựng, cô rất cảm ơn và trân trọng những ý kiến đó”. Dừng một lát để học sinh có thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, bạn có thể tiếp tục bằng cách mời các em phát biểu. Nhân cơ hội này bạn cũng nên “đánh tiếng” cho hai em học sinh hôm qua đã bàn tán sau lưng bạn là bạn đã biết các em “nói xấu” về bạn bằng cách “vô tình” gọi một trong hai lên trình bày ý kiến của mình. Kết thúc buổi thảo luận đó, bạn cần phải chốt lại vấn đề và không quên nhắc nhở các em: “Cô rất vui vì hôm nay các em đã nói lên những suy nghĩ của mình. Cô hứa sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với các em hơn. Cô trò chúng ta cùng phấn đấu vì một kết quả tốt đẹp nhất. Nhưng cô mong rằng lần sau có vấn đề gì các em hãy cứ trao đổi thẳng thắn với các thầy cô giáo, đừng e ngại điều gì cả. Đó là quyền lợi chính đáng của các em. Tuyệt đối không nên đem những vấn đề đó ra bàn tán, nếu “chẳng may” các thầy cô biết được sẽ nghĩ không hay về các em”.

Sau cuộc trò chuyện vừa chân tình vừa nghiêm khắc ấy, chắc chắn học sinh sẽ cảm phục bạn hơn không chỉ vì bản lĩnh của một cô giáo trẻ mà còn vì sự cởi mở, tinh thần cầu tiến, không tự ái cá nhân, luôn phấn đấu vì tương lai của học trò.

4.Tình huống 4:

 Ở lớp 5C sau khi giảng bài xong, cô giáo Lan hỏi vui:

- Nếu cô cho các em một điều ước trong khả năng của cô, các em sẽ ước gì ?
Cả lớp cười, bỗng cô nghe thấy cuối lớp có tiếng học sinh đáp:

- Thưa cô, em ước được nghỉ tiết học của cô ạ.

Trả lời: Sau những giờ học căng thẳng, một vài câu chuyện vui hay những lời tâm sự cởi mở giữa cô và trò là một món ăn tinh thần thực sự quý giá. Nó chính là một sợi giây vô hình gắn kết tình thầy trò trong một bầu không khí gần gũi, thương yêu và cũng là phút thư giãn hiếm hoi để chuẩn bị bước vào những tiết học sau.

Bạn hiểu được ý nghĩa cũa việc đó và bắt đầu câu chuyện của mình một cách “hồn nhiên”. Nhưng ai ngờ được rằng chính sự vô tư ấy lại đặt bạn vào một tình thế khó xử.

Ai cũng đã từng trải qua một thời học trò tinh nghịch, ngây thơ chắc sẽ hiểu được rằng ở tuổi này đôi khi chúng ta “lỡ” nói những lời quá vô tư và bồng bột. Quả thật khi nghe bạn hỏi, các em đã trả lời một cách chân thành không dấu diếm. Với học sinh sau 3-4 tiết học căng thẳng nếu được “giải lao” hẳn một tiết thì còn gì bằng. Thế là chúng hồn nhiên nói ra điều ước của mình. Nhưng điều đó có thể làm bạn phật lòng và nặng nề hơn lại bị quy kết là thiếu ý thức học tập? Cũng có thể lắm chứ. Nhưng đừng vội trách mắng học sinh vì như thế sự cởi mở và chân thành của các em đã bị thái độ “nghiêm túc quá” của cô làm cho tắt ngấm. Và lần sau chắc sẽ rất khó để học sinh có thể biểu lộ sự chân tình và hồn nhiên trẻ con đáng yêu của mình.

Như vậy dù học sinh của bạn có trả lời như thế nào, bạn hãy duy trì sự dịu dàng và gần gũi của mình. Sự hóm hỉnh sẽ là chìa khóa giúp bạn thoát khỏi tình huống này. Bạn sẽ vui vẻ giải thích cho các em hiểu rằng, với tư cách là giáo viên, bạn không thể đáp ứng “điều ước” này của các em vì không thể bỏ qua quy định của nhà trường. Nhưng bạn luôn thể hiện cho học sinh thấy bạn luôn thấu hiểu những vất vả trong công việc học tập của học sinh, chính vì thế bạn sẽ cố tạo ra những câu chuyện cười, những phút thư giãn để động viên tinh thần của các em. Ở vào những tình thế này, sự cởi mở, chân tình và óc hài hước của bạn sẽ được vận dụng tối đa.

5. Tình huống 5:

Bạn được giao chủ nhiệm một lớp 5 bao gồm những học sinh đều có học lực khá giỏi,nhưng trong đó có 2 học sinh nữ thường xuyên nói chuyện riêng, nói leo khi bạn giảng bài. Bạn có những biện pháp gì giúp 2 học sinh này bỏ thói quen xấu trong học tập ?

Trả lời:  Như chúng ta đã biết: Đặc điểm tâm lý của H/s T.H là rất hiếu động đặc biệt là các em H/s gái ở các lớp cuối cấp. Nhiệm vụ định hướng, giáo dục hình thành các thói quen, hành vi tính cách theo chuẩn mực đạo đức đòi hỏi ở người thầy tính kiên nhẫn và lòng tận tâm.

Gặp phải trường hợp trên thì trước hết Tôi cần tìm hiểu rõ:

     + Đặc điểm tâm lý của 2 H/s này

+ Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em

+ Các biện pháp mà đồng nghiệp đã áp dụng

- Tiếp đến:

+ Tách 2 H/s ngồi xa nhau trong lớp

+ Thường xuyên đưa các em này vào hoạt động học để các em liên tục phải suy nghĩ, hành động. Lấy khen ngợi, truyện kể vui, lời khuyên gần gũi để thu hút các em.

+ Dùng tập thể, người thân: Từ bàn học, nhóm học, tổ, và tập thể lớp để quản lý

* Điều quan trọng là phải nắm được nét cá tính riêng biệt để điều chỉnh các biện pháp phù hợp theo từng giai đoạn khác nhau

MTL

Các tin khác

Xem thêm...

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online:

Hôm nay:

Tổng lượng truy cập: