Tăng động cơ học tập
Động cơ học tập bên trong là bản thân tri thức và phương pháp lĩnh hội tri thức, những mong muốn, khát khao chiếm lĩnh tri thức có vai trò quyết định đến kết quả học tập của học sinh.
Tuy vậy không thể không kể đến động cơ bên ngoài. Nhất là ở tiểu học, học tốt để đáp ứng mong đợi của cha mẹ, học tốt để được cô khen, để được bạn bè tôn trọng, yêu mến là suy nghĩ, là động lực để các em học tốt hơn.
Đưa ra nhận định này, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giáo viên lớp 3, Trường tiểu học Mai Trung 2, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang - liên hệ đến quy định về cách đánh giá theo Thông tư 22: Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo 3 mức; lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra giữa kì; việc khuyến khích học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập; quy định về khen thưởng khá rõ ràng giúp học sinh tự nhận ra mình có điểm mạnh gì, thiếu hụt những gì về kiến thức kĩ năng để cố gắng phấn đấu.
Bên cạnh đó, thái độ ân cần niềm nở, vui mừng khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ, những lời khen của cô khi học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập rèn luyện là động lực để các em ngày càng cố gắng hơn.
“Việc đánh giá học sinh xếp làm 3 mức hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, cũng như việc khen thưởng theo Thông tư 22 cũng giúp cha mẹ học sinh nhận rõ hơn con mình đang ở mức nào.
Bởi tâm lý chung của cha mẹ học sinh vẫn còn hết sức quan tâm đến thành quả học tập, rèn luyện của các con sau một năm học. Nhiều bậc làm cha mẹ tỏ ra băn khoăn, lo lắng và bối rối khi thấy các con mỗi em được khen một kiểu vào dịp cuối năm” - cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt phân tích.
Việc khen thưởng sẽ tường minh hơn
Là hội trưởng Hội cha mẹ học sinh của Trường tiểu học Mai Trung 2, ông Tạ Văn Giang chia sẻ: Dòng họ nhà tôi hàng năm đều có phần thưởng để động viên các cháu. Trước đây, tiền thưởng được quy định theo các mức ghi trên giấy khen. Các cháu đạt danh hiệu Học sinh giỏi mức tiền khác các cháu có giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Hai năm gần đây chúng tôi rất lúng túng khi tổ chức khen thưởng cho các cháu. Mặc dù việc tặng giấy khen của nhà trường là đúng quy định, các cháu tốt ở mặt nào khen mặt đó, nhưng phụ huynh ở nhà vẫn băn khoăn.
Vì vậy, việc thay đổi như hiện nay sẽ giúp Hội khuyến học, các tập thể, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, dòng họ thuận lợi khi xác định mức khen và tổ chức khen thưởng cho học sinh.
Trước đây, nhiều trường tiểu học khá bối rối trong khi viết giấy khen cho học sinh cuối mỗi năm học. Khó khăn này đã được khắc phục trong Thông tư 22. Nói rõ thêm về điều này, theo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá và khen thưởng đột xuất, học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.
Quy định như vậy vừa cụ thể cụ thể hơn vừa giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.
Mong sớm có hướng dẫn giúp phân định ranh giới giữa các mức đánh giá
Từ thực tế nhiều năm dạy học ở tiểu học, khi nhận định về Thông tư 22, cô Đồng Thị Chính – Giáo viên lớp 4, Trường tiểu học Mai Trung 2 - băn khoăn: Khi đánh giá định kì kết quả học tập, ranh giới giữa mức Hoàn thành tốt (thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục) và Hoàn thành (thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục) khá mơ hồ.
Để đánh giá chính xác, đòi hỏi giáo viên trong quá trình đánh giá thường xuyên phải thu thập nhiều minh chứng, biểu hiện của học sinh. Bên cạnh đó, kết quả học tập của học sinh tiểu học thường thiếu tính ổn định, có thể hôm nay các em hoàn thành tốt, đạt điểm 9-10 nhưng ngày mai lại không hoàn thành, đạt điểm kém.
Việc đánh giá thường xuyên từng năng lực, phẩm chất của học sinh hoàn toàn là định tính và đến khi đánh giá định kì được lượng hóa theo 3 mức: Tốt (đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên); Đạt (đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên); Cần cố gắng (chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ) cũng tạo ra khó khăn cho giáo viên khi đánh giá.
Để được xếp loại Tốt thì mỗi học sinh phải “đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên” ở cả 4 năng lực và 8 phẩm chất. Còn loại Đạt thì mỗi học sinh ít nhất phải đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên ở cả 4 năng lực và 8 phẩm chất.
“Do vậy, mong Bộ GD&ĐT sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tập huấn cụ thể để giáo viên đánh giá được chính xác và thuận lợi hơn khi thực hiện” - cô Đồng Thị Chính đề nghị.