Ngày: 09/03/2018
Tâm sự nhân ngày 8/3
“Cội nguồn của hạnh phúc chỉ có thể là yêu thương.”
Chàng Kim Trọng vì yêu thương Thúy Kiều nên khi đã kết duyên với Thúy Vân mà vẫn luôn nhớ nhung và cất công đi tìm Thúy Kiều. Còn chàng Trương vì ghen tuông mù quáng, vì cái quyền của người làm chồng và điều quan trọng hơn cả là vì thiếu tình yêu thương, tin tưởng vào người vợ mà chàng đã mắng nhiếc và ruồng rẫy, đánh đập vợ gây đến cái chết bi thảm của nàng Vũ Nương. Đó chẳng phải là ngọn nguồn của hạnh phúc là yêu thương đó sao?
Nói vậy, có người sẽ nói rằng đó là câu chuyện của cụ Nguyễn Du và Nguyễn Dữ đó thôi chứ có phải cuộc đời thực đâu. Vậy bạn hãy lắng tai nghe và lắng lòng mình lại để có những giây phút sống với cuộc đời thực của chính bạn và của mọi người trong cuộc sống đời thường bạn sẽ có lời giải đáp ngay thôi.
Tình yêu thương bao giờ cũng tồn tại từ hai phía. Có phải tự nhiên mà “vợ chồng” hay “chồng vợ” hai chữ đặt ngang hàng nhau nên tình yêu vợ chồng cũng không thể nói ai phải dành cho ai nhiều hơn mới xứng. Có người vợ nào không thích được chồng nói lời nói yêu thương và cũng có người chồng nào lại không thích được vợ quan tâm chăm sóc. Ấy vậy mà
nhiều người chồng lại tiết kiệm thời gian và những lời nói yêu thương để đến với những cuộc rượu chè hay những trò vui thú khác của bản thân. Để rồi những người vợ cũng lại chẳng cần gì nữa, tiết kiệm cả thời gian công sức quan tâm chăm sóc cho chồng. Khi ấy hai tiếng yêu thương cứ mờ dần trong tâm tưởng của hai người và “hạnh phúc” gia đình cũng có nguy cơ bị lung lay, đổ vỡ.
Nhưng phái mày râu có biết? Chỉ một biểu hiện nhỏ thôi cũng đủ làm cho người phụ nữ rung động con tim. Một câu hỏi vợ mình khi thấy vợ trằn trọc khó ngủ “Hôm nay em mỏi phải không?” Hoặc “Hôm nay ở cơ quan (hay trong công việc) em có chuyện gì không vui phải không?” Hay như “Em thấy đỡ đau đầu chưa” … chứ không phải là những tiếng ngáy ngủ đều đều say sưa bên cạnh vợ. Có thể khi vợ mỏi mệt đau ốm chồng bảo nhẹ nhàng “Em cứ nằm nghỉ đi, để anh dạy trước và anh đưa con đi học”...
Và người chồng cũng rất cần được nghe vợ hỏi “Hôm nay anh có đi họp hay hội nghị ở đâu không để em chuẩn bị là cho anh bộ quần áo”, một hành động nhỏ khi xốc lại cho chồng cái cổ áo hay mua cho anh lọ nước thơm xịt khi ra ngoài…
Những câu hỏi, những hành động như vậy cứ diễn ra trong cộc sống hàng ngày. Nó được gọi là tình yêu thương, sự sẻ chia và nó là những viên gạch tuy mỏng manh nhưng góp phần xây nên ngôi nhà hạnh phúc.
Một ngày kia khi hai vợ chồng không cùng đi trên một con đường, không cùng nhìn một hướng, không cùng vượt một đèo, không cùng qua một sông thì hai chữ “yêu thương” đã mất.
Một khi hai chữ tình yêu không còn nữa thì hai chữ hạnh phúc cũng không còn. Nó dời xa ta, khi ấy tiền của, hay bất cứ một mãnh lực nào khác cũng không thể lấy lại được.
Một khi đã yêu thương nhau thì mọi khó khăn ta đều có thể vượt qua. Khi ấy người này sẵn sàng chấp nhận hi sinh vì người kia. Và sự hi sinh ấy trở nên thiêng liêng và ý nghĩa biết bao!
Ông bà, bố mẹ ta đầu bạc răng nong, chân đi không vững, mắt nhìn không rõ nhưng nếu còn yêu thương nhau họ vẫn thấy ở nhau những điểm tựa vững vàng, những bờ vai ngả vào nhau, những cái nắm tay nhau thật chặt để chân họ đứng vững hơn.
Từ khi ta thành vợ chồng, khi còn trẻ hay khi đã già đều có mưu cầu hạnh phúc. Phải chăng “cội nguồn của hạnh phúc chỉ có thể là yêu thương.”
Hãy làm gì để cuộc đời ta là một con thuyền chở trong lòng nó hai chữ “Yêu thương” xuôi dòng về “bến bờ hạnh phúc” dù cho sóng to gió lớn đến nhường nào!
Chúc mừng 8/3