Thứ ba, 19/11/2024 20:38:57
Sông Cầu - một nền văn hóa ven sông.

Ngày: 25/12/2015

Các làng xã bên sông Cầu thuộc huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang có lịch sử hình thành từ rất sớm. Đây là vùng đất cổ với hàng loạt các di chỉ khảo cổ học về thời kỳ kim khí ở Đông Lâm xã Hương Lâm, trống đồng ở Lý Viên xã Bắc Lý và Xuân Giang xã Mai Trung, các lăng, mộ đá còn có ở nhiều nơi như lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương, lăng Bầu…cùng với những truyền thuyết, lễ và đặc biệt Hiệp Hòa còn là vùng quê của Ca trù xứ Bắc, mà ở đó những dấu ấn hiện hữu là vật chứng cho ca trù tồn tại và phát triển trên vùng đất Bắc Giang - một đại diện của ca trù xứ Bắc. .
          Những cứ liệu về sự tồn tại của ca trù trên đất Bắc Giang được hiện diện tại một trong 6 ngôi đình cổ nhất Việt Nam là đình Lỗ Hạnh thuộc xã Đông Lỗ huyện Hiệp Hoà. Đình được xây dựng vào thế kỷ 16 thời Lê Mạc. Ngôi đình được mệnh danh " đệ nhất Kinh Bắc". Trên bức cốn của đình có bức chạm một cô gái ngồi trên mình hươu và đang chơi đàn đáy- loại đàn chỉ duy nhất dành cho nghệ thuật Ca trù. Còn ở một bức chạm khác lại chạm cảnh hoà nhạc vui vẻ trong đó có cảnh người đàn ông đang chơi đàn đáy. Có thể nói, với những bức chạm khắc này đã khẳng định nghệ thuật ca trù đã có mặt ở vùng đất này và hiện diện trong sinh hoạt văn hoá làng xã. Theo sử sách, trong 6 ngôi đình cổ thì chỉ có đình Lỗ Hạnh ( Hiệp Hoà, Bắc Giang) và đình Tây Đằng ( Ba Vì, Hà Nội) là có bức chạm về người chơi đàn đáy. Nằm ven sông Cầu tại đình Trung Việt thuộc xã Hợp Thịnh có tấm bia đá “Bản huyện giáo phường lập bi” viết về một giáo phường Ca trù nơi đây. Theo sách “Góp phần tìm hiểu lịch sử Ca trù” của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết: Thác bản bia dựng năm Vĩnh Trị 5 ( 1681) có ghi việc "một số vị trong giáo phường xã Đông Lâm, huyện Hiệp Hoà, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, vì có ngoại tổ họ Hà là Phúc Đạo, ở xã Trung Trật trước có mở nghiệp giáo phường, sinh con gái là Hà Thị Khánh lấy chồng họ Nguyễn ở Đông Lâm và tạo nên giáo phường ở đây. Nay các vị trong giáo phường xã Đông Lâm nhớ đến ân nghĩa sinh thành của ngoại tổ, tỏ lòng báo đáp, đặt ra lệ, hễ đình Trung Trật có mở tiệc thì các khoản tiền tiệc, tiền khao và tiền lễ xông đình, các khoản tiền làm cỗ, thảy đều do giáo phường Đông Lâm trang trải…". Như vậy, có thể hiểu rằng, Hà Thị Khánh là người của giáo phường Ca trù xã Trung Trật đã lập nên giáo phường ca trù của xã Đông Lâm. Trong một văn bản của dòng họ Phạm chép về sự tích ca công nói về vị Phạm tướng công ở xã Cẩm Bào ( Xã Xuân Cẩm, Hiệp Hoà) tự mình bỏ tiền ba trăm quan cấp cho ca công. Các giáo phường ca công đã họp bàn thiết lập một toà nhà thờ tổ giáo đặt ở làng Cảnh Đoan đồng thời lập ra các điều ước, quy định về lệ hát và quyền lợi cụ thể giáo phường, ca công được hưởng trong dịp hát. Ở một văn bản khác, Khoán lệ xã Đức Thắng, tổng Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà có ghi:" hàng năm vào những ngày lệ nhập tịch, thờ thần có hát xướng Ca trù, số tiền thưởng ca hát, các khoản trù tính, tiền giải…". 
          Như vậy, liên tục trong hơn hai thế kỷ, Ca trù đã khá đậm đặc ở Hiệp Hoà, các giáo phường, các ca nương, tay đàn được tổ chức ngày càng mở rộng. Sinh hoạt ca trù tại các hội lễ nơi làng quê ven sông Cầu ngày càng phát triển. Cần khẳng định thêm rằng ngôi đình cổ Lỗ Hạnh và tấm bia đa ở đình Trung Trật, thế kỷ 16 -17 là 2 di sản vật thể cực kỳ quý hiếm giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Ca trù, không chỉ đối với tỉnh ta mà đối với cả nước.
