Thứ năm, 02/05/2024 23:27:25
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH LÀM TỐT VAI TRÒ CỦA HỘI ĐỒNG TỰ QUẢN CỦA LỚP.

Ngày: 23/03/2015

Bài viết của khối 4

 

MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH LÀM TỐT VAI TRÒ

CỦA HỘI ĐỒNG TỰ QUẢN CỦA LỚP.

1/Thành lập ban hội đồng tự quản:

Trong buổi sinh hoạt đầu tiên của năm học, mỗi GV khối 4 đã tổ chức cho lớp bầu cử hội đồng tự quản của lớp gồm 1 Chủ tịch và 2 phó chủ tịch.
Trong quá trình bầu  HĐTQ, giáo viên phải tạo cho học sinh có cơ hội được tự tranh cử vào các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch, đây là một trong những bước phát hiện HS mạnh dạn, dám nói trước đám đông. Sau khi việc đăng kí hoàn tất, các ứng cử viên nên trình bày các đề xuất có liên quan đến những hoạt động mà các em có thể sẽ thực hiện khi trúng cử. Những hứa hẹn này phải khả thi trong vòng 3 tháng thử nghiệm. Việc lựa chọn chủ tịch và phó chủ tịch là vô cùng quan trọng, đây chính là những người giúp GV rất nhiều trong việc quản tất cả các hoạt động của lớp cũng như trong tiết học. Sau đó, HĐTQ tự mời các thành viên tham gia vào các ban do HĐTQ điều hành. Nhưng muốn làm được điều này, đầu năm học sau khi nhận danh sách lớp, GV trao đổi ngay với GVCN năm ngoái để tìm hiểu kỹ tình hình học tập của lớp mình như: số lượng học sinh giỏi, hs năng khiếu, học sinh nhanh nhẹn, mạnh dạn, nói to…Sau khi tìm hiểu xong, GV phải đặt ra những tiêu chí để lớp lựa chọn các bạn trong ban HĐTQ thật chính xác như:

 Phải nhanh nhẹn, năng nỗ

Mạnh dạn, tự tin

Có năng khiếu

Có năng lực học tập tốt

2. Phân công nhiệm vụ các thành viên trong ban hội đồng tự quản:
Sau khi đã thành lập được HĐTQ, chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho HĐTQ học sinh về nhiệm vụ cụ thể của từng ban và cách thức làm việc. 

Ví dụ : CTHĐTQ cần phải làm những việc như: Vào đầu và cuối mỗi tiết học hoặc khi có khách tới CTHĐTQ biết mời các bạn đứng lên chào. Tùy theo yêu cầu của GV, CTHĐTQ bước ra khỏi chỗ ngồi đứng trước lớp mời Ban văn nghệ lên sinh hoạt văn nghệ, sau đó mời Ban học tập lên phát tài liệu và đồ dùng học tập. Về lại chỗ ngồi học tập.

* Ban văn nghệ : Tổ chức cho các bạn hát, múa, chơi trò chơi vào đầu tiết học và cuối tiết học. Có thể lồng ghép chơi trò chơi để ôn lại kiến thức cũ. 

* Ban học tập: Kiểm tra bài cũ, bài tập ứng dụng của các bạn, báo cáo với cô giáo vào đầu giờ. Trong tiết học ngoài nhiệm vụ học tập của mình phải quan sát bao quát lớp để cuối mỗi tiết học nhận xét đánh giá tình hình học tập của lớp.
Ngoài ra, tùy từng bài mà đặc biệt là ở hoạt động làm việc cả lớp, giáo viên có thể để ban học tập thay cô giáo kiểm tra lại kiến thức mà các bạn làm. Muốn làm được tốt công việc đó, cuối mỗi buổi học, tôi thường mời ban học tập ở lại để giao nhiệm vụ trước cho các em.

*Ban lao động: Có nhiệm vụ theo dõi vệ sinh chung của cả lớp. Đầu mỗi buổi học phải phân công vệ sinh lần lượt cho các nhóm và kiểm tra nhóm nào chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt. Cuối mỗi buổi học cũng phải kiểm tra lại xem nhóm nào thực hiện vệ sinh chưa tốt để kịp thời nhắc nhở các bạn thực hiện tốt.

* Ban sức khỏe và vệ sinh: Theo dõi về sức khỏe nếu trong lớp bạn nào có vấn đề về sức khỏe thì đưa bạn lên phòng y tế của trường hoặc chạy đi báo với cô y tế.

* Ban thư viện: Ra chơi cho các bạn mượn truyện đọc, thu truyện và sắp xếp thư viện gọn gàng ngăn nắp.

3 Phát huy vai trò của HĐTQ trong các giờ học.

Học theo mô hình VNEN, bàn ghế sẽ được sắp xếp cho HS ngồi theo nhóm, HS tự thảo luận, tự trao đổi với nhau khi gặp khó khăn.

Ví dụ: Trong giờ học toán khi GV cho HS làm bài tập, GV có thể yêu cầu HĐTQ đi kiểm tra kết quả của các nhóm trưởng sau đó các nhóm trưởng sẽ kiểm tra của các bạn trong nhóm và báo cáo kết quả với HĐTQ và HĐTQ sẽ báo cáo với GV.

          4. Xây dựng tập thể lớp đoàn kết, hòa đồng trong giờ giải lao:

Như Bác Hồ đã nói: “Đoàn kết , đoàn kết, đại đoàn kết
                 Thành công, thành công, đại thành công”.

Muốn xây dựng được mối đoàn kết giữa các bạn trong lớp với nhau, thì vai trò của hội đồng tự quản cũng không kém phần quan trọng đặc biệt là ban văn nghệ của lớp. Ban văn nghệ dưới sự hướng dẫn của GV, vào giờ ra chơi ban văn nghệ tự tổ chức, tự khởi xướng ra các hoạt động, các trò chơi và tôi cũng cùng tham gia chơi với học sinh. Trước khi chơi, GV thường đưa ra những giải thưởng thú vị, giải nhất có thể là gói bánh, gói kẹo, hộp phấn…. để kích thích tinh thần chơi của các em.

Ví dụ: Trò chơi “Kéo co” không chỉ đòi hỏi sức mạnh, sự khéo léo mà còn đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao. Nếu như không có sự hợp tác - đoàn kết cao thì chắc chắn sẽ thua cuộc.

Qua trò chơi, GV vừa giúp ban văn nghệ thêm mạnh dạn, tự tin, rèn luyện thêm kỹ năng điều hành lớp vui chơi, văn nghệ, vừa giúp các em thể hiện sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ  nhau để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thông qua những giờ giải trí thú vị ấy, HS càng thân thiết, quý mến nhau hơn và chắc chắn rằng các em sẽ sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Qua gần một năm thực hiện, ban HĐTQ của các lớp khối 4 đã đi vào nề nếp, vào khuôn khổ, các em đã biết công, biết việc. HS nêu cao tinh thần tự giác, tự học,  tự quản, tự trọng, tự tin tự đánh giá, tự hợp tác tự rèn luyện kỹ năng, vận dụng kiến thức vào thực tiễn rất tốt. Việc thành lập ban HĐTQ nhanh nhẹn, năng nỗ là hết sức quan trọng và rất cần thiết vì nó có thể thay GV điều hành lớp tham gia tất cả các hoạt động trong nhà trường.  Mặc khác giúp các em phát triển lòng khoan dung, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

 

 


c1hoangan
Tin liên quan