Thứ bảy, 27/04/2024 20:34:55
3 việc hiệu trưởng cần làm để lãnh đạo thành công...

Ngày: 21/12/2016

Một là: Thay đổi nhận thức của giáo viên về quá trình dạy học, về vị trí, vai trò của học sinh và giáo viên

Dạy học thực chất là dạy cách học, trong đó học sinh là chủ thể của quá trình tự học, còn giáo viên là chủ thể của việc giúp mỗi học sinh tự học theo cách của học sinh đó.

Đây là công việc khó cần sự kiên trì và quyết tâm của hiệu trưởng. Để làm việc này hiệu trưởng có thể thực hiện các công việc sau:

Đầu mỗi năm học, hiệu trưởng tổ chức để mỗi giáo viên tìm hiểu học sinh của lớp mình về khả năng học môn học ở năm học mới, hứng thú với môn học, phong cách học môn học, từ đó phân loại học sinh và dự kiến các chiến lược dạy học phù hợp với từng nhóm học sinh.

Xây dựng kế hoạch dạy môn học, kế hoạch giúp học sinh có trình độ khác nhau.

Hai là: Tổ chức tập huấn cho giáo viên các kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực

Cụ thể là dạy học tích hợp. Theo đó, tích hợp kiến thức bài mới với các kiến thức đã học ở bài trước, năm trước (tích hợp nội môn).

Hoặc tích hợp với các môn học khác (tích hợp liên môn). Tích hợp nhiều môn học để giải quyết một vấn đề có trong đời sống (dạy học theo chủ đề - tích hợp xuyên môn).

Tích hợp với rèn luyện các kỹ năng sống khác, với bối cảnh địa phương trường đóng.

Tiếp đến là tập huấn cho giáo viên dạy học phân hóa, tiến tới cá thể hóa. Trên cơ sở mục tiêu tổ chức lại nội dung bài học, chỉ lấy những nội dung cốt lõi (nội dung phải biết) để làm việc trên lớp, còn lại hướng dẫn để học sinh (khá, giỏi) có thể tự học ở nhà (nếu thích và có điều kiện).

Ngoài ra, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên tổ chức các hoạt động trên lớp cho học sinh.

Trên cơ sở mục tiêu, nội dung bài học, đối tượng học sinh cụ thể để tổ chức được các hoạt động cho học sinh, và thông qua hoạt động học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng thay vì thuyết giảng như hiện nay.

Để làm việc này hiệu trưởng cần tổ chức các hoạt động sau: Đầu mỗi năm học tổ chức để giáo viên nghiên cứu toàn bộ chương trình bậc học của tất cả các môn học nhằm xác định:

Môn học sẽ dạy trong năm học này có thể sử dụng những kiến thức, kĩ năng nào của môn học mà học sinh đã học ở các năm trước, những kiến thức nào cần có để học tốt môn học trong năm học này. Những nội dung nào của môn học có liên quan và có thể tích hợp với nội dung nào của các môn học khác. Đây là cơ sở để giáo viên tìm hiểu đối tượng, làm giáo án tích hợp (nội môn và liên môn).

Đầu mỗi năm học tổ chức để giáo viên tìm hiểu những đặc điểm về văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội… địa phương trường đóng, qua đó xác định được các vấn đề có thể sử dụng trong dạy học (tích hợp) trong kiểm tra đánh giá, đồng thời giúp giáo viên có trải nghiệm đời sống thực của địa phương, có ý thức hướng học sinh sử dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của chính địa phương mình (qua đó học sinh tự rèn luyện năng lực cho bản thân).

Hiệu trưởng tổ chức để giáo viên thiết kế giáo án theo hướng tích hợp thành các hoạt động, lên lớp, rút kinh nghiệm và tổ chức đại trà.

Ba là: Tổ chức tập huấn cho giáo viên các kỹ thuật, hình thức đánh giá năng lực trong dạy học

Đánh giá trong dạy học năng lực là khâu quyết định (không có đánh giá, đánh giá không đúng chắc chắn không có năng lực). Trong hoạt động đánh giá năng lực thì đánh giá kết quả học tập chỉ là khâu thứ yếu.

Đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình học tập, vì sự tiến bộ của từng học sinh, giúp họ biết còn thiếu gì, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng nào, bổ sung bằng cách nào, và lại được đánh giá xem đã đạt chưa Đó là mục đích chính của đánh giá nói chung, đánh giá trong dạy học năng lực nói riêng.

Để làm việc này hiệu trưởng cần tổ chức các hoạt động sau:

Một là, tổ chức để mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá môn học của mình trong suốt năm học, trong đó chú trọng các hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Hai là, tổ chức tập huấn cho giáo viên kỹ thuật viết các câu hỏi kiểm tra theo hướng hình thành năng lực (không phải kiểm tra kiến thức).

Ba là, tổ chức tập huấn cho giáo viên quy trình tổ chức một kỳ kiểm tra đánh giá.

Bốn là, tổ chức tập huấn cho giáo viên cách thiết kế một bài kiểm tra phù hợp với mục đích của kỳ kiểm tra đó.

Năm là, tổ chức tập huấn cho giáo viên cách chấm bài, cách cho điểm, cách viết lời phê, v,cách trả bài, cách sử dụng điểm số.

Sau là, tổ chức tập huấn cho giáo viên cách thức lưu trữ, sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá học sinh để giúp các em điều chỉnh cách học, giúp giáo viên điều chỉnh cách dạy, nhà quản lý điều chỉnh cách quản lý.

GS,TS Nguyễn Đức Chính
Tin liên quan