          Những năm gần đây, nhất là từ khi ca trù được UNESCO ghi danh di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, cùng với việc Nhà nước tiến hành tu bổ, tôn tạo đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hoà đã có nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đáng quý này. Xã Đông Lỗ đã thành lập 4 câu lạc bộ Ca trù ở 4 thôn là Chằm; Khoát; Chúng và thôn Hưng Đạo với tổng số 38 học viên. Các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh hỗ trợ các nhạc cụ và trang thiết bị hoạt động, đồng thời trực tiếp mời các nghệ nhân của câu lạc bộ ca trù Thanh Khương ( Thuận Thành, Băc Ninh) về truyền dạy lối hát Ca trù. Với hơn 1 tháng dạy lời, rèn giọng, nhiều ca nương, kép đàn "chân lấm tay bùn" vùng chiêm trũng Đông Lỗ đã có thể ca thành thục 5-6 bài thuộc 4 giọng ở các thể : hát nói, hát ru, xẩm huê tình, đào hồng đào tuyết và thành thạo những ngón đàn cơ bản "vê", "vẩy". Ngoài ra, các ca nương của CLB ở Đông Lỗ và Trung tâm VHTT huyện còn được đi tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Văn hoá tỉnh và Nhà hát Chèo Bắc Giang mời các nghệ nhân của CLB ca trù Lỗ Khê ( Đông Anh, Hà Nội) về truyền dạy, góp phần để vùng quê Ca trù bên sông Cầu được hồi sinh trở lại ./. 
          Ngoài ca trù xứ Bắc, chúng ta cùng đến với Thù Cốc - một làng quê thuần hậu, cổ kính nằm ôm sát bên dòng sông Cầu thơ mộng. Theo nguồn tư liệu Hán Nôm còn lại ở chùa cho biết, chùa Thù Cốc còn có tên chữ là “Tường Vân tự”. Theo nghĩa Hán Việt “Tường Vân” tức là: Đám mây mang ý nghĩa tốt lành. Người xưa khi xây dựng muốn gọi tên chùa “Tường Vân” để cầu mong những điều tốt lành, những điều phúc lớn tựa như đám mây bao trùm lên khắp mọi nhà, mang điềm lành đến cho mọi người.
          Theo lời kể của các cụ cao niên và căn cứ vào những tài liệu hiện vật hiện còn ở di tích cho thấy, chùa Tường Vân được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỳ XVIII) trên một địa thế đẹp thuộc địa phận xã Thù Cốc, huyện Hiệp Hòa, phủ Thiên Phúc. Khi mới xây dựng chùa có quy mô to đẹp bề thế với bố cục mặt bằng theo kiểu nội công ngoại quốc gồm: Tiền đường 5 gian 2 chái, thượng điện 3 gian. Phía sau là nhà tổ, nhà mẫu, hai bên là 2 dãy xảo xá (1 dãy nhà cho tăng ở, 1 dãy nhà cho khách nghỉ và sắp lễ). Riêng tòa tiền đường có gác chuông theo kiểu chồng diêm 8 mái nhô cao hẳn lên dùng để treo chuông khiến ngôi chùa càng thêm phần uy nghi độc đáo. Theo tấm bia “Cổ am Tường Vân nhị tự sùng tự bi” (Bia ghi việc trùng tu chùa cổ Tường Vân lần thứ hai) cho biết, vào thời Nguyễn chùa Tường Vân đã được tu sửa lớn lần thứ 2 với các công việc như: Tạo đúc chuông, làm tòa Cửu long, đúc tượng Thánh Hiền, Đức Chúa… với sự hưng công của rất nhiều gia đình trong và ngoài vùng cho ngôi cổ tự thêm phần tố hảo.
          Hiện nay chùa Tường Vân tọa lạc trên một khuôn viên rộng đẹp ở địa phận thôn Thù Cốc, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa. Chùa xây mặt nhìn về hướng Đông Nam, phía trước là cánh đồng màu mỡ. Xa xa trước mặt là ngọn núi Y Sơn, một ngọn núi cao, đẹp nhất vùng Hiệp Hoà đã đi sâu vào lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta với huyền thoại về Đức Hùng Linh Công. Sau lưng là con đê chắn bao bọc và dòng sông Cầu nên thơ uốn lượn chảy qua tạo một khung cảnh “sơn thủy hữu tình” đẹp nao lòng du khách mỗi khi có dịp qua đây. Bên cạnh chùa là ngôi đình làng tạo thành một quần thể di tích lớn - một trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nơi đây.
