Chủ nhật, 28/04/2024 23:49:28
Cách đánh giá mới thể hiện rõ hơn tinh thần nhân văn

Ngày: 10/10/2016

Đó là nhận định của thầy Triệu Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mai Trung 2 (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang).

Tránh được sự suy diễn, áp đặt trong đánh giá

Chia sẻ về tính nhân văn của Thông tư 22, thầy Triệu Văn Hạnh cho biết: Việc giữ nguyên nội dung Điều 1, Điều 2; Điều 3 thay từ “đánh giá” bằng từ “nhận xét”; sủa đổi bổ sung Điều 4 - Yêu cầu đánh giá thể hiện rõ hơn tính nhân văn đó là đánh giá vì sự tiến bộ, vì sự phát triển của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác”.

Về đánh giá thường xuyên về học tập, theo thầy Hạnh, việc đánh giá theo 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, xét về mặt tâm lý, 3 mức này nhìn nhận cụ thể hơn kết quả phấn đấu của học sinh.

Đồng thời cung cấp cho giáo viên những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn; giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.

Bên cạnh đó, việc đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh được Thông tư 22 được viết gọn lại. Cụ thể:

Năng lực: tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề;

Phẩm chất: chăm học, chăm làm; tự tin, trách nhiệm; trung thực, kỉ luật; đoàn kết, yêu thương.”

Thầy Triệu Văn Hạnh cho rằng, điều này giúp giáo viên dễ dàng hơn trong đánh giá, đồng thời tránh được những hiểu lầm, sự suy diễn, áp đặt lối suy nghĩ theo kiểu người lớn như ở Thông tư 30.

Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).

Việc lượng hóa này, cho phép giáo viên, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện.

Từ đó giáo viên có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tốt để các em ngày một tiến bộ hơn.

Giáo viên được chủ động, linh hoạt trong việc ghi chép sổ sách

Nhấn mạnh ưu điểm này, thầy Triệu Văn Hạnh phân tích: Thông tư 22 quy định hồ sơ đánh giá chỉ bao gồm Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

Mặt khác, trong đánh giá thường xuyên, giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết.

Thay đổi này giúp cho giáo viên chủ động, linh hoạt và thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

Cũng liên quan đến đánh giá thường xuyên, thầy Triệu Văn Hạnh cho rằng: Thông tư 22 quy định khi đánh giá thường xuyên, giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết.

Đối với giáo viên dạy các môn văn hóa, điều này khá phù hợp bởi cô có nhiều thời gian bên học sinh, số lượng học sinh chỉ là học sinh trong một lớp nên có thể nhớ hết đặc điểm của từng em học sinh.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mai Trung 2 băn khoăn: Với giáo viên dạy các môn chuyên có thể phải dạy đến hàng trăm học sinh nếu chỉ ghi chép, nhận xét khi cần thiết thì khi đánh giá định kì sẽ khó nhớ từng học sinh để đánh giá được chính xác.

Theo Báo GDTĐ
Tin liên quan