Thứ ba, 19/11/2024 18:23:42
Giáo dục đang bội thực với thử nghiệm nhiều phương pháp dạy học mới

Ngày: 16/12/2015

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của cô giáo Đỗ Quyên, bài này, cô tổng kết những bất cập trong quá trình thực hiện các phương pháp dạy học mới trong mấy năm học gần đây đặc biệt ở bậc học Tiểu học khiến thầy cô “bội thực”, học sinh như “chuột bạch” trên bàn thí nghiệm. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Hiện nay, giáo viên của ta đang phải căng sức để học tập, tiếp thu và triển khai một loạt các phương pháp dạy học mới được coi là tiên tiến nhất từ các nước trên thế giới như phương pháp dạy học mới VNEN của Colombia, Bàn tay nặn bột của Pháp, Vẽ theo nhạc của Đan Mạch...

Tập huấn sơ sài

Mỗi khi triển khai phương pháp dạy học mới, từng Phòng GD&ĐT của mỗi huyện đều cử người đi tập huấn để tiếp thu. 

Mỗi huyện có hàng ngàn giáo viên nhưng chỉ có 2 người đại diện được cử đi tập huấn. Bởi nếu số lượng nhiều hơn thì sẽ không lo đủ kinh phí. 

Thời gian đi tập huấn khoảng 1 tuần hoặc mười ngày sau đó về triển khai lại cho các giáo viên trong huyện. Nhưng không phải đi tới từng trường triển khai mà từng trường cũng chỉ được cử người đại diện ban giám hiệu và một số tổ trưởng chuyên môn ra Phòng GD&ĐT để nghe tập huấn trong thời gian gói gọn 1 ngày. 

Khi về trường, các giáo viên này lại tiếp tục triển khai đại trà cho toàn thể thầy cô giáo trong hội đồng nhà trường với thời gian tập huấn nhiều thì nửa ngày, ít thì khoảng một vài tiếng là xong. 

Giáo dục đang bội thực với nhiều phương pháp dạy học mới (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Thử hỏi, chỉ trong một vài tiếng để nói về một phương pháp dạy học mới, một cách làm hoàn toàn mới thì sẽ đi tới đâu? Thế là các giáo viên lại tự “bơi” với cách làm mới này, vừa dạy vừa hỏi. 

Những điều giải đáp được ban giám hiệu trực tiếp trả lời, những thắc mắc khó hơn lại điện đi trao đổi với chuyên viên, với trường bạn...Vì thế không tránh khỏi mỗi nơi làm mỗi kiểu đôi khi chẳng giống ai.

Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy học sinh nên nắm rất rõ lực học của các em để từ đó sẽ sử dụng phương pháp dạy học nào phù hợp, sử dụng hình thức dạy học nào là hiệu quả. 

Nhưng hiện nay lại yêu cầu phải dạy theo phương pháp mà cấp trên cho là tiên tiến mà hoàn toàn không phù hợp với điều kiện cũng như trình độ của các em khiến thầy cô rơi vào thế dạy mà không hiệu quả và học sinh là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. 

Phương pháp dạy học VNEN

Có thể nói đến thời điểm này, hầu hết các trường tiểu học đều đang triển khai mô hình trường học mới VNEN. Ngoài một số trường nằm trong dự án được trang bị sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, thiết bị phục vụ, cơ sở vật chất...Những trường học còn lại dù mọi cái vẫn cũ nhưng buộc phải giảng dạy theo phương pháp này. 

Học sinh được xếp ngồi theo “mâm” quây thành nhóm từ 4-6 em/nhóm. Bài học được học sinh tự tìm hiểu, trao đổi với bạn, kiểm tra cùng nhau...nếu gặp điều gì vướng mắc, thầy cô mới được giúp đỡ, hỗ trợ. 

Ưu điểm của phương pháp VNEN là các em sẽ tự tin, chủ động, tự tìm kiến thức...Nhưng một lớp học của ta quá đông, nơi ít nhất cũng 35 em/lớp, nơi nhiều có khi lên đến gần 60 em/lớp. Trình độ học sinh trong một lớp lại không đồng đều. 

Vì chỉ tiêu phổ cập nên học sinh ít bị lưu ban dù học yếu nên áp dụng phương pháp tự học sẽ không mang lại kết quả gì cho các em. 

Với những học sinh có lực học trung bình hoặc yếu kém hoàn toàn không có khả năng tự học nên áp dụng dạy theo VNEN khiến các em mỗi ngày mỗi đuối dần. 

Hơn nữa, việc ngồi học theo nhóm có sự hỗ trợ của bạn, kết quả từng cá nhân đôi khi cũng ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nhóm, nên không tránh khỏi chuyện cho bạn yếu chép bài để nhóm của mình hoàn thành trước nhóm bạn. Vì thế, kết quả học tập của nhiều em không thực chất.

Phương pháp bàn tay nặn bột

Theo đánh giá của hầu hết giáo viên, đây là phương pháp dạy học khó áp dụng đối với học sinh của mình bởi khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, cũng như khả năng tư duy của các em không cao. 

Theo phương pháp dạy học này, dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh có thể đặt ra các câu hỏi, các giả thuyết từ những hiểu biết ban đầu để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình. 

Trong thực tế dạy học ở trường và qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp, những tiết học sử dụng phương pháp bàn tay nặn bột chỉ được giáo viên áp dụng trong các tiết dự giờ thao giảng hay tiết đi thi giáo viên dạy giỏi. 

Bởi để dạy được bài học theo phương pháp này, giáo viên phải chuẩn bị đồ dùng dạy học rất công phu. Ngoài ra, còn nghĩ ra câu hỏi để “mớm” cho các em, phải có sự tập dượt vài ba lần thì khi lên dạy các em mới biết đặt câu hỏi. 

Nếu để dạy trên lớp, các em sẽ chẳng bao giờ đặt nỗi câu hỏi kiểu: “Có phải không khí ở xung quanh ta không? Có chắc chắn là không khí có ở trong lỗ rỗng của viên gạch không?...(Tiết khoa học lớp 4 “Làm thế nào để biết có không khí?” ) 

Phương pháp vẽ theo nhạc

Dù không phải chuyên môn dạy Mỹ thuật nhưng được dự giờ vài tiết dạy Mỹ thuật theo phương pháp vẽ theo nhạc của Đan Mạch thấy nhiều điều đáng phải bàn. 

Chỉ là vẽ chiếc lá thôi, nếu như trước đây, các em chỉ cần quan sát vật mẫu, giáo viên hướng dẫn cách vẽ theo hình khối...thì nay, khi tiếng nhạc bật lên, mỗi em cầm cả nắm bút đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng...


Từng nhóm đi quanh chiếc bàn trên đặt tờ giấy A0 chân nhún nhảy theo nhạc, miệng hát, đưa tay gạch những gạch ngoằn nghèo lên trang giấy. 

Tiếng nhạc càng nhanh, nét gạch càng nhiều, chỉ vài phút sau thì tờ giấy A0 chằng chịt những gạch đủ màu sắc loằng ngoằng... Sau vài công đoạn cắt xé nữa mới ra được cái lá. 

Chỉ vẽ một cái lá nhưng cần tới gần chục tờ giấy A0 cho các nhóm và hàng trăm cây chì màu quả là một sự lãng quá phí lớn. 

Một giáo viên dạy Mỹ thuật bật mí: “Học sinh rất thích học theo kiểu này bởi sẽ được dùng một nắm bút màu gạch phá tùy thích”.

Việc bắt buộc giáo viên phải dạy theo những phương pháp được cho là tân tiến của các nước đang làm cho Giáo dục của ta lạc vào một “mê hồn trận” gây nên sự mệt mỏi, áp lực cho giáo viên và chất lượng học tập của các em lại ngày càng tụt dốc. 

Dù sử dụng phương pháp dạy học nào, dù áp dụng hình thức dạy học ra sao mục đích cuối cùng cũng chỉ là sự tiến bộ của học sinh. 

Đổi mới phương pháp dạy học là điều nên làm nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của mình mới hiệu quả. Không nhất thiết họ áp dụng thành công mà mình cũng như thế.
.

Dỗ Quyên
Tin liên quan