          Nhìn tổng thể, chùa có bố cục mặt bằng theo kiểu hình chữ công, gồm: Tòa tiền đường 3 gian 2 dĩ, tòa thượng điện 3 gian, phía sau nhà tổ 3 gian. Tòa tiền đường 3 gian 2 dĩ mái chồng diêm. Tầng mái thứ hai tạo thành 4 mái đao cong, bờ nóc, bờ chảy đắp trang trí hình hoa chan. Tầng mái thứ nhất xây bình đầu bít đốc, bờ nóc lợp ngói, bờ chảy phủ vữa, mái trước xây kiểu tam sơn cột đồng trụ. Kết cấu kiến trúc trong tòa tiền đường được tạo bởi 4 vì. Hai vì mái giữa cột cao hẳn lên để đỡ lấy tầng mái thứ hai, 2 vì này được tạo thành những mảng cốn mê. Hai vì mái bên tạo theo kiểu chồng giường giá chiêng. Tòa tiền đường hiện còn bảo lưu được những nét kiến trúc nghệ thuật khá đặc sắc thể hiện trên các câu đầu, đầu bảy, các mảng cốn mê với các đề tài truyền thống như: Hình hoa lá, vân mây, bộ tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), hình linh thú và sóng nước mang đặc trưng phong cách thời Nguyễn.
          Trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Biển gỗ, bia đá ghi việc tôn lập Hậu ở chốn cửa Thiền niên đại thời Nguyễn (Thành Thái thứ 3, 1891); bia ghi việc trùng tu chùa cổ Tường Vân lần thứ 2 và các bức hoành phi; câu đối có nội dung ca ngợi đạo Phật và cảnh đẹp của quê hương vùng núi Y Sơn cùng hệ thống bát hương cổ, tranh gỗ và hệ thống tượng Phật tương đối đầy đủ đều có niên đại thời Lê - Nguyễn. Đó chính là những nguồn tư liệu quý hiếm, có giá trị trong việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và văn hoá của người dân nơi đây trong lịch sử.
          Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, chùa Tường Vân còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân Hoà Sơn nói riêng và Hiệp Hoà nói chung trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tiêu biểu trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa Tường Vân đã đóng góp công lao lớn vào chiến thắng giành độc lập của dân tộc. Đó là vào năm 1945 chùa Tường Vân là nơi tập trung lực lượng dân quân tự vệ để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1947, chuông và khánh của chùa được dân làng đem đúc đạn phục vụ kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn năm 1947 – 1950, chùa là nơi cất giấu lương thực, đạn dược phục vụ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
          Sang đến thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, chùa là nơi chứng kiến bao người con của quê hương anh hùng đã không quản ngại khó khăn lên đường nhập ngũ vì tiền tuyến miền Nam với khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" tất cả vì miền Nam thân yêu.
          Hàng năm cứ vào ngày lễ Thượng nguyên tháng Giêng, tại khu vực chùa Tường Vân và cụm di tích đền, chùa Y Sơn, dân làng lại cùng nhau tổ chức lễ hội. Những năm "phong đăng hoà cốc" hoặc theo định kỳ 3 năm một lần, dân làng lại tổ chức lễ hội vùng thật long trọng trong 3 ngày 15, 16, 17 tháng Giêng. Trong lễ hội có tổ chức các nghi thức tế lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc mà không phải vùng quê nào cũng có được như: Nghi thức lễ rún, rước kiệu, rước nồi hương, rước cờ, quạt bằng ngà, chiêng chống, ngựa thần, bông giò … từ đền Y Sơn sang chùa và ngược lại. Sau khi làm thủ tục tế lễ xong, tại sân chùa diễn ra các trò chơi dân gian độc đáo thu hút rất đông khách thập phương đến dự hội thăm quan như: Kéo chữ, khám tượng, đánh đu, nhảy phỗng, cờ người, vật, hát chèo…. Với những giá trị lịch sử và nét văn hoá truyền thống tốt đẹp, độc đáo, chùa Tường Vân xứng đáng là một di sản văn hoá vật thể tiêu biểu của vùng đất Hiệp Hoà nói riêng và Bắc Giang nói chung; góp phần làm giàu thêm cho kho tàng di sản văn hoá Bắc Giang cũng như kho tàng di sản văn hoá dân tộc.
          Chính vì vậy, việc tìm hiểu giới thiệu về ngôi chùa cổ Tường Vân cũng là giới thiệu một địa chỉ du lịch văn hoá - thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn đối với nhân dân trong và ngoài tỉnh Bắc Giang mỗi khi có dịp về thăm Hiệp Hoà; góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau phải biết gìn giữ, bảo vệ những giá trị văn hoá tốt đẹp mà ông cha để lại; cùng nhau góp sức phát triển du lịch văn hóa, khai thác các tiềm năng của địa phương hiện nay.
                 Bá Đồng

Bá Đồng
Tin liên